thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vĩnh biệt Thanh Tâm Tuyền

 

Trưa 23-3-2006, nhận tin báo từ Mỹ của anh Đinh Cường: Thanh Tâm Tuyền đã từ trần… Một cái gì đó vỡ nát trong tôi. Điện thoại cho Trần Thị Ngh., anh Nguyễn Tiến Văn (định cư Canada, về ở lâu tại Sài Gòn)…, tất cả đều đã biết tin Thanh Tâm Tuyền mất.

Mỗi nhà văn là một kẻ sống sót, Thanh Tâm Tuyền ra đi, mãi mãi để lại những lời thì thầm giữa cơn cuồng nộ của lịch sử. Quý trọng Thanh Tâm Tuyển, tôi càng quý trọng anh, một nhà văn dám thừa nhận sự thất bại. Tôi đã rất yêu mến anh, lưu giữ những ngày Sài Gòn, cà phê chiều vỉa hè dưới bóng mát tàn cây me đường Gia Long, câu chuyện văn nghệ không làm màu, tước bỏ mọi ảo tưởng, nhà văn không có gì ngoài cây bút bé mọn chỉ có thể viết nên nhịp thở anh một trái tim em một trái tim / chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác…

Những ngày Sài Gòn, câu chuyện văn nghệ giữa cái bàn cái ghế, ông lính già trông nom cái ăn cái uống trong cơ quan Trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Ông lính già thân thiết ấy hỏi anh Tâm: “Chắc cái lưng đại uý hơi gù gù vì ngày xưa…”, ông đại uý cười rất vui rất thật, cắt ngang: “Anh lại nghe người ta bảo rằng tôi cứ là hay đi vòng vòng bờ hồ Hoàn Kiếm, nên cái lưng tôi nó gù gù chứ gì. Sự thật là hồi nhỏ, ở Hà Nội, tôi phải đi gánh từng gánh nước ở phông-ten về nhà dùng, nên làm sao cái lưng nó chả gù gù.” Lúc đó tôi là binh nhì ở Cục Tâm Lý Chiến, có lần quá bực ông “sếp văn nghệ”, thổ lộ với anh Tâm rằng tôi định xin đi học lại nốt giai đoạn 2 ở trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Anh Tâm bảo: “Cậu chớ để cái tự ái nó hại mình. Chịu đựng được ông sếp nhiều trái tính trái nết đó cậu mới khá.” Nghĩa là, do lời khuyên của anh Tâm, tôi không động đậy gì nữa ở cái phòng làm việc suốt mấy năm trời, mà cũng không thấy ngột ngạt nữa. Cũng vì anh Tâm quan tâm đặc biệt tới việc viết lách của tôi, nên tôi hăng hái viết truyện ngắn, thứ mà bây giờ nhìn lại, tôi thấy tôi phù hợp với nó hơn phù hợp với thơ.

Lúc anh Tâm đi “cải tạo” tập trung, anh bảo tôi mang con Lu về nuôi: “Tôi đi học tập cải tạo, cậu mang nó về mà nuôi, ở nhà tôi chắc chả ai trông nom nó bằng cậu được. Khi nào nó đẻ, cậu giữ lại cho tôi một con.” Lu có đẻ mấy con, dưới gầm đi-văng, không hiểu sao, mấy ngày sau chẳng thấy con nào nữa, Lu thì kêu rít thảm thiết. Lúc anh Tâm “học tập cải tạo” ở miền Bắc về, con Lu bị bọn trộm đánh cắp.

Anh Tâm “học tập cải tạo” được về nhà vào đúng ngày 30 Tết, tôi là người thứ hai tới thăm anh. Người thứ nhất tới thăm anh, một chàng viết lách có cặp kè với công an sao đó, không rõ vì sao anh Tâm biết, anh nói với chàng này rằng anh quá mệt, xin được miễn tiếp. Cái lần anh cũng quá mệt như vậy, tôi cũng phải ngạc nhiên. Anh tới nhà anh Tô Thuỳ Yên, dắt chiếc xe đạp vào sâu cái khoảng hẹp giữa hai bức vách. Rồi anh lại trở vào cái khoảng hẹp đó để loay hoay dắt cái xe đạp ra, đi về. Chàng nhạc sĩ “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản” đang ngồi ở bàn uống cà phê giữa sân nhà anh Tô Thùy Yên, anh ta vụt đứng dậy, nói với theo, giọng trọ trẹ tiếng Huế: “Tôi tệ hại chi mô mà anh không ưng gặp mặt?”

Anh Tâm đã từ trần, tôi thấy tôi bơ vơ quá. Mười mấy năm nay không gặp anh, nhưng vẫn biết anh có mặt, có hít thở dưới bầu trời, một bầu trời dù quá mênh mông, anh một phương, tôi một phương. Tôi đau tiếc lần anh về Sài Gòn, tôi biết muộn, không gặp đươc anh. Lần đó tôi tiếc nhưng hy vọng lần sau thế nào mà chẳng gặp.

Tôi còn lần nào để gặp anh Tâm, để tin chắc rằng, vẫn còn sờ sờ đây, người không bao giờ bôi vẽ, trá hình với cây bút.

 

Sài Gòn, 24-3-2006

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021