thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tinh thần ‘tuỳ tiện’ Chăm & thông điệp GLƠNG ANAK

1. Câu chuyện.

Luận sư Ấn Độ Rajneesh Chandra (thường gọi là Osho) nói về hoả táng của Ấn Độ với giọng đùa nghịch cố hữu:

“... Và bạn biết những người Ấn Độ, họ không thể làm bất cứ cái gì cho có hiệu quả. Giàn hoả sẽ không bắt lửa, nó sẽ chỉ cháy một cách nửa vời, và rồi thi hài sẽ không cháy, và mọi người làm đủ cách để nó cháy...” (Cuộc đời của Luận sư Ấn Độ Rajneesh Chandra, Đỗ Tư Nghĩa sưu tầm và biên dịch, NXB Trẻ, TPHCM, 2007, tr.107).

Ấn Độ không làm gì ra hồn cả, luôn nửa vời — một bậc đại thánh của họ nhận định thế, về dân tộc họ. Chăm cũng chẳng hơn gì. Đó là truyền thống văn hoá Bà-la-môn! Xin nhắc lại: truyền thống. Nửa vời ngay cả với vụ việc được coi là linh thiêng nhất: sự chết và đám thiêu. Dù người Chăm chuẩn bị cho sự chết và đám thiêu ngay khi bắt đầu có con cái, hoặc sớm hơn nữa.

Năm 15 tuổi, tôi đã mở to mắt nhìn mẹ tôi vui ra mặt khi lần đầu sắm sửa được đồ chết kaya angwei. Mẹ ngắm nghía, gói lại, rồi cẩn thận treo nó lên xà nhà. Ngang hàng với ciet sách. Như đàn ông Chăm ứng xử với sách, mỗi tháng mẹ rước nó xuống ngắm nghía, gói lại và treo lên. Trang trọng! Cho cha mầy và cho tao. Tại sao, tôi hỏi. Con nít không biết gì đừng có nhì nhằng.

Nhịn ăn nhịn mặc để mua sắm và rồi mang mấy thứ quý giá đó đốt đi ở cuối đời. Đáng lắm chứ. Nhưng có mỗi củi là thứ có sẵn ngay sát bìa rừng thì dứt khoát — không! Khổ vậy đó. Ông anh họ tôi nặng tám mươi kí lô gam hơn, vậy mà bà con chỉ cho anh tiêu đúng mỗi xe củi. Người là người mượn nên, ăn thì đầy bụng nhưng củi lại là củi “lưng” xe. Trai tráng trong họ được mượn đánh xe trâu lên rừng, trước ngày đám lên có một, hai buổi. Thì lấy đâu rặt củi khô. Có buộc khăn lạy ikak khan kakuh nó cũng không chịu cháy cho ra hồn. Chân cẳng người chết thò ra ì xèo. Thế là mọi người được dịp nhốn nháo lên. Đám nhóc đành bỏ dở cuộc tranh giành bạc cắc vừa được vãi ném qua giàn lửa ppaphwơl apwei mà vâng lời quý ngài “nửa vời” để chạy vào làng ôm củi khô về tiếp viện.

Xưa nữa, năm tôi mẫu giáo. Tháng Mười một. Mưa dầm dề. Dịch tả tràn lan. Dịch thì có người chết. Đã chết thì thiêu, không thể khác. Chăm hiếm khi chịu gởi thi hài nhờ thần đất cưu mang ba nau paywa, để một, hai năm sau giở lên roh tagok làm đám khô đam thu. Dẫu nó có lây lan tới ai, tới đâu — mặc. Gia đình có chút thế lực thì càng. Một tuần, có khi hơn nửa tháng nằm đó, trong rạp kajang. Đợi ngày lành khiêng đi thiêu. Thi hài bốc mùi. Dân làng vẫn ăn uống. Cấp Paxeh cứ cho người chết ăn ppahwak, đám trẻ vẫn tối tối mò qua chờ giờ ăn chực chè yaung bu. Vô tư! Lãnh đạn nặng hơn cả có lẽ là ban đàn hát Ong dauh túm tụ tấu khúc tiễn đưa người quá cố. Nhiều đêm như thế, họ ngồi đó e... a... a... cùng với tiếng đàn kanhi não nuột. Giữa khuya nghe mà gai người. Tôi cứ giành với anh Đạm phần phía bên trong tường mà ngủ.

Người chết, lí tưởng nhất là đám lên đam tagok ngày thứ Tư — thứ Năm ở không dauk thauh — thứ Sáu đốn cây hatak kayuw — để thiêu cuh vào sáng thứ Bảy hoặc ngược lại. Còn ví nhắm mắt theo ông bà nhằm ngày không lành, đành phải chịu cảnh nằm rạp đợi. Vừa phiền hà vừa mất vệ sinh, chưa nói đến chuyện người ngoài nói xấu Chăm làm đám táng chặt đầu nhau kauh akauk lấy chín miếng xương cho vào hộp nhỏ klaung đợi ngày vào kut tamư kut.

Lôi thôi quá, nhân dân tiến bộ Caklaing bèn ra tay. Hội Bảo Thọ mời ông Quảng Đại Hồng thuyết về đam thu. Nghe nói ông chỉ tán chuyện ngoài lề, vậy mà bà con vẫn thủng cái lỗ nhĩ. Để rốt cục hết thảy làng Chăm tin nghe dân Caklaing, phá lệ làm đam that. Hú vía!

_________________________________
Người Chăm nói giữ kut giữ tathat, giữ mồ giữ mả, bảo vệ đất thiêng của họ hàng, làng mạc. Đi xa chúng ta luôn nhớ và quay về. Khik kut, tuổi trẻ chúng tôi kịch liệt phản đối tinh thần cầu an, gà què ăn quẩn này. Không dám dấn thân, không dám tha phương vẫy vùng. Làm như chúng tôi luôn sẵn sàng xăn quần vùng vẫy!
Ông chú họ xa ở Vụ Bổn bảo đấy là do âm mưu thâm độc của Tàu. Họ không muốn Chăm ngóc đầu làm ăn buôn bán, làm tê liệt tinh thần đấu tranh bằng hù doạ lính tráng thương tật sẽ nằm kut độc bên ngoài kut chính. Bơ vơ và tủi phận lắm lắm. Khi anh chết hoang, cả khi bị thương sứt đầu, đứt móng, anh bị coi như kẻ ngoài rìa.
Chú xứng danh dán nhãn nhân dân tiến bộ Chăm, chúng tôi đùa vậy. Được cánh trẻ vỗ tay, ông liên tục đánh võ mồm: Chăm chết chỉ cần qua tối nằm nhà là chôn quách. Tội gì giở lên giở xuống làm đám thiêu. Phá bỏ kut đi, như người ta xoá đi hủ tục ngàn đời, triệt đi chứng tích của nhục nhã, khốn cùng ấy.
Tuổi trẻ tôi từng nghe lối đại ngôn như thế vang lên. Rải rác, lạc lõng. Cuộc sống plây Chăm năm sáu mươi thầm lặng, kham nhẫn, cực khổ. Hai trăm năm qua Chăm nép mìmh sau những hàng xương rồng. Nghèo, cực. Những căn nhà yơ, mưyuw không cửa sổ. Thỉnh thoảng vài mái tôn, ngói nhô lên. Nắng và gió. Vài bụi me lơ thơ trơ lì. Ruộng ăn nước trời cằn khô sau vụ gặt. Đàn trâu gặm đất trên ruộng đồng nhỏ hẹp. Bầy dê về chuồng kêu be be gợi kỉ niệm. Cuộc chiến ít đụng đến các plây Chăm. Thỉnh thoảng vài người đạp phải mìn, chết. Tiếng khóc tiếc thương đau đớn, lặng lẽ.
Ngày tháng ấy, bà mẹ Chăm lầm lũi, cặm cụi trên mảnh ruộng bạc màu chắt bóp từng đồng gởi cho đứa con ăn học xa. Để chục năm sau chúng trở về đủ lớn khôn cầm roi đánh mẹ. Lỗi tại ai? Ông Hân chú họ xa của tôi là một trong những. Ông nổi bật lên nhờ cái khoản lý sự hơn, tới cùng hơn.
— Phá bỏ kut, xã hội Chăm rồi đi về đâu?
— Cháu có ăn học mà vẫn bám váy các mụ đàn bà à? Cháu có dám nhìn thẳng vào xã hội Chăm mục rữa của cháu chưa? Cấp Paxeh, Acar không được trang bị kiến thức tối thiểu về khoa học, về chính trị xã hội... Ngay cả tri thức chuyên môn tôn giáo, tập quán hỏi các vị nắm được mấy mủng? Cấp Acar có ai đọc và hiểu Kura-ưn? Có ai trong hàng giáo phẩm Bà-la-môn Chăm biết đến Áo nghĩa thư, Chí tôn ca? Các bài kinh lễ hay cách thức cúng tế nơi mỗi khác, thầy mỗi khác. Xưa bày nay làm, cứ thế rù rà rù rì đến tận thế vẫn không đổi. Quy trách ai? Chúng ta được nhồi cả mớ kiến thức cũng chả giúp gì được còn đẩy tình thế nghiêm trọng hơn.
— Ôi, bức tranh tôn giáo Chăm sao mà xám xịt.
— Sáng sủa sao được khi vị lãnh đạo tâm linh ta không được tín đồ dành cho một tôn trọng tối thiểu, khi kiến thức chuyên ngành của mình luôn bị dân áo đen lấn sân. Không xám xịt sao được khi cả quyền lợi tối thiểu cũng không đảm bảo khiến các vị phải tính toán manh mún, là chuyện mà nghệ sĩ tính Chăm phải giật mình thột. Nữa...
Lợi dụng lúc chú nuốt nước bọt đánh ực, tôi vội lách vào:
— Chú đọc xong diễn văn rồi chứ! Còn đây là diễn văn của cháu nhé: Ta từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp không quá độ tư bản chủ nghĩa vội nhảy sang xã hội chủ nghĩa. Ngồi chưa nóng đít lại bị ném vào xã hội hậu công nghiệp. Chúng ta lúng túng lùng tùng nên giẫm phải chân nhau thôi.
Nữa! Nghi lễ vòng đời đâu chả có, ở Chăm thì rất ư thanh thoát nhẹ nhàng. Sinh ra phải tạng ốm yếu, chú được làm lễ Mang vòng Buh kaung. Chiếc vòng sẽ được tháo bằng cái lễ Tháo vòng Tauh kaung rất đơn sơ khi chú khôn lớn. Nếu bị té trâu hay kinh phong giật, mẹ chú có thể hứa với Yang — Cúng dê như để bồi dưỡng sức khỏe hay Rija harei, Rija dayơp chả khác gì buổi trình diễn văn nghệ, với đầy đủ ca — múa — nhạc cho bà con lối xóm cùng xem. Lớn lên lấy vợ, chú được tổ chức Đám cưới Bbơng mưnhum, ví dù chú túng thiếu không khả năng mâm cỗ thết đãi hai họ thì chú có thể yêu cầu làm Đám trộm Bbơng mưnhum klaik chỉ cần vài ba người theo chú qua nhà vợ sắp cưới vào lúc chiều tối. Suốt đời chú, trường hợp chú bị Gà bay chó nhảy qua đầu, người ta sẽ làm lễ Tẩy rửa Buh kalih tuh ia tắm táp cho chú sạch bách tội lỗi. Chú toi (xin lỗi, ai mà chả), tối thiểu cũng hưởng được Đám qua đêm Đam jap brah . May mắn hơn sau một, hai năm Mang gởi tạm Ba nau paywa thần Đất, chú được cải táng làm Đám thiêu hai hay bốn ông Paxeh phục vụ hầu hạ. Sau ba ngày đêm lửa trại ngoài rừng, chú trở về nhà vĩnh viễn qua chín miếng xương trán đựng trong cái Klaung bé xíu, nhẹ gánh đời. Không sướng thân chú ư?
Bỗng nhiên tôi thấy mình nổi hứng lên gân bảo vệ một cái gì đang tàn rữa và bị bàn tay tiến bộ đẩy xô tàn bạo vào bóng tối lịch sử.
(Trích Chân dung Cát, NXB Hội Nhà văn, 2006)
_________________________________

Chuyện chết chóc nghiêm chỉnh là thế, trong khi củi là khâu quan trọng cuối cùng để giải quyết cho trót sự nghiêm túc kia cứ là vấn đề muôn thuở. Chúng ta chưa bao giờ biết rút kinh nghiệm, khắc phục chuyện gì cả. Buồn cười vậy đó. Đọc đoạn văn của đạo sư Osho, tôi cứ bấm bụng mà cười. Đám tang của cái năm dịch bệnh kia — may thời Ngô Đình Diệm bán rẻ (hay phát không?) cho dân làng thùng dầu lửa — tang gia bối rối chạy tạm ứng được mươi thùng, thi hài mới chịu từ giã người thân, được nhẹ nhõm một cõi đi về nau sang.

2.

Liên quan tới tuỳ tiện chủ nghĩa là vụ lịch. Lịch Chăm xakawi khác với Dương hay Âm lịch, có nguồn gốc Ấn Độ, được Chăm chế biến thành lịch riêng mình. Khi Hồi giáo ghé đất Champa, dân tộc này cũng biết linh động quang quảng cộng tác với lịch Hồi giáo để hợp thời và hợp lòng dân. Nghĩa là nỗi tuỳ tiện được đẩy lên mức cao nhất. Ví có học giả Ấn nào nổi hứng qua xứ này nghiên cứu cũng chịu thua. Ngay trí thức Chăm bao bận thử ra sức cũng đầu hàng cấp Paxeh. Thuở tiểu học, tôi hỏi mẹ hôm nay thứ mấy, bị mẹ la: chuyện ngày tháng có mỗi Cả sư Ppo Dhya quyết, dân áo đen tụi bây ở ngoài chớ mà rớ tới. Mà ngay Ninh Thuận mỗi Dhya trụ trì mỗi cụm trong ba cụm tháp thôi, đã khác nhau rồi, huống chi. Tôi nhớ mỗi khi nhà có chuyện, đám tang bà chẳng hạn, mẹ qua nhà bà Cả sư muk Dhya ngồi cả buổi ăn trầu. Để ngóng ngày pơng harei.

Lịch Chăm linh thiêng là điều không bàn cãi rồi. Thế mà mỗi vùng, mỗi thầy guru cứ tuỳ tiện thay đổi, tuỳ ý làm khác và tuỳ nghi dùng — vô tư. Xakawi bak nưgar lịch khắp xứ là vậy. Chẳng chết ai. Katê rơi ngay vào tháng Mười, chưa đầy tháng sau ngày nhập học. Đụng đầu Katê, Trường Trung học Pô—Klong cho học sinh nghỉ “Tết”. Không cho không được. Nhưng Panrang rồi Parik rồi Pajai ăn ba Katê mỗi nơi mỗi khác, cách biệt tới cả tháng. Vẫn ổn thoả và vui vẻ cả làng. Chẳng ai lấy đó mà nhăn trán làm điều! Học giả Thiên Sanh Cảnh thuở sinh thời có buột miệng: đời tôi thống nhất được lịch cho Chăm bốn vùng là xuôi tay nhắm mắt mơ người được rồi. Khó nỗi là ông nói đâu dẫn chứng rành mạch đó, như thật. Nhưng Chăm nghĩ: đó chỉ là một trong những suy diễn pacannư thôi! Vâng thì bác nói phải thì tụi em nghe. Cũng đãi cơm, cũng gật gù. Nhưng khi bác quay đi thì tụi em cứ theo thói cũ mà hành sự. Thế là mạnh ai nấy làm. Xã hội Chăm vẫn tiến đều đều...

Mãi mùa Hè 1990, một hội nhí: Hội Bảo Thọ Caklaing (Châu Văn Mỗ làm Hội trưởng, Quảng Đại Hồng thủ ghế phó, tôi mới ba mươi tuổi đầu được tín nhiệm dồn phiếu chức thư kí Hội) mới xắn tay áo vào cuộc. Vừa thoát khỏi năm tháng trường kì ăn độn gây cấn, ba khoán rồi khoán trắng, Hội quyết nhóm họp các chức sắc Cam Ahier cả khu vực về bàn thống nhất lịch xakawi. Đó là việc làm to con và to gan. Nhưng lạ, tại đó, anh em bà con hả lòng hả dạ bak tung bak hatai, chỉ qua hơn giờ đồng hồ tâm tình. Chú ý: tâm tình chứ không là bàn cãi, thảo luận đầy tính khoa học.

Ray ni anưk Bini anưk Cam
Pwơc karei harei mưlơm o laik saung gơp.
Đời nay cả Chăm lẫn Bàni.
Lịch tính sai, tháng ngày không hợp.

Hơn trăm năm trước, tác giả Ariya Harei Mưlơm lớn tiếng rủa, nhà nào hôm nay còn dùng sai xakawi thì sẽ bị tàn mạt cả dòng họ. Chăm hiện đại có học, vẫn biết sợ. Sau cuộc nhất trí đó, nhóm trí thức gồm ông Trượng Văn Sinh, anh Sử Văn Ngọc, Châu Văn Trợ lĩnh sứ mệnh biên soạn lịch thống nhất rồi đi vào Phan Rí, Ma Lâm thương thuyết theo tinh thần “tình cảm là chính”. Chớ dại dột mà đi cãi nhau với nói chuyện khoa học chi chi cho nhọc, cứ nỗi Chăm mình Cam drei mà vận dụng. Như nghệ với vôi yuw kanhik saung cur, mọi người một lòng một dạ, mỗi vùng chịu nhích qua một tí. Không phải em trúng hay bác trật đâu nhé. Cánh Pajai bác ăn Katê tháng Mười một, bên Kraung thì tháng Chín, thôi thì ta dồn về tháng Mười đi, mỗi bên chịu xê qua xích lại xíu là được. Mỗi thao tác giản đơn đó thôi, xakawi từng là nỗi ám ảnh trí thức hàng trăm nay nay, đã trùng khớp laik saung gơp ngon lành.

Nhưng rồi, mươi năm sau, truyền thống tuỳ tiện chủ nghĩa Chăm đã làm cú lặp lại ngoạn mục: Xakawi lại bak nưgar! Cả trong Chăm Bà-la-môn Cam Ahier lẫn Chăm Bàni Cam Awal. Nhưng thế nào rồi vài năm nữa cũng có cuộc họp khác để gom nó về một mối cho coi, giải quyết nhàn cư cho bao người.

3.

Đâu đã hết!

Chuyện chữ viết akhar thrah mới nhiêu khê. Akhar thrah — có thể nói Chăm trân trọng hàng đầu. Họ xem đó là công trình thiêng liêng của thần thánh. Giấy có chữ thì tuyệt không được làm giấy loại, dùng đi vệ sinh thì tối kị. Không đạp lên chữ, không bước qua chữ, cả không để cho cái bóng của mình che mất chữ!

Linh thánh là thế, yêu quý là vậy nhưng họ vẫn cứ mạnh ai nấy viết. Có mỗi chữ mới — biruw, Từ điển Aymonier (1906) ghi 5 lối khác nhau, chữ hoa — bingu có đến 10 cách viết! Và không trang nào suốt nửa ngàn trang khổ to là không như thế. Có chết chóc ai đâu. Chăm vẫn cứ là dân tộc chưa hề “thất học”! Còn nếu hôm nay ông không đọc nổi các văn bản chép tay ông bà, đó là lỗi ông dốt chứ dứt khoát không phải tại Chăm. Ông chưa sạch nước cản ka o truh G/ L.

Suốt chiều dài lịch sử, akhar thrah chưa bao giờ gọi là nhất quán. Có chữ K thôi, mỗi thời đại viết mỗi khác. Chăm Campuchia khác Chăm Việt Nam, Chăm cuối thế kỉ XIX khác Chăm đầu thế kỉ XXI. Tại sao ông bà ta không chịu ngồi lại để bày cách thống nhất? Đơn giản lắm: Chăm có thể khác nhau ở mọi thứ, nhưng tuỳ tiện chủ nghĩa thì ta rất nhất quán. Chính điều đó làm cho Chăm là Chăm. Đó là truyền thống, là đậm đà bản sắc. Ba bận thuyết (lần thứ ba vào Hè 2001 trước 300 giáo viên từ các trường có dạy chữ Chăm) về ngôn ngữ tại Caklaing, dù sanh sự tới đâu, tôi chưa hề dại dột đụng vào vụ “chuẩn hoá” chữ mẹ đẻ cả! (Xem thêm: Inrasara, “Chuyện chữ 1, 2, 3”, Tienve.org).

Nhắc lại tin đồn thất thiệt về dân Caklaing sanh sự, tôi mới có bức thư giải minh này cho thằng bạn. Bức thư dài, vài tháng sau khi tôi vào làm ở Sài Gòn, ngay lúc tôi vừa thoát khỏi sự đè nặng của dư luận Chăm về tôi. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi để thứ tâm lí này đè lên tâm hồn phiêu lãng của mình:

Sài Gòn, ngày...
Thân gởi...
Bồ bảo dân Caklaing sanh sự, đúng lắm. Mình cũng giơ tay nhất trí cao về định kiến này mà. Khoái nữa là khác. Cái làng duy nhất có tên trên bia đá cổ Champa, cái địa danh được đặt tên cho đập cổ nức tiếng cả vùng (Binơk Cakling Đập Nha Trinh), cùng là làng vị vua anh minh nhất trong lịch sử vương quốc chọn làm nơi sinh, thì khỏi nói rồi. Dân Caklaing già trẻ lớn bé mãi ưỡn ngực về sự vụ đó, không chừa ai. Nhưng mình muốn nói cho bồ biết chuyện khác, tày trời hơn: đây là làng cá biệt nhất, bảo thủ ngoan cố nhất đồng thời sáng tạo li kì nhất, đang sở hữu trong tay hầu hết guiness Chăm. Tiêu cực hay tích cực, đáng hãnh diện hay tủi hổ,... tuỳ góc nhìn mà phán. Này nhé:
Dân làng suốt “hai mươi năm nội chiến từng ngày” không có lấy nổi một sĩ quan cấp uý (trung sĩ trở xuống là thôi), không mống nào dũng cảm/ liều lĩnh vượt biên để làm Chăm kiều! Là chuyện lạ đầu tiên. Tiếp: Cầm đầu cả ngàn thanh niên Chăm lên rừng đi làm Cá Rô nau ngap Ikan Krwak sau sự biến tháng 4.1975 là dân làng này: Huỳnh Ngọc Sắng, xuất phát điểm từ cái rẫy người làng này, kẻ cuối chót trụ đến ngày “chiêu hồi” cuối cùng cũng là nó; nhưng nửa đời hư, mình chưa bao giờ thấy dân Caklaing đánh nhau với người Kinh lân cận.
Tiếp: thế hệ mình, tỉ lệ học hành [hiện đại] của dân Caklaing là nhất trong lúc tỉ lệ người biết chữ mẹ đẻ [truyền thống] cũng là số một. Caklaing là làng đầu tiên và duy nhất trong Chăm mở lớp dạy chữ Chăm sau đất nước thống nhất, tập hợp đông nhất (70 người), khoá dạy kéo dài lâu ngày nhất (2 tháng), và đạt hiệu quả cao nhất (sau khoá học, tất cả học viên đều đọc thông thạo ariya cổ). Vài năm sau, nhớ lại vụ đó thôi cũng đủ rùng mình. Làm sao ngay tháng 6.1975 thời quân quản, mình cùng năm thằng bạn lại tuỳ tiện [chủ nghĩa] cả gan mở khoá đó chứ? Lạ nữa là đã không có cán bộ nào đến hỏi han. Mọi người vô tư dạy, vô tư học.
Caklaing là làng đầu tiên tổ chức ăn Kate palei tại làng sau một ngày lên tháp hành lễ. Tháng 10.1976, buổi sáng làm thịt trâu tế trời đất, gặp phải trâu cái có chửa, bà con kêu lên: “thôi rồi, xui rồi”. Nhưng chả sao, Kate palei Caklaing vẫn xuôi chèo mát mái, từ đó làng làng rộ lên phong trào ăn Kate palei.
Tổ chức cho “nhà khoa học Chăm” thuyết trình về ngôn ngữ Chăm cho chính trí thức Chăm nghe lại là Caklaing. Đây là sự cố lần đầu tiên và có thể nói, thiên nan vạn nan trong xã hội Chăm mình Cam drei. Tổ chức nói chuyện về đam thu đầu tiên. Thống nhất xakawi Chăm đầu tiên. Chế độ mới chọn làm hợp tác xã nông nghiệp thí điểm đầu tiên.
Thiên hạ bảo sanh sự, đúng lắm! Làm quan tại đây, bạn chớ mơ nỗi tham ô hay ăn hối lộ. Cán bộ hợp tác xã trải dài chục khoá, dù cũng tranh giành gây cấn như ai, nhưng đến thế thôi. Ông vẫn cứ ăn cơm vợ mà lo chuyện hàng xóm. Trăm ngàn còn không lọt mắt người Caklaing chứ đừng nói đến chuyện bỏ túi trăm triệu với bạc tỉ. Bạn mình đùa, ví nhà nước trọng dụng hết dân xứ này làm to, nạn tham nhũng tiệt nòi tại đất nước Việt Nam là cái chắc.
Thư viện — Nhà trưng bày văn hoá Chăm tại làng đầu tiên, công ty thổ cẩm đầu tiên, bộ Văn học Chăm đầu tiên, và vân vân cái đầu tiên khác...
Nhưng Guiness của mọi Guiness mà mình muốn nhắc tại đất sanh sự này, bởi nó muôn vàn khó khăn và gần như bất khả vượt, đó chính là: kut hiện đại đầu tiên. Kut, đó là cái gì linh thiêng hơn mọi linh thiêng với Chăm Bà-la-môn.
_____________________
Mùa hè 1992, tôi tháp tùng Hà Vân đội nắng đi quanh vùng ngoại vi Caklaing khảo sát kut hoang. Caklaing là làng cổ nên xung quanh nó có mặt ôi thôi là kut. Nơi xó kẹt thế giới bị lịch sử bỏ quên này, nắng và gió thãi thừa các nơi đổ tới. Chúng nung và xoáy dân quê tôi trong lòng chảo chật chội của vũ trụ. Cứng cáp, gân guốc, dồn nén đến tân cùng để bật ra mẫu dáng quằn quại phiêu bồng. Như mấy bụi cây cảnh lấy từ núi Chàbang đang được thị trường ưa chuộng. Trong dáng đau đáu kia, biết bao là khắc nghiệt và khước từ của thiên nhiên! Kut hoang lè lè nằm vô danh giữa, sau hay dưới khóm xương rồng xanh gượng. Đã có bao nhiêu bị cát bụi vùi chôn? Chúng tôi thử làm thống kê: Kut Ra—ong, Hamu Bơn, Hamu Kut... 14 kut tất cả. Cái nằm xa làng nhất cũng chỉ hơn cây số. Chưa kể 6 kut sống đang được thờ cúng. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh... nhiều dòng họ mất đi người cuối cùng. Nghĩa là đã có hơn mười bốn dòng họ lớn đi qua Caklaing. Kut hoang, nhưng nó luôn được Chăm tôn kính. Không ai dám dẫm đạp lên đá kut hay đùa chơi trong khuôn viên kut chính. Một kut hoang đầu làng, thuở nhỏ lũ chúng tôi có nghịch ngợm mấy cũng biết kiêng kị lánh xa. Chớ dại mà đạp lên đá kut bị kut hành có ôm cái chân sưng vù mà khóc. Tin đồn về một nhân dân tiến bộ Chăm khác đào đất kut và bị dòng họ trong làng làm dữ lan truyền rất nhanh. Dù sau đó cái tin thất thiệt được cải chính, song sự thể đủ nói lên vị trí tuyệt đối của nó trong tâm thức Chăm.
(Trích Chân dung Cát, NXB Hội Nhà văn, 2006)
_______________________
Kut thường ở ngoài làng, cạnh làng hay bìa rừng, nơi cây cối mọc um, bí mật và doạ nạt. Sâm sẫm tối, đám trẻ con đi ngang đó chỉ có ù té chạy. Nó vừa linh thiêng vừa gây khiếp hãi. Trung tâm kut là dãy bia từ năm đến bảy bia kut, từ ngoài ngó vào, hiếm khi được nhìn thấy. Âm u, bí mật thế mới ra kut . Vậy mà vị Cả sư Dhya của Kut Gađak dòng họ nhà tôi đã làm cuộc cách mạng. Đúng, cuộc cách mạng. Kut Gađak nằm ngay đầu làng Caklaing, sát cạnh Cống trên. Mùa nắng 1990, chú Chạy, chú Chữ được phép Dhya Hán Bằng dẫn lũ chúng tôi phát quang kut. Ấp chiến lược từ thời Ngô Đình Diệm để lại bao nhiêu bom mìn, súng đạn. Ủi, đốt, cắt hàng đống cây xương rồng với dây thép gai, vậy mà không có một tiếng bom nổ! Anh em bảo: ông bà linh. Rồi dựng xây, lập hàng rào thành, rồi thắp điện,... Cây gađak cổ thụ trở thành cây linh, với dáng phiêu bồng, quằn quại và dữ dội.
Không dừng lại tại đó, Dhya Hán Bằng còn cho nhập kut lihin [của người chết không lành, đứa con lai, khác đạo,...] xưa nay nằm khu vực xó xỉnh của khuôn viên kut [rất tủi thân] vào nằm chung kut chính, chỉ phân biệt lấy lệ có mỗi tấm phản mỏng manh. Là chuyện tôn giáo Chăm mới nghe qua cũng đủ tím mặt.
Qua một năm huỷ phá và sáng tạo, huỷ phá để sáng tạo, Kut Gađak trở thành kut đẹp nhất, bề thế, oai phong nhất Chăm. Dĩ nhiên, nó cũng là đầu tiên.
... và cuối cùng không phải là không đáng nói: Inrasara — dân Caklaing chính hiệu, là người Chăm đầu tiên vào... Hội Nhà văn Việt Nam!

4.

Luận sư Rajneesh Chandra viết tiếp:

“Tôi vẫn mãi không nhất quán... Tôi đang để lại một cái gì đó thật khủng khiếp cho những nhà học giả: họ sẽ không thể hiểu mô tê gì về nó. Họ sẽ phát khùng — và họ đáng bị như thế, họ nên phát khùng! Thống nhất, chỉ có những học giả mới có thể ngốc ngếch như vậy!” (Sđd, tr.264)

Ấn Độ không thèm có bộ sử nữa là. Mãi khi người Anh đến, họ mới viết sử cho Ấn. Nhưng chớ mong loại sử đó ngấm vào tâm hồn dân Ấn. Đức Phật có thể sinh vào thế kỉ thứ V hay thứ VI trước Công nguyên hoặc sau đó năm trăm hay ngàn năm, hoàn toàn không quan trọng. Hiếm kẻ rỗi hơi để tâm. Nhưng nếu có ai bảo đứa chăn trâu đang đứng bờ lúa kia không có Phật tính thì họ cãi cho đến hết ngày!

Chăm cũng chả ngán!

Địa danh Harơk Kah, Harơk Kah Harơk Dhei hay Harơk Kah Dhei chính xác ở đâu không quan trọng? Hầu hết trí thức Chăm thế kỉ XX, từ Thiên Sanh Cảnh cho đến Lâm Nài,... chắc mẩm Harơk Kah ở Quảng Bình, nghĩa là nơi cực Bắc của Vương quốc Champa cổ. Một câu hát trong ca khúc hiện đại của Đàng Năng Quạ:

Akauk gah Harơk Kah, iku gah Panrang
Đầu ở Harơk Kah, đuôi phía Phan Rang.

Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay còn truyền [hay tưởng tượng] rằng đó là vùng núi mọc một loài cỏ harơk khá cao, mùa gió Bấc thổi, cỏ này giạt ra hai bên tạo dáng như hình đầu người chải tóc, để lộ một cái trán dhei rộng.

Tiến sĩ Po Dharma dứt khoát rằng Harơk Kah ở Phú Yên, nghĩa là cực Bắc của Tiểu bang Panduranga thuộc Vương quốc Champa. Chăm có đọc phải đoạn đó họ cũng à hén, đúng lắm. Nhưng chương trình chỉ ngưng tại đó thôi. Nhà sử học Shine Toshihiko, qua trao đổi với Inrasara ngày 26.12.2004, kể già làng Raglai tại một làng thuộc khu vực phía Nam Lâm Đồng cho rằng nó ở đâu về phía Bắc cách làng ông ta khoảng 30 cây số. Một “sử liệu” giấy vàng mực đen khác còn ghi Harơk Kah ở đâu tít Hà Nội nữa. Câu 108 trong Trường ca Ariya Ppo Parơng:

Halei dahlak o ka nau bboh tơl
Camauh Harơk Kah nan pak nưgar Hanwai
Tôi đâu chưa đi thấy hết
Nơi Harơk Kah đó ở xứ Hà Nội.

Harơk Kah có mặt ở cả bốn trú xứ nêu trên hay nhiều hơn nữa, không là vấn đề. Bởi đơn giản nó vừa mang tính sử học — sự kiện vừa chỉ là địa danh ước lệ. Nó là cực Bắc của Vương quốc. Khi Champa thụt lùi tới đâu, Harơk Kah chính là nơi đó. Còn ví vị nào mang tham vọng [hão huyền] toàn thể Chăm giơ tay nhất trí cao nó là đâu, thì mới thành chuyện. Ngốc vậy chứ!

Mùa mưa năm 1998, một cụ tại Kraung phiền trách tôi:

— Cậu nó cục bộ chứ, cứ nghĩ Ppo Klaung Girai sanh tại Caklaing mình. Tôi cá cậu, đang giữa mưa gió này, tôi dẫn cậu đến chỗ mẹ ngài chôn nhau ngài. Lúc đó cậu mới hiểu ra...

— Thì em cãi bác đâu. Bác vẫn trúng mà. Nguyên quán với trú quán của ông vua này nhiều lăm lắm, chớ phải riêng quê em hay làng bác. Mà ông đâu có chịu chết, ông hoá thân lwak ywơn. Thế thôi. Ppo Riyak đẹp trai phương phi là thế, sau khi bị bão biển đánh đắm chiếc tàu, đã hoá thân thành anh tiều phu xấu xí lên tận đất Churu lấy vợ, mai danh ẩn tích.

Vậy đó, với Chăm, lịch sử đã biến thành huyền sử. Huyền sử này được mấy thế hệ nghệ sĩ tưởng tượng thêu dệt nên bao nhiêu là bài tụng ca Damnưy hát khắp lễ hội. Mỗi nơi mỗi khác, mỗi guru mỗi khác. Chúng biến thiên và biến hoá vô ngần. Từ lời hát cho đến sự kiện. Ppo Klaung Garai là Ppo Pan Mưta là Cei Dalim là Cei Praung là Ppo Tang,... muôn ngàn sai biệt. Khác hẳn với những gì các ông sử gia Tây/ hay sử gia Chăm sùng bái Tây viết lịch sử Champa theo nhãn quan khoa học Tây. Như Maspéro với Royaume du Champa chẳng hạn. Ở đó mà ngây ngô nghĩ rằng Chăm toàn phần tin nó. Chăm chỉ “tham khảo” nó cho vui thôi.

Thế nhưng, cần nghiêm nghị đặt câu hỏi: có phải thế chăng mà Chăm mất đoàn kết để cuối cùng bị tiêu diệt? — Sức mấy! Chính nó, chính sự sáng tạo tuỳ tiện đầy tuỳ hứng này đã làm nên sức mạnh tiềm ẩn của văn hoá Champa. Nó hun đúc tâm hồn, tâm tính Chăm, chiều sâu truyền thống Chăm. Ngược lại, bội phản nó, dân tộc đó bị tiêu diệt. Tôi không nói đất nước, mà — dân tộc.

Quê hương tan rã, tên một cuốn tiểu thuyết của Chinua Achebe, nói đúng tình trạng và tâm trạng dân tộc, đất nước ông. Ariya Glơng Anak còn hơn thế. Ra đời vào đầu thế kỉ XIX [năm 1832, hoặc có thể trước đó khá lâu, như ông bà ta cho là vậy], khi toàn bộ lưu dân Chăm chạy loạn tản mác khắp nơi. Anh không nhìn ra em, chú không nhận ra cháu Ai o krưn ka adei, mik o krưn lac kamwơn. Chăm chết như rạ Cam mưtai yuw anrơng. Để khi Thiệu Trị xuống chiếu kêu gọi Chăm từ khắp miền núi về, lúc đó Chăm chỉ còn 8.000 người. Hãy nhớ con số này — 8.000 người vào năm 1842.

Trước đó mười năm, vào thời điểm khốn quẫn nhất của định mệnh lịch sử dân tộc, có ba thái độ trí thức mang tính quyết định được đưa ra. Twơn Phauw, Glơng AnakPauh Catwai là các khuôn mặt tiêu biểu. Trí thức cô đơn:

Dauk sa drei sa nưgar di krưh hanrai
Di krưh tathik cwah jai, halei nưgar drei si nau
Ngồi một mình một bóng giữa cù lao
Giữa biển cồn cát bồi, đâu là miền đất ta đi?

Glơng Anak hỏi ông, và hỏi cả hiếm hoi người đang thức giữa đêm trường ác mộng này? Và đây đó đã có tiếng đáp vọng lại. Twơn Phauw chủ trương bạo động [cả hành động], và đã thất bại. Hậu quả của nó thật khôn lường. Pauh Catwai: cần bảo tồn nền văn hoá to lớn mà dân tộc đó xây dựng nên. Còn Ariya Glơng Anak — bằng nhãn quan vượt thời đại — chú ý đến sự sống còn của sinh mệnh con dân Chăm.

5.

Ariya Glơng AnakPauh Catwai dạy gì?

Ông không kêu gọi cấp Paxeh, Acar cần ngồi lại bàn chuyện thống nhất lịch. Hoặc nhắc Cam Ahier tổ chức đám thiêu cho nghiêm túc xíu. Không! Còn có điều gì khác quan trọng và cấp thiết hơn, lúc đó.

Trích đoạn Tiểu thuyết của Khan, năm 1833, khi nhân vật Hathaw bị dính đạn chết nơi Khu Bưng biền thuộc vùng núi Càná, sau trận càn của Minh Mạng:

— Ôi, con gái của tôi!
Tiếng nấc nghẹn bật ra từ đôi môi run run của Jathuma. Ông vuốt nhẹ mái tóc người chết vừa được đặt ngay ngắn. Thi thể Hathaw vẫn còn mềm mại.
— Ôi, nếu con đừng bỏ cha...
Không có lấy một giọt nước mắt ứa ra từ hốc mắt sâu hoắm ấy. Bác Jathuma nắm nhẹ cánh tay người chết nâng lên môi.
— Ôi, bàn tay này từ nay sẽ không bao giờ búi tóc cho cha nữa. Ôi, nếu con đừng rời bỏ cha chạy đến với người yêu. Ôi, nếu con nghe Khan và quay trở lại với cha, con sẽ không bao giờ nằm lại nơi lạnh giá này. Ôi, anh Khan của con đâu rồi, Hathaw? Sao anh của con lại bỏ con nằm một mình nơi đây? Ôi, giọt máu yêu quý của con tôi. Ước gì cha có thể đổi lấy hơi thở cho con. Ôi, con gái bé bỏng của cha...
Ông ngất đi. Khi tỉnh dậy, mặt trời đã gác núi. Rừng vang âm thanh muôn thuở. Ông nhẹ nhàng ôm Hathaw vào ngực theo tư thế mẹ bồng con, đi xuống suối. Ông lại nhẹ nhàng đặt nàng nằm lên nền cỏ xanh ướt, chậm rãi cởi áo và váy nàng dính đặc máu. Thân hình nàng hiện nguyên hình con người nguyên thuỷ trong niềm rung động thiêng liêng xót xa của trái tim ông. Một vết bầm tím bên dưới ngực nàng, ông vuốt nhẹ lên đó — đường vào của viên đạn.
— Trời sắp tối rồi con ạ.
Ông nấc nghẹn, ôm nàng đi xuống lòng suối. Ông kì rửa thi thể cẩn thận như chăm sóc người bị thương — người chết cũng có thể đau! Ông bế nàng đặt nằm lên nệm cỏ, cẩn thận, như người mẹ sợ đánh thức đứa con đang ngon giấc. Ông trở lại con suối vo sạch áo và váy, mang lên đắp cho Hathaw.
— Ôi, con gái tôi. Hãy tha thứ cho cha vì trời đã tối.
Ông sụp quỳ xuống, đặt tay mình lên hai bàn tay chụm lại của người chết. Bóng tối phủ nhanh khu rừng vây phủ bởi núi. Tần ngần giây lát, Jathuma tìm quơ cành cây khô chất đống. Ông bế nàng đặt lên đống củi, sửa lại dáng nằm ngay ngắn. Ông cúi hôn nhẹ lên trán nàng. Rồi, chất củi lên thi thể nàng.
— Ôi, con tôi...
Ông nấc nghẹn. Nước mắt của ông ứa ra. Tay run run, ông châm lửa. Ông nhìn đống lửa cháy cho đến khi nó tàn lụi.
— Tha thứ cho cha...
Ông hốt một nắm tro cho vào bọc vải, gói lại cẩn thận. Ông áp gói tro vào ngực. Đột ngột ông thét lên một tiếng rùng rợn, xé nát trời đêm. Rồi ông thất thểu bước đi trong bóng tối vây bủa.

Glơng AnakPauh Catwai không kêu đòi chuẩn hoá akhar thrah để mọi người viết cùng một kiểu hệt như nhau chữ truyền thống. Cứ tưởng tượng cái nỗi giới “trí thức” ta năm ngoái, có mỗi dar sa crauh au hay balau/ không balau mà đã kéo nhau ra tận “quốc tế” hoặc lập thư nặc danh tố cáo lẫn nhau. Nhì nhằng suốt cả năm. Để qua vụ cãi cọ vô bổ này, anh em chia bè phái rồi không thèm nhìn mặt mũi nhau. Mà ôi hỡi cho Chăm hiện đại. Tôi chả liên can gì cũng bị dính mẻ đâu văng tới. Rất vớ vẩn!

Nếu bà chị thích viết theo Từ điển Moussay (1971) hay ông anh khoái lối viết của Ban biên soạn sách chữ Chăm (1985), hay gì gì khác nữa thì cứ việc. Ăn nhằm gì ba cái lẻ tẻ mà nghiêm trọng với nặng trĩu cái cõi lòng. Ngay từ năm 2001, tôi cho Tagalau viết cả hai kiểu mà, có bà con nào đâm đơn lên tận Trung ương kiện tụng là phá hoại truyền thống cha ông đâu!

Ông Glơng AnakPauh Catwai càng không nuôi tham vọng viết bộ chánh sử về vương quốc Champa, để nhồi sọ con nít nữa. Mới tập tểnh abc tinh thần Tây mà vội lên giọng chê bai truyền thống Xakkaray, Damnưy ông bà thiếu khoa học, thì không gì trẻ con hơn. Hậu hiện đại postmodernism quyết đánh tan tinh thần dĩ Âu vi trung Eurocentrism cực đoan tệ hại đó. Nếu nhà ông khoái thế thì ông cứ làm đi, có gì mà to con la lối hết ông này đến bà nọ! Xakkaray Chăm hoá thân cư ngụ trong văn chương, lung linh sinh động trong lễ hội dân gian, để tồn tại vĩnh cửu giữa lòng dân tộc. Nó chính là Huyền sử ở cấp độ cao nhất.

“Tôi vẫn mãi mãi không nhất quán”, Rajneesh Chandra nói thế. Và Huyền sử Damnưy cũng thế. Nó vừa là nhân đồng thời là quả của tâm hồn Chăm.

Nhưng rồi rốt cục, ‘tuỳ tiện’ chủ nghĩa rất đỗi thiếu khoa học kia đưa dẫn chúng ta về đâu? — Không về đâu cả mà, về suối nguồn tinh khiết của bản thể Chăm. Dẫu truyền thống ta tổ chức dạy học với số lượng rất hạn chế, có khi chỉ một xeh một guru, nhưng xưa nay có Chăm nào không đọc nổi chữ mẹ đẻ? Trong bốn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có mặt trong chương trình Tiểu học sau đất nước thống nhất, “công tác dạy và học” tiếng Chăm được đánh giá là tốt nhất. Dẫu lịch sử Champa hoàn toàn vắng mặt trong mọi cuốn sách giáo khoa

_______________
mãi năm 2000, Lương Ninh mới chủ biên cho ra Lịch sử Việt Nam giản yếu (sách tham khảo) với vỏn vẹn 12 trang, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành
_______________

nhưng hầu hết Chăm đều hiểu đầy ảo diệu Xakkaray dân tộc qua hàng trăm Damnưy tồn tại dưới mọi hình thức Rija. Dù bao ngáng trở, anh chị em vẫn nhớ về nguồn cội xa thời gian và dài không gian để làm cuộc hành hương nhiều bất trắc (Xem thêm: Trà Vigia, “Mĩ Sơn đường về”, Tagalau 2, 2001). Một xã hội không ăn xin, không đĩ điếm. Người nữ không ai là không biết múa (Trần Wũ Khang đùa rằng cô gái Chăm nào không biết múa thì cần đặt lại vấn đề dòng máu). Tuyển tập Tagalau cứ tồn tại, cho dù cuộc văn chương chữ nghĩa có bèo bọt tới đâu. Và cuối cùng: chính được cưu mang và dưỡng nuôi bằng/ với/ qua tinh thần ‘tuỳ tiện’ chủ nghĩa, hôm nay Chăm đã đếm đầu yap akauk được hơn 15 vạn dân.

Hãy nhớ: đó là con số của năm đầu tiên của thiên kỉ mới.

Thế nhưng, Chăm hiện tại đang đứng trước nguy cơ rã tan, nghiêm trọng và bức bách ngàn lần hơn thời Glơng Anak, Pauh Catwai! Mươi năm qua: toàn cầu hoá, APEC, WTO, môi trường xã hội nông thôn bị phá vỡ, chế độ mẫu hệ tưởng cố kết muôn năm nay đã nát như bột bỏ cối giã raung yuw ra ba thauk di rathung, thanh niên tràn vào thành phố kiếm việc, xuất khẩu lao động Mã Lai, làng palei trống huơ trống hoác, nạn cướp giật, HIV, hiếp dâm, dân Caklaing hiền hậu là thế cũng xảy ra vài vụ đánh lộn [với nhau/ với thanh niên Kinh lân cận], không ít cô gái Chăm mang bồ [hay mang bầu Kinh] về làng

_______________
chú ý: Ở đây không phải chuyện dân tộc hẹp hòi mà là sự thật. Sự thật lồ lộ kia chưa hề xảy ra trong xã hội mẫu hệ này trước đó. Với quý ông thì có, đại trà nữa là khác, nhưng quý bà — tuyệt không, nên có thể nói đó là một hiện tượng xã hội.
_______________

vân vân... (Xem thêm: Inrasara, “Vấn đề Chăm hôm nay & Tương lai cộng đồng” trong Văn hoá — xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại, NXB Văn học, H., 2008).

Trước thực trạng bi thảm này, quý ngài siêu học thức hiện đại còn ham hố cãi nhau về nỗi K, Kh, G, Gh... nữa không? Cãi nhau — được thôi, nhưng cãi sai và quá quắt. Hay quý ngài không thấy, không chịu mở mắt thấy, hoặc có thấy nhưng cố làm như người mù?!

6.

Đâu là thông điệp? Glơng AnakPauh Catwai chưa bao giờ ý định gởi lại thông điệp anha. Tác phẩm văn chương không dại dột làm thế. Nhưng ở vào thế mạt vận của dân tộc:

Glơng Anak, Pauh Catwai phải vội vã
nên viết đã rất ngắn
như thể trối trăng
                        (Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

Lời trối trăng ấy, suốt mấy thế hệ Chăm trân trọng đón nhận. Cha ông ta chép truyền tụng. Glơng Anak từ một cù lao xa xôi đi trở về. Ông để lại cho đời một tập thơ, rất mỏng. Rồi ông đi đâu không ai biết. Làm vô danh giữa trời đất. “Thông điệp trong cái chai lại là một bài thơ và do đó, là một dạng thông tri đặc biệt”, Edward Hirsch viết như thế trong Message in a Bottle. Thông điệp nằm đó, trong im lặng nơi đáy ciet sách của mỗi gia đình. Liên tục trong nhiều thế hệ, các hậu duệ của người đã đón nhận trang trọng bức thông điệp này.

Glơng Anak đã dạy gì?

 

Pauh Catwai dạy Chăm khiêm cung, không dạy Chăm HÈN.

Đơ xwan limưn jơh khơng
Tathrak mai nhu dơng libuh di thauh
Mạnh thì có chi bằng sức voi
Trượt chân ngã, khỏe tới mấy cũng như không.

Không ngờ tám năm sau của thiên kỉ thứ ba Công nguyên, chính tôi nhìn tận mắt, nghe tận tai một vị trong một hội nghị đã réo đủ chục mười hai lần cái kính thưa. Ông ta — đồng tộc Inrasara, hậu duệ của Pauh Catwai, Glơng Anak như thế đó. Quả thật chiều hôm ấy, tôi muốn tìm gò mối mà lủi vào dwah katoc blauh lwak! Ai khiến ông ta thế kia chứ? Một gương [sáng] cực xấu cho thế hệ trẻ: thói bợ đợ ươn hèn? Rồi một vị nữa, với bà con quê mùa thì mặt vểnh lên như chàng hiu pađak tada yuw krat, nhưng trước quý quan lại đi bằng lưng. Thê thảm! Tôi, hoàn toàn ngược lại. Trước hội nghị hay đại hội to/ nhỏ bất kì, tôi cứ mỗi kính thưa hội nghị mà chơi. Nếu có anh em văn nghệ sĩ tại đó, tôi lèn thêm phần hậu tố và thưa đồng nghiệp. Còn với sinh viên thì bạn sinh viên thân mến. Chả ai bắt bẻ tôi, hay qua vụ đó mà đi thu hồi thẻ hội viên Hội Nhà văn của tôi cả. Glơng Anak hay Pauh Catwai có dạy họ làm thế đâu!

 
Chuyện đầu gối. Đầu gối 1
 
Thuở năm hay sáu tuổi gì đó khi
tôi bắt đầu được ông ngoại dạy đọc
Pauh Catwai, có thể trước hay sau
đôi chút tôi đã mơ giấc mơ lạ
 
đời tôi đang trong xứ sở quen thuộc
xa lạ nào đó hầu như tất cả
mọi người không chừa ai đều thấp lùn
già trẻ lớn bé thấp lùn. Bác Phôk
 
nông dân cậu Thak hói buôn bán dưới
phố thấp lùn anh Khan nghe nói làm
công chức to lắm dưới Phan Rang thấp
lùn, rất ít kẻ cao được mét sáu
 
chàng Kung khổng lồ to xác voi hôm
nay bỗng thấp lùn khác lạ, chú nhà
văn nổi tiếng, rồi ai giống cụ Khuon
vĩ đại đang làm nghiên cứu tận Sài
 
Gòn ông anh họ quý hoá tôi ôi
là nể trọng cũng thấp lùn tịt, cha
tôi lúc thấp lúc cao trông rất hãi
tôi kêu toáng lên thức giấc mơ vẫn
 
cứ thấp lùn chạy xộc vào nhà trong
soi gương chợt đêm thấy ta là thấp
lùn đúng tám tấc hay hơn vài phân
gì đó tôi mở to mắt soi đi
 
soi lại trăm lẻ lần mới đốn ngộ
ra rằng làng nước quỷ thần ơi cả
xóm đang sống bằng đầu gối.
                        (Inrasara, Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006)
 

Glơng Anak dạy Chăm yêu thương, không dạy Chăm CĂM THÙ.

Mưbai janưk lo di tian mưk klak
Hận thù tồn đọng lắm [ở] trong lòng, hãy cất bỏ

Dẫu bao nhiêu ngộ nhận với phiền toái, tôi luôn yêu thương phơi mở, vô ngại tâm và kiệt tận tâm ppalai tung tian. Chuyện cười ra nước mắt. Tổng kết văn học Việt Nam 2007 vừa đăng báo, sáng lò mò dậy dòm điện thoại di động, hơn mươi bạn văn không được nhắc tên trong bài viết, nhắn tin trách móc tôi hoặc gợi ý ni nớ. No problem. Có ba tin nhắn nặc danh nâng cấp tôi này nọ nữa! Tôi vui vẻ kể chuyện này trong bài “Nhà thơ, nỗi hôm nay”. Nửa tháng sau bài lên Tienve.org, một bạn thơ trẻ tình cờ gặp tôi, than phiền với ánh mắt lãng tránh: chú muốn ám chỉ cháu. Tôi kêu lên ô là là! Vậy là bạn tự khai mình là một trong ba rồi, khờ khạo vậy chớ! Cứ ảo tưởng mình là cái rốn nên mới ra nông nỗi. Tập thơ bạn mới ra lò năm 2008, trong lúc Sara tui làm cái tổng của năm ngoái cơ mà.

Cần “giải sân hận” là vậy. Nếu để bụng thì bụng đâu mà chứa?

_______________________
Dư Thị Hoàn đọc bài “Văn học Việt Nam 2007: Nhộn nhịp, sôi động và sẵn sàng cho cuộc khai phóng”, mới cho lên Tiền phong cuối tuần, số 01.2008, đã kêu: “Chị nghĩ Sara cần dành thời gian cho cái gì to [con] hơn, chứ mấy vụ tổng kết thì hãy để cho các nhà khác làm. Nay ngẫm lại, miệng [đàn] bà chị nói vậy mà thiêng!
_______________________
 

Cổ nhân dạy Chăm hiểu định mệnh dân tộc, tìm về bản thể nguyên tính của Quê hương.

Glơng Anak:

Adat kayuw phun hapak jruh tak nan
O kan jruh pak bikan, drei tacei wơk ka drei
Đạo của cây, gốc ở đâu thì lá rụng tại đấy
Nếu rụng ở nơi khác, chính mình tự hại mình.

Pauh Catwai:

Ia bhong ikan jang bhong
Hajan ngauk ralong o hu haluw
Nước hồng con cá cũng hồng
Mưa trên ngàn không có nguồn
_______________________
Lâu nay câu thơ được diễn giải theo tinh thần biến và tuỳ. Con người tuỳ thời mà hành xử cho thích hợp. Ia bhong ikan jang bhong — nước hồng thì cá nên hồng, nếu cá muốn tồn tại. Đó là lời khuyên chí lí. Nhưng, nếu thế thì dòng tám sẽ mất hết ý nghĩa sâu thẳm của nó. Pauh Catwai không giản đơn thế. Ông đưa tư tưởng dấn thêm một bước quyết liệt hơn. Chính suy tư này đã đẩy ý tưởng Pauh Catwai liên tục dời bình diện. Từ thức tỉnh: O thei ngap di drei o hai / Tamuh di hatai, drei ngap di drei: Chẳng ai sai khiến mình cả / Tự tâm mình nghĩ ra để tự mình hại mình, sang cảnh giác: Đơ xwan limưn jơh khơng / Liphwai mai nhu dơng libuh di thauh: Mạnh thì có gì bằng voi / Khi mệt lả nó cũng ngã gục như không, để rồi đi đến cảnh cáo: Ia bhong ikan jang bhong...
Nước hồng, nước đã nhuốm hồng rồi (thời đã thế) nên lũ cá, muốn sống thì phải hồng theo nước (thế thời phải thế). Được thôi! Nhưng hãy coi chừng, hồng vốn không phải màu thực của cá (bản thể) mà chỉ nên coi đó như là một nhất thời, ảnh hưởng bởi nước (hiện tượng): Hajan ngauk ralong o hu haluw. Vì mưa ở đây chỉ là mưa ngàn (ralong: khoảng rừng thưa giữa núi và đồng bằng) chứ không phải mưa nguồn, mưa núi. Nước lũ sẽ tràn xuống một hồi rồi trôi đi nhanh chóng. Dịch lại nguyên vẹn câu thơ:
Nước hồng con cá cũng hồng
Mưa trên rừng cận chứ không (là) mưa nguồn
Hãy trở lại với thiện căn của con người. Không thể tuyên ngạo nghễ rằng đời đục riêng ta trong, đời say riêng ta tỉnh được. Nên, mặc dù phê phán nặng lời, Pauh Catwai luôn ngoảnh lại nhìn, sẵn sàng đưa bàn tay ra cho ta — những sinh thể yếu đuối bị cơn bão thời cuộc cuốn trôi đi, giạt vào bờ này, bờ kia. Và chúng ta, như một loài cá, đã bị nước miền hạ lưu nhuộm hồng tất cả, đến nỗi ta không còn phân biệt được đâu là ngoại cảnh, đâu là mình nữa; để đến khi, như từ một giấc ngủ muộn màng, tiếng sấm Pauh Catwai vọng đến lay động, quất chúng ta thức dậy, lôi chúng ta đi ngược dòng trở về nguồn cội — nguồn suối tinh khiết của quê hương và của nhân tính.
(Inrasara, Văn học Chăm khái luận, NXB VHDT, 1994, tr.227)
_______________________

 

7.

Chăm tiếp nhận và hiểu thế nào bức thông điệp?

E. Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”.[1] Wallace Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”.[2] Chăm còn hơn thế. Không thể đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối tuyên bố ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi.

Nếu bạn khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bạn chưa tận diệt ppalai tung tian mọi căm thù sâu kín janưk mưbai dađơp kawơk, là bạn còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bạn còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bạn còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bạn chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bạn chưa mở tâm từ bi với những con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bạn chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.

Glơng Anak chấp nhận nhiều cách hiểu. Ông bà ta từng cho Glơng Anak được viết trước đó từ lâu lắm, để đoán trước glơng anak chuyện cũ hay cuộc hôm nay. Và họ nghĩ: nó rất ứng! Từ sinh thời Thiên Sanh Cảnh và mãi tận bây giờ, vẫn như thế. Chúng ta diễn giải và suy luận pacannư triết lí Glơng Anak, giở Glơng Anak để đoán thời thế, mang Glơng Anak Pauh Catwai ra răn dạy và cả hù doạ con cháu. Mươi năm trước, khi xếp Ariya Glơng Anak vào dòng “Thơ thế sự” trong Văn học Chăm khái luận, tôi đã bàn về thi phẩm này trong chiều hướng đó. Nhưng tôi vẫn chấp nhận lối hiểu khác. Hiểu và chấp nhận lối hiểu khác mình.

Ngày mai, có thể dân tộc Chăm tan rã [như đất nước đã từng rã tan hai thế kỉ trước đó]. Và chúng ta lần nữa phiêu giạt, xa và mỏng hơn, chìm khuất giữa những dân tộc xa lạ, nền văn hoá khác lạ. Nhưng khi ta còn mang trong tâm khảm thông điệp Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, và nhất là khi tinh thần Damnưy Cam vẫn hiện hữu nơi thẳm sâu tâm hồn ta, ta vẫn cứ là Chăm. Độc đáo và độc nhất. Làm phong phú và đa dạng văn hoá và tinh thần cộng đồng bản địa nơi ta tạm trú!

Thâu thái tinh thần khoa học, đúng thôi — không vấn đề gì cả. Nhưng khi ngài một mực nhất tề áp đặt nó vào mọi lãnh vực, mới phiền. Có những cõi miền mà cánh tay khoa học không thể với tới. Với tinh thần Ấn Độ hay Chăm thì càng. Còn ví ta cứ mê tín và sùng mộ nó, ta muôn năm làm kẻ nô lệ không hơn.

Khi Tư tưởng suy đồi, Tư tưởng biến thành triết lí, triết lí trở thành môn học ở Đại học, tại đó người ta cho ra lò bao nhiêu là tiến sĩ triết học mà hiếm khi sản sinh nổi một nhà tư tưởng:

“Khi Tư tưởng rời xa tố chất của mình từ đó khởi sự suy đồi, thì Tư tưởng bù đắp sự mất mát ấy bằng cách kiếm chác cho mình một giá trị như là techne, như là một công cụ giáo dục để rồi trở thành bộ môn của học đường... Dần dà triết học trở thành một kĩ thuật giải thích bằng các nguyên nhân tối hậu. Người ta không tư tưởng; họ chỉ bận tâm tới “triết học”...
Từ đó, “triết học” thường trực thấy cần thiết phải tự biện minh sự có mặt của nó trước những “khoa học”. Triết học tin rằng nó có thể hành động hiệu quả nhất bằng cách nâng mình lên hàng ngũ một khoa học. Thế nhưng một nỗ lực như thế là sự bỏ rơi thể tính của Tư tưởng. Triết học bị săn đuổi bởi nỗi sợ hãi mình sẽ bị mất đi sự kính trọng và giá trị, nếu không là một khoa học. Tính thể, như là tố chất của Tư tưởng, đã bị bỏ rơi bởi lối giải thích đầy kĩ thuật về Tư tưởng.
When thingking comes to an end by slipping out of its eliment it replaces this loss by procuring a validity for itself as techne, as an instrument of education and therefore as a classroom matter,... By and by philosophy becomes a technique for explaining from highgest causes. One no longer thinks; one occupies himself with “philosophy”...
Since then “philosophy” has been in the constant predicament of having to justify its existence before the “sciences”. It believes it can do that most effectively by elevating itself to the rank of a science. But such an effort is the abandonment of the essence of thingking. Philosophy is hounded by the fear that it loses prestige and validity if it is not a science. Being, as the element of thingking, is abandoned by the technical interpretation of thingking.
(M. Heidegger, Letter on Humanism, bản dịch Anh ngữ của Frank A.Capuzzi, trong Basic Writings, Harper San Francisco, USA, 1977, p.195-197).

Khi tôn giáo suy đồi, nó biến thái làm một thứ tổ chức giáo hội với đủ dạng thức nhân danh Thượng đế trục lợi những đầu óc ngu muội:

Năm ngàn năm trước, Adinatha — đạo sư Jaina giáo — đã dõng mãnh làm cuộc cách mạng lật đổ phế truất Thượng đế. Con người trở thành trung tâm của tôn giáo, chứ không phải Thượng đế. Nhưng cuộc cách mạng về một tôn giáo phi Thượng đế đó “đã bị chìm mất trong sa mạc của sự khắc khổ và sự hành xác”. Hai mươi lăm thế kỉ sau, Đức Phật đi theo con đường khác: thiền định. Phiền là hàng đồ đệ đã không hiểu ngài, biến Đức Phật thành một vị thần khác, đặt ngài lên bệ thờ, thay vào sự vắng mặt ấy. Từ đó, “ý tưởng này cũng bị chìm mất trong một sa mạc khác, và đó là tôn giáo có tổ chức, có định chế” (Sđd, tr.270—277).

May, tư duy Chăm chưa đến nỗi suy đồi. Tôn giáo cũng thế. Đó là thứ tôn giáo phi tôn giáo: “Không cần bất cứ Thượng đế nào, không cần bất cứ giới tăng sĩ nào, không cần bất cứ tổ chức nào”, như Rajneesh Chandra.

Không ai hiểu từ bao giờ, trên mảnh đất miền Trung nắng gió này, dân Champa đến cư trú. Mãi năm 192, khi sử gia Tàu đặt cho nó cái tên khai sinh: Linyi — Lâm Ấp, người thiên hạ mới biết nó hiện hữu như là một vương quốc. Nơi ấy, dấu ấn tôn giáo đầu tiên được biết đến là Bà-la-môn Brahmanism, sau đó Phật giáo nguyên thuỷ, rồi thì Ấn Độ giáo Hindouism đến ngồi dai dẳng. Thế kỉ VIII, Phật giáo Đại thừa mới quá bộ sang và được Champa cho ở lại phòng khách suốt 300 năm. Đồng Dương lúc bấy giờ được xem là một trong ba trung tâm Phật giáo Đại thừa trội nhất Đông Nam Á. Nhưng chỉ có thế. Sau thế kỉ X, khi tôn giáo mang tên Đức Thế Tôn bị treo bảng hết giờ tiếp khách ở Champa thì lần đầu tiên người ta loáng thoáng thấy bóng thương nhân Hồi giáo lần mò về buôn bán trên mảnh đất giàu trầm hương và kì nam này, để đến thế kỉ XV, tôn giáo của nhà tiên tri Mohamet nghiễm nhiên thành lực lượng chính trị đáng kể, lấn sân Bà-la-môn đang suy thoái khắp Đông Nam Á cùng với nền văn hoá Ấn Độ cưu mang nó.

Thế nhưng Hồi giáo từ sa mạc Ả Rập nhập địa ruộng lúa Đông Nam Á, đến đất nắng Champa thì đã thay da đổi họ hẳn. Ngay cái lối đánh đàng xa cũng đã khác. Bàni Bani

___________
nguyên nghĩa Ả Rập là những đứa con trai; nghĩa Sanskrit là thương nhân, buôn bán; nghĩa Mã Lai là xa lạ, kẻ lạ, xứ lạ;
___________

là sáng tạo vô tiền khoáng hậu của Ppo Rome hồi giữa thế kỉ XVII, khi nhận thấy con dân mình chỉ bởi mấy đức tin vớ vẩn mà cãi vã với rầy rà nhau suốt. Thế là ông cho vời tất cả tới, và xáo trật tự và đổi áo,... Để cuối cùng nó ra tôn giáo Chăm không giống ai. Bởi có đâu trong vũ trụ bát ngát mà hàng giáo phẩm tôn giáo này vui vẻ qua làm lễ cho tôn giáo kia không? Có đâu trên trái đất mà tín đồ đạo này dâng lễ cúng cho giáo sĩ đạo kia tín thành như ở Chăm không? Có nơi nào một lễ lớn như Rija Nưgar hai tôn giáo cúng thần ew yang như nhau, các lễ quan trọng như Pakap Haluw Kraung... hai bên giáo sĩ đồng lòng bắt tay thực hiện? Hay có nơi nào đã đẻ ra một giáo phái giữa là Mưdwơn cùng vui vẻ lễ cho cả hai bộ phận tín đồ? Có lẽ không đâu cả.

Sự hỗn dung và tiếp biến tín ngưỡng bản địa tiền tôn giáo với năm tôn giáo nhập cảng xen kẽ và chồng chéo tạo thành thực thể vừa đa dạng vừa phức hợp sinh động, hoà quyện nhuần nhị trong đời sống tâm linh Chăm.

Ở Bàni: Năm điều luật cơ bản của Hồi giáo hoàn toàn bị lãng quên; bên cạnh đức tin vào Alwah, họ còn thờ cả thần Mưa, Biển, Núi... và cúng ông bà tổ tiên; không còn nhớ đến việc hành hương La Mecque; việc cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay vào tháng Ramadan và công cuộc bố thí chỉ được thực hiện vào mùa Ramưwan và có mỗi giới tu sĩ đảm đương; và nhất là Chăm Bàni hoàn toàn theo chế độ mẫu hệ nên, đám cưới, đám tang đều theo họ mẹ.

Phía Bà-la-môn, luật Manou (Manava dharma) — thừa nhận chế độ đẳng cấp castes qua bốn loại màu sắc varna (Chăm gọi là bar): đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn brahmanes, đẳng cấp chiến binh kshatrya, đẳng cấp nông dân, chăn nuôi và thương nhân vaishya, và đẳng cấp cuối cùng sudra, gồm tôi tớ, thợ thủ công — qua thời gian, đã bị Chăm biến cải đến không còn dấu vết chính thống. Chỉ có tầng lớp áo trắng aw kauk gồm tất cả hàng giáo sĩ các loại và áo đen aw juk hay gaheh là “tín đồ”. Những con người tài năng nhất xuất thân từ cả hai tầng lớp, đều có thể một tay một chân góp vào điều hành xã hội — vô phân biệt.

Đó là tự do tôn giáo ở cấp độ cao đẳng. Đầu tiên người khai sinh dân tộc là Ppo Inư Nưgar được đặt lên vị trí hàng đầu. Khi Hồi giáo vào Champa, ông bà sẵn sàng dành cho Allah là đấng tối cao ngồi ngôi vị đó, mời Ppo Inư Nưgar xuống hàng thứ hai. Ai nhất thì tôi thứ nhì. Rồi cùng đồng hạng huy chương đồng là các vua có công được thần hoá: Ppo Klaung Girai, Ppo Rome, Ppo Xah Inư... Rất ư bình đẳng! Còn hàng triệu triệu linh hồn tổ tiên luôn được con cháu dành niềm thành kính trong kut. Chăm có tháp bimong, chùa sang mưgik, có nghĩa trang kut, ghur, có kinh sách tapuk agal với đủ đầy nghi thức... Họ có thể đến và đi, thực hiện hay không một cách tự nguyện. Chăm có tôn giáo cho người bình dân, trí thức, cho trí tuệ và cả cho bậc trí huệ.

Đánh giá một dân tộc, không chỉ ở dân tộc đó sản sinh bao nhiêu vĩ nhân mà còn và nhất là ở họ đối xử với vĩ nhân của mình như thế nào?

Ai biết đâu là đẳng cấp xuất thân của Glơng Anak, Pauh Catwai?

 

8.

Với tôi, Glơng AnakPauh Catwai không dạy tôi gì cả ngoài cho tôi biết nhận mình là và học làm người Chăm, một Chăm đầy Chăm tính hay, nói như Chân dung Cát: “Chăm bị con rồng liếm”. Vậy thôi, cũng đã là nhiều.

Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay
                       cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.
                        (“Ẩn ngữ Pauh Catwai”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

Khi thất vọng với bao chuyện văn chương chữ nghĩa, hay quẫn bách qua mấy nỗi Chăm và nỗi người, trái tim tôi tan chảy giữa những chán nản không lối thoát, tôi luôn tìm về Glơng Anak. Tắm gội lần nữa nơi nguồn suối trinh nguyên của cảm xúc và tư tưởng. Tôi học lại bài học đau khổ và yêu thương ban đầu từ quá khứ. Một truyền thống quá khứ không phải là thứ trật tự lớp lang gồm những sử kiện — lịch sử đất nước kinh qua hay tổng hợp/ chiết trung các thành tựu văn hoá dân tộc đạt được — chỉ là tiện ích cho sử học nhà trường hay toan tính thực dụng cuộc sống thường nhật không hơn — mà, truyền thống được coi như một lối đi dẫn về nguồn suối uyên nguyên nơi ấy những phạm trù và khái niệm truyền thống — phần nào đó — được [tiếp nhận và] sáng tạo cách đích thực “... access to those original “wellsprings” out of which the traditional categories and concepts were in part genuinely drawn” (M. Heidegger, Being and Time: Introduction, Sđd, p.66).

Đó chính là sử tính Geschichtlichkeit.

Từ giữa lòng sử tính đó, đứa con của Đất được thông điệp triệu vời để canh giữ thông điệp. Không như một thủ kho. Càng không trách vụ đội trên đầu thông điệp. Mà là đối thoại thầm thì với thông điệp và được thông điệp phơi mở và trao tay phần ẩn ngôn chưa được thông báo của nó. Từ đó đứa con mang tinh thần thông điệp đi vào lòng đời.

Tinh thần thông điệp thể hiện sinh động qua nhiều thể cách, linh thánh và trần tục, vừa thiêng liêng cao cả vừa gần gụi đời thường, to lớn bên cạnh nhỏ bé, nghiêm trang mà khá xuề xoà. Ppo Klaung Girai, Ppo Rome, hay Ppo Hanim Pơr, Nai Tangya Bia Atapah,... là các vị vua tài ba, anh hùng liệt nữ được thần thánh hoá. Công đức chư vị được ông bà lưu lại trong các Damnưy tụng lên vào những dịp đại lễ long trọng, linh thánh. Thế nhưng lí lịch của họ đã được nghệ sĩ Chăm đời thường hoá tối đa. Từ Cei Xit (Ppo Rome: 1627—1651) cho chí Cei Tathun (Ppo Klaung Girai: thế kỉ XII):

Inư lwak di lok dwa tơl
Inư wơk nưgar, cei dauk mưtwei...
Amik nau nưgar dauk jwa
Hu muk taha ppok ba ppamum...
Rang dauk mư-in hu bban
Tathun ngap sa tian ala rajam kadauh...
Cei dauk ppablei bak pluh
Ribuw jien rituh raung muk taha...
Mẹ hai lần hoá thân
Mẹ về quê hương, bỏ chú lại...
Mẹ bỏ xứ điêu tàn
Có bà thương, ẵm chú bú nhờ...
Người chơi người có bạn
Tathun ta kết bạn với giàn bầu...
Bán ốc, chú ngồi nán
Cho đủ số bạc, nuôi bà già...

Cả lối hành xử và sinh hoạt của các Ppo, Cei, Bia cũng thế. Ppo Tang Ahauk thất bại. Ông đi tìm lãng quên đời, người (Tamư darak pwơc jhak / Mưnhum alak Ong Wơr Palei: Vào chợ, ông nói ngang / Uống rượu tràn, ông quên quê hương). Cei Xah Bin Bingu, vị tướng tài ba thời Ppo Rome, thì khác. Rũ bỏ triều đình, chỉ có cái liếc mắt với tiếng cười nói của đàn bà mới làm nguôi ngoai buồn ông (Cei nau mư-in Jamuw / Karah di canuw ppakrư kamei / Dara Jamuw siam đei: Chú đi chơi Jamơu / Nhẫn đeo tay, chú ta cởi tặng / Gái Jamơu xinh lắm...). Ppo Hanim Pơr thất bại và thất tình:

Hajan hơc hư jwai mưnhi
Dalam thun ni ai krưh mưyut
Hajan hơc hư jwai taduw
Bilan biruw ai krưh mưyut
Mưa ơi mi đừng rơi
Đầu năm nay anh đang yêu khổ
Mưa ơi mi đừng bỏ
Vào tháng mới anh đang yêu đau.

Ông đánh bạn cùng mây trời và chung rượu (Ppo nau mư-in biak tơl / Grơp nưgar Ppo nau mư-in: Ngài đi chơi đủ cả / khắp miền xứ sở, Ngài rong chơi... Mưnhum di cawan ak thruk / Mưnhum di jaluk hak cei takrư: Uống bằng chung chẳng thoả / Nghe khoái lạ, chú tu bằng bát), hay dấn mình vào cuộc cờ bạt mạng, bất kể với người Thượng hay Kinh (Mư-in jien saung Ywơn wơk ka / Mư-in laung kadha biai gơp mư-in: Chơi bạc với người Kinh / Thử phép linh rồi mới ăn tiền). Như thể ông đang sống ở thế kỉ XX vậy!

Có rất ít dấu vết sử học trong Damnưy Chăm. Quá khứ, hiện tại và tương lai, sự thật và tưởng tượng, vô ngại đi và về trong cái nói của ngôn ngữ thi ca. Thi ca của lễ hội linh thánh. Đây là sáng tạo đặc kì của các Ong Mưdwơn, chủ lễ điều hành cuộc lễ Rija vừa là một nghệ sĩ thượng đẳng, khả năng chơi thông thạo mọi nhạc cụ, ca sĩ đồng thời là vũ công. Có thể nói, ông là thi sĩ chân tính. Tiếp nhận truyền thống trong tinh thần mở, ông sáng tạo và tại tạo Huyền sử. Trong không gian linh thiêng của lễ, làm môi giới thần thánh đi về cõi người, đưa dẫn con người tiếp cận cõi miền thiêng liêng, qua cái nói của ngôn ngữ thơ ca. Cái nói này thay đổi qua mỗi thời đoạn của cuộc đời ông, thậm chí qua mỗi cuộc lễ. Thay đổi, nhưng nguyên lai tính yếu của Huyền sử vẫn xuyên suốt. Đó là lẽ dịch và hằng. Dịch mà hằng. Dịch để hằng.

Chẳng có gì trầm trọng cả. Trong giai đoạn khốn cùng của lịch sử, những lúc chìm tận đáy đau khổ và tuyệt vọng, Chăm vẫn biết cười.

Cả tôi cũng vậy.

Ở mọi nơi tôi đến, tôi cứ nhận mình là Chăm — khoái hoạt! Tôi không cho Chăm thì ngon hơn dân tộc nào đó, cũng không phải thông minh hơn, cao đại hay ưu tú hơn. Tôi không hiểu tại sao mình khoái hoạt. Cũng chả thấy cần thiết phải tìm hiểu tại sao. Còn nếu có ai đó chối mình là Chăm, thay tên hoặc dùng dao lam cạo “họ Chăm” trên thẻ căn cước, là quyền của họ. Tôi không quan tâm sự chọn lựa đó. Khi chọn lựa là có sự tính toán lui tới, thiệt hơn. Tôi — không! Tôi yêu thương, vô ngại trong tình thương. Giữa cao ốc Sài Gòn toàn Kinh hay trong chòi rách gia đình Miên miền Tây, tôi vẫn cứ sự sự vô ngại. Một bạn văn ở Úc lần ghé nhà tôi chuyện bao đồng, đã đùa là “tôi thấy Sara rất hãnh diện khi kể mình có bà vợ hơn tám tuổi”. Bạn nói gần đúng. Tôi kể chuyện đó một cách vui vẻ, khoái hoạt. Vậy thôi. Hầu như tất cả mọi chuyện, tại bất kì đâu, với bất kì ai. Trước hội trường nghịt người hay chỉ với vài bạn thâm tình. Hoặc tôi thoải mái ở đó, hoặc tôi bỏ đi.

Tôi không bao giờ mặc cảm hay ức chế điều gì đó.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khổ cả.

Giai thoại vui: ông anh thi sĩ Jalau trong một chầu lai rai, than rằng “chưa có ai khổ như anh cả. Tay bạn hôm Cần Thơ xa nhà ghé mượn tiền, mình đưa hết cho nó, ba buổi sáng thèm càphê muốn chết đi được”. Kay Amưh mới nói là “nhóm anh em mình thôi, tôi chưa thấy ai khổ như Sara”! Thế là anh sắp đặt một hơi một thể vụ tôi làm rau muống, gánh phân, giã gạo, đạp xe qua mấy làng xó xỉnh chích heo... chạy bữa qua ngày. Tôi nói tôi chưa bao giờ khổ cả đâu! Không một ai từng một lần thấy tôi than phiền về vụ đó. Các bạn nghĩ vậy chứ, tôi luôn làm công việc nào bất kì với tối đa nhiệt tình. Vui vẻ và khoái hoạt.

Sau đó ném bỏ tất cả. Và đi.

Như Glơng Anak đã ra đi. Nhẹ nhõm và vĩnh viễn...

 

Sài Gòn, 01.06.2008

 

____________
Trong Những mảnh đời chắp vá (Tự sự h[ậu h]iện đại).

 

_________________________

[1]Edward Hirsch, “Gửi người đọc đang chuẩn bị lên đường”, bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.

[2]Trích theo Edward Hirsch, bài đã dẫn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021