thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện Dã Tràng, và xe cát văn học Việt Nam

 

Thân tặng 2 nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn và các cây viết có mặt trong cuộc hội luận Văn Học Hải Ngoại.

 

Lời người viết:
 
Đối thoại của các nhân vật lấy ý từ bài đề dẫn của Nguyễn Hưng Quốc và các phần phát biểu của những hội thảo viên trong cuộc hội luận văn học được tổ chức tại Little Sài Gòn ngày 27/01/07, xoay quanh chủ đề “Văn Học Hải Ngoại: Thành Tựu và Tiềm Năng”. Thành phần tham luận gồm có các nhà thơ, nhà văn: Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Vĩnh Phúc, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hương, Nguyễn Xuân Nghĩa, Cao Xuân Huy, Nguyễn Chí Thiện, Hoàng Ngọc-Tuấn, Trần Vũ, Trần Doãn Nho, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Quỳnh Mai, Đỗ Quyên, Trần Mộng Tú, Đặng Hiền, Phùng Nguyễn, v.v...
 
Cuộc hội luận diễn ra trong vòng trật tự, hoà nhã và tôn trọng ý kiến lẫn nhau. Những thay đổi, thêm thắt chi tiết trong câu chuyện sau đây hoàn toàn do ý người viết. Chuyện không phản ánh hoàn toàn những diễn tiến của cuộc tranh luận, xin người đọc đừng hiểu lầm.

 

 

Bãi biển nước ngoài. Ở một góc bãi, dưới một tán dù hình chữ nhật ô xanh, sọc đỏ, 52 ngôi sao, lố nhố những con dã tràng đang làm việc, con đứng con ngồi, con lăng xăng. Trên cổ mỗi con đều mang một màu (color code) theo đúng tiêu chuẩn kiểm soát nhân viên của mẫu quốc. Những con cổ vàng có giờ làm việc vào xuất sớm nhất, tuổi ngũ tuần trở lên, gương mặt đậm nét mệt mỏi, chán chường. Màu sắc của cổ đi theo số tuổi và giờ giấc. Các con cổ xanh giờ làm việc bắt đầu trễ hơn một chút, sau đó là các con cổ cam, cổ tím, cổ xanh lục, cổ nâu, cổ đỏ, v.v... Sắp xuân mà tiết hàn còn nấn ná. Gần trưa, mặt trời vẫn mù mịt sương muối chưa chịu ra chào. Các giám thị đảo qua, lại, quanh quất, nghe ngóng. Gió mát. Cát đọng nước óng như quyện mật, được vun thành đống theo chiều thời gian, chờ xe đến mang đi. Những anh cổ đỏ, vóc báo di chuyển, bước đi là một vũ khúc động nhịp ba. Nàng mái cổ hồng lướt qua, tia nhìn xén tim vài chàng đực. Nàng cổ lam dập dờn áo mỏng thạch nhũ trần nửa trong, nửa ngoài. Cô nương cổ tím quần dài thun bó viền ren, da thịt câu cấu, ẩn, hiện. Cụ cổ vàng khoan hòa mực thước, nhấp ngụm khí trời vào phổi đợi giờ cơm. Lái chiếc xe cát vào chỗ đậu, anh cổ cam đưa tay chùi giọt mặn mồ hôi, lưng dài, gọn dáng thư sinh. Thời gian chậm chảy loãng.

Một hồi kẻng trưa vang lên, tất cả ngưng tay, chỉ một anh dã tràng xanh vẫn cặm cụi say sưa trên đống cát. Một cụ cổ vàng lại gần hỏi:

“Này cậu nghỉ đi chứ, mà đang làm gì thế?”

Anh cổ xanh nhịp nhàng tới lui tay cầm một dụng cụ đặc biệt có đầu giống ngòi viết di di trên cát. Cát cuộn thành hình dưới đầu ngòi. Những hạt cát quyện vào nhau chập thành tinh thể cực lạ, thoạt nhìn tưởng như những nét vẽ kỷ hà, nhìn kỹ thấy hình tượng là các chữ cái. Các tinh thể lấp lánh, đổi dạng liên tục, lúc hình lục giác, khi quả trám, thấp thoáng trái trứng, lúc đổi qua ống tròn miệng hình phễu. Trên mặt cát la liệt những viên cát, cái tròn, cái méo, cái chưa ra hình thù gì cả. Dừng tay, anh cổ xanh điềm đạm trả lời:

“Tôi đang xe cát văn học các cụ ạ.”

Cụ cổ vàng ngồi xuống, vặn mình một cách uể oải.

“Khổ quá tôi đã bảo các cậu rồi, chỉ hoài công vô ích, cái hạt cát văn học hải ngoại của chúng ta đã lão hoá mất rồi, có xe cho khô, xe tới, xe lui, hạt tròn, hạt méo, hạt thon thon cách mấy, lũ sóng chúng cũng ùa vào, rồi cuốn ra bể hết thôi. Bản chất hạt cát văn học chúng ta là nhỏ nhoi, phù phiếm, bất an, bị kỳ thị khắp mọi nơi, nhất là trong nước. Cậu có xe đầy, xe vơi đổ vào bãi bể nước nhà, những công an, những pô-lít văn học, guồng máy chính quyền, họ có để yên cho đâu. Họ lấy cớ họ là chính mạch, mình là ngoài luồng, để không chấp nhận, phe lờ đi tất. Văn học sử ba mươi, sáu mươi, trăm năm sau ai biết thời bây giờ có những hạt cát văn học hải ngoại mà các cậu nhọc công thế?”

Một cụ khác đứng gần đấy, nhét thuốc vào tẩu đen. Lửa khơi dấu ngã từ miệng cụ phát khói, thơm vút lên chạc cây “hương ngược gió”. Cây này là loại lai giống lạ, gốc gác từ miền bể trung nguyên Việt Nam được các cụ dã tràng đem về gây giống trồng lại trên cát. Nó thuộc loại cây sống trên cát xứ nhiệt đới, ra hoa bốn mùa, không chịu được lạnh. Tới đây nó èo uột rụng hoa, rụng lá, trải qua bao lần sinh tử. Rồi cuối cùng vì năng lực sinh tồn quá mạnh thêm vào sự chăm nom và lòng thương mến vô cùng của người trồng, nó sống khoẻ, sống mạnh như chủ nó (các dã tràng di dân), và ra hoa. Lúc này trời còn lạnh, khắp nơi cây trơ, cành trụi, tiêu điều, mà cây “hương ngược gió” đơm đầy hoa trắng.

Hương hoa và mùi khói thuốc quấn vào nhau nồng nã tựa hương nguyệt quế trộn cỏ và thảo mộc mục. Pập pập thêm một ngụm khói, cụ thong thả phụ hoạ với cụ cổ vàng:

“Đây, tôi nói cho mà lấy kinh nghiệm. Bao nhiêu tiền của, công sức tôi đổ vào mấy xe cát văn học này bấy nhiêu năm có thấy trong nước họ nhắc nhở tới đâu. Cả cái văn học miền Nam trước 75 còn tiêu tán không dấu vết, huống gì ba cái hạt cát be bé của chúng ta. Đã vậy, mỗi lần đem tiền đi lo việc xe cát, đong cát, chở cát, bà nhà tôi cứ lắng nhắng, cau có, than phiền tôi mang tiền đi lo chuyện tầm phào, ruồi bu. Thật đúng là công dã tràng đó cậu.”

Nắng len mây chợt loè một nhúm toé hình nan quạt. Sóng vỗ tạp âm bể trưa. Vài cặp dã tràng ngồi tán gẫu. Tiếng cười giọng mái xoe xoé chém khoảng không. Đang rà rà bên một cô mái cổ hồng, chú cổ đỏ nghe được câu chuyện liền đổi mục tiêu, nhảy vào đám đông, đỏ mặt tía tai phát biểu:

“Các cụ nói thế là tiêu cực, là bi quan. Hải ngoại chúng ta có biết bao tài năng văn học đã phát triển và sẽ phát triển. Chúng ta đi tiên phong, đóng vai trò tiền vệ, làm chất xúc tác cho nhiều nỗ lực đổi mới và hiện đại hóa văn học trong nước. Những phong cách sáng tác mới, chẳng hạn như chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, đã được chúng ta đầu tiên thử nghiệm ư ứng dụng trong văn chương tiếng Việt. Nhận thức mỹ học cũng mới và khác lạ. Cái riêng tư của con người được khám phá nhiều nhất, kể cả đời sống tình dục. Chủ nghĩa hậu hiện đại được quảng bá sớm và đầy nhiệt tình. Hải ngoại đấy các cụ.”

Tiếng tranh luận ngày càng to, lôi cuốn được sự chú ý của một chàng cổ cam đang nằm phơi nắng. Chàng vươn vai khoe bờ ngực nở nang có tập tạ, hấp háy đôi mắt dưới vầng trán cao có vẻ thông minh, chen vào cuộc góp ý:

“Cánh chúng ta còn có công trong việc xe cát trên không, các cụ đừng quên đấy nhé. Những hạt cát văn học trên không đầu tiên do chúng ta thực hiện nhờ liên mạng toàn cầu đã là một tiên phong cần tuyên dương. Phải gọi nó là “văn học di dân” mới đúng. Nó đã gìn giữ được di sản của Văn Học Miền Nam 1954-1975 bị thiêu hủy tại quê nhà. Giới thiệu ra thế giới nhiều tác phẩm giá trị của trong nước và ngược lại, nhờ dịch thuật.

“Qua liên mạng mà văn học trong nước được chúng ta giúp cởi trói, tạo nên một nền văn học ngoài luồng đầy sức sống, cộng thêm nền văn học di dân tự do phơi phới, đúc kết thành một nền văn học Việt Nam duy nhất không bị kiểm duyệt. Liên mạng thực là một vũ khí cởi trói không chỉ với trong nước mà với cả thế giới.”

Xưởng làm việc là những cao ốc nối kết nhau, mái cong, có dạng chiếc mai cua vàng, tiệp màu cát. Bên ngoài các toà nhà đều được bọc chăn tàng hình 7 lớp phòng chống ngoại tuyến. Khi cần biến mất, các tấm chăn được phủ xuống, cả thế giới dã tràng sẽ trở thành vô hình, không một tia ngoại tuyến nào có thể thấy hay phát hiện được. Những hạt cát chữ sáng tạo được đưa vào xưởng, qua máy nén chữ để thành một thứ sóng phát qua đường ngoại tuyến có tần số cao truyền đi khắp thế giới. Một chú cổ nâu chuyên viên máy nén chữ vừa rời phòng việc đi ngang, thấy anh cổ cam gãi đúng chỗ ngứa của mình, chú giơ tay lên, phùng mang trợn má nói:

“Tôi đồng ý với anh cổ cam, liên mạng thật diệu kỳ, sự tiến bộ kỹ thuật này thay đổi được vận mạng của văn học hải ngoại. Chúng ta không còn lo việc lỗ lã hay bỏ tiền túi ra để quảng bá xe cát văn học nên người thưởng ngoạn càng nhiều hơn vì không tốn tiền mua mà lại tiện lợi muốn truy cập vào liên mạng để tham khảo lúc nào cũng được. Ngoài ra liên mạng còn là nơi bảo tồn toàn bộ những công trình văn học miền Nam giai đoạn từ 1954 tới 1975 bằng cách chúng ta hãy bắt đầu những dự án thư viện, văn khố cho một Văn Học Miền Nam.”

Không khí cuộc tranh luận đã lên đến cao độ, các dã tràng giơ tay xin nói ngày càng nhiều, vài cụ cổ vàng được chỉ thị đứng ra điều khiển cuộc tranh luận cho có trật tự. Cụ thâm niên nhất cho phép một chú cổ xanh lục phát biểu. Tuy nhiên một góc đám đông ồn ào hẳn lên, tiếng léo nhéo với những âm thanh chói tai phá vỡ mọi sự im lặng. Một chị cổ tím bước ra phản đối:

“Nãy giờ các anh, các cụ, các chú thay phiên nhau nói mà không cho chúng em có cơ hội nói, xin cho dã tràng mái chúng em được phát biểu.”

Có tiếng lao xao trong đám đông:

“Các nữ quái cướp diễn đàn bà con ơi.”

Cụ thâm niên vuốt vuốt chòm râu, gật đầu, giơ tay trấn an và cho phép. Cổ tím cô nương chớp chớp đôi nheo mới gắn dài thoòng, rậm ri, lắc lắc mái tóc hung hung vàng, ỏn ẻn bước ra chúm chím:

“Bây giờ là lúc chúng ta phải nói tới nữ quyền. Ở đâu tư tưởng nữ quyền được đề cao trước nhất và quyết liệt nhất? Ở đâu cái chất mái được giải phóng, cởi trói, tự do bày tỏ, vươn lên, vượt qua bờ rào thành kiến đạo đức và xã hội để được sống bình đẳng như mọi người khác? Ở hải ngoại. Chúng em là các nữ tướng đi tiên phuông đấy các cụ, các anh ạ.”

Sau một lúc quơ tay, lắc tóc lia lịa, cổ tím ào ào đi ra nhanh như lúc cô ào ào đi vào. Vừa khuất bóng, lại thấy cô chạy ra xin phép cho cô cổ hồng.

“Cho em tiếp nối chị áo tím một tẹo các bác nhé. Ngoài nữ quyền, so với trong nước chúng em còn đi tiên phong trong việc đề cập tới sex, mỹ học của cái tục trong văn chương. Chúng em chịu bao nhiêu dèm pha, dè bĩu, lên án để đánh đổi lấy cái tự do được nói, được xe hạt cát hình tròn, hình ống hay hình gì tùy thích cho chị em phụ nữ trong nước noi theo. Các bác ghi sổ công chúng em nhá.”

Cổ hồng bước ra mà không khí còn đọng lại lời nói đanh thép của cô, một vài dã tràng đực ngồi cười tủm tỉm khi nghĩ đến chữ “sex” cô ta vừa nhắc đến.

Lần này tới phiên chú cổ xanh lục ra nói:

“Cái tôi muốn nói là ta nên lấy cái bi quan để làm nền cho mạng lưới văn học. Từ sự bi quan, bế tắc, thất bại, người ta mới làm nên văn chương, mới có sáng tác, sáng tạo. Nếu mọi điều, mọi thứ đều suôn sẻ chắc không có văn chương, thi phú, tác phẩm để đan kết lại xe cát văn học đâu. Hơn thế nữa, chúng ta có thể gọi văn học hải ngoại là cánh tay nối dài của 20 năm nền văn học miền Nam. Công khó của văn học hải ngoại là sự tái tạo, bảo trì và tiếp nối dòng văn học miền Nam trước 1975 mà trong nước đã tìm mọi cách để xoá bỏ.”

Các cụ cổ vàng bắt đầu vỗ lưng, vỗ cổ ra vẻ mệt mỏi, bầu không khí tranh luận vẫn còn sôi động. Vài chú cổ cam chạy đi uống nước, vài cô cổ tím xì xầm to nhỏ. Một cô cổ xanh cốm xin phát biểu ý kiến.

“Các anh, các chị cho em đề nghị một dự phóng về tiềm năng của văn học chúng ta là đưa văn chương Việt Nam đến những cộng đồng văn chương thiểu số khác, đưa tác phẩm Việt Nam vượt biên giới ngôn ngữ bằng cách chuyển ngữ, xuyên biên giới văn chương bằng dịch thuật. Chúng ta tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm, nó chưa phải là chung cuộc, mà có lẽ chỉ là bước khởi đầu và sẽ còn lớn mạnh nữa. Chúng ta không sợ hãi chuyện “lão hóa” như một số cụ bi quan nghĩ. Chính ý tưởng “lão hóa” cũng là một biên giới, biên giới mang tính thời gian, trói chặt chúng ta vào một định mệnh bi thảm không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh khỏi. Nếu chúng ta không đẩy lùi những biên giới thì những biên giới sẽ bóp nghẹt chúng ta. Cách chúng ta nhìn thế giới sẽ thay đổi chính cái thế giới mà chúng ta đang nhìn ngắm.”

Một cụ cổ vàng xem đồng hồ ra dấu sắp hết giờ nghỉ và cho phép thêm một ý kiến cuối cùng mà thôi. Chú cổ xanh lam đang cầm đàn dự định chơi đàn giải lao, bỏ vội cây đàn xuống xin được kết thúc cuộc tranh luận.

“Chúng ta đã nói đến đặc điểm, tiềm năng của xe cát văn học hải ngoại. Những khía cạnh tiêu cực, bi quan, khó khăn, trắc trở, bế tắc, ta đã bàn qua. Việc quan trọng là chúng ta phải lướt qua những khía cạnh tiêu cực đó để tiếp tục xe cát vì việc làm của chúng ta không phải là công cốc. Ngược lại chính cái nền văn học xã hội chủ nghĩa trong nước mới là “Dã tràng xe cát biển Đông”, vì trong tương lai nếu chủ nghĩa cộng sản kết thúc thì nền văn học xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ tiêu tan theo như bọt sóng. Bất chấp mọi nỗ lực của Đảng và nhà nước, nền văn học chính thống của họ sẽ không còn ai nhắc tới nữa. Thực trạng văn học Nga đương đại cho thấy, tất cả nền văn học Xô-viết đều đi vào quên lãng. Bây giờ, những thành tựu của nền văn học Nga thế kỷ 20 chính là những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ Nga lưu vong.

“Thực trạng văn học Việt Nam hôm nay cho thấy, nền văn học Việt Nam hải ngoại đang gây ảnh hưởng cũng như thay đổi cái nhìn và chiều hướng sáng tác của các cây viết trong nước. Qua liên mạng, dù có tường lửa hay không, những độc giả trong nước vẫn tìm cách đọc và tiếp cận với nền văn học hải ngoại. Chúng ta không chờ đợi nền văn học chính thống đón nhận chúng ta. Chúng ta chỉ cần viết sao cho hay. Nền văn học chính thống kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa sẽ bị đào thải. Những tác phẩm hay của văn chương Việt Nam hải ngoại và văn chương ngoài luồng (trong nước gởi ra) sẽ trở thành những tác phẩm của nền văn học Việt Nam thực sự trong tương lai.

“Chúng ta phải nhắm tới cái đích của chúng ta là một nền VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC CỦA NHỮNG CON NGƯỜI TỰ DO SÁNG TẠO. Dù chúng ta không được ghi công hay có phải làm hòn đá lót đường cho một nền văn học Việt Nam thịnh vượng sau này chúng ta cũng nên hy sinh phải không các bác, các chú, các anh, các chị?”

Các dã tràng đều đồng loạt vỗ tay đồng ý. Tiếng kẻng vang lên báo hiệu giờ làm việc đã trở lại. Trên cát ướt, bóng nghiêng của những con dã tràng xe cát in dài đậm nét. Chúng làm việc cần cù chẳng màng đến những đợt sóng đang dâng cao sắp sửa ào đến nhận chìm công khó của chúng như một định mệnh (?). Nhưng chúng không tin vào thuyết định mệnh vì xưa nay có câu “Nhân định thắng thiên”. Những xe cát văn học được kiến thiết thành những bức tường kiên cố với nguyên liệu bằng chất giấy cộng chất dẻo vô hình liên mạng quyện chặt lấy nhau. Móng tường được chế biến bằng một tinh chất đặc biệt luyện từ lòng nhiệt thành và tình đoàn kết, có thể cắm sâu xuống tầng tầng cát dầy mà không sợ sự tàn phá của sóng thần, phong ba, bão táp. Bức tường văn học hải ngoại sừng sững ngày càng cao vòi vọi trong bóng chiều.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021