thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Lên súng" và những bài thơ khác
(Thủy Trúc dịch)
 
LÊN SÚNG
 
Trước nhà tôi những anh chàng đặc vụ canh gác đêm ngày.
Họ ghi chép tất cả vào một cuốn sổ tay: ai vào, ai ra, và những lần tôi ra, tôi vào,
Ai là các bạn tôi, tôi ôm hôn ai, tôi thì thào với ai...
Nhưng có một điều họ không thể ghi chép, ấy là những lần đi đi, lại lại
Của những gì lướt qua đầu tôi,
Những ý nghĩ mà tôi ôm ấp trong mộng.
 
Chính quyền có súng trường, súng máy,
Còn tôi, con muỗi nhỏ nhoi, tôi có mũi chích của tôi.
 
 
BA MƯƠI MÙA XUÂN
 
Ba mươi mùa xuân qua trong một mối tình giả trá!
Cả ngày nay nữa nó hãy còn thiêu đốt trái tim tôi.
Những người đàn ông xảo quyệt chạm tới tôi
Khiến tấm thân đá cứng của tôi đầm đìa lai láng.
 
Lúc này tôi nghe như một tiếng động dịu êm
Của tháng tư hoang vắng, của tháng chạp hay tháng năm.
Ba mươi mùa xuân đã đi qua trong một mối tình giả trá.
Nạp mình cho ngọn lửa tin cẩn, tôi nồng cháy như than hồng.
 
Và nếu một lần, chỉ một lần, tôi kêu gọi những người đàn ông xảo quyệt ấy,
Tôi sẽ quên dòng Bhairavi mưa,
Tôi sẽ quên bầu trời nặng những mây, những đêm dài vô tận.
Nếu một lần, chỉ một lần, tôi kêu gọi họ,
Tôi sẽ quên tất cả và tiến tới một nhầm lẫn mới.
Nếu một lần, chỉ một lần, tôi yêu,
Tôi sẽ quên tất cả và bật ra tiếng nức nở, đứa con gái khùng điên.
 
Ba mươi năm đã đi qua trong một mối tình giả trá,
Một ngàn năm sẽ còn qua trước khi đầu óc trở lại với những người con gái.
 
 
VẮNG MẶT
 
Giữa đêm khi tiếng chuông điện thoại reo, tôi không biết tại sao, tim tôi đập.
Với tiếng động ở cánh cửa tim tôi cũng đập nữa.
Khi tôi nhìn thấy một người chạy muốn hụt hơi, tim tôi đập.
Như thể có ai đang ở đó thật sống động, đang bước đi, ngồi xuống, đột nhiên không còn ở đó nữa,
Như thể có ai đang cười rất lớn, không còn ở đó nữa,
Như thể có ai tôi phải gặp, không còn ở đó nữa.
 
Bởi người ấy không còn ở đó, và mấy chữ này xé nát lồng ngực, làn da, trái tim,
Ấy là một ngày tàn thế giới thật lặng lẽ,
Tôi biết tất cả ngọn lửa, tất cả những đám than hồng của nó,
Tôi biết cái trống rỗng bao la của nó, như của một cảnh đồng quê hoang vắng,
Của một dòng sông cô quạnh, một làn nước ngập bờ, một nỗi muộn phiền không sao chịu nổi.
Nếu có ai kia đứng dựng trước mặt tôi, tôi rùng mình.
Nếu, xé nát đêm khuya, những tiếng nức nở tới trên lưng gió
Và nếu bốc lên những mùi nhựa thơm cánh kiến trắng, tôi rùng mình.
Lúc ấy tôi thấy dường như có ai đang nhổ từng chiếc rễ của họ
Và đột nhiên biến đi trĩu nặng những cành lá trổ hoa, không để lại dấu tích.
Chỉ còn lại vết thương ghê rợn: sự vắng mặt của kẻ kia.
 
 
BÊN NGOÀI BÊN TRONG
 
Tôi biết và không biết hy vọng nào làm tôi sống.
Buổi sáng, thật sớm, tôi mở cửa và dừng lại trên ngưỡng cửa
Nắng vừa phớt qua người, tôi đã nghĩ
Rằng mình đang chờ ai đó.
Nhưng có phải tôi đang chờ ai đó thật không,
Người hay sự vật?
 
Thực ra, tôi không chờ ai hoặc một vật gì, tôi chỉ trông chờ một giấc mơ.
Chính bởi nhầm lẫn mà tôi đứng bên cánh cửa
Nghĩ rằng có ai đó sắp tới,
Rằng có ai đó nhất định là phải tới.
 
Nhưng giấc mơ không tới bằng chân cũng chẳng bằng đường không trung.
Làm sao nó vượt qua ngưỡng cửa sau khi đã băng qua những cánh đồng,
Tới độ đêm ngày tôi giật mình mỗi khi cái then cửa động đậy?
 
Trong lồng ngực tôi nghe thấy một thứ tiếng động
Dường như đến từ ngày xưa và từ rất xa,
Như thể một giọng trầm rung lên trong căn buồng nội tâm tôi.
Tôi biết và không biết ai là kẻ không thôi làm tôi khóc.
 
 
CƠM
 
Những ngày này, tôi thường ở lại khá lâu trước đĩa cơm cá
Và tôi trộn món đậu nhỏ bằng mấy ngón tay.
Trong căn buồng bắc âu được sưởi ấm áp và hoàn hảo này, không có bóng một loài sâu bọ,
Nhưng tay trái của tôi, thật máy móc, vẫn làm như thể nó đuổi ruồi,
Nếu không phải đúng hơn là nó xua đuổi
Nỗi phiền muộn?
 
Bàn tay phải tôi không muốn rời bỏ chỗ cơm hoặc đậu, hay mẩu cá nhỏ, những mảnh rau, chút muối bên dìa đĩa,
Tôi thèm được sống trọn ngày như thế, để trộn đều phần cơm của tôi, để ăn cơm thật chậm rãi,
Ở chốn thâm sâu của tôi, tôi biết rõ tại sao, khi gạt cái thìa bạc ra,
Tôi thèm muốn cảm thấy mùi vị cơm hết sức!
Khi tôi chạm tới nó, không phải là tôi chỉ nắm lấy chút cơm,
Mà còn, từng hột lại từng hột, như một chút quê hương tôi nữa.
 
 
ĐỔI MÀU
 
Cây cối chuyển từ màu xanh sang màu vàng, từ màu vàng qua màu đỏ.
Sắc màu thay đổi và lúc này lá cây sắp rụng
Trước khi bị vùi lấp dưới tuyết trắng.
Từ cửa sổ lầu tám của tôi, lúc ấy tôi sẽ nhìn bóng tối.
Ánh sáng những con tàu biển, những xe hơi, những cửa hàng, những ngọn đèn đường sẽ lấp lánh như các vì sao.
Ở xứ tôi nữa những ánh đèn như thế cũng lấp lánh, trên trời.
 
Xứ tôi?
Tôi có một xứ nào nhỏ nhất thuộc về tôi? Một thành phố nào nhỏ nhất, một khu làng nào nhỏ nhất?
Tôi có một căn nhà nào của riêng tôi? Một thân xác nào của riêng tôi, hay cả đến một trái tim?
Ấy thế là tôi trôi nổi từ xứ này qua xứ khác,
Từ hòn đảo này tới hòn đảo khác, từ bầu trời này tới bầu trời khác,
Từ đại dương này tới đại dương khác.
Trôi giạt hoài như thế, thời đời tôi sẽ ghé về đâu,
Một ngày nọ vào giữa trưa hay ở mút cùng đêm tối?
 
Trong tôi nữa cũng có một mùa lá xanh đang trở thành vàng, rồi đỏ.
Sắc màu thay đổi và chẳng bao lâu nữa một cõi hoàn toàn trống không sẽ chiếm đoạt tôi
Trước khi tôi ngã xuống và trườn vào một lớp khăn liệm trắng.
 
Mùa đông cực bắc mới bén tới người con gái đến từ những trận gió mùa,
Nhưng đã có một ngọn lửa nhe cả ngàn chiếc răng: ngọn lửa đang xé nát lòng kẻ rất cô quạnh, kẻ hoàn toàn đơn độc,
Kẻ bơ vơ lạc lõng là tôi.
 
 
MÓT NGÀY MƯA NHƯ NGÀY ẤY
 
Ngay từ lúc mây đen che phủ bầu trời và một vài giọt nước rơi, trong nhà đã vui như ngày lễ,
Trọn ngày qua đi thật vui: lắng nghe bà kể chuyện
Hay ai kia hát vang những bài ca của gió mùa.
Những người khác ngồi êm đâu đó với bỏng cốm, đậu phọng, trà nóng, một cỗ bài hay một bàn cờ với những quân cờ.
Những người khác nữa xuống sân nhảy múa dưới mưa.
Cả nhà thơm mùi cơm gạo, đậu sữa và cá cháy chiên.
 
Ở đây, ngay khi một đám mây tới mọi người khổ sở,
Và bực bội khi mưa bắt đầu rơi.
Ở đây gió mùa không phải là một mùa,
Không có những cơn giông mùa xuân, không có những trái xoài để lượm,
Và cả đến cơ hội bị lạnh khi trở lại nhà ướt thấu xương.
Thôi không nhắc lại nữa.
Suốt ngày những người da trắng rên rỉ tiếc thương nắng,
Chỉ có mình tôi ở xứ sở quá xa quê hương này, không quan tâm tới gì hoặc ai hết,
Cất tiếng cười vang khi thấy một đám mây trên trời.
 
 
Ở PHÁP
 
Ở Pháp, hằng trăm người hộ vệ, cảnh sát, bao quanh tôi.
Người ta đã trải thảm đỏ
Và những người hiếu kỳ tuốn ra từ khắp nơi,
Cả đến các viên chức và các bộ trưởng cũng hòa lẫn với đám đông.
 
Căn buồng của tôi đầy quà cáp và hoa.
Người ta tranh nhau vinh dự phủ lên người tôi những huy chương.
Giữa tất cả những điều ấy, tôi cảm thấy mình hơi bị đè nặng vì tất cả những sự trọng kính.
 
Sau lưng các viên chức và các bộ trưởng, tôi bước đi đơn độc.
Một thiếu phụ, nước mắt lưng tròng, đột nhiên thì thầm với tôi:
«Chị không phải đơn độc, có tôi đây.»
Quay lại phía sau không ngừng, tôi còn muốn còn muốn đưa mắt tìm người thiếu phụ ấy mãi.
 
 
Ở ẨN
 
Đôi kim đồng hồ chạy mau như chim sẻ.
Tôi có một mình và lặng lẽ trong căn buồng mờ tối nơi tôi sống còn
Mà không một ai nghe thấy tôi thở.
Thế gọi là sống ư?
Có lẽ tôi sẽ gặp cái chết ngày mai, ngày mốt, hay hôm nay,
Ngay lúc này không chừng, hay trong hai phút nữa.
Một nỗi sợ ghê người gặm khoét bên trong tôi.
Tôi mỉm cười với người bạn mỗi ngày hai lần đem bữa ăn vào buồng tôi
Và mấy ngón tay cầm ống vố.
Anh cho tôi rít vài hơi trong lúc đặt một bàn tay lên vai tôi để trấn an.
Tôi biết rằng bạn bè của những kẻ bị lên án tử hình cũng thường khích lệ họ như thế, vì thương cảm.
Có những người hôn lên đôi má tôi, vỗ vào lưng tôi mà nói: « Quá xá là con gái! Hoan hô! »
Rồi đột nhiên họ dọn cho tôi cá, thịt, trứng, sữa,
Nhưng miệng tôi quá cay đắng khiến các thức đó làm tôi buồn nôn.
Trên tất cả các món ăn tôi ngửi thấy mùi cái chết,
Như tôi ngửi thấy nó khi tựa đầu trên bờ vai sống động của các bạn tôi,
Như tôi cũng ngửi thấy nó trên nước sông, hoa, lá và cả đến nơi làn gió dịu êm nhất.
 
Tôi có một mình trong một căn buồng cũng âm u như một cỗ áo quan.
Tôi nằm xuống, một giấc mộng lướt qua dưới mí mắt tôi:
Đó là mảnh sân chơi của tuổi thơ tôi, và tôi đang chạy muốn đứt hơi dưới cây chanh, trong những lùm trúc.
Tất cả cha mẹ tôi, tất cả những người láng giềng tôi bao quanh tôi. Tôi không sợ.
 
 
---------------------------
Ghi chú của dịch giả:
TASLIMA NASREEN là một nữ bác sĩ (Phụ khoa), sinh năm 1962, nạn nhân của một trật tự an bài (gồm bằng ‘đàn ông’ và những kẻ buôn thần bán thánh) ở Bangladesh. Tác giả cuốn tiểu thuyết-tư liệu Lajja viết bằng tiếng Bengali, thuật lại thảm cảnh của một gia đình thiểu số Ấn giáo ở xứ bà. Vì cuốn sách này, bà đã bị những người Hồi giáo «toàn thủ» đòi treo cổ, phải trốn tránh và sống lưu vong ở Thụy-điển rồi Berlin…
 
Các bài dịch trên trích từ tập thơ Une autre vie (Một cuộc đời khác) của Taslima Nasreen, do Thủy Trúc dịch theo bản Pháp văn của France Bhattacharya và André Velter (Stock, Paris, 1995). Thủy Trúc cũng đang dịch tiếp tập thơ thứ nhì của Taslima Nasreen, tựa là Đàn bà, thơ tình yêu và chiến đấu. Xin xem thêm bài giới thiệu của Diễm Châu, nhan đề "Taslima Nasreen: Một Nhà Văn Chống Áp Bức", trong phần tiểu sử Taslima Nasreen.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021