thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài ca bụi đời
(Đinh Linh dịch từ tiếng Ý)
 
Tại sao xấu hổ? Khi được mãn tù,
nếu đã được thả ra, thì cũng chỉ vì
như tất cả dân bụi đời, hắn đã vô tù.
 
Từ sáng đến chiều chúng tôi lang thang ngoài phố,
dù mưa hay mặt trời nắng đẹp, thì cũng vậy thôi.
Rất thú vị khi gặp thiên hạ ngoài phố trò chuyện
và trò truyện với nhau, quẹt vào mấy ghệ
Rất thú vị đứng chực ở cửa để huýt gió mấy ghệ,
và ôm ghệ ngoài đường và dẫn ghệ đi ciné
và hút thuốc lén, tựa mình vào đầu gối đẹp của ghệ.
Rất thú vị trò chuyện với ghệ, rờ ghệ và cười,
rồi trên giường ban đêm, cảm thấy quanh cổ
hai cánh tay ghệ níu mình xuống, nghĩ về sáng
khi sẽ được mãn tù trong nắng tươi mát.
 
Từ sáng đến chiều lang thang xỉn
và nhìn người đi lại vui cười thưởng thức
tất cả mọi người--kể cả những kẻ xấu xí.
Từ sáng đến chiều hát xỉn
và gặp những tên xỉn và bắt đầu bàn cãi
nhiều chuyện dài dòng đến khát cả họng.
Tất cả những nhân vật ba hoa này,
chúng tôi muốn gần họ ban đêm, ở cuối quán,
và dí họ với cây đàn ghi ta của chúng tôi
nhún nhẩy xỉn và không chịu sự bít bùng
mà phải tung cửa toang ra để vang ồn--
ngoài đường mưa hay sao đang rơi. Chẳng nhằm nhò gì
nếu ngoài phố lúc đó không còn ghệ đẹp đi dạo nữa:
giữa chúng tôi có một tên xỉn đang cười một mình
vì hắn cũng đã được mãn tù đêm nay,
và cùng hắn, ồn ào ca hát, chúng tôi sẽ quậy cho tới sáng.
 
------------------------
Ghi chú của Tiền Vệ:
CESARE PAVESE (1908-1950), tiểu thuyết gia, thi sĩ, và dịch giả, một khuôn mặt quan trọng của văn chương Ý thời hậu chiến. Ông là người đã có công du nhập ảnh hưởng Hoa-kỳ vào nền văn chương Ý qua vô số những bản dịch của ông. Chính ngòi bút của ông cũng chịu ảnh hưởng của Melville. Vì chống lại chế độ độc tài, ông đã từng bị Phát-xít bắt giam. Nhiều tác phẩm của ông diễn tả tinh thần đấu tranh cho xã hội, và biểu lộ mối đồng cảm với tầng lớp bị áp bức. Những cuốn nổi tiếng của ông là Il Compagno [Người đồng chí] (1948), Tra Donne Sole [Giữa những người đàn bà mà thôi] (1948), và La luna e i falò [Vầng trăng và đống lửa] (1950). Đề tài thường được tái hiện trong những tiểu thuyết của ông là tâm trạng của con người đô thị hoài công tìm kiếm sự ổn định và những giá trị vĩnh cửu trong những trạng huống sinh tồn đầy chuyển biến, và sự tự tử là một định phận không thể tránh khỏi và không cần bất cứ sự biện minh nào. Năm 1950, ở tuổi 42, bất mãn với cả đời sống riêng tư của mình lẫn không khí chính trị thời hậu chiến ở Ý, ông uống thuốc ngủ tự tử tại một khách sạn cách căn gác trọ của ông ở Turin không xa.
 
Nguyên tác tiếng Ý của bản dịch trên là "Canzone di strada", một trong những bài thơ Pavese viết trong thời tuổi trẻ (1931-1940). Đó là thời ông cho xuất bản tập thơ đầu tay của ông, Lavorare stanca [Lao động nặng nhọc, 1936].

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021