thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
? | Như một hơi thở xa dần bông sen | Người yêu tôi thiếp ngủ | Con chim cu tạo ra một hòn đảo | Những nỗi khốn cùng của mùa Xuân | Một đêm | Trước mộ Baudelaire | Kẹt trong điệu Samba
(Diễm Châu dịch)
 
?
 
Bước ra khỏi nhà để làm một điều gì đó
Chậc, tôi đã quên khuấy mất tại sao mình bước ra
Nhưng thay vào đó tôi chợt nẩy ra một ý nghĩ:
Đời người chính là bước ra như thế đó
Và quên mất tại sao,
Có phải không?
Và bởi vì như thế đó là hơn
Thế thời như thế đó, có phải không?
 
 
NHƯ MỘT HƠI THỞ XA DẦN BÔNG SEN
 
Với sự nuối tiếc,
Nhưng
Không quá nuối tiếc
Dẫu vẫn thể nuối tiếc
 
Như thể rời xa,
Nhưng
Không phải để vĩnh biệt
Mà đúng hơn như thể một lời hứa hẹn mơ hồ
Cho một nơi nào khác,
 
Như một hơi thở
Không phải là lại gần
Mà xa dần
Bông sen...
 
Như hơi thở
Đã từng gặp nó
Không phải là hôm qua hay hôm kia
Mà đã một hay hai mùa...
 
 
NGƯỜI TÔI YÊU THIẾP NGỦ
 
Người tôi yêu
Thiếp ngủ,
Và tôi là
Một con hạc bay đi toàn trắng
Từ hình thêu trên chiếc gối của nàng.
 
Những món nữ trang đỏ trong giấc mơ của nàng
Rụng rơi từng món
Trong sâu thẳm biển mơ màng của nàng
 
Mỗi lần rơi xuống một món nữ trang
Tôi lại thấy một lần phân ly
Chiếc nhẫn vàng tuyền mà người tôi yêu
Đã tháo ra trước khi ngủ
Chiếc nhẫn thật tinh tế ấy
Đã siết lại những vòm trời của tôi
 
Tôi lại thấy thêm một lần phân ly nữa
Khi trở lại phía bên trong đường viền vàng
Của chiếc gối
Nơi tràn đầy giấc mơ của nàng.
 
 
CON CHIM CU TẠO RA MỘT HÒN ĐẢO
 
Con chim cu
Tạo một dòng sông,
Tạo một bến đò,
 
Đặt vào một con thuyền để gửi qua bên kia
Tất cả những gì chúng tôi yêu quý nhất.
 
Con chim cu
Tạo ra một hòn đảo,
Bằng tất cả những gì xinh đẹp nhất
Con chim cu tạo ra những hòn đảo,
 
Trên hòn đảo này
Dựng... một cây hoa một trăm ngày
Rồi một ngôi đền trống không với mái màu mực
 
Và rồi dìm tất cả những hòn đảo ấy xuống đáy biển
Dìm sâu một vạn thước.
 
Và đưa chúng lên để nở hoa
Một lần nữa những bông hoa một trăm ngày *
Để rồi lại dìm chúng xuống dưới đáy biển.
 
-----------------------------------------------
* Phải chăng bông «bách nhật hồng»?
(ghi chú của dịch giả)
 
 
NHỮNG NỖI KHỐN CÙNG CỦA MÙA XUÂN*
 
Đứa trẻ nhịn ăn từ mười lăm hôm
Giấu mặt với một ngọn núi
Ngồi trên một tảng đá
Nhìn đóa hoa ở quá cao trên cây
Nó cười như thể một bữa ăn đã bày ra cho nó,
 
Đứa trẻ nhịn ăn từ mười lăm hôm nữa
Giấu mặt với hai ngọn núi
Sau khi đã nghe tin nọ
Qua gió từ một đầu mây
Cười như thể nó đã chia sẻ cùng gió,
 
Đứa trẻ nhịn ăn từ mười lăm hôm nữa
Giấu mặt với ba ngọn núi
Có lẽ sau khi đã nghe tin về tin nọ
Như thể đã ăn xong
Từ từ đứng dậy với một nụ cười mỏi mệt.
 
------------------------------------------------
* Tựa bài trong nguyên tác: «Xuân cùng».
(ghi chú của dịch giả)
 
 
MỘT ĐÊM
 
Đêm nay không một người khách nào khác tới
Từ chiều tối
Một bông mộc lan ở núi Kim cương đã tới thăm chúng tôi
Lúc này trong phòng gia tộc
Nó ngồi nở trắng.
 
Tôi không sao nhớ lại được
Mức độ thân thích của bông hoa này
Cũng chẳng nhớ nó ra đi khi nào
Hoặc tại sao nó lại chọn chiều nay để trở lại
Với khuôn mặt của một người trong nhà
Trở lại sau một thời gian dài xa vắng
Từ chiều tối
Nó ngồi trong phòng gia tộc giữa chúng tôi.
 
 
TRƯỚC MỘ BAUDELAIRE
 
Không thể chịu đựng nổi khi thấy mẹ
Làm lại cuộc đời, ông còn cố bóp cổ
Người cha ghẻ là Aupic, Ôi Baudelaire khốn khổ
Dẫu đã chết mà vẫn không tìm lại được người cha thật
Và nằm đó được chôn cất bên cạnh
Người cha ghẻ mà ông căm ghét và mẹ
Chà chà thật là thê thảm!
 
Mải nghĩ tới chuyện ấy, tôi quên khuấy mất cây gậy của kẻ lang bạt
Tôi đã để nó lại bên phần mộ
Và trở về người không,
 
Tôi bảo Im Song-jo người bạn cùng lang bạt:
Hãy tới xem xem nó có còn đó.
Dầu sao Baudelaire cũng là một người tử tế
Ông đã nghĩ đến tôi và trả nó lại cho tôi nguyên vẹn
Ông cũng chẳng còn nói năng được đúng cách
Thân hình ông lúc này đã hoàn toàn bất động
Ông phải sống với ông Aupic mà ông thật căm ghét,
Đúng ra ông mới là kẻ cần tới cây gậy này.
Chắc chắn là người thi sĩ già đã nghĩ tới kẻ đàn em hơn là tới chính mình
Và ông đã trả lại tôi cây gậy hoàn toàn nguyên vẹn.
 
 
KẸT TRONG ĐIỆU SAMBA
 
Điệu samba của những con đường nhỏ ở Rio de Janeiro
Không phải là một điệu vũ của con người,
Mà đúng ra là một thứ múa may quay cuồng
Đã lên tới tột điểm
Trời khiến xui
Khi lọt vào lòng người như một cơn lốc,
Và nếu cơn bão ấy lọt vào trái tim một thiếu nữ
Thời nàng sẽ bừng lên hừng hực hơn cả một con bò cái vào tháng Tám.
Điên cuồng hơn một con bò cái
Nhảy qua cầu vồng.
 
Cả tôi nữa, năm nọ
Vào một buổi chiều muộn mùa hè ở Rio de Janeiro
Một lần duy nhất trong đời tôi kẹt trong một vũ điệu samba,
Khi bắt chước người cùng nhảy với tôi, một cô gái đen,
Tôi đã bị vọp bẻ
Và ngã ngồi dưới đất,
« Ê kìa, sao mà tồi thế! »
Thế rồi, xoay lưng lại tôi
Nó đè bẹp mũi tôi giữa hai bắp vế
Tôi kẻ đáng là ông nội nó.
Ôi! cái mùi của hình phạt mới nặng nề làm sao!
 
Ngay cả trời
thỉnh thoảng lại tới những con đường nhỏ của Rio de Janeiro
và vui đùa xúi giục những thứ cử chỉ ấy.
 
 
---------------------------
Ghi chú của dịch giả:
SO CHONG-JU, biệt hiệu Midang (‘Ngôi nhà chưa hoàn tất’), là một trong những nhà thơ lớn của Triều-tiên, nếu không muốn nói là nhà thơ lớn nhất thời hiện đại. Ông sinh tại làng Sonun, tổng Koch'ang thuộc tỉnh Cholla phía Bắc năm 1915. Thời trẻ từng bị loại khỏi trường trung hoc vì tranh đấu xã hội, ông tìm tới cửa Phật và muốn trở thành một nhà sư. Nhưng số mệnh lại khiến ông quay về cõi tục và trở thành một nhà thơ, giáo sư đại học (Phật giáo) Dongguk ở Hán-thành. Ngay từ đầu sự nghiệp thi nhân, năm 1936, ông đã được toàn quốc nhìn nhận qua giải thưởng văn chương đầy uy tín Shinchun, dành cho bài thơ “Bức tường” của ông. Ông điều khiển một phong trào thơ: “Nhóm Đời sống”; xuất bản tạp chí văn nghệ Làng thi nhân và đến năm 1941, tập thơ đầu tiên của ông xuất hiện. Ông là tác giả chín tập thơ cả thảy (chưa kể những bài rời); trong số đó, người ta thường nhắc tới các tập: Con chim cu; So Chong-ju thi tuyển; Trời mùa đông; So Chong-ju toàn tập... Có một thời các nhà phê bình nhận thấy ông chịu ảnh hưởng của Nietzsche, Baudelaire và cả Yeats nữa. Nhưng thơ ông đã đi qua chặng đường đam mê dục tình... để tiến tới những suy tưởng thâm sâu về cuộc đời và sự vật, một “phương thức nội quan Thiền”... Ông đã đoạt những giải thưởng văn chương uy tín nhất trong nước và đạt vinh dự được chỉ định là ứng viên Giải Nobel Văn chương trong mười năm trước khi ông mất. Người ta chỉ ra hai lý do tại sao vinh dự được toàn thế giới nhìn nhận lại không về ông: lúc đó các thi phẩm của ông chỉ mới bắt đầu được phiên dịch, và Triều-tiên hãy còn là một nước bị chia cắt... Một nét lý thú ở đây: một trong những người dịch “năng nổ” nhất của So Chong-ju là một thày tu Thiên chúa giáo ở Taizé: thày Anthony.
 
Sau khi bà Bang Ok-sook, vợ ông, mất vào tháng Mười năm 2000, So Chong-ju muốn qua Hoa-kỳ ở với hai người con trai ông đã định cư tại đây với gia đình, nhưng một lần nữa, số mệnh lại định khác: ông quá yếu, không thể đi xa được. Ngày 28 tháng Mười năm 2000, So Chong-ju phải vào nằm bệnh viện và đến ngày 24 tháng Mười Hai năm ấy, ông mất, thọ 85 tuổi.
 
Các bài dịch dựa theo bản Pháp văn của Kim Hwa-yong và Patrick Mauruce, trong tập Poètes coréens d'aujourd'hui (‘Thi sĩ Triều-tiên hôm nay’) do Ủy ban quốc gia Unesco (Nam) Triều-tiên xuất bản tại Hán thành năm 1984.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021