thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười bảy bài thơ
Bản dịch Diễm Châu
 
 
TOMAS TRANSTRÖMER
(1931~)
 
 

TRẦM TƯ XAO ĐỘNG

 
Một cơn bão làm xoay tít những chiếc cánh máy xay gió
trong đêm đen, đang nghiền nát trống không. — Mi
                               mất ngủ cũng vì một lý sự ấy.
Bụng con cá mập xám là ngọn đèn mờ nhạt của mi.
 
Những kỷ niệm mơ hồ chìm xuống đáy đại dương
để sững lại dưới ấy—những pho tượng dị kỳ. —Xanh rêu
                               là cây nạng của mi. Kẻ
đi biển trở lại hóa đá.
 
 

ĐÁ

 
Những tảng đá chúng ta đã ném tôi nghe rơi rơi,
trong như pha lê qua năm tháng. Dưới lòng thung
bay đi những việc làm hỗn độn của khoảnh khắc
kêu ré từ
đỉnh cây tới đỉnh cây. Trở thành câm nín
trong bầu khí loãng hơn của hiện tại, chúng lướt nhanh
như chim én qua hết ngọn núi này
tới ngọn núi khác, cho đến khi
tới mãi những vùng cao nguyên xa xôi nhất
ở mép lề cuộc sống. Rơi rơi
mọi hành động của chúng ta
trong như pha lê
không vào một đáy sâu nào hết
ngoại trừ ở bên trong chính chúng ta.
 
(17 bài thơ, 1954)
 
 

NHỮNG BÍ MẬT TRÊN ĐƯỜNG

 
Ánh sáng ban ngày đụng phải người nằm ngủ.
Y mơ một giấc mơ xao động hơn
nhưng không tỉnh dậy.
 
Bóng tối đập vào khuôn mặt kẻ đang bước
giữa hết thảy những người khác dưới những tia nóng nảy
của một mặt trời gay gắt.
 
Đột nhiên trời u ám như trước một trận mưa rào.
Tôi đang ở một nơi chứa đựng mọi khoảnh khắc —
một viện bảo tàng bướm*
 
Tuy nhiên mặt trời lúc ấy vẫn mạnh như trước.
Những cây cọ nóng nảy của mặt trời đang vẽ thế giới.
 
(Những bí mật trên đường, 1958)
 
-------------------------
* «musée de lépidoptères», theo bản Pháp văn. (ND.)
 
 

LISBOA

 
Những chiếc tầu điện màu vàng reo ca trên những con dốc ở khu phố Alfama.
Ở đấy có hai nhà tù. Một dành cho những kẻ trộm cắp.
Những người này vẫy tay qua hàng rào song sắt ở cửa sổ.
Họ kêu la họ muốn được chụp hình!
 
«Nhưng ở đây», người bán vé nói với tôi, nhạo cười như một kẻ ngại ngần,
«ở đây người ta nhốt tù chánh trị đấy». Tôi nhìn cái tiền diện, cái tiền diện, cái tiền diện
và tít trên cao trong một khung cửa sổ, có một người đàn ông
với ống nhòm trước mắt đang ngắm biển.
 
Áo quần phơi phóng trên trời. Các vách tường nóng bỏng.
Những con ruồi đang lần mò dò những chữ nhỏ xíu.
Sáu năm sau tôi hỏi một bà ở Lisboa:
«Có phải là đúng như thế không hay là tôi tưởng tượng ra?»
 
(Hòa âm và vết tích, 1966)
 
 

VỚI DÒNG SÔNG

 
Chuyện trò với những người đồng thời với tôi, tôi đã thấy, tôi đã nghe sau khuôn mặt của họ
dòng sông
đang trôi đi đang trôi đi cuốn theo cùng với nó những người tình nguyện và những người không được tình nguyện như thế
 
Và con người với đôi mắt phết hồ
những muốn ruổi rong giữa dòng chảy
không run rẩy lao mình xuống đấy
trong một nhu cầu giản dị thật dữ dội
 
Qua đi những dòng nước lúc nào cũng ào ạt hơn
như ở đây nơi dòng sông xiết chặt lại và biến thành
thác — ở nơi tôi dừng chân
sau một chuyến đi trong những khu rừng héo khô
 
một buổi chiều tháng Sáu: đài bán dẫn truyền đi tin mới nhất
về phiên họp đặc biệt. Kossyguine, Eban.
Một vài ý tưởng họa hiếm khuấy nhiễu tôi không thôi.
Một vài người họa hiếm ở dưới kia trong làng.
 
Và, dưới cây cầu treo, những khối nước sụp xuống
dưới mắt tôi. Kìa gỗ nổi đã đến. Một vài mình cây
lao thẳng tới như những trái ngư lôi. Những thân cây khác
xoay ngang, xoay vòng vô phương và lười biếng
 
hay bỏ đi hít mạnh đôi bờ
len lỏi giữa đá tảng và củi giạt, kẹt cứng
dồn đống như những bàn tay chắp lại
trơ ra trong tiếng ồn ào huyên náo này...
 
                           tôi đã thấy, tôi đã nghe trên cây cầu treo
trong một đám mây muỗi
với mấy đứa con trai. Xe đạp của chúng
vùi dưới đám lá xanh — duy những chiếc sừng
ló ra.
 
(Những viễn ảnh ban đêm, 1970)
 
 

GỬI NHỮNG NGƯỜI BẠN Ở BÊN KIA MỘT BIÊN GIỚI

 
I
 
Tôi đã viết cho các bạn thật ít ỏi. Nhưng những gì tôi không thể viết
đã phồng lên và phồng lên như một khinh khí cầu kiểu xưa
và cuối cùng trôi đi qua bầu trời đêm.
 
II
 
Lá thư lúc này ở nơi người kiểm duyệt. Y bật đèn.
Trong ánh sáng chói chang những chữ của tôi bay lên như những con khỉ trên tấm song sắt,
rung lách cách, dừng lại, và nhe răng.
 
III
 
Hãy đọc giữa những hàng chữ. Chúng ta sẽ gặp nhau trong 200 năm nữa
khi những máy vi âm trên vách tường khách sạn bị quên đi
và rốt cuộc có thể ngủ yên, trở thành những giống tôm cua hóa thạch thời nguyên thủy.
 
(Những lối mòn, 1973)
 
 

CÁC CÔNG DÂN

 
Vào đêm sau tai nạn, tôi đã nằm mơ thấy một người đàn ông mặt rỗ
đang hát ngoài con hẻm.
Ấy Danton!
Chứ không phải kẻ kia, không — Robespierre không có những cuộc đi dạo ấy.
Robespierre mất một tiếng đồng hồ buổi sáng vào trang điểm
và hiến cho Dân chúng phần còn lại trong ngày.
Ở thiên đường của châm biếm, giữa những thứ máy móc đạo đức.
Danton —
hay kẻ mang mặt nạ ông —
bước đi như thể đi kheo.
Tôi đã thấy khuôn mặt ông từ dưới thấp:
như một mặt trăng lỗ chỗ
nửa chiếu sáng, nửa buồn thảm.
Tôi đã muốn nói một điều gì đó.
Một khối nặng lớn đè trên con tim, khối nặng
khiến đồng hồ chạy,
xoay những cây kim — Năm I, Năm II...
Một mùi nhức nhối như mạt cưa trong chuồng cọp.
Và — như vẫn trong mơ — không có mặt trời.
Nhưng các vách tường lóe sáng
nơi những con hẻm uốn cong
chạy xuống phía phòng đợi, gian phòng đã uốn cong,
phòng đợi nơi hết thảy chúng ta. . .
 
 

LỐI ĐI NGANG ĐƯỜNG CÓ HÀNG ĐINH

 
Gió lạnh buốt đập vào mắt, và hai hay ba mặt trời
nhảy múa trong ống kính vạn hoa của nước mắt, khi tôi băng qua
con đường mình quá quen biết này,
nơi mùa hè Groenland* sáng lên từ những vũng tuyết.
 
Cuộc sống mạnh mẽ của con đường xoay vần xung quanh tôi;
nó chẳng nhớ gì hết cũng chẳng thèm muốn gì hết.
Thât xa dưới hàng xe cộ, thật sâu dưới lòng đất,
khu rừng sẽ sinh ra còn lặng lẽ đợi chờ trong một ngàn năm nữa.
 
Đột nhiên, tôi thấy dường như con đường đang chăm chú nhìn tôi.
Thị lực của nó quá kém cỏi khiến chính mặt trời
cũng chỉ còn là một cuộn chỉ màu xám trong không gian tăm tối.
Nhưng trong giây lát này tôi được rọi sáng! Con đường đã nhìn thấy tôi.
 
(Hàng rào sự thật, 1978)
 
---------------------
* Groenland, đảo Đan-mạch, ở về phía bắc châu Mỹ, phần lớn phủ đầy băng. Bản dịch này “phối hợp” cả hai bản Pháp và Anh! (ND.)
 
 

KỂ TỪ THÁNG BA 79

 
Mỏi mệt vì hết thảy những kẻ tới với những chữ,
Những chữ chứ không phải một ngôn ngữ
Tôi đã ra một hòn đảo tuyết phủ.
Nơi hoang dã không có chữ.
Những trang trắng mở ra khắp phía!
Tôi bắt gặp dấu vết những móng chân hoãng trên tuyết.
Ngôn ngữ chứ không phải những chữ.
 
(Phố chợ hoang dã, 1983)
 
 

ĐƯỜNG PHỐ Ở THƯỢNG-HẢI

 
I
 
Có nhiều người trong công viên đang đọc con bướm trắng.
Tôi yêu con bướm vườn cải bắp đó như thể ấy chính một góc của sự thật phất phơ bay.
 
Vào hừng đông những đám đông hối hả khởi động cái hành tinh lặng lẽ của chúng ta.
Thế rồi công viên đầy những người. Với mỗi người là tám khuôn mặt nhẵn bóng như ngọc, cho mọi tình thế, để tránh nhầm lẫn.
Lại với mỗi người là khuôn mặt vô hình nọ phản ánh «một điều gì mà ta không nói tới.»
Một điều gì ló ra trong những lúc mỏi mệt và cũng nhức nhối như một hớp rượu Rắn lục với dư vị lợn gợn dài lâu.
 
Đàn cá chép dưới ao luôn luôn chuyển động, chúng bơi trong lúc ngủ, chúng là một mẫu mực cho những kẻ tin: luôn luôn chuyển động.
 
II
 
Lúc này là đúng ngọ. Đồ giặt phất phơ trong cơn gió biển xám thật cao bên trên những người đạp xe
đang tới như những đàn cá lớn chật cứng. Hãy để ý những mê lộ ở ngang hông!
 
Vây quanh tôi là những chữ viết mà tôi không thể thông dịch. Tôi hoàn toàn, hoàn toàn mù chữ.
Nhưng tôi đã trả những gì tôi phải trả và tôi có những biên nhận cho mọi sự. Tôi đã thu thập biết bao tờ biên nhận không đọc được.
Tôi là một cội cây già với những chiếc lá héo hắt còn đeo và không thể nào rơi xuống đất.
 
Và một cơn gió mạnh từ biển khiến rì rào hết thảy những biên nhận này.
 
III
 
Vào hừng đông những đám đông lê bước khởi động cái hành tinh lặng lẽ của chúng ta.
Chúng ta hết thảy đều «lên tầu» trên đường phố, đường phố chật ních như trên «boong» một chiếc phà.
Chúng ta đi về đâu? Liệu có đủ chén uống trà không? Chúng ta có thể coi như mình may mắn vì đã «lên đường» kịp thời!
Ta ở cách sự phát sinh «chứng sợ những nơi đóng kín»* cả ngàn năm.
Đằng sau mỗi người bước đi ở đây lơ lửng một cây thập tự nó muốn đuổi kịp chúng ta, vượt qua chúng ta, nhập với chúng ta.
Một điều gì đó nó muốn lẻn tới phía sau chúng ta, vừa bịt mắt chúng ta vừa thì thào, «Đoán coi ai?»
 
Chúng ta có vẻ gần như hạnh phúc ở ngoài nắng, trong lúc chúng ta chảy máu đến chết vì những vết thương mà chúng ta không hay biết gì hết.
 
-----------------------
* «claustrophobia» trong bản Anh văn. (ND.)
 
 

AIR MAIL

 
Đi tìm một thùng thư
tôi mang cái phong bì qua thành phố.
Con bướm đi lạc này bay chập chững
trong khu rừng bao la của đá và bê-tông.
 
Tấm thảm bay của chiếc tem-bưu điện
mấy chữ loạng choạng ghi địa chỉ
hệt như sự thật của tôi được niêm lại
lúc này lượn là bên trên đại dương.
 
Đại tây dương ánh bạc và bò sát.
Những hàng rào mây. Con tàu của các ngư phủ
tựa cái hột ô-liu mà ta nhổ ra.
Và vết sẹo lợt lạt của lằn nước.
 
Công việc tiến hành thật chậm rãi ở dưới thế này.
Tôi thường liếc trộm về phía đồng hồ.
Trong im lặng ham hố
những bóng cây trở thành những con số tối tăm.
 
Sự thật nằm trên đất
nhưng không ai dám nắm lấy.
Sự thật ở ngoài đường phố.
Và không ai biến thành của mình.
 
(Cho những người sống và những người chết, 1989)
 
 

THÁNG TƯ VÀ IM LẶNG

 
Mùa xuân thật vắng vẻ.
Một cái hố bằng nhung tối lại
bò sát bên tôi
không tự ngắm mình.
 
Cái duy nhất lấp lánh
là những bông hoa vàng vàng này.
 
Chiếc bóng của tôi mang tôi đi
như một cây vĩ cầm
trong cái hộp đen.
 
Tất cả những gì tôi muốn nói
loáng lên ngoài tầm
như đồ bạc
nơi người cho vay nặng lãi.
 
 

Ở VƯƠNG QUỐC CỦA BẤP BÊNH

 
Viên chủ sự nghiêng mình vẽ một cây chữ thập
và đôi khuyên của y dao đông như những thanh kiếm của Damoclès.
 
Tựa như một con bướm có đốm vô hình trên mặt đất
thằng quỷ lẫn với tờ báo trải ra.
 
Một chiếc nón sắt không ai đội đã nắm quyền.
Con rùa-mẹ bỏ đi, bay đi dưới những lớp sóng.
 
(Chiếc gông-đôn tang tóc, 1996)
 
 

NHỮNG MẶT TIỀN

 
I
 
Ở mút cùng con đường tôi nhận ra quyền bính
và hắn cũng tựa như một củ hành
mà những lớp mặt chồng chất
tách dần ra...
 
II
 
Nửa đêm.. Các nhà hát vãn người.
Các từ bừng cháy trên những mặt tiền.
Sự huyền bí của chữ nghĩa vẫn không lời giải đáp
chìm sâu vào cái nhấp nháy lạnh lẽo này.
 
 

THÁNG MƯỜI MỘT

 
Khi tay đao phủ buồn chán, y trở thành nguy hiểm.
Bầu trời phừng cháy cuộn lại trên chính mình.
 
Người ta nghe những tiếng đấm đá từ xà-lim này tới xà-lim khác
và không gian tràn tới từ đất giá băng.
 
Một vài tảng đá lấp lánh như những vành trăng tròn.
 
 

TRỜI BUÔNG TUYẾT

 
Những tấm bảng chỉ dẫn
mỗi lúc một nhiều
khi ta lại gần một thành phố.
 
Ánh mắt của hàng ngàn con người
ở xứ của những chiếc bóng dài.
 
Một cây cầu tự tạo
từ từ
ngay trong không gian.
 
(Những bài thơ ngắn, 2002)
 
 

XI*

 
Điều khải thị.
Cây táo trăm năm.
Biển đã gần.
 
*
Biển là một bức tường.
Tôi nghe hải âu kêu —
chúng ra hiệu cho ta.
 
*
Gió của Trời sau lưng.
Tiếng nổ tới không ồn ào —
một giấc mơ quá dài lâu.
 
*
Im lặng màu tro.
Người khổng lồ xanh qua trước mặt tôi.
Gió biển hiu hiu lạnh.
 
*
Cơn gió mênh mang và yên hàn
của thư viện biển.
Nơi tôi có thể nghỉ yên.
 
*
Những người-chim.
Những cây táo đương hoa.
Niềm bí ẩn lớn.
 
(Niềm bí ẩn lớn, 2004)
 
---------------------------
* Đây là bài cuối cùng trong tập thơ “cuối cùng” của Tomas Tranströmer. (ND.)
 
 
TOMAS TRANSTRÖMER sinh năm 1931 tại Stockholm, Thụy-điển. Cho in tập thơ đầu tay, 17 bài thơ, vào năm 23 tuổi. Từ ấy tới nay (2004), ông đã có thêm khoảng 13 tập thơ nữa. Tranströmer đã được tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Petrarch của Đức (1981), Giải Bonnier về Thơ (Thụy-điển, 1983), Giải thưởng Lớn của Hội đồng Bắc Âu (1989), Giải Neustadt International (1990), và nhiều giải khác của Thụy-điển, Đức, Slovaquie, Macédoine, Ý, Trung-hoa lục-địa, Nhật-bản,… Ông được coi như nhà thơ Thụy-điển xứng đáng nhất đối với Giải Nobel Văn chương (mặc dù Thụy-điển ít khi trao giải này cho các công dân của mình!). Joseph Brodsky nói rằng mình đã mượn của Tranströmer nhiều ẩn dụ; Bắc Đảo “thú nhận” rằng Tranströmer đã ảnh hưởng sâu xa tới thơ mình... Thơ Tranströmer đã được dịch ra 55 thứ tiếng trên thế giới. Trong cuộc sống bình thường, Tranströmer là một nhà tâm-lý-học chuyên nghiệp.
 
Bản dịch các bài trên dựa theo các bản Anh văn của nhiều dịch giả trong tuyển tập thơ Tomas Tranströmer, Selected Poems 1954-1986, The Ecco Press, New York, 1987 và bản Pháp văn của Jacques Outin trong Tomas Tranströmer, Baltiques, Œuvres complètes 1954-2004, nxb Le Castor Astral và Poésie/ Gallimard, Paris, 2004. Ở đây, tôi xin được ghi lời cảm tạ nhà thơ Chân Phương, người đã cung cấp cho tôi các tư liệu bằng Anh văn. (DC.)
 
(Lưu ý: Bản dịch này thay thế tất cả các bản dịch T. Tranströmer đã có của DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021