thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một đêm trăng

 

Ánh trăng tràn mọi nẻo, khắp những nơi có thể hình dung. Nhưng trong căn phòng của tôi, nói chính xác căn-phòng-dành-cho-tôi-trong-căn-nhà-người-cô-của-tôi không có ánh trăng. Ánh sáng trong căn phòng dành cho tôi là ánh sáng đèn huỳnh quang 40 watts, trắng bệch, vô duyên, trơ tráo. Ánh trăng hiển hiện trước mắt tôi dừng lại ở biên giới có những chắn song đứng thưa thớt trong khung cửa sổ, vậy mà chúng ngăn lại được, không để ánh trăng huyền diệu hoà nhập thứ ánh sáng tôi thù ghét; dù công bằng mà nói, thường khi nó cũng đỡ đần tôi ít nhiều. Tôi không thể hiểu tại sao nó cứ ngó trân khắp quanh tôi, chì chiết canh chừng gì tôi vậy? Nó trơ trẽn tới mức vượt cả sự trơ trẽn, lì lợm một cách bình thản, lặng lẽ. Và, tôi phải thừa nhận, nó cũng có một vẻ băng giá dịu êm. Thốt nhiên tôi khám phá một điều khủng khiếp: ánh sáng đèn huỳnh quang 40 watts trong căn phòng dành cho tôi, đã nuốt chửng ánh trăng.

Ấy tuy nhiên, tôi không còn thì giờ thảng thốt bàng hoàng hay sợ hãi nữa. Một cơn buồn ngủ thúc giục khẩn thiết, trĩu nặng xô đẩy toàn thân, ném tôi vào tình thế không thể lựa chọn; cơn buồn ngủ mà Tchékhov đã phải để nhân vật tội nghiệp của mình trở thành kẻ sát nhân. Cơn buồn ngủ tôi chưa hề có trong đời, ít nhất trong khoảng thời gian hơn hai mươi năm nay; nghĩa là, hơn hai mươi năm nay, tôi không hề ngủ gì cả, lấy gì để trước đó làm cơn buồn ngủ? Tôi gục đầu xuống hai cánh tay đặt trên mặt bàn; quên phứt ánh sáng đèn huỳnh quang 40 watts bao trùm căn phòng, ánh trăng tràn mọi nẻo, khắp những nơi có thể hình dung.

 

*

 

Tôi thức dậy, ngạc nhiên trước những quyển sách, các thứ báo chí lớn nhỏ dày mỏng, giấy tập vở sắp xếp gọn ghẽ, chừa chỗ trống rộng rãi trên mặt bàn. Hoá ra, trong thời gian tôi vắng mặt, cô tôi đã thu dọn, đặt chúng vào trật tự; thứ trật tự của cô tôi, hình như cũng là trật tự chung của rất nhiều người. Tôi đã không quan tâm gì, từ lúc tôi cảm nhận căn phòng dành cho tôi chỉ là nơi tạm trú trong chốc lát. Trước đây, có một thời gian hình như đã xa lắm, mọi thứ trong căn phòng dành cho tôi rất lộn xộn, nhất là mặt bàn với sách báo giấy tập. Tôi không nói rằng đấy là trật tự của tôi; nhưng điều đã xảy ra là, tôi muốn tìm gì cũng thấy ngay.

Bây giờ điều này không quan trọng, tôi chẳng tìm gì để phải bối rối; tuy nhiên trên mặt bàn ngăn nắp gọn ghẽ, phô bày trước mắt tôi hòn đá cuội đen chặn trên mấy trang giấy đầy chữ, giống bản thảo tôi từng thấy trên mặt bàn, trong cuốn phim về một nhà văn. Sự kinh ngạc đến cùng lúc mắt nhìn, bàn tay nhấc hòn đá cuội đen ra khỏi mấy trang giấy. Tôi đọc hàng chữ lớn như tựa đề, chắc là tựa đề: ĐOẢN THIÊN CỦA NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN.

Tôi tự hỏi, ai đã mang tới mấy trang giấy này, đặt trên mặt bàn, trước chỗ tôi ngồi ngủ gục? Một nhà văn, hay ít nhất là một nhà viết nào đấy, tôi chưa từng quen biết? Điều tôi biết rõ, người cô của tôi không bao giờ vào căn phòng dành cho tôi, lúc tôi có mặt ở nhà; tuyệt đối không bao giờ, đấy là đức tính kiên trinh của cô tôi, tôi thừa nhận. Dẫu sao, tôi phải đọc tức thì mấy trang chữ này, hiển nhiên là bản thảo của một nhà văn, hay ít nhất là một nhà viết nào đấy. Tôi không quên lật trang cuối xem có tên, địa chỉ của tác giả hay không; thấy ở góc cuối trang. Lật xem cho biết thế thôi.

 

ĐOẢN THIÊN CỦA NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN

Trên đời ai cũng có bà con họ hàng, ngoại trừ những kẻ mồ côi lớn lên ở cô nhi viện. Ấy tuy nhiên tôi từng sống trong Hội Dục Anh, một thứ cô nhi viện ở Sài Gòn, vậy mà tôi vẫn có bà con họ hàng như mọi đứa trẻ trên đời. Trong những bà con gần gụi, tôi quan tâm nhất là cô Nhã, em ruột của cha tôi. Lúc nào cô Nhã cũng theo tôi riết róng; có khi tôi bực mình, nhưng thường là thích thú. Tôi từng nói thẳng với cô Nhã: “Ưu điểm của tôi là cái vốn đọc sách và thông thạo tiếng nước ngoài, thông thạo nhất là tiếng Pháp. Khuyết điểm của cô là hay xổ cái vốn đọc sách và sính nói tiếng Tây tiếng u.” Cô Nhã chỉ cười, giống như nghe tôi ca ngợi cô vậy. Cái vụ việc ưa nói tiếng Tây này, nói cho công bằng, cũng một phần lỗi, nếu cho đó là lỗi, ở cha tôi. Ông anh vốn tốt nghiệp khoá cuối cùng Trường Thông Ngôn Đông Dương, tối ngày nhồi nhét tiếng Tây vào trí óc non nớt của cô em gái cưng. Cô Nhã lại còn bảo tôi đừng gọi cô là , mà gọi là Ma tante. “Tại sao lại gọi như vậy?” Tôi hỏi; cô trả lời: “Chả tại sao cả, cô thích như vậy!”

Điều khó hiểu đối với tôi là, cô Nhã lưu ý đặc biệt tới những người bệnh tâm thần. Có thể nghĩ rằng, bệnh tâm thần là mối ám ảnh của cô. Hay cô tôi điên? Xét về mặt trí tuệ, về những quan hệ của cô tôi, tôi không thể nghĩ rằng cô tôi là người bệnh tâm thần; như vậy thật sự là điều khó hiểu. Mới hôm qua, đang ngồi đọc một quyển sách, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa cô và người bạn của cô ở hiên nhà. Cô nói chậm rãi, rành rọt: “Hãy thương lấy những người điên, vì họ không biết tại sao họ điên, họ điên như thế nào, và bằng cách nào họ thoát khỏi cơn điên.”Người bạn thốt lời ca ngợi: “Chị nói vừa hay, lại vừa rất đúng. Em cũng nghĩ như chị nhưng không nói ra được như chị.” Cô tôi tiếp nhận lời khen của bạn một cách đương nhiên. Cô tôi bao giờ cũng vậy, luôn nhớ lời văn lời thơ của các văn, thi sĩ tầm cỡ, nhưng luôn quên danh tính của họ. Cái câu vừa hay vừa rất đúng, tôi đãng trí mà còn nhớ là của Baudelaire.

Đến lúc câu chuyện chuyển sang vấn đề Tình yêu, Hôn nhân, cô tôi lại quên nói tên triết gia Nietzsche, khiến người bạn thêm lần nữa thán phục ý tưởng độc đáo của cô: “Tình yêu là cơn điên ngắn; Hôn nhân là sự ngu ngốc lâu dài.” Chẳng lẽ tôi đào sâu sự lãng quên có tính chất vụ lợi của cô tôi. Lúc này chỉ còn mối nghi hoặc của tôi: cô tôi là kẻ bị ám bởi lũ điên khùng? Tôi nghĩ tôi nên im lặng, dù sao ma tante rất yêu tôi; vấn đề là tôi có xứng đáng với tình yêu của cô hay không mà thôi.

Câu chuyện giữa cô Nhã và tôi dẫn tôi tới một đêm trắng vì ân hận, khi tôi tỏ tình thân với cô, hỏi thăm cô đang đọc những sách gì. “Cô đang đọc song song hai cuốn truyện mua lại của bà ve chai, Cát bũng và Con lộ.” Tôi nổi khùng khi nghe tên quyển truyện thứ hai, nói: “Cát bũng cũng đáng đọc, nhưng cuốn truyện Con lộ sẽ dẫn cô qua hàng trăm trang sách chỉ để tới cái giường, nơi mà định mệnh đã sắp xếp cho cô ngủ chung với nỗi chết.” Cô tôi đỏ bừng mặt. Tôi quên nói cô tôi sống độc thân. Một cô gái già từng có một thời nhan sắc, bây giờ cô tôi vẫn có những nét đẹp để tôi có thể nói rằng, cô tôi là một cô gái già và đẹp và ở goá. Cô tôi bối rối vì đứa cháu sỗ sàng; bối rối đến nỗi cô không thể hỏi đứa cháu quyển truyện tệ hại thế nào.

Im lặng một hồi, tôi đoán tâm trí cô tôi tê điếng vì cú “sốc” đứa cháu thân yêu mang tới. Bỗng cô nói, chậm rãi và rành rọt: “Cháu đừng quên chính cháu là tác giả truyện Con lộ.” Đấy chính là nỗi ân hận của tôi về sự sa đọa trong bản chất; một kẻ mang ảo tưởng nhà văn như tôi để viết một cuốn truyện tệ hại; viết không dở, thuyết phục hay phủ dụ được nhiều người đọc, và do vậy càng tệ hại.

Tôi ân hận tới mức nổi cơn điên. Hoá ra tôi là người bệnh tâm thần. Chính tôi, hỡi các vị bác sĩ tâm lý, hãy mang tôi về chữa trị cho tôi. Ha-ha-ha… Hãy cứu vớt tôi! Hu-hu-hu… Tôi không xứng đáng được cứu chữa sao, sau một đêm trắng ân hận? Hãy cho tôi được sám hối… hãy cho tôi viết… cho tôi khởi sự trở lại…

 

*

 

Đọc xong “Đoản Thiên Của Người Bệnh Tâm Thần”, cơn đờ đẫn tới với tôi mạnh ngang bằng cơn buồn ngủ cách đây hai hay ba tiếng đồng hồ. Một sức hút vô hình đã lôi tuột tôi ra đường, con đường dưới ánh trăng; đưa tôi tìm tới địa chỉ ghi dưới đoản thiên, chỉ có thế, nhà văn bị bệnh tâm thần không ghi bút danh hoặc tên khai sinh gì hết.

Phòng số 9 - Giường số 11 - Khu Tâm thần - Bệnh viện X

Tôi gặp cái giường sắt mang số 11 bỏ trống; tác giả đoản thiên đã trốn ra ngoài từ hai ngày nay. Tôi nghe tiếng cô y tá dịu dàng thân ái; bàn tay cô mềm dịu trên vai tôi: “Hổng dè anh còn nhớ đường trở lại, thế là tốt… Anh thay đồ ngay nhé, sắp tới giờ lãnh thuốc buổi mơi rồi.”

 

Viết lại tháng giêng 2013, tặng M.TH.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021