thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khéo vỗ

 

Hồi năm 2001 Nhà xuất bản Khoa học Xã hội có in cuốn sách hơn 260 trang của Nguyễn Duy Hinh có tên là Trống đồng quốc bảo Việt Nam. Mặc dù vậy, đến nay chúng ta không ai biết trống đồng dùng để làm gì, trong nghi lễ hay hội hè, trong chiến trận hay nghệ thuật, và những cái hoa văn hình ảnh lưu trữ trên đó thực nghĩa là gì, giới nghiên cứu còn ngờ lắm. Ngay cả các bậc trưởng lão ở thôn quê hẻo lánh, đến cái trồng đồng thì tuyệt chẳng lần ra manh mối. Nhớ đến Thần Kim Quy chứ chịu không nhớ đến nổi cái trống đồng.

Có lẽ những kẻ thay sử gia hành đạo như các ông đồng bà cốt chắc cũng không thể nào mà giao lưu nổi với vị thần trống cổ.

Ngoài khoảng cách không gian chúng ta còn khoảng cách thời gian. Đi qua khoảng cách thời gian có những kỹ thuật riêng. Ông Từ Thức, một bậc cao nhân có thể đi mây về gió như thế, nhưng mà lại không biết cách đi qua thời gian, đành chịu bại. Thành ra ông tuy được lên tiên, nhưng mà cứ đứng yên mãi thế. Chẳng biến hóa được. Muôn dặm tìm về đến làng, hậu quả ai cũng cho là dân ngụ cư.

Trống đồng không giống ông Từ Thức, tuy rằng cũng quay về từ một thủa xa xôi. Tôi cũng đồng tình cho đấy là giống quý, bảo vật quốc gia. Một số nước có, chứ không phải nước nào cũng có.

Tuy trống đúc bằng kỹ thuật thế nào thì ngay cả bọn làm đồ cổ trình độ tót vời như thế mà cũng không dám chắc, tuy nhiên, nếu chậc lưỡi một cái thì ... dào ơi “trống nào mà chẳng là trống”.

Nói đến trống thì ai lạ gì.

Bản năng đánh hơi của chúng ta không thực sự tốt lắm, nó chỉ phát huy được ở trong diện tích hẹp bằng một cái giường đôi.

Mắt không hoạt động được về đêm. Nên ánh sáng với con người là rất quý chứ không phải thứ tệ hại như cách nhìn của loài chim vạc.

Chủ nghĩa lạc quan yêu đời thường gắn với hình ảnh ánh sáng. Ví dụ “con đường sáng”, “tia sáng”, “ngọn lửa trong tim”, “sao sáng dẫn đường”, “vầng hào quang”, “bình minh của đất nước”, “tương lai rực rỡ”, “thắp lên ngọn lửa nhân ái”, “đưa đường chỉ lối”, “xua tan bóng tối”, “xóa sạch đêm đen”.

Nếu con người có con mắt của loài vạc, tất cả những biểu tượng trên đều tự dưng thui chột đi cả. Thậm chí bị các nhà ngôn ngữ học cho rằng như thế là sử dụng ngôn ngữ còn yếu, không mang tính dân tộc.

Tai có tầm hoạt động rộng hơn cả. Ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, xa cũng như gần, đồng bằng lau sậy cũng như rừng núi điệp trùng. Chỉ cần đánh ba tiếng trống “tung tung tung”, dân trong vùng dịch ngay ra tiếng Việt là “cháy nhà rồi” hoặc “có giặc cướp”. Trong một thời đại internet còn chưa ra đời, hiệu ứng thông tin như vậy quả cũng nhanh nhạy.

Tiếng trống, có thể yên tâm nhận định rằng chúng rất phong phú, được quy chuẩn. Trống tan trường đến trống hội, trống chèo trống tuồng, trống đưa đám trống vật, trống cứu hỏa trống canh. Rơi vào cảnh “không kèn không trống” là tệ lắm. Thay đổi nhiều.

Nói về chiêu thức trong nghệ thuật, nguyên tắc căn bản về dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm, không gì đầy đủ bằng câu : “Trống nào dùi ấy”. Câu này ít được tầm trích chỉ vì tác giả khuyết danh.

Nội dung cơ bản của quy luật ấy là khi đánh trống thì phải dùng các loại dùi chứ không dùng chùy. Tránh nguy hiểm cho bạn.

Nói trống đồng - quốc bảo, cũng là điều chấp nhận được, và có lẽ phù hợp với xu thế thời bình. Dù theo truyền thuyết nhẽ ra mũi tên đồng đáng được vinh danh hơn, bởi truyền thuyết kể lại, sáng tạo đầu tiên của dân tộc được quốc tế công nhận chính là cái nỏ thần.

Nhưng nói về cái trống, nhiều chuyện ngẫm cũng thương. Những kẻ xa quê phải vòng lao lý kể lại, mùa xuân nghe ba tiếng trống thì nước mắt tự đâu mà ứa ra.

Chính phủ cấm pháo chứ không cấm sốt đất. Một số người từng đề nghị thay pháo bằng trống. Cứ giao thừa đến tảng sáng, mỗi nhà một vài thậm chí chục cái trống, đánh thật lực vào.

Tuy ý kiến trên chưa được chấp nhận nhưng năm nào lãnh đạo nhà nước cũng đến Văn Miếu đánh trống đón tân niên.

Có người bảo Văn Miếu thờ trống đồng, cụ nên dùng trống ấy. Nhưng giới nghiên cứu chưa thống nhất được chức năng của nó, nên ta còn e dè. Sự thực mà đánh trống đồng thì không mấy ai phản đối đâu. Khoa học mới ở chặng đi tắt đón đầu, chưa đi đến nơi. Khổ thế.

Ta còn có một loại trống, gọi là “Trống Cơm”.

Hồi đám thanh niên qua bên Hàn Quốc, lựa chọn mãi, cuối cùng tập bài “Trống Cơm” để sang giao lưu với họ. Họ khoái lắm. Bọn trẻ đồng bằng lớn lên, mười đứa phải chín đứa nghe hát bài “Trống Cơm”. Khắc thuộc. Chả cần biết nhạc. Tôi đi vào miền Trung công tác, thấy người ta nói tiếng Huế tiếng Quảng, nhưng mà ru con, đùa với con, lại đem bài “Trống Cơm” ra dùng. Mới vỡ lẽ là bốn năm trăm năm xa châu thổ sông Hồng, đã thành người Quảng, người Nha Trang, mà cái bài “Trống Cơm” thì vẫn thời sự. Gươm mở cõi thì cởi rồi, nước Mỹ vài trăm năm còn cởi hết như không, nói gì mình chuyện xưa đã gấp mấy lần. Còn cái “Trống Cơm” đeo lại cho con. Tự truyền cho nó, tự khắc là gia bảo.

Bài “Trống Cơm” hát nhanh cũng hay, hát chậm cũng hay, hát vừa thôi, cũng không phải là dở. Hát hội đã hay, nhộn, dí dỏm, mà hát kiểu ru hời cũng thấm, cũng xao xác. Bài ấy tiết tấu của trống là nhiều, nhưng mà dàn nhạc tấu lên cũng rất đĩnh đạc, vững vàng.

Những tác phẩm dân gian còn lại cả ca vũ nhạc như “Trống Cơm” là rất ít. Nó cổ quá.

Lời của bài “Trống Cơm” là văn chương. Súc tích, biến hóa.

Ví dụ như những người con gái, không dưng muốn hóa thành con nhện. Vì sao lại nhện? Chăng biết bao nhiêu là tơ. Nhưng cái anh chàng này ! chẳng biết làm nghề gì, dân gọi là “khách tang bồng”, phải tốn tơ lắm, mới bắt được.

Khách tang bồng là ai?

Chúng ta biết rằng biểu tượng có khi đa nghĩa. Đa tầng cảm xúc.

Người đâu khéo vỗ trống, khiến nàng nhớ khách tang bồng.

Phải ngẫm nghĩ một lúc mới biết khách tang bồng là ai. Và vì sao chàng phải là giống “tang bồng”.

 

01/06

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021