thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tử đạo và thánh nhân

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

MARK FRANKLAND

(1934~)

 
The Mother-of-Pearl Men "cuốn truyện đầu tay của Mark Frankland, cựu phóng viên tuần báo The Observer ở Sài Gòn, đan kết một câu chuyện về những ý đồ chính trị tại một tiền đồn kiên trì — được mô tả tỉ mỉ, tuyệt vời — của nước Pháp dưới thời thuộc địa. Tại Sài Gòn vào đầu thập niên 70, Michael Bishop, một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi người Anh, bị lôi cuốn vào một âm mưu cứu vớt khỏi bàn tay Việt Cộng một trí thức Việt Nam con nhà giàu có theo tây học, tên Thái. Xung quanh khuôn mặt bí ẩn, bán huyền thoại này, đang nhen nhúm những ngọn lửa của ước vọng và những tình cảm dân tộc mơ hồ.
 
Cuốn truyện quan sát tế nhị này nắm bắt được tâm trạng của đời sống Sài Gòn trong một quá khứ gần, với những khả năng tiềm tàng, hiếu động, hung hăng, đối nghịch. Nó đi sâu vào các ngõ ngách của xã hội Việt Nam đương thời — các ngân hàng Anh Mỹ, các ngoại giao đoàn, giới trí thức trung lưu Việt Nam tây hoá, các giáo phái thích âm mưu nhưng không thiên hẳn về phe nào, cảnh sát công an có mặt ở khắp nơi, sự trầm lặng dị thường của các "ông" ở nông thôn, các tay hút xách, các gia chủ suy tàn trong những ngôi biệt thự của một thời vang bóng."
 
"Mark Frankland sinh tại Luân Đôn năm 1934. Ông gia nhập The Observer năm 1961 và là phóng viên thường trực đầu tiên ở Mạc Tư Khoa của báo này. Ông có mặt tại Sài Sòn từ năm 1967 đến năm 1975 với tư cách phóng viên Đông Dương cho The ObserverThe Economist. Từ năm 1982 ông lại là phóng viên ở Mạc Tư Khoa của The Observer, và ở địa vị này ông lãnh giải David Holden Award năm 1984 dành cho Phóng Viên Hải Ngoại xuất sắc (British Press Award)."
 
[Lời giới thiệu cuốn truyện The Mother-of-Pearl Men của Mark Frankland do nhà xuất bản John Murray ấn hành, Nguyễn Đăng Thường trích dịch.]
 
Tác phẩm của Mark Frankland:
Khrushchev (London: Pelican Book, 1996; New York: Stein & Day, 1967).
The Mother-of-Pearl Men (London: John Murray, 1985).
Richard Robertovich (London: John Murray, 1987).
The Sixth Continent (New York: Harper Collins, 1987).
The Patriot's Revolution (London: Sinclair-Stevenson Ltd, 1990; Chicago, IL: Ivan R Dee, Inc., 1990 [Paperback]).
Freddie the Weaver (London: Sinclair-Stevenson Ltd, 1995; Glaswande: Leben mit einem Autisten, Knaur-Ventura Publisher, 1996 [bản dịch tiếng Đức của Gabriela Schonberger-Klar])
A Child of my Time (London: Chatto and Windus, 1999).

 

_______________

 

TỬ ĐẠO VÀ THÁNH NHÂN

 

Buổi trưa hôm sau trời đổ mưa, trận mưa đầu tiên từ khi tôi đặt chân đến thành phố này. Nhưng nó không to hơn một trận mưa vòi sen mà đường phố nóng bỏng đã hút cạn ngay, chẳng khác gì một kẻ đang khát được đưa cho vài giọt nước để bông đùa. Ba[1] nói những trận mưa luôn luôn bắt đầu như vậy. Người ta gọi chúng là "mưa xoài". Thật khó mà tưởng tượng nổi bầu trời, khô khốc đã quá lâu, có thể vắt ra được nhiều hơn là ngần ấy ẩm ướt không thay đổi được cái nóng.

Tôi chợt ý thức rằng tôi đã mỏi mệt hơn là tôi nghĩ. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rõ rằng tôi đang đợi chờ một cái gì khác hơn là những cơn mưa. Tôi muốn có giải đáp cho các vấn nạn tôi đã bị vướng vào. Tôi muốn kéo Jeanette ra khỏi vòng tay của Byrne hay của bất cứ ai khác, thế nhưng tôi cũng dư biết rằng tôi không thể cung cấp cho nàng các thứ nàng mong ước. Tôi hình dung đưa nàng tới thăm bố mẹ tôi — ở Gloucestreshire thay vì bất cứ một chỗ nào khác — và lễ phép xã giao ngoài mặt để che đậy nỗi kinh hoàng khi nghĩ tới một đứa con dâu lai giống. Tôi chưa bàn tính chuyện hôn nhân với Jeannette, chưa từng nghĩ tới chuyện đó, và đó cũng là một mánh khoé của tôi đối với nàng. Tôi chưa nói cho nàng biết rõ rằng chuyện ấy chỉ là chuyện không tưởng.

Và nhân tiện, thử hỏi luôn tôi có dối gạt Gruson, tôi có dối gạt những người cộng sản hay không? Tôi có thể biện minh với chính mình, nhưng tôi cảm thấy quá đau buồn khi nhớ lại sự nhiệt tình lúc ban đầu khi tôi mới dấn thân vào câu chuyện của Thái. Tôi đã dối gạt Ba — chí ít là vì đã không nói hết sự thật. Tôi đã dối gạt lão Đỗ. Người độc nhất tôi chưa dối gạt là Thái. Đó không phải là cung cách mà tôi đã được dạy dỗ để xử thế. Đó cũng không phải là những gì mà tôi đã được dạy bảo để mong chờ ở cuộc đời. Và mặc dù tôi ao ước có được một giải pháp để cho mớ thần kinh của tôi bớt căng thẳng, chắc hẳn tôi cũng đã dư biết rằng nó sẽ không bao giờ đến. Tôi từng biết mùi vị của những trò chơi đúng luật tắc, của tài sản gia đình, của kinh doanh trong danh dự mà không ý thức được những chuyện đang xảy ra xung quanh tôi và chẳng có cách nào cho tôi vượt thoát để trở lại với những nếp sống cũ. Ký ức về Thái đứng bơ vơ run rẩy trên sân banh ở Anh[2] chợt hiện về và tôi thầm hỏi lúc ấy Thái đã biết rõ hay chưa những điều tôi đang hấp thụ. Rằng, luật tắc và trò chơi không mấy hữu ích, cho Thái.

Khi đã xong các công việc trong ngày, tôi vào Cercle [3] bơi lội lên xuống dọc theo chiều dài của bể bơi cho tới lúc đuối hơi, va chạm mà không mảy may ý thức vào lũ trẻ giống như một đàn ếch. Tôi muốn làm giãn gân cốt và định bụng khi về nhà sẽ nốc khá nhiều rượu để có được một giấc ngủ an lành.

Thế nhưng mọi chuyện đã không được như vậy. Khi về tới nới, tôi thấy một mảnh giấy nhét vào mép cửa. Một hàng chữ in hoa viết nắn nót.

"ÔNG MICHAEL THÂN MẾN. TÔI CẦN GẶP ÔNG NGAY TỐI NAY. XIN ÔNG VUI LÒNG TỚI NGÔI CHỢ GẦN GA XE LỬA VÀO LÚC 8 GIỜ TỐI VÀ ĐẾN CHIẾC TẮC XI ĐANG CHỜ SẴN TRƯỚC RẠP VĨNH LỢI. TÀI XẾ CHỜ ÔNG. ANH TA SẼ ĐƯA ÔNG ĐẾN CHỖ HẸN ĐỂ CHÚNG TA GẶP NHAU. TÔI LÀ BẠN CỦA ÔNG. XIN ÔNG VUI LÒNG TỚI CHỖ HẸN NHÉ."

Phản ứng đầu tiên của tôi là xé bỏ ngay mảnh giấy và rót cho mình một cốc rượu mạnh như tôi đã hứa tặng cho tôi. Tôi không biết ai đã biên thư. Có thể là một cái bẫy — Ba đã từng cho tôi nghe một bài diễn thuyết bất tận về nghệ thuật khiêu khích mà người Việt Nam, thường ưa thích sự gián tiếp, rất xuất sắc. Ba đã đọc báo và dịch lại cho tôi nghe những tai nạn bất thường đã xảy ra — một hoả hoạn không thể giải thích tại một ngôi chùa hay một cuộc nổ bom tại vài xưởng máy nhỏ ở trong Chợ Lớn, và Ba giải thích, với không ít khoái trá, ‘Thưa ông, đó là một hành động khiêu khích.’ Nhiều buổi trưa của Ba ở quán Givral dường như chỉ để bàn luận về việc ai sẽ thắng và ai sẽ thua từ những vụ việc đó. Nếu phán xét theo những lời của Ba tường thuật lại các buổi họp mặt đó, thì phần thưởng sẽ vào tay kẻ đã đưa ra những giả thuyết vòng vèo nhất.

Nhưng nếu đó là cạm bẫy thì tôi vẫn không thấy những tai hại sẽ xảy đến cho tôi. Lời nhắn nhủ trong thư quá mơ hồ nên tôi có thể dễ dàng chứng minh sự vô tội của mình. Và dịp may hiếm có để cho tôi hành động, vì nó đã ở trong tầm tay, có vẻ quyến rũ nhiều hơn là một buổi tối bên cạnh một chai rượu whisky.

Tuy nhiên, tôi cũng khá lo âu để có thể gạt hẳn qua một bên những sự dè dặt tối thiểu. Khoảng bảy giờ tôi thả bộ về hướng đường Tự Do và đi tới lui nhìn ngắm các cửa hàng. Mỗi buổi chiều thường có những đám nhỏ kéo tới đây trước khi hoàng hôn buông xuống vội vàng như một tấm màn the rơi nhẹ trên sân khấu. Họ thuộc giới trung lưu của Sài Gòn — bọn người mà Gruson khinh miệt vì họ không quý phái — và cuộc dạo phố buổi chiều cho phép họ hành động trong thoáng chốc như thể đời sống vẫn bình thường và những thú vui cỏn con của mỗi ngày vẫn còn nguyên vẹn.

Họ tránh những quán bar hốt bạc Mỹ và ghé vào các tiệm may có chưng những tấm ảnh quảng cáo áo quần thời trang Pháp đã lỗi thời, để sờ mó các mẩu hàng vải mới. Họ ghé vào các cửa hàng tiểu công nghệ bán ngà voi và sơn mài cùng với những vật dụng có khảm xà cừ long lanh ngũ sắc. Một gia đình đứng như ngây dại nhìn một chiếc hộp sơn mài màu nâu có vẽ những con cá vàng đuôi và mang tha thướt như những bộ y phục Trung Hoa. Tôi tự hỏi không biết họ nhìn nó đã bao nhiêu lần rồi gì chẳng có cái gì là còn mới lạ đối với họ trên con đường này.

Nơi góc phố có một cửa hàng tạp hoá toả ngát mùi cà phê và phó mát Pháp của một Hoa Kiều. Tiệm này là một cái kho lương thực chứa những hộp thịt dăm bông chồng chất lên nhau, những hộp marrons glacés và ba tê gan ngỗng. Người chủ tiệm gửi đám con ốm yếu dễ thương của ông vào các trường trung học Pháp để học hành, nhưng buổi trưa chúng ngồi ở quầy thu ngân, nhận tiền của khách và mỉm cười vu vơ. Người cha đã hứa gửi chúng sang Pháp du học. Ông ta có thừa tiền để mua giấy thông hành. Ba vẫn chê bai mấy đứa nhỏ đó. ‘Một lũ chệc con đáng thương,’ Ba nói, làm như thể dòng máu Tàu của chúng là một sự nguyền rủa. Lũ trẻ có vẻ bất cần. Có thể chúng đang mơ mộng về Paris và vì vậy mà chúng mỉm cười bâng quơ trong lúc sắp xếp các tờ giấy bạc ngay ngắn vào ngăn tủ kết.

Tôi quay bước trở lại hướng trụ sở Quốc Hội và khi tới quán Givral rẽ xuống đường Lê Lợi. Qua sự quan sát của tôi thì tôi có thể khẳng định rằng chẳng có ai đang bám sát tôi. Sinh hoạt tại chỗ này đã bớt đoan trang. Một đám thiếu niên đang đùa nghịch trước rạp Rex và một buổi liên hoan đang diễn ra trên sân thượng hội quán sĩ quan Hoa Kỳ ở kế bên. Một dàn nhạc chơi nhạc jazz và những khuôn mặt trắng đang cúi nhìn xuống con lộ ở phía dưới. Vỉa hè bị chiếm đoạt bởi đám phụ nữ ngồi chồm hổm dưới đất bên cạnh những đống hàng hoá như thuốc lá, kem đánh răng, xà phòng. Họ vẫy tay mời khách tới mua và không ngớt cãi cọ với nhau. Cũng có những người ăn xin nhưng chẳng có ai buồn để ý tới bọn họ.

Có một đám đông ở trước rạp Vĩnh Lợi nơi cậu bé Thái đã rơi lệ khi xem Cornel Wilde đóng vai Chopin.[4] Đêm ấy rạp chiếu phim Bardot. Quá ít khuyến khích cho các nhà cách mạng trẻ tuổi, tôi nghĩ thầm. Tôi đứng đợi chưa quá hai phút thì nghe một tiếng gọi khẽ và ngó thấy một anh tài xế đội mũ nhựa đưa tay ngoắc ngoắc tôi bước lên xe. Anh tài xế rất bé người nhưng cơ thể thì lại chắc nịch những bắp thịt. Anh mặc quần đùi và vài sợi lông trên bắp chân anh đứng thẳng như những sợi kẽm đen.

Anh cười nhe răng và hỏi, ‘Ông Mickle? Ông Mickle?’

Tôi gật đầu và bước lên xe, khép hai chân lại thật khít để chúng vừa vặn với cái chỗ ngồi bên cạnh anh tài xế. Anh lái xe đi và đập mạnh lên đầu của cây cần sang số giống như một nhánh cây bé tí để giữ nó ở vị trí cũ. Chiếc xe có vẻ như sắp đuối sức bất cứ lúc nào nhưng người lái xe thì hình như không cần biết đến những âm thanh phát ra từ cỗ máy đang phấn đấu và những tiếng lách cách khi xe rơi vào một ổ gà. Chúng tôi chạy về hướng phi trường. Thỉnh thoảng anh tài xế quay sang phía tôi nhe răng cười. Một khuôn mặt nông dân, tròn trịa, mũi tẹt. Khi xe đỗ lại chỗ đèn đỏ anh tài xế giật các chùm lông trên cánh tay tôi hệt như một đứa bé đã làm khi Ba và tôi lái xe vào một đồn điền cao su để gặp Thái.

Anh tài xế có vẻ như không biết một tiếng Anh hay một tiếng Pháp nào cả, thế nhưng khi chúng tôi đến gần phi trường anh lấy tay chỉ chỏ ra con lộ và nói 'Evêque frongcais'. Tôi chỉ kịp nhận ra một cái gì từa tựa như một bành voi nằm ven đường. 'Evêque frongcais', anh hối hả lập lại. 'Très grand évêque. Mort. Très mort.'[5]

Ý tưởng về vị linh mục Pháp vĩ đại quá vãng đã lâu rồi — chắc đó là ngôi mộ của ngài — kích thích anh tột độ. Anh nhìn tôi, gật đầu thêm một lần nữa, và tôi nhìn thấy cái thánh giá nhỏ bằng vàng anh đeo trước ngực.

Tôi nhớ tới lời nhận xét về các vị mục sư Pháp của Đỗ trong cơn nóng giận và sự cố gắng thuyết phục tôi hãy cùng ông tới gặp một linh mục. Có phải đó là cuộc gặp gỡ mà tôi đang được đưa tới? Tôi muốn hỏi anh tài xế có phải chúng tôi đang trên đường tới một ngôi nhà thờ nhưng hình như sự hiểu biết tiếng Pháp của anh đã cạn. Chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ bụi bặm giữa những căn nhà bé nhỏ bằng ván gỗ tạp, lợp mái tôn. Các bà mẹ bồng con thơ đứng trước cửa. Trẻ con nô đùa trong bụi bặm. Không thấy mặt một người đàn ông nào cả. Đường mòn chấm dứt ở một khoảng đất trống bao bọc bởi những căn nhà lớn hơn nhưng cũng không chắc chắn hơn các căn chòi chúng tôi đã băng qua. Một cây thập giá gỗ dựng trên một mái nhà.

Tôi vừa đặt chân xuống đất thì một đám con nít đã xuất hiện nhưng tôi ngạc nhiên thấy chúng không la hét như lũ trẻ bụi đời trên đường phố Sài Gòn. Hình như chúng quen biết anh tài xế, anh vỗ đầu một vài đứa. Chúng xích tới gần hơn nhưng vẫn im lặng quan sát tôi. Một đứa trong các đứa bé nhất trong bọn cất tiếng khóc và đứa bé đứng bên cạnh giật cánh tay nó với vẻ khó chịu. Và bất thình lình không ai bảo ai chúng dạt ra hai bên nhường chỗ cho một người đàn ông cao lớn mặc áo chùng đen. Ông này dừng bước để cầm tay đứa bé đang khóc và chào đón tôi bằng một câu tiếng Pháp.

'Tôi là Cha Quân. Hân hạnh mời ông vào giáo khu di tản của tôi. Tôi rất vui sướng được ông đáp ứng lời mời.’

Tôi bước theo ông vào bên trong túp lều cạnh ngôi nhà có cây thánh giá. Bàn ghế sơ sài khiến tôi nghĩ đến căn nhà của Ba. Một chiếc bàn gỗ có ghế ngồi, hai chiếc ghế xếp, vải bố đã nhem nhuốc ở vài chỗ. Một máy chữ để trên đầu một tủ đựng hồ sơ đặt trong góc nhà. Không rộng hơn một túp lều chứa dụng cụ và các chậu trồng hoa, nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ. Ông ngồi xuống với đứa bé trên đầu gối.

'Con bé này hay buồn bã. Nó không có một cuộc đời hạnh phúc. Tôi muốn bảo với nó mọi việc rồi cũng sẽ êm xuôi, nhưng tôi nghĩ tốt hơn là cứ để cho nó quen sống với muộn phiền.'

Tôi đoán tuổi đời ông vào khoảng bốn mươi mặc dù mái tóc dày của ông đã bạc xám gần hết. Mái tóc cắt ngắn sau gáy và hai bên mép tai được chải gọn gàng. Khuôn mặt ông to bản với xương gò má cao biểu hiện sự vững chãi tôi đã thấy ở vài đồng loại của ông. Thậm chí hai cổ tay ông cũng chắc chắn, khác hẳn với cái cườm tay dễ gãy của Maurice và của Thái. Chiếc áo dài của ông đã sờn và có vài chỗ gần như ngời xanh, một trong các ánh sáng huyền bí toả ra từ những chiếc vỏ ốc khảm xà cừ. Ông mang đôi dép cao su rẻ tiền dưới đôi chân trụi trần, to lớn của ông.

Ông để đứa bé gái xuống và nó vụt chạy ra sân mất dạng.

'Xin ông thứ lỗi cho tôi trong lúc tôi đi lấy ống điếu. Tôi phạm tội mê ngậm ống vố như nhiều ông cố đạo Việt Nam.'

Ông đến bàn giấy rồi trở lại chỗ cũ với một cái hũ nhỏ có cái nắp đậy tựa như mái vòm có gắn một ống sậy dài. Ông nhe răng cười.

'Tôi gọi công việc này là nã phát đại bác đón chào.'

Ông nhét chút thuốc lá vào cái lỗ nhỏ trên nắp, châm lửa, rít ống sậy. Thuốc lá nổ giòn và có tiếng rò rò sủi tăm của nước trong hũ. Ba cái hít mạnh và thuốc đã cháy hết. Sự trầm tĩnh của ông linh mục gây ấn tượng mạnh và xoa dịu tôi. Cuộc phiêu lưu này chắc sẽ không kết liễu trong sự hỗn độn xô bồ.

'Tiếng Anh tôi sử dụng trong thư có đúng không?'

Ông mỉm một nụ cười thích thú khi thấy tôi gật đầu.

'Khi người Mỹ tới đây tôi đã cố học tiếng Anh nhưng không thành công lắm. Tôi có thể viết tiếng Anh với một cuốn từ điển, nhưng làm vậy thì quá nhọc nhằn. Các mục sư Mỹ có rất nhiều vị đã học tiếng Việt. Không như người Pháp vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã gặp dịp may hiếm có để được nói tiếng của họ. Và có thể rằng họ đã có lý. Chúng tôi đã có được một sự may mắn hiếm hoi.'

Ông lại nhe răng cười. Ông nói không ngừng cốt để có đủ thì giờ đánh giá tôi. Ông đang đặt ra cho mình một câu hỏi về tôi nhưng tôi không thể hình dung ra nó.

'Xin ông cho phép tôi được tỏ bày đôi điều về chính bản thân tôi. Rồi tôi sẽ giải thích việc tôi đã mời ông tới đây. Như ông thấy, tôi là một tu sĩ, và là một tu sĩ nghèo xác xơ, như các tu sĩ đều cần phải như vậy. Tôi là dân Bắc, nhưng tôi đã rời đất Bắc với giáo phận của tôi để vào Nam sau khi cuộc chiến tranh với người Pháp đã chấm dứt. Chúng tôi xây một ngôi làng giáo dân ở gần Sài Gòn nhưng cuộc chiến tranh mới lại đuổi theo chúng tôi bén gót. Giờ đây chúng tôi lại là dân tị nạn trong thành phố. Cuộc đời của đám con chiên của tôi rất bất hạnh, như ông thấy. Tôi thường hay chất vấn mình: tại sao chúng tôi đã lìa quê hương Bắc. Chúng tôi không thể sống chung với những người cộng sản hay sao? Dù gì thì họ cũng là người Việt Nam mà.

'Tôi vẫn nói với mọi người rằng Giáo Hội tất nhiên có thể sống ngoài Bắc. Giáo Hội có thể sống tại bất cứ nơi nào. Tôi đã nói với họ rằng Giáo Hội đã có nhiều chúa tể nhưng chung cuộc Giáo Hội đã cắm sừng tất cả.'

Ông rít cái ống sậy trống và nhìn xem hệ quả nơi tôi của những lời nói ông đã phát ra.

'Tôi không lo ngại cho Giáo Hội — hay cho chính bản thân tôi. Nhưng tôi lo ngại cho giáo dân của tôi. Họ là những con người bình dị, Họ không lanh lợi và mạnh bạo trong bất cứ công việc nào. Đức tin của họ và của con cháu họ sẽ bị đe doạ trên đất Bắc. Tất nhiên sẽ có một thiểu số vẫn thích làm kẻ tử đạo. Chắc ông chưa biết rằng đã có vô số kẻ tử đạo trong Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam nhưng chưa hề có một vị thánh? Tôi vẫn suy gẫm về chuyện đó. Những người cộng sản — họ cũng không thiếu những kẻ tử đạo. Ôi cái nước Việt mới đáng thương làm sao. Có biết bao nhiêu là kẻ tử đạo trong lúc chỉ cần có một vị thánh.'

Tôi nghe tiếng động ở sau lưng. Lối vào nhà đen đặc những mái đầu trẻ thơ đang trố mắt nhìn. Một đứa bé trong số các đứa bé nhất trượt chân ngã. Mấy đứa kia nâng nó lên và tiếp tục lặng lẽ chăm chú đứng nhìn. Tôi nhớ tới các anh bộ đội trẻ đã bu quanh để nghe tôi chuyện trò với người sĩ quan Viêt Cộng trong ngôi làng ở gần đồn điền. Tôi có cảm tưởng y hệt, rằng mình lại bất đắc dĩ bị xô ra sân khấu và được hướng dẫn đóng một vai trò mà tôi chưa chuẩn bị trước.

'Ông thấy đó,' Cha Quân nói tiếp, ‘những người cộng sản — tôi phải diễn tả như thế nào cho đúng đây — họ... họ quá đặc biệt. Họ muốn mọi việc phải đâu vào đấy tất cả. Mà đã là người Việt Nam thì sự tự cao tự đại sẽ dễ dàng đến với họ. Ông đã biết chưa, rằng bài thơ đầu tiên sử dụng ngôn ngữ Việt là một mệnh lệnh cho lũ cá sấu phải rời ngay sông Hồng mà trở về biển cả là quê quán thực sự của chúng?'

Ông cười, rồi ông khép mắt và bắt đầu phát âm các từ tiếng Việt trầm bổng lên xuống như đã được phổ nhạc. Có những tiếng xì xào nơi ngưỡng cửa khi lũ trẻ nhận ra ngôn ngữ của chúng.

'Thi nhân ra lệnh — hỡi lũ cá sấu chúng mày hãy mau mau trở về quê nhà. Chúng mày không biết rằng con sông này là thuộc về đất nước Việt Nam thiêng liêng và nòi giống Việt là những ngư phủ xăm mình đã từng khiến loài rồng mây cũng phải khiếp đảm?

'Kiêu hãnh, như ông thấy đó. Lũ cá sấu tất nhiên khinh thường nhưng tới nay chúng tôi vẫn đọc bài thơ đó để chứng tỏ rằng chúng tôi là một dân tộc anh hùng. Khi ngắm nghía lịch sử, chúng tôi thấy những chiến công, thắng Mông Cổ, thắng Tàu, thắng Tây, và bây giờ là Mỹ, và chúng chẳng khác gì những bằng chứng hùng hồn về sự can cường của nòi giống Việt. Nhưng riêng tôi, khi nhìn vào đấy tôi chỉ thấy có quá nhiều kẻ hy sinh, quá nhiều — quá nhiều vinh quang trong đau khổ. Khổ nhục hay thú đau thương là từ ngữ thích nghi nhất để áp dụng cho trường hợp này. Có thể rằng chúng tôi đã không có được một sự lựa chọn. Tôi không biết nhiều về lịch sử, nhưng theo thiển ý của tôi thì có những xứ sở và những con người dường như có sự may mắn. Chúng tôi thuộc về thành phần kém may và việc này đã ảnh hưởng đến tính tình của chúng tôi đến mức gây khó chịu nơi người khác cũng như ở chính chúng tôi.'

Cha Quân đứng dậy và đến chiếc hộp thiếc đựng thuốc lá trên bàn để lấy thêm thuốc bằng những cử động chậm chạp vững vàng. Lũ trẻ vẫn khoái trá đứng nhìn và tỏ vẻ thán phục khi cha châm lửa đốt ống điếu và thở ra một làn khói dày. Cha giả vờ làm một cử chỉ khôi hài như để doạ lũ trẻ.

'Tôi mời ông tới đây chỉ vì Thái, người bạn nhỏ của chúng ta. Chắc ông cũng đã đoán biết rồi phải không ạ?'

Tôi gật đầu.

'Thái hiện đang ở đây với chúng tôi. Tất nhiên không có ai ở đây biết rõ tông tích của Thái. Nhưng họ vẫn có thói quen chứa chấp những kẻ trốn chạy. Họ đã làm vậy ở ngoài Bắc và vào đây họ vẫn tiếp tục. Một cộng đồng như cộng đồng này vẫn nghĩ rằng mình đang bị cả thế giới đe doạ và họ sẵn lòng che chở bất cứ kẻ nào chống đối cái thế giới đó. Tôi vẫn muốn tin rằng chúng tôi đang bày tỏ lòng nhân ái nhưng tôi e rằng đó chỉ là một triệu chứng khác của căn bệnh của đất nước này. Chúng tôi chỉ chìa bàn tay ra cho kẻ thù của kẻ thù của chúng tôi thôi.'

Cha Quân vẫn tỏ vẻ ngập ngừng. Cha đề nghị chúng tôi nên nhâm nhi tí bia và hai đứa lớn nhất trong bọn trẻ chạy băng qua sân rồi chạy trở về với những cái chai lớn có hình cọp vàng và hai cái ly to đựng sẵn những cục nước đá. Cha Quân cẩn thận lật úp mỗi chiếc ly để trút bỏ lớp nước đá đã chảy tan dưới đáy ly xuống đất trước khi rót bia vào ly. Bia có vị nhàn nhạt và chưa đủ độ đắng. Hai đứa bé đã mang bia tới cất tiếng cười nhìn chúng tôi uống bia như đang chứng kiến một chuyện ngộ nghĩnh.

'Tôi mời ông tới đây vì tôi cần sự giúp đỡ của ông. Tôi không rõ lý do khi ông tìm gặp Thái lần đầu tiên. Giờ đây tôi xin ông giúp Thái chỉ vì Thái. Có thể ông sẽ bị làm khó dễ hay thậm chí bị hiểm nguy, nhưng tôi nghĩ chắc rằng sẽ không có quá nhiều đâu. Tuy nhiên, ông nên giúp Thái như một đồng loại giúp một đồng loại, mà không cần đặt ra những câu hỏi về mục đích hay ai sẽ có lợi trong việc đó. Có thể chẳng có ai sẽ được lợi lộc, kể luôn Thái. Nhưng tôi biết rõ rằng Thái không thể ở lại trong nước.

'Như ông thấy, đối với tôi thì chẳng có điều gì khó khăn. Tôi có Thượng Đế của tôi. Đó là mối liên hệ độc nhất của tôi. Tôi có thể giữ vững đức tin của mình ở bất cứ nơi nào, ngoài Bắc hay trong Nam, cùng với những người cộng sản hay chống đối họ. Đôi khi tôi nghĩ như vậy là thiếu công bằng vì nó quá dễ dàng đối với tôi. Nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể là một tu sĩ. Tôi nghĩ đất nước này có quá nhiều tu sĩ. Quá nhiều, quá sức chịu đựng của đức tin.'

Ông phì cười nhưng đó chỉ là một cách để đánh lạc hướng. Ông không muốn ép uổng tôi quá mạnh hay quá trực tiếp.

'Thái nó còn trẻ. Nó muốn làm một điều gì đó cho cái xứ sở này. Nhưng nó đã được thấy rõ cả hai bên và nhận thấy rằng chẳng có bên nào là hoàn hảo. Vì vậy mà Thái phải ra hải ngoại để một ngày nào đó Thái có thể trở về khi mọi chuyện đã tốt đẹp hơn, hay khi nó đã có đủ kinh nghiệm để sống với đôi phần của cái mà nó mong ước và hài lòng với chính nó.'

Khi tôi nghe vị linh mục nói 'Tôi cần sự giúp đỡ của ông', tôi chợt nghĩ tới cái đêm Gruson đưa tôi đến nhà hàng của tên người Pháp cựu thực dân và sau khi chúng tôi ăn xong món couscous, hắn cũng yêu cầu tôi giúp đỡ hắn. Lúc ấy thì quá dễ dàng để cho tôi chấp thuận và bây giờ cũng chẳng khó khăn gì để cho tôi nhận lời cha Quân. Nhưng tôi biết rất rõ rằng sẽ có sự khác biệt giữa hai câu trả lời đó. Tôi không còn là kẻ đã lúng túng trước tách cà phê phin và đã đỏ mặt tía tai khi Gruson chế nhạo sự vụng về của tôi.

Giúp đỡ cha Quân sẽ không là một trò chơi để cho tôi được thắng cuộc hay một trò cứu nguy. Làm sao mà bạn có thể cứu vớt bất cứ ai ở cái xứ sở này? Làm sao mà bạn có thể cứu vớt Thái ra khỏi những trận chiến đang diễn ra bên trong hắn và ở chung quanh hắn? Sự cứu vãn đó chỉ có thể là vá víu, là băng bó sơ sài một vết thương nơi chiến trường. Chí ít thì lúc ấy tôi cũng đã có đủ trí khôn để hiểu rõ điều đó.

Vị linh mục có vẻ yên tâm khi ông nghe tôi nói rằng tôi rất sẵn lòng nhưng ông không trả lời minh bạch khi tôi hỏi ông tôi phải giúp đỡ như thế nào. Ông nói tôi cứ chờ cho tới khi chính ông hay ai đó khác sẽ liên lạc với tôi. Ông lắc đầu khi tôi hỏi ông tôi có thể giáp mặt Thái hay không.

'Chưa thuận tiện trong lúc này. Đám con chiên của tôi rất tốt bụng nhưng chúng cũng rất tò mò. Chúng sẽ thắc mắc khi thấy một người ngoại quốc đến gặp Thái và chúng có thể to nhỏ với nhau và lọt vào tai kẻ khác. Ông nên biết rằng cả hai phía hiện đang truy nã Thái.'

Ông tiễn tôi ra tận cổng nơi chiếc tắc xi và anh tài xế bé người đang chờ tôi. Lũ trẻ theo bén gót chúng tôi nhưng ở một khoảng cách khá kính cẩn.

‘Minh sẽ đưa ông về nhà. Nó biết dịa chỉ của ông vì nó đã đưa tin cho ông.’

Anh tài xế nhe răng cười khi nghe tên mình và mở hé cửa xe chờ tôi tới. Cha Quân đứng tại chỗ nhìn chúng tôi lên đường. Khi cha vẫy tay lũ trẻ cũng vẫy theo.

Khi chúng tôi sắp đến nơi và chạy ngang qua ngôi thánh đường, Minh chạm vào cánh tay tôi rồi chỉ chỏ.

'Ma maison,' anh nói, 'grong maison.' [6] Các từ ngộ nghĩnh ấy khiến anh khoái trá và anh cười khúc khích.

 

 

-------------
Nguồn: Mark Frankland, The Mother-of-Pearl Men, chương 20, tiểu tựa do người dịch đặt (London: John Murray Publishers Ltd, 1985).
 
 
(Trên chiếc khay gỗ — một món đồ cổ khá đắt tiền Michael Bishop mua trong chợ Sài Gòn có khảm xà cừ những hình nhân, những dũng sĩ đứng dưới đất và ngồi trên lưng ngựa khoa chân múa tay, vung kiếm, phất cờ, đã được nghệ nhân bất động hoá vĩnh viễn trong thời gian và trong một cuộc chiến đến thiên thu không phân thắng bại. NĐT)
 
 
Ký giả Mark Frankland (hàng đầu, bên trái) và nữ đồng nghiệp Elizabeth Pond của tờ Christian Science Monitor trong một bữa cơm Việt Nam tại nhà một vị linh mục. Cô Pond và hai nhà báo Mỹ đã bị Khờ Me Đỏ bắt nhưng đã được phóng thích ngay. Lúc đó Khờ Me Đỏ chỉ là quân đội kháng chiến, chưa thực sự nắm chính quyền.
 
 
Mark Frankland viếng thăm một làng giáo dân.
 
 
Mark Frankhland và một sĩ quan Việt Cộng

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Mr. Ba là thông dịch viên kiêm hướng dẫn / liên lạc của Michael Bishop.

[2]Thái đã được gởi sang Anh du học và là bạn đồng khoá với Michael Bishop.

[3]Cercle Sportif: Câu lạc bộ Thể thao của người Pháp trên đường Chasseloup Laubat gần trường nam trung học cùng tên dưới thời Pháp thuộc, đã đổi tên lại thành đường Hồng Thập Tự dưới thời Đệ nhất Cộng Hoà.

[4] "A Song to Remember / La chanson du souvenir / Khúc hát kỷ niệm" một cuốn phim màu ăn khách của Hollywood (1945) kể lại cuộc đời và câu chuyện tình đau thương của Frederic Chopin và George Sand. Chopin yêu quý quê hương Ba Lan lúc ấy đang bị Sa Hoàng đô hộ nên không chịu chơi nhạc và chửi mắng các sĩ quan Nga và Ba Lan trong một buổi dạ tiệc, nên phải bỏ trốn sang Paris. Ở cuối phim, sau khi đi trình diễn nhạc để gây quỹ cho kháng chiến quân ở quê nhà, Chopin đã hộc máu ngã gục trên phím dương cầm và đã qua đời với một nắm đất quê hương trong tay. Cornel Wilde, một siêu sao Hollywood đương thời, tóc xoăn và cao lớn khoẻ mạnh đầy sinh lực, gốc Hungary, không có diện mạo lãng mạn yếu đuối của Chopin, nhưng tài diễn xuất vượt bực của anh, cộng với tiếng đàn dương cầm thánh thót của José Iturbi đã gây gấn tượng mạnh nơi người xem. Một khán giả Mỹ đã có những kỷ niệm về cuốn phim này như sau: "Chắc tôi đã xem phim này tới sáu bảy lần. Lúc đó tôi lên bảy. Tôi nhớ mẹ tôi và khán giả phụ nữ đã khóc oà khi phim chấm dứt. Tôi cũng khóc vì phim đã hết và tôi phải chờ để xem thêm một lần nữa" (Tác giả: countryway 48864, Hoa Kỳ, ngày 13 tháng Tám 2001, trên website điện ảnh IMDb). Dưới thời Pháp thuộc, phim này đã chiếu tại rạp Majestic lúc phim còn mới, rồi ở hai rạp Rex (cũ) và Bonard trên đường Bonard (rạp "Vĩnh Lợi" trên đường Lê Lợi). Đô đốc Hải Quân Louis-Adolphe Bonard (1805-1867) là vị thống đốc đầu tiên của Nam Kỳ.

[5]Tạm dịch: "Đức giám mục Tây. Chết rồi. Rất chết". Đó có thể là ngôi mộ của Đức cha Bá Đa Lộc (Évêque d'Adran, hay Monseigneur Pierre Joseph Georges Pigneaux de Behaine) đã đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện giúp chúa Nguyễn Ánh khôi phục giang san, nhưng không thành công. Ở cung điện Versailles, Hoàng tử Cảnh đã được hoàng hậu Marie Antoinette và tuỳ tùng khoác cho những bộ xiêm y lộng lẫy như một ông hoàng ả-rập để làm trò chơi. Triều đình Pháp lơ là chuyện cầu viện vì lúc đó nước Pháp đang nhen nhúm cuộc cách mạng dân chủ.

[6]Tạm dịch: "Nhà tôi đó... nhà bự, bự lắm".


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021