thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Can thiệp | Công việc của tôi
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

HENRI MICHAUX

(1899-1984)

 

Henri Michaux là một con người cô đơn và có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Khai phá nội tâm mình và nỗi đau của con người qua những giấc mộng, những truyện huyền tưởng và cả những thể nghiệm tác động ma túy, Michaux nghiêng về phía các nhà thơ siêu thực, nhưng không hề gia nhập phong trào này. Có thể nói toàn bộ những cái ông viết đều thể nghiệm sự tương quan giữa thực tại và chính bản thân ông, sự tương quan mang những kích thước gần như ám ảnh — ám ảnh về chính lý lịch của mình. Nhiều sáng tác của ông xuất phát từ những giấc mơ và ác mộng, phác vẽ một thứ địa lý nội tâm, nhận thức về chính mình soi từ thực tại, và từ cả cái tưởng tượng và vô thức... Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.
 
Tác phẩm chính: Qui je fus, 1927; Un barbare en Asie, 1932; Voyage en Grande Garabagne, 1936; Plume 1938; L’Espace du dedans, 1944; Par la voie des rythmes, 1974; Idéogrammes en Chine, 1975; Chemins cherchés, chemins perdus, transgressions, 1982.

 

________________

 

CAN THIỆP

 

Ngày xưa, tôi quá tôn trọng thiên nhiên. Tôi ngồi nhìn các sự vật và phong cảnh trước mặt và tôi để yên chúng làm gì thì làm.

Bây giờ thì hết rồi, tôi sẽ can thiệp.

Vậy thì bấy giờ tôi đang ở Honfleur và ở đây tôi đang chán. Thế là tôi nhất quyết đưa vào mấy con lạc đà. Việc này có vẻ như không được thích đáng lắm. Không sao, sáng kiến của tôi mà. Vả chăng tôi tiến hành ý định một cách thận trọng tối đa. Trước tiên tôi đưa chúng vào những ngày khách lui tới đông đảo, ngày thứ Bảy trên bãi Chợ. Đường sá mỗi lúc mỗi tắc nghẽn không sao tả và dân du lịch bảo: “Ôi! hôi quá đi! Dân vùng này ở bẩn quá!” Mùi hôi bốc đến tận hải cảng và bắt đầu đánh bật mùi tôm. Người ta thoát ra khỏi đám đông đầy bụi và lông mà không ai biết là của cái gì.

Và ban đêm người ta còn phải nghe những cú đá cồng! cồng! của lũ lạc đà lên kim loại và những phiến gỗ khi chúng tìm cách vượt qua cống rãnh!

Cuộc lấn chiếm của lũ lạc đà tiến hành đều đặn và an toàn.

Người ta bắt đầu thấy dân Honfleur không ngừng lác mắt với cái nhìn nghi ngờ đặc biệt trước đám người dắt lạc đà, khi họ kiểm tra đoàn đi của mình để xem có còn thiếu gì không và xem họ đã có thể lên đường hay không; nhưng rồi đến ngày thứ tư tôi phải rời Honfleur.

Tôi cũng đã cho khởi hành một chuyến xe lửa chở đầy hành khách. Tàu chạy hết tốc lực từ Quãng trường Trung tâm, và dứt khoát tiến ra biển không hề lo ngại sức nặng của vật liệu; nó chạy như bay về phía trước, nhờ có đức tin mà được cứu sống.

Tiếc là tôi đã phải ra đi, nhưng tôi rất nghi là sự yên tĩnh sẽ trở lại tức thì trong thành phố của dân chuyên đánh bắt tôm và vẹm này.

 

 

CÔNG VIỆC CỦA TÔI

 

Tôi ít khi nhìn thấy người nào mà không đánh họ. Có người thích độc thoại nội tâm. Còn tôi thì không. Tôi thích đánh hơn.

Có những người ngồi trước mặt tôi trong nhà hàng và không nói gì, họ ngồi như thế một thời gian, bởi vì họ quyết định ăn.

Đây là một người như thế.

Coi tôi nắm cổ hắn nè, cạch.

Coi tôi lại nắm cổ hắn nè, cạch.

Tôi treo hắn lên cái mắc áo.

Tôi tháo hắn xuống.

Tôi lại treo hắn lên.

Tôi lại tháo hắn xuống.

Tôi đặt hắn lên bàn, tôi chèn người hắn và bóp cổ hắn.

Tôi làm bẩn người hắn, tôi cho hắn ướt đầm đìa.

Hắn sống dậy.

Tôi giũ sạch hắn, tôi kéo dài người hắn ra (tôi bắt đầu thấy bực, phải kết thúc thôi), tôi bóp hắn, tôi siết hắn, tôi túm hắn lại và nhét hắn vào ly rượu của mình, và công khai hất nguyên chỗ trong ly xuống đất, và bảo cậu bồi bàn: “Cho tôi một cái ly sạch hơn”.

Thế nhưng tôi thấy khó chịu trong người, tôi thanh toán lẹ làng và tôi bỏ đi.

 

---------
“Can thiệp” và “Công việc của tôi” dịch từ nguyên tác “Intervention” và “Mes occupations” [Henri Michaux, Mes propriétés (Paris: J.O. Fourcade, 1929)] trong René Bertelé, Henri Michaux – Collection “Poètes d’aujourd’hui” (Paris: Seghers, 1957 — ấn bản mới năm 1980).

 

 

Những tác phẩm của Henri Michaux đã đăng trên Tiền Vệ:

 
Trong một lúc đãng trí ngu ngốc, Plume bước đi hai chân trên trần nhà, thay vì đặt chân trên mặt đất. Than ôi, khi hắn nhận ra điều này, thì đã quá trễ. Bấy giờ tê liệt bởi vì máu tức khắC ứ đọng, dồn cả xuống đầu hắn, như sắt dồn lên đầu một cái búa, hắn không còn biết gì nữa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Bài thơ "Je vous écris d'un pays lointain" của Henri Michaux (1899-1984) — một nhà thơ có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Bài này gồm 12 đoạn, có thể gọi là một bài thơ, nhưng cũng có thể gọi là một truyện ngắn. «Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.» Nhà thơ Hoàng Ngọc Biên — người dịch tác phẩm này ra Việt văn — đã nhận định như thế...
 
Ẩn ngữ  (thơ) 
Hắn đã bước đi, người ta bảo tôi thế, suốt nhiều năm và nhiều thế kỷ, vừa đi vừa xem lịch. Và, giờ đây, hắn kiểm chứng lại xem mọi người có mặt ở đấy hay không... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Giản dị  (thơ) 
Cho đến nay, cái mà tôi thiếu nhất, đó là sự giản dị. Tôi đang bắt đầu thay đổi dần dần... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Tử khúc  (truyện / tuỳ bút) 
Thần tài với đôi cánh rộng, thần tài vì nhầm lẫn đã mang tôi cùng với những kẻ khác tới miền đất thần tiên, nhưng thật bất ngờ, ôi quá bất ngờ, trong lúc tôi tưởng rằng mình rốt cuộc cũng được biết mùi hạnh phúc, thì vô vàn chiếc pháo nhỏ bỗng nổ vang trong không khí, và những mũi dao nhọn từ khắp phía đâm xối xả vào người tôi, khiến tôi rớt tuột xuống cái nền đất cứng của quê hương, từ nay và mãi mãi sẽ là quê hương của tôi... [Bản dịch Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Plume du lịch  (truyện / tuỳ bút) 
Plume không thể nói là người ta vẫn tôn trọng mình một cách quá đáng trong những lần du lịch. Có người qua mặt ông không báo trước, có người thản nhiên lau tay vào áo vét của ông. Rốt cuộc ông quen dần. Ông thích du lịch một cách khiêm nhường. Bao lâu còn du lịch được cách đó, ông sẽ cứ du lịch... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Plume ở nhà hàng  (truyện / tuỳ bút) 
Plume ăn đang trưa ở nhà hàng, thì người đầu bếp tiến lại, nhìn ông một cách nghiêm trọng và nói nhỏ với ông bằng một giọng bí ẩn: “Cái món ông đang xơi trên đĩa không có trong thực đơn”... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Plume bị đau ngón tay  (truyện / tuỳ bút) 
[...] Đừng có nghĩ rằng một ngón tay bị mất đi ta có thể dễ dàng tìm lại được một ngón khác. Người đàn ông cụt ngón tay, em chẳng thấy có cái gì thích thú cả. Một khi bàn tay anh bị cắt mất một ngón rồi, đừng có mong đợi gì ở em nữa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một người bình thản  (truyện / tuỳ bút) 
Giơ tay ra ngoài giường rờ tấm vách nhưng không thấy, ngạc nhiên... [Bản dịch Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021