thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyến xe 47, qua góc nhìn của tôi

 

Tôi — hoạ sĩ Ngô Văn Lực người đề xuất ý tưởng và vận động tiền tài trợ từ Ana về chuyến xe trình diễn của các nghệ sĩ Tp.HCM — đọc bài "Chuyến xe thơ 47 và 12 giờ không nghệ thuật" do Lý Đợi viết, tôi có một số điều cần nói rõ thêm và cảm nhận như sau:

Chuyến xe của chúng tôi nằm trong dự án của Sneaky Week (một tuần luồn lách) của hoạ sĩ Phạm Đức Tùng (Hà Nội), tinh thần chung của dự án là kết nối 3 miền Nam – Trung – Bắc, mỗi nghệ sĩ tham dự làm một tác phẩm ở không gian công cộng hoặc ứng biến trong không gian sống của mình; tất cả những hành vi trình diễn đó sẽ được quay phim, chụp hình lại, sẽ chiếu tại viện trao đổi văn hóa Pháp; sau buổi trình chiếu sẽ là workshop, mọi người cùng ngồi với nhau thảo luận về tác phẩm của mình.

Để tham gia vào dự án này tôi cũng có ý tưởng và hình thành lên dự án của một chuyến xe không nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ Tp.HCM. Ý tưởng này xuất phát như một sự đảo nghịch về quan niệm trong nghệ thuật cũng như trong ý đồ mà hoạ sĩ Phạm Đức Tùng đưa ra. Thay vì các nghệ sĩ Hà Nội và Huế suy nghĩ để làm tác phẩm thì chúng tôi chọn cách vui chơi, thay vì cá nhân mỗi người một tác phẩm chọn vẹn thì chúng tôi chọn tác phẩm cộng đồng và có thể biến thiên, Thay vì cái gọi là tác phẩm thì chúng tôi sẽ không có tác phẩm một cách đúng nghĩa, chỉ là một chuyến xe vui chơi, ca hát, nhảy múa tất cả hành trình của chuyến xe được lưu ký lại như một video trọn vẹn giống như bất kỳ chuyến đi chơi nào của những người bình thường, điều đó có được gọi là tác phẩm hay không thì mọi người có quyền nhận định, và dẫu sao mục đích lớn nhất là ngày hôm đó đem lại sự thư giãn cho các nghệ sĩ — một ngày thật sự không nghệ thuật.

Nhân tiện Bùi Chát ra mắt tập thơ 47 cũng với ý tưởng của anh là chọn chuyến xe có 47 chỗ ngồi, cộng hưởng với những thắc mắc của Lý Đợi về chuyến xe thơ thất bại của hội đồng Anh, mọi thứ được đồng thuận theo suy nghĩ và mục đích riêng của mỗi người tham dự chuyến xe 47... Theo tôi đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị. Phải nói rằng chưa bao giờ mà trên chuyến xe có đầy đủ mọi thế hệ nghệ sĩ, trí thức từ già đến trẻ như vậy. Một chuyến xe của nhiều lý do đã tạo nên sự thành công và phong phú đa dạng cho chuyến xe 12 giờ không nghệ thuật.

Đúng như tinh thần của dự án, mọi người đi chơi vui đùa tùy thích, mọi người có thể làm những việc mình thích: có người ngủ, có người nghỉ ngơi, có người uống beer, có người tắm biển. Đó là một ngày thật sự thư giãn cho những người làm công việc tư duy, một ngày mà mọi người có lý do để nghỉ ngơi và tất cả những khoảng khắc ấy đối với tôi thật sự thú vị. Ở đây mọi người không còn bàn luận với nhau về công việc, không còn trăn trở về nghệ thuật, để hưởng trọn cái cảm giác mát mẻ của không khí biển Vũng Tàu.

Mở đầu bày trò là Lê Quý Anh Hào lấy máy cái túi nilon đựng đầy nước rồi kêu mọi người lên nắm lên làm sao cho cái bao đó vỡ xì nước ra ngoài. Tôi cũng tham gia nhưng thật sự không hiểu anh ta muốn nói gì thông qua hành vi đó. Bùi Chát hì hục xịt những logo của tập thơ vào lưng, vào mông, vào ngực như cố tình để lại dấu ấn gì đó trên mọi người, trên mọi nơi mà anh đi qua. Lý Đợi quay phim, chụp hình. Nguyên Quán thì đọc diễn cảm bài thơ của mình trước biển. Còn tôi giữa không gian ấy, hoàn cảnh ấy, tôi chỉ thích trần truồng như con nhộng để cảm nhận cái cảm giác mát mẻ trên biển, lân la bò hoài để mọi người đắp cát lên mình, đó là cảm giác cực kỳ sảng khoái. Tiếp đó để khuấy động tinh thần vui chơi tôi mời mọi người viết ước mơ của mình lên cát, về tình yêu, tình dục, về những điều thầm kín. Mọi người tham gia một cách nhiệt tình vui vẻ. Ấn tượng nhất là Nguyên Quán đã vẽ cái âm hộ trên cát rồi cứ thế lè lưỡi liếm, để cát dính đầy mồm, mọi người làm công việc đó chẳng để cho ai xem, chẳng cần suy nghĩ gì, nhưng chính như vậy mà nó lại là những hình ảnh sống động và tự nhiên.

Nếu ai gọi những hành vi đó là tác phẩm thì có lẽ nó sẽ là một tác phẩm, còn nếu ai đó cho rằng đó là trò chơi của con nít tự do quậy phá hoặc giả có người nói đó là hành vi đòi quyền dân chủ thì cũng chẳng sai, và tôi nghĩ sẽ còn nhiều người suy nghĩ khác nhau thông qua hành vi đó. Với riêng tôi, mọi thứ đem lại cho tôi sự vui vẻ trọn vẹn trong ngày nghỉ.

Tôi có quan điểm rằng nghệ thuật không đơn thuần là một hành vi phản kháng hay một mục đích đơn thuần nào. Nghệ thuật là cuộc sống trong đó bao gồm cả cảm xúc niềm vui nỗi buồn và sự đam mê. Nghệ thuật, ngoài tính phản tư, còn làm cho con người xích lại gần nhau hơn, làm cho cuộc sống bớt căng thẳng hơn, làm cho mọi người hòa mình vào cuộc sống thực tại để làm chủ bản thân mình.

Sau khi tham gia chuyến xe 47 tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều chuyến xe nữa sẽ được khởi hành như một sự nhắc nhở con người nên có những khoảng lắng sau những ngày bận rộn vất vả của mình, nhắc nhở về sự thiếu tính cộng đồng của người Việt Nam một cách trầm trọng, nhất là nghệ sĩ. Chuyến xe 47 cho dù nó không được gọi là một tác phẩm nghệ thuật theo một số quan niệm, nhưng dẫu sao nó cũng mua được khoảng thời gian thư giãn quý giá , làm cho mọi người có cơ hội gần gũi nhau hơn, tìm được niềm vui trong những gì giản dị đời thường, và trong một khoảng khắc nào đó mọi người cũng tự suy nghĩ về những công việc của mình một cách sáng suốt. Chuyến xe 47, những ai nhìn vào bề nổi của nó sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu ai nhìn từ một phía, theo tôi, chỉ là những ngộ nhận hời hợt. Thực sự chuyến xe 47 được nhiều hơn bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật mang tính đột phá và sâu sắc nào, it nhất là tình trạng nghệ thuật ở Việt Nam và mối quan hệ của nghệ sĩ Việt Nam trong thời điểm này.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021