thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vụt hiện của con thạch sùng

 

Hoàng Hưng trong đêm thơ. (Photo: Tam Lệ)

 

Tôi đến Viện Gớt Hà Nội từ lúc chạng vạng để dự Đêm Thơ Hoàng Hưng thì đã thấy Hoàng Hưng cùng Lê Đạt và con trai ông Hoàng Cầm cũng vừa xuống xe. Bác Lê Đạt nói : “Tôi đang ốm, nhưng mà nó cứ đến lôi đi.” Con trai bác Hoàng Cầm đem theo một bài phát biểu bằng giấy của bố, bảo: “Ông cụ đau chân chả đi được”.

Đêm thơ khá đông người dự. Nhưng độ tuổi của thính giả khá cao, bình quân có lẽ trên năm mươi.

Phòng đọc thơ không rộng lắm, hơn nữa nếu mời thêm khách thì cuộc đọc thơ này dù là của một tác giả tên tuổi cũng khó so bì với một trận bóng đá hay buổi ca nhạc.

Nhưng quả thực, khoảng cách giữa các lần xuất bản thơ của Hoàng Hưng là quá lớn, điều đó khiến tác giả không duy trì được sự gối đầu các lớp độc giả của mình.

Một người như Vũ Trọng Phụng chẳng hạn, vẫn nhiều độc giả, Số đỏ của ông luôn hiện diện trong các hiệu sách.

Các thế hệ được tiếp sức, bằng sách, bằng tác phẩm.

Trong buổi đọc thơ, Hoàng Hưng kể rằng hai bài thơ đầu tay của ông, ông đã đưa đến nhờ Văn Cao xem.

Đó chính thức là lúc Văn Cao đã tiếp sức cho Hoàng Hưng.

Cách làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, và kiệm lời. Tất cả những điều đó, đều thấy trong thơ Hoàng Hưng.

Hoàng Hưng cũng nói, ông tiếp thu được nhiều từ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… về lối làm thơ chú ý đến sức biểu đạt của âm, đến những từ ngữ tưởng như là vô nghĩa. Sự truyền thụ ấy cũng kịp thời.

Có thể, nếu tiếp tục sống ở Hà Nội, Hoàng Hưng sẽ không có cuộc bứt phá thực sự trong thơ, và không thể hoàn thành sứ mệnh của mình.

Nhưng ông đã vào Sài Gòn, thành phố sau chiến tranh, với biến động lớn, khác hẳn cuộc sống tuần tự ở Hà Nội.

Đi chụp ảnh dạo để kiếm sống. Cuộc đời diễn ra trước mắt ông, trước máy ảnh của ông. Cũng nhờ vào Nam ông tiếp xúc thêm với tác phẩm của một số tác giả hiện đại nước ngoài mà trước ông chưa biết tới. Có thể ông còn gặp được những tác giả trong nước khác nữa.

Cuộc sống hằng ngày vắt kiệt sức lực của người sáng tác. Nhưng thơ chẳng thể sống ở chỗ nào khác, ngoài cõi trần gian còn đầy tham sân si.

Số lớn các tác phẩm của Hoàng Hưng xuất phát từ tình huống cụ thể, những câu chuyện, những khoảnh khắc đời thường.

Đặng Đình Hưng, Trần Dần hay Lê Đạt thì khác, các tác phẩm của các ông nhanh chóng trở thành một thế giới chữ mang tính học thuật, hàn lâm, duy lý với một chiều sâu của cảm nhận và phân tích.

Cuộc sống Sài Gòn lúc đó đã không cho Hoàng Hưng kịp ngồi trầm ngâm với các luận đề hay biểu tượng. Cuộc sống vụt trôi qua rất nhanh với khối lượng cảm xúc và sự kiện chóng mặt.

Thơ hoặc sẽ là một đống tạp phí lù, một bãi rác của các sự kiện và cảm xúc, hoặc sẽ chỉ là một cái đuôi đã đứt của con thằn lằn.

Hoàng Hưng chọn cách thả mình theo dòng xoáy của cuộc sống, và ghi lại, có khi ghi bằng trí nhớ, bằng cái bút tưởng tượng, những từ, những câu vọng vang, đâu đó. Thậm chí từ giấc mơ trong giấc ngủ mệt nhoài sau những ngày nhăn nhó với đám khách hàng không bao giờ công nhận kẻ đứng thẫn thờ trong ảnh là mình.

Ông đã để chính cuộc đời mình thành tấm lọc lớn. Như một thứ phim đặc biệt, chỉ ghi lại những gì từ một “bước sóng” riêng.

Tập Người đi tìm mặt giờ đây không chỉ là tập thơ mang dấu ấn lịch sử đặc biệt một thời, khó thay thế, mà nó còn là cột mốc trên con đường cách tân thơ. Ông đã mở “cửa trập” cho thơ hiện đại ghi hình và hiện hình.

Thơ Hoàng Hưng có cái chắc chắn, chân phương, nghiêm ngặt, khoa học… từ thơ của các bậc tiền bối. Nhưng ở ông bắt đầu xuất hiện yếu tố bản năng mạnh mẽ, sự chi phối của tiềm thức và tinh thần dân chủ giữa người sáng tác với tác phẩm của mình. Điều đó, ông gần với Bùi Giáng.

Ở thơ Đặng Đình Hưng và thơ Trần Dần, chúng ta có thể dự đoán được các phần, các câu, thậm chí đôi khi là các từ, sự xuất hiện và tần xuất sử dụng chúng. Trong nhiều bài thơ của Hoàng Hưng, sự bất ngờ mới là vẻ đẹp chính.

Có những câu thơ, ghi lại từ trong giấc mơ, như ông đang nói trong đêm thơ, tác giả cả đời chưa chắc đã lý giải được. Những bài thơ thách đố cả tác giả.

Thơ thách thức, thơ có quyền được bí ẩn, có quyền vụt hiện lên và có quyền biến mất hết sức ngọt ngào. Cũng tựa như một nhiếp ảnh gia thực sự lớn đã để vuột mất những khoảnh khắc bấm máy quan trọng nhất của đời mình.

Tác giả luôn làm chủ tình hình. Thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương là như thế. Đến Hàn Mặc Tử thì ông bắt đầu thấy thơ là con ngựa bất kham, là nàng tiên và có khi là ma. Giữa ông và thơ xuất hiện những rạn nứt đầu tiên.

Hoàng Hưng nhiều năm nghiên cứu đạo Phật, biết thiền. Ông có căn duyên với cuộc sống tự trước, đáng tiếc ông không phải là một Phật tử nguyên nghĩa. Nhưng dù sao, thay vì kiểm soát thơ, ông đã cố tình để thơ kiểm soát mình.

Thơ với ông không còn chỉ là một cách biểu lộ tình yêu, bộc lộ tư tưởng, chí khí, hay chủ kiến.

Và dĩ nhiên nó càng không phải vũ khí đa nòng để săn các giải thưởng, các giám đốc, người đẹp, và chức tước.

Ông cứ để thơ trôi dạt. Và cuộc đời ông trôi dạt, cứ thế, cứ tự nhiên như thế. Ông giống chàng Trương Chi.

Hãy để nỗi đau đến, và đi.

Không phải tất cả các vết sẹo đều là thơ, và thơ không chỉ toàn là sẹo.

Hãy để các chính trị gia đến, và đi, họ có những niềm vui và khó khăn của họ.

Hãy để chúng ta đến và đi, bởi vì chúng ta còn phải luân chuyển vô bờ.

Vậy cái gì đã neo câu thơ ở lại ?

Nhà thơ, lấy cuộc đời mình làm nơi neo đậu của thơ, không lấy thơ làm nơi neo đậu của mình.

Nhà thơ là nơi neo đậu của tất cả, chứ không phải là nơi trú ngụ của công danh và sự phô diễn tài ba.

Nhà thơ là một “que cứt khô”.[1]

 

***

 

Tôi ngồi nghe Hoàng Hưng đọc thơ và trả lời các câu hỏi.

Tôi là người gặp may. Ông đã mất mát không ít, làm ra dăm bảy bài thơ cho thế hệ chúng tôi đọc.

Chúng tôi đều cười với nhau chua chát.

Đặng Thân có nghiên cứu về kinh Dịch, mới bảo, văn mà phát thì khổ quá. Hại lắm. Ví dụ như Hoàng Hưng, Bùi Ngọc Tấn, những người hiền lành, ngây thơ nhất, thì lại đi tù. Đấy là vì văn nó phát, nó hành đấy.

Người như Hoàng Hưng, là con một gia đình trí thức Hà Nội, cậu ấm, ngơ ngác suốt đời. Khôn của mình không bằng dại của thiên hạ. Bảo: “Đây là lần đầu tiên trong đời mình, tôi được đọc thơ trên tổ quốc của tôi.” (Thực ra viện Gớt thuộc đại sứ quán Đức, cũng không hẳn là tổ quốc của ông đâu). Trang trọng và ý nghĩa quá chừng, nhưng mà tác giả toàn quên thơ, phải nhắc thơ, nhắc rồi cũng lại quên.

Làm thì chẳng bao nhiêu bài, tự nhớ được có mấy bài.

Đọc thơ chẳng có gì làm hay. Xúc động quá thành ra đọc bài nào cũng như bài nào. Bao nhiêu người thầy của mình, trong nước và quốc tế, không khảo mà xưng, cứ sợ người ta cho là giỏi về “thuổng”. Thật ra, có ai làm thơ được một mình. Đều có sự phù trợ cả. Từ cả nghìn năm trước đến bây giờ.

Một cái ông nhà thơ như thế, thì có đảng phái chính trị nào dung nạp, có chế độ nào cần.

Làm thơ, mười người đọc, chín người ghét, phẩm chất nhà chính trị ở chỗ nào. Người chống đối mạnh nhất chẳng phải ai khác mà chính là các bạn bè trong giới! Và bạn đọc!

Thế mà lại vào ngồi tù. Cái nhầm lẫn của tạo hóa với giới văn chương, đôi khi cả giới khoa học nữa, tự cổ xưa đến nay vẫn không đổi. Người ta bảo trong số những người bị tù thì Hoàng Hưng là người oan nhất, vì ông chẳng có bè phái gì, lơ ngơ láo ngáo, vào tù chỉ vì yêu thơ, chẳng biết sự đời.

Không thể bảo một kẻ vào nhà đá là khôn được. Cái người làm chính trị, vào tù đôi khi còn được tổ chức cứu ra, chứ cái anh nhà thơ, vào đấy thì “đồng chí” có mỗi một con thạch sùng.

Rõ ràng là có một sự nhầm, của các nhà tù.

 

01/06

 

Châu Diên, Tam Lệ, Hoàng Hưng

 

_________________________

[1]"Que cứt khô" (càn thỉ quyết, 乾 屎 橛 ) xuất phát từ một công án Thiền.
Một tăng sĩ hỏi tổ Vân Môn: "Phật là gì?" Tổ đáp: "Que cứt khô." [Chú thích của Tiền Vệ]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021