thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khi thi sĩ tiếp thị

 

 

Từ hồi ăn lông ở lỗ tới nay, bọn thi sĩ là những kẻ chỉ biết chơi với chữ, mà chỉ chơi một mình. Chơi một mình xong thì lòi ra bài thơ, tức là cái [kết/hậu/hệ] quả của cuộc chơi một mình đó.

Thiên hạ tình cờ đọc được bài thơ, rồi tuỳ [tiện/tâm] khen chê. Âu cũng là lẽ thường. Bọn thi sĩ [thứ thiệt] không để những lời ấy làm bận tâm mình, trừ khi những lời ấy đến từ ngòi bút của bọn phê bình [thứ thiệt].

Rimbaud chơi một mình với chữ từ năm 16 tuổi đến chưa đầy 20 tuổi thì "giã từ cõi mộng điêu linh / anh về buôn bán với mình phôi pha..." [thơ Bùi Giáng]. Và chỉ sau khi xếp bút nghiên, bắt đầu "nhập triền thuỳ thủ", thì con phượng hoàng thi ca mới dấn mình vô cõi tiếp thị, để buôn súng, da bò, cà phê, xạ hương... ở châu Phi, rồi lang thang mưu sinh cho đến năm 37 tuổi phải trở về Marseilles để cưa cái chân phải bị ung thối, và chết trong bệnh viện.

Trong mấy năm làm thơ của chàng trai rất trẻ — nhưng sau này được xem như một đại thi hào, chứ chẳng bao giờ như một "nhà thơ trẻ" — chàng in vỏn vẹn một tập thơ, Une Saison en Enfer (1873), chỉ bán được vài bản, và chưa bao giờ màng đến tác quyền, để mặc cho thiên hạ muốn làm gì thì làm. Mười ba năm sau khi Rimbaud vĩnh viễn giã từ cõi thơ và đang phiêu bạt phong trần ở châu Phi xa xôi, thì thi sĩ Verlain — người "bạn tình" vong niên một thời — mới đem ra in tập thơ thứ nhì của Rimbaud, Les Illuminations (1886). Tất nhiên, Rimbaud chẳng hề biết chuyện này và cũng chẳng màng. Đối với chàng, cuộc chơi thơ đã chấm dứt từ khuya.

Nói chuyện xưa thì ngẫm chuyện nay. Nói chuyện người thì ngẫm chuyện ta.

Ở xứ ta bây giờ, thơ có vẻ như càng ngày càng biến thành một món hàng để bán. Mà đã muốn bán, thì phải biết tiếp thị. Ngay cả bán rất rẻ, gần như biếu không, vẫn cần tiếp thị, vì đôi lúc nhà thơ chẳng cần tiền bạc chi mấy, nhưng cần cái "danh".

"Trẻ" là một cái nhãn để tiếp thị. Có nhiều nhà thơ ngoài 40 tuổi vẫn còn là "nhà thơ trẻ". Đây là cái trò "mài sừng làm nghé" để người đời thương hại mà thông cảm, nhẹ tay với những vần thơ vụng dại. Để tiếp tục được ưu đãi, lắm "nhà thơ trẻ" ở xứ ta cứ khoe cái kiểu nhí nha nhí nhách ấy cho đến khi... gần có cháu ngoại. Chẳng phải thế sao?

Nhưng có lẽ cái trò "mài sừng làm nghé" ấy cũng chưa đủ. Để được người đời ưu đãi hơn, các "nhà thơ trẻ" của ta còn có thêm cái trò "dựa tùng, dựa mai" nữa. Ở xứ ta thì không có loại "tùng", "mai" nào mà có tán lớn, gốc bự, đáng dựa cho bằng các quan lớn. Bởi thế, có nhà thơ đã nhờ một ông quan ở quốc hội viết giùm lời tựa cho tập thơ của mình. Than ôi! Cái loại quan ở quốc hội ấy có biết [chó] gì về thơ! Ngay cả hàng trăm nông dân ngồi lê la trườc quốc hội hàng tháng trời để kêu ca mà họ còn chẳng còn thì giờ để nghe, để biết, thì hơi đâu mà họ đọc thơ mới! Thế nhưng, nếu các nhà thơ của ta vẫn thích dựa loại "tùng", "mai" này, thì hẳn đó phải là một lối tiếp thị có hiệu quả. Tôi đoán rằng vì trình độ đọc thơ của đa số quần chúng độc giả còn non nớt quá, nên họ mới thấy lời giới thiệu của một ông quan dốt thơ là chỗ dựa đáng tin cậy cho giá trị của tập thơ.

Tuy nhiên, cách tiếp thị có hiệu quả nhanh và rộng nhất trong quần chúng là biến mình thành "celebrities". Ôi! Có vô số cách để biến mình thành "celebrities". Rẻ nhất là biếu bì thư cho bọn phóng viên, để chúng bịa ra những bài phỏng vấn liên tục trên báo, trên mạng, với những cái "tít" giựt gân kiểu kỹ nghệ rock'n'roll của Mỹ. Rồi quan hệ thù tạc lung tung để thay phiên ca cẩm nhau, bơm nhau trên báo, trên đài. Rồi tìm mọi cơ hội để chườn mặt ra trước đám đông, tự quảng cáo bằng những thứ ngôn từ hoa hoè hoa sói triết lý ba xu, hay tự khai ra những chuyện đời tư linh tinh đầy mùi cải lương và hư cấu, vân vân...

Tệ hơn nữa là tìm mọi cách để gây "scandal", bất kể phải trái. Đụng phải cái gì họ cũng làm ầm lên được. Nếu không đụng phải cái gì cả, họ vẫn có thể gây chuyện ra như thể vừa đụng phải cái gì ghê gớm lắm, để có cớ mà làm ầm lên. Chẳng hạn, trong thơ Âu Mỹ, việc các nhà thơ mượn câu chữ từ thơ của người khác như vật liệu để sáng tác theo lối "pastiche" (giễu nhại) là việc bình thường; nhưng trong thơ ta, điều đó có thể biến thành "scandal". Nhà thơ được người khác mượn câu chữ để làm "pastiche" có thể vừa âm thầm sướng, nhưng lại vừa la làng rằng "tôi bị đạo văn!" [dù biết rõ đó là "pastiche" chứ chẳng phải đạo văn], rồi vác lên báo, tạo thành một "scandal" ầm ĩ, để tiếp thị.

Ôi! Tiếp thị!

Một ngày nào đó, nếu bạn nằm chiêm bao thấy mình lang thang ở Ethiopia hay ở Marseilles, tình cờ gặp một chàng trai trẻ có đôi mắt xanh ngơ ngác và mái tóc lởm chởm bù rối đang lê cái chân phải sưng tấy trên con đường xa tắp dưới ánh nắng chói chang, thì tôi đoan chắc với bạn rằng đó chính là Rimbaud. Lúc ấy, nếu bạn đến nói với chàng rằng hơn một thế kỷ nay người ta đã in đi in lại và bán đi bán lại không biết bao nhiêu triệu bản của những tập thơ của chàng, và rằng thơ của chàng đã được dịch ra không biết bao nhiêu thứ tiếng và đã được không biết bao nhiêu nhà thơ mượn câu chữ như vật liệu để làm thơ "pastiche", vân vân..., thì tôi đoan chắc với bạn rằng Rimbaud sẽ chẳng hiểu bạn nói gì. Và nếu bạn vẫn cố gắng giảng giải cho chàng về những điều ấy, thì chàng sẽ hét vào mặt bạn: "Foutre le camp!"

 

28/07/2007

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021