thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nam Dương, trận chiến từ mỹ thuật tới truyền thông

 

Trong cuộc triển lãm nhị niên quốc tế (Center Point Biennale) ở Jakarta cuối năm ngoái, 500 người dân Nam Dương biểu tình trước một tác phẩm installation của hai tác giả Agus Suwage (sinh 1959) và Davy Linggar (sinh 1974), Pinkswing Park [Công Viên Xich Đu Hồng]. Tác phẩm gồm một chiếc xích đu thiết kế theo kiểu xe kéo giống như là xích lô (ở Indonesia gọi là becaks), đặt ngay giữa căn phòng mà ba bức tường xung quanh là ba bức hình chụp lớn bằng kích thước bức tường; hình chụp được xử lý với kỹ thuật ảnh diễn tả một kiểu thiên đàng trần thế với những Adams và Eva trần truồng. Tuy những người mẫu này được che bớt chỗ kín bằng những vòng tròn trắng do chính hai tác giả tạo ra, thiên hạ vẫn có cảm giác rằng tác phẩm bị kiểm duyệt bởi chính quyền.

Cuộc biểu tình này được dàn trận bởi một tổ chức tên gọi là “Mặt trận bảo vệ Hồi Giáo”, những người đã lên án tác phẩm trên là khiêu dâm và chống lại những điều răn thiêng liêng của Hồi giáo. Xin nói thêm, cuộc biểu tình được phép của cảnh sát.  Quản lý chuyên trách về mỹ thuật Jim Supangkat đã lật đật lấy vải trắng che tác phẩm lại. Chưa hết, biểu tình tiếp tục, hai ông nghệ sĩ có khả năng bị truy tố về tội phổ biến hình ảnh khiêu dâm và báng bổ tôn giáo. Một số nghệ sĩ khác tháo gỡ tác phẩm của mình và mang đi, một hành động phản kháng sự phản ứng quá khích của một quần chúng bị kích động. Jim Supangkat đóng cửa triển lãm luôn.

 

Pinkswing Park
Installation của Agus Suwage và Davy Linggar, Triển Lãm Nhị Niên Quốc Tế tại Jakarta, 2005.

 

Tác phẩm Pinkswing Park thật ra nhắm tới một nội dung mang tính phê phán xã hội nhiều hơn là điều mà những người Hồi giáo quá khích lên án. Để đáp ứng đề tài “Đô thị / Văn Hoá”, chiếc xích đu màu hồng nhái lại theo mẫu của những chiếc becaks trong thành phố của Nam Dương. Những người đạp becaks này phần lớn là những người nông dân không còn đất để làm ăn nên đổ ra thành phố, trở thành những người dùng sức lao động của mình trên chiếc xe becaks để kiếm cơm. Phương tiện chuyên chở rẻ tiền này thích hợp với túi tiền của dân lao động và nhất là phù hợp với những con đường nhỏ mà xe bus không thể (không muốn) vào. (Điều này không khác Việt Nam là mấy.) Tuy nhiên, những người lái xe này lại không được xem là dân thành phố, tuy rằng họ vẫn là những cư dân sống ở đó. Tác phẩm Pinkswing Park đưa ra một sự mỉa mai điểm thêm một chút hài hước trong khi đặt chiếc xích đu theo kiểu becaks, màu hồng của sự phù phiếm, và một khu vườn địa đàng không tưởng. Những nhân vật khoả thân trong hình là hai nhân vật nổi tiếng của thế giới kịch nghệ và người mẫu ở Nam Dương, Anjasmara và Isabel Yahya. Nhưng thay vì chỉ có một Adam và một Eva, hai ông nghệ sĩ Suwage và Linggar đặt khá nhiều Adam và Eva trong vườn địa đàng với nhiều tư thế khác nhau, đứng ngồi…, khiêu khích cũng có, mà vô thưởng vô phạt cũng có. Vậy thì những hình ảnh khoả thân (nhưng được tự kiểm duyệt) này đã trở thành tiêu điểm chính cho những lời phê phán và buộc tội; tác giả có thể ngồi tù. Còn chiếc xích đu hồng thì bị bỏ quên!

 

Pinkswing Park – chi tiết từ bức tường chính giữa

 

Mặc khác, ý tưởng đầu tiên của hai tác giả khi nộp bản thảo là thực hiện ra một khu rừng để đối lập với cái “khu rừng bê tông cốt sắt” của đô thị hiện thời ở đất nước họ. Cuộc sống đương đại thiếu vắng thiên nhiên, con người chạy đua với mức gia tăng dân số và nhà ở trở thành một vấn đề bức thiết là những điều mà người dân phải trả giá cho một cuộc sống đô thị và kỹ nghệ hoá.

Nhiều nghệ sĩ tỏ ra thất vọng khi thấy ông Quản lý chuyên trách về mỹ thuật Jim Supangkat không có một lời phân bua nào hết với những người biểu tình. Thật ra, trong vai trò của ông, việc bảo toàn các tác phẩm nghệ thuật và toà nhà Museum of Bank Indonesia trong quận Kota là nơi tổ chức cuộc triển lãm trở thành mối bận tâm đầu tiên khi ông nhìn thấy đoàn người biểu tình  đông đúc ùn ùn được chở tới nơi bằng xe bus và xe tải ! Cuộc triển lãm không nhận được sự tài trợ từ nhà nước. Các nhà quản lý đã vận động tiền bạc cũng như là vị trí để triển lãm từ các ngân hàng. Và điều tất nhiên là họ phải có trách nhiệm bảo vệ toà nhà lịch sử Museum of Bank Indonesia trước sự tấn công của những người quá khích.

Trước đó, “Mặt trận bảo vệ Hồi Giáo” đã từng đe doạ đốt gallery Kedai Kebun ở Yogyakarta ( một thành phố lớn sau Jakarta của Nam Dương) khi gallery này trưng bày những tác phẩm khoả thân của một tác giả. Gallery Kedai Kebun đã buộc phải treo tranh úp mặt vào tường![1]

Jim Supangkat đã tuyên bố cuộc triển lãm nhị niên quốc tế năm 2005 là cuộc triển lãm cuối cùng, “Để cho Biennale chết như một thánh tử vì đạo” bởi vì ông cảm thấy nghệ thuật không được tôn trọng và có những người đã nhân danh luân lý để lăng nhục nghệ thuật.

Những thành viên trong “Mặt trận bảo vệ Hồi Giáo” cũng lên án luôn tạp chí Playboy như là một biểu tượng của sự suy đồi luân lý ở phương Tây. Đáp lại, tạp chí Playboy đề nghị một biện pháp trung dung là sẽ không in hình phụ nữ khoả thân bởi vì thị trường Nam Dương với dân số khoảng 242 triệu người là một đối tượng tiêu thụ lớn. Không in hình phụ nữ khoả thân thì Playboy sẽ dùng hình ảnh gì  để thu hút độc giả? Chưa ai biết.  

Cuộc biểu tình trên và những tiếng vang của nhiều sự công kích của giới Hồi giáo chính thống đã khiến cho quốc hội Nam Dương soạn thảo một bộ luật chống khiêu dâm, trong đó cấm ăn mặc hở hang hoặc chật bó, và cấm cả việc hôn nhau ở nơi công cộng.  Những người ủng hộ hoặc là “che theo chiều gió”, hoặc là những người thuộc phái tả. Có những người ôn hoà không tán thành, nhưng không ai dại gì ra miệng trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Đạo luật chưa ban hành mà nền du lịch của Nam Dương đã kêu trời, bởi vì như vậy thì du khách không ai dám phơi nắng ngoài bải biển, và ngay những cặp vợ chồng phương Tây đứng đắn nhất, chắc là cũng gạch tên Nam Dương ra khỏi hành trình du lịch của mình. Nhưng có lẽ những nghệ sĩ, kể cả các nhà làm phim, là những người sẽ bị bó tay bó chân vì đạo luật mới này, dự định sẽ được ban hành vào giữa năm 2006.

Tháng hai năm nay, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông của Nam Dương đã ban hành đạo luật mới cấm những luồng thông tin của ngoại quốc, và buộc các cơ quan thông tin phải xin giấy phép hoạt động từ Bộ bởi vì nhà nước Nam Dương không thể nào kiểm soát nổi 3000 đài phát thanh và truyền hình “chui” trong nước. Một số các cơ quan thông tấn đã phản đối: Uỷ ban Truyền Thông Nam Dương, Hiệp Hội Ký Giả Độc Lập, và ngay cả Hiệp Hội Báo chí Đông Nam Á đóng đô ở Bangkok cũng gởi thư phản đối tới Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.  Trong khi đó, đài BBC và VOA, mặc dù được đánh giá cao bởi chính quyền Nam Dương, có chiều hướng là sẽ được truyền tải một vài phút chậm đi để có thì giờ cắt bỏ “những nội dung không thích hợp.” Hiện nay, một số đài đã tự ý ngưng truyền tải các chương trình phát sóng nước ngoài.

Những người Nam Dương theo khuynh hướng tự do e ngại rằng đạo luật này mở ra một thời kỳ kiểm duyệt mới đe doạ nền dân chủ và tự do diễn đạt. Theo một số nhà quan sát thì Nam Dương là đất nước có nền tự do ngôn luận khá nhất châu Á sau khi nhà độc tài Suharto bị buộc phải từ chức năm 1998 sau 31 năm tại vị.

Vào ngày 15 tháng 2 năm nay, những nhà quản lý mỹ thuật và nghệ sĩ  Nam Dương đã cùng nhau họp lại và ký tên vào một bản tuyên ngôn để “phản đối những toan tính và phương tiện lăng mạ chỉ nhằm xem xét và phán xử tác phẩm nghệ thuật như là những hành vi tội phạm”.[2] Báo The Jakarta Post ngày 25 tháng 2 đã loan tin và tóm lược bản tuyên ngôn này. Đi xa hơn nữa, The Jakarta Post cũng thông báo là sau khi bản tuyên ngôn này lưu hành một thời gian, giới nghệ thuật không phải là trong lĩnh vực thị giác đã yêu cầu nên phát triển bản tuyên ngôn này sang các lĩnh vực văn chương, và múa, bởi vì chuyện ngăn cấm sự diễn đạt trong nghệ thuật là một sự thua thiệt chung cho xã hội.

Đọc bản tuyên ngôn này và ngẫm nghĩ so sánh với tình hình kiểm duyệt ở Việt Nam, xem ra mấy ông bà Nam Dương này can đảm thiệt!

 

_________________________

[1]Theo Sue Ingham, University of Tasmania, Indonesia Workshop, December 2005.

[2]Xem Indonesian Arts Community for Civil Liberties; http://pingswing.wordpress.com/2006/02/26/pinkswing-park-against-rightists-allegations/#more-16


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021