thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vương quốc của các nghệ nhân và hồn ma

 

Hôm nọ tình cờ tôi vào Văn Miếu và xem buổi liên hoan ca trù toàn quốc. Thấy có giáo sư Khuê về dự, đi theo là một cô gái quay camera khá xinh.

Ca trù là thứ âm nhạc thuộc thể tĩnh, rất khó nghe. Người nào tâm trạng huyên náo yêu thích chính trị và thể dục thì phải mất thời gian mới làm quen được.

Liên hoan tổ chức ở Văn Miếu là hợp, nơi thờ các vị đã khuất, cũng coi như là một thứ nghĩa trang. Những kẻ ngồi thưởng và dân biểu diễn xem ra cũng đều là những tay lì lợm coi sống chết chẳng ra gì. Cũng là nửa người nửa ma cả.

Trộm nghĩ đức Khổng Tử từ ngày sang Việt Nam làm “chuyên gia” cũng đã mê cái món hát cong này của người cuối phương Nam. Chắc là thầy cũng đang cùng bảy mươi hai đệ tử (đều trung thành cả) thưởng ngoạn. So với nhạc Thiều thì nhạc Chầu Văn thứ nào hay hơn cũng còn tùy cả vào người biểu diễn nữa cụ ạ.

Trong đám xem hát thì không thấy ông Tây bà đầm nào. Có lẽ vì thảy các nốt nhạc luyến láy non già đều chẳng cái mống nào trúng vào hệ ký âm bên phương Tây nên họ hóa thành mù nhạc, chẳng hiểu mô tê gì cả nên đã bỏ ra Khuê Văn Các chụp ảnh và tham quan rùa đá chăng?

Thứ ngôn ngữ âm nhạc này cũng như mọi ngôn ngữ cổ đại chân chính nơi đây, đều truyền khẩu, lấy tâm truyền tâm, không viết sách vì sợ bị biên tập và nhà xuất bản thuộc đám đông bóp méo.

Chỉ có những con người chân chính mới lĩnh hội được chứ không phải cái computer, và chỉ những con người đó mới là sách giáo khoa thực thụ.

Bí kíp nghệ thuật ở đây được truyền thụ như thế. Nên không bao giờ mai một và cũng không bao giờ bị xuyên tạc.

Anh sẽ không bao giờ tìm được những học trò đích thực của các môn phái. Họ luôn làm phận sự của mình trong bóng tối vĩnh hằng. Bất đắc dĩ họ phải viết sách để truyền thụ cho những học trò đặc biệt ngu tối thì những gì bí truyền và quan trọng nhất cũng không bao giờ xuất hiện với tư cách một hiển ngôn. Vì vậy, chúng như một mê cung ký tự đối với người ngoại đạo. Nhưng lại hết sức sáng rõ và dứt khoát với những kẻ được tông truyền.

Giống nhạc trong dân gian ngồi nghĩ lại ai cũng lấy làm lạ. Không ngờ trong cái chốn hang sâu tăm tối, đầy rẫy những muỗi và cứt trâu, ỉa chảy và mắt hột, đi đâu cũng lắc lư cái dạ dày sắn với lá khoai lang, thế mà đến chết còn mê nhạc, lúc “ra đồng” ngoài khóc lóc kêu gào ra thì phường bát âm phải đàn thật lực, đấy là phục vụ cho cụ bữa đạm nhạc cuối cùng.

Cái lối chơi nhạc của phường bát âm là đặc dị. Không phải vì họ biểu diễn trong khung cảnh rùng rợn đầy tử khí và xót thương hoặc là thỏa mãn, không phải vì họ chỉ kiếm miếng cơm hay đơn giản là khát khao một đời sống nghệ thuật. Mà điều đặc biệt là họ mãi mãi là họ, chẳng giống ai, và chẳng ai giống họ. Sự điềm tĩnh của họ với nghệ thuật là biểu trưng cho sự điềm tĩnh của con người nơi đây, trước lịch sử có khi thuộc về họ có khi chẳng biết thuộc về ai.

Thứ nghệ thuật trầm lặng và chậm rãi.

Ngôn ngữ vừa bí hiểm vừa sáng rõ.

Một sự thỏa thuận ngầm giữa mọi thế hệ và thời đại.

Nó như một cái cây, nhựa cứ chảy, và hoa lá cứ đơm ra.

 

Người ta nói rằng ở đây mọi thứ đều không chuyên nghiệp. Rất thiếu những người nghệ sĩ chỉ biết mỗi một việc là biểu diễn thỏa mãn khách hàng, thiếu những tờ báo phải bằng mọi giá giữ lấy đám độc giả ngớ ngẩn, thậm chí ngay cả một con điếm ở nơi đây cũng có khi phục vụ miễn phí thậm chí trở thành vợ của một ông cán bộ hay một nhà thơ. Sự nghiệp dư đến khủng khiếp của họ đã khiến tất cả chúng ta phải sợ hãi. Những cuộc họp phải dời giờ khai mạc muộn một tiếng chỉ vì chờ đài truyền hình đến để quay cho vào mục thời sự.

Và quả thực là tôi không thể nào hình dung nổi cái ông già cao như cây đàn đáy, ông cụ người Hưng Yên, bên cây đàn đáy của mình, một ngày nào đó lại sẽ trở thành một kẻ kiếm tiền chuyên nghiệp trên sân khấu với vô số những tay phóng viên săn ảnh soi mói đời tư sẵn sàng chui vào gậm chõng tre.

Ông già đã làm cho tất cả chúng tôi lặng người đi.

Vì đấy là lần đầu tiên chúng tôi nghe được một thứ tiếng đàn đáy như thế.

Ông từ đâu ra? từ trong cái làng vải hay từ đầm Dạ Trạch?

Cái khuôn mặt khắc khổ và những ngón tay dài.

Ông đã tạm thời làm chúng tôi quên đi những tay ghi-ta nhạc rốc lừng danh người đầy ma tuý, những nàng ca sĩ hở ngực và nhọn mông.

Anh không thể gặp được quá khứ, nhưng cuối cùng thì anh sẽ gặp đấy.

Đó là tiếng đàn đáy âm vực rất trầm, thứ đàn chỉ có riêng ở nơi đây và nó được chế tạo cho riêng lịch sử nơi đây. Bởi vậy, nó sẽ cho anh một thứ ngôn ngữ mà anh không bao giờ gặp được ở nơi khác.

Một thứ âm thanh tưởng giản đơn và mộc mạc, thong thả và dìu dặt. Nhưng chúng như một thứ nhựa, khiến con ve sầu dính chết ở đó, và im lặng cùng thời gian.

 

Ông cụ đã trở về Hưng Yên.

Chúng tôi không ai kịp hỏi tên ông cả.

Và có cần phải biết tên thực của ông không khi cái tên ấy rút cục cũng chẳng nói lên được một điều gì quan trọng lắm.

Ông cụ, cũng như Lão Đam, không bao giờ chúng ta biết là người hay là ma, là hiện tại hay là quá khứ, là hôm nay hay là ngày mai.

Chỉ biết ông không phải là một nhạc công chuyên nghiệp có bầu sô.

Và ông đã quay trở về một nơi nào đó trong cái tỉnh Hưng Yên nghèo khó của ông. Nơi ông treo cái đàn đáy dài ngoẵng lên bức vách của mình. Và hãy nhớ rằng, cây đàn đó không im lặng mãi mãi đâu. Chỉ có điều, nhiều người phải rửa cái tai “thối” của họ bằng nước sông Thái Bình đã lắng chìm bom tấn trước khi tìm được cái làng vô danh kia.

 

11/05

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021