thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cà-phê Đà Lạt xưa

 

Hiện diện tại Khu Hoà Bình, trung tâm thành phố Đà Lạt, trên sáu mươi năm, là quán cà-phê Tùng — chúng tôi gọi là “Cà-phê Đà Lạt xưa” — những ẩm khách cà-phê từ thập niên 1950 tới nay ở thành phố cao nguyên không thể không nhớ. Qua chừng ấy năm, quán cà-phê Tùng, căn nhà một lầu hai mái ấm áp khiêm nhường, cứ như vậy mà tồn tại giữa những nhà hộp bê-tông mặc sức lên cao tầng. Nhìn vào cái biển quán, ở “auvent” của căn nhà một lầu, CAFÉ Tùng, đã là một sức mời gọi lặng lẽ mà quyết liệt một nhà văn trầm tư thắm thiết với hương vị cuộc sống: Nguyễn Tuân. Chính nơi đây, tác giả Vang Bóng Một Thời uống tách cà-phê đầu tiên khi đặt chân tới Đà Lạt sau ngày biến cố lịch sử Ba Mươi Tháng Tư 1975. Ông Tùng kể lại: “Tôi không nhớ ông Nguyễn Tuân có uống cà-phê hay không. Tôi đã để dành một chai Courvoisier để mời nhà văn mà tôi từng mong gặp... Ông Nguyễn Tuân bảo, vào cái quán này như vào để nghe một tiết tấu của điệu Blues buồn, tiếng đàn cello trổi lên trong cái không gian lặng thầm của quán...”

Chúng tôi vào quán cà-phê Tùng từ những năm 1960, phong cách, kiểu dáng của quán thuở ấy tới bây giờ, lúc nào cũng vẫn như vậy. Vẫn những bàn ghế trang trọng đơn giản giữ mãi một vẻ không cũ không mới, trên nền nhạc hoà âm trầm. Chiếm khoảng lớn trên bức tường, hoạ phẩm Người đàn ghi-ta của Vị Ý: một mình một bóng vươn dài để gãy gục, đầu người, đầu phím đàn chúc xuống bục gỗ thô tháp màu nâu khô. Ở một bức tường phía trong, hoạ phẩm của Cù Nguyễn: Thiếu nữ mơ màng một hạnh phúc nào... Nghĩa là chúng ta phiêu bạt bất cứ nơi đâu, khi trở lại vẫn là yên ả chốn cũ, quán cà-phê Tùng luôn đón tiếp chúng ta như vậy.

 

 

Ông Tùng đã mất vài năm nay, trở thành người thiên cổ, như nhà văn Nguyễn Tuân còn lại ở quán cà-phê Tùng câu chuyện về ly rượu mạnh, như hoạ sĩ Vị Ý còn lại trên bức tường quán Người đàn ghi-ta mãi hoài cơn đam mê khắc khoải. Người con của ông Tùng, Trần Đình Thông, đảm đương quán cà-phê Tùng tiếp nối ông Tùng. Chúng tôi nghĩ tới những tên tuổi danh xưng như định mệnh: Tùng, Thông ở nơi chốn ngàn thông... Người tiếp nối giữ một lòng kiên trinh với ý vị gia truyền của một quán cà-phê lập nên từ thuở Đà Lạt còn nhiều thơ mộng nguyên sơ, sương còn nhiều mù sa dày đặc, ngựa con theo mẹ đi thong thả trên đường phố cùng khách nhàn du...

Ẩm khách trẻ tuổi vào những quán cà-phê có nhạc rock nhạc pop, họ không vào quán cà-phê Tùng. Chúng tôi vừa nghe lại trong quán cà-phê Tùng một bản nhạc rất xưa, nhạc nền trong một cuốn phim của điện ảnh Pháp từ những năm 1960: L’Eau Vive. Và chợt nhớ thi sĩ Bùi Giáng, một ngày đã xa mù mịt, thi sĩ cùng chúng tôi nhìn bầu trời Đà Lạt âm u qua cửa kính quán cà-phê Tùng như những ngày này. Trung Niên Thi Sĩ (Bùi Giáng) viết hai dòng thơ trên miếng giấy bạc trong bao thuốc lá:

Quán ngồi mỏi. Nắng chưa lên.

Chợt vui tràn. Thấy còn nguyên sơ đầu.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021