thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đọc nhà thơ Nhật bản Issa (1762-1826) | Quà tặng | Những dòng sông nhỏ dần
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
CZESŁAW MIŁOSZ
(1911-2004)
 
 

Đọc nhà thơ Nhật bản Issa (1762-1826)*

 
                                    Một thế giới rất đẹp –
                                    những giọt sương rơi
                                    mỗi một giọt, mỗi hai giọt
 
Một vài nét mực phóng ra, thế là xong.
Sự tĩnh lặng mênh mông của sương mù trắng,
thức dậy giữa núi rừng,
những con ngỗng cất tiếng gọi,
trục kéo giếng nước kêu cọt kẹt,
và những giọt nhỏ phát thành tiếng trên những mái chìa.
 
Hay có thể là căn nhà kia.
Biển khơi ta không nhìn thấy
sương mù đến tận trưa
nhỏ những giọt mưa từ những cành cù tùng,
tiếng còi tầm kêu u u phía dưới vịnh.
 
Thơ có thể làm nhiều việc như thế và không có gì hơn.
Bởi vì chúng ta thực sự không biết những người đang nói,
xương xóc gân cốt người ấy ra sao,
những lỗ chỗ của da,
nội tâm ông cảm thấy thế nào.
Và không biết đây có phải là làng Szlembark
nơi trước đây chúng ta vẫn thường thấy những con rồng lửa,
tô màu sặc sỡ như áo của Teresa Roszkowska,**
hay một lục địa khác và những tên gọi khác.
Kotarbinski, Zawada, Erin, Melanie.
Không có người trong bài thơ này. Tựa như nó tồn tại
bởi chính sự biến mất của nơi chốn và con người.
 
                                    Một con cu cu
                        gọi tôi đến, gọi núi rừng,
                                    gọi tôi đến, gọi núi rừng
 
Ngồi dưới mái che trên gờ một tảng đá
lắng nghe một thác nước âm ỉ reo trong hẻm núi,
trước mặt ông là những hóc núi cây cối dày đặc
và mặt trời lặn chạm vào núi
và ông nghĩ: làm sao tiếng chim cu
lúc nào cũng quanh quẩn nơi đây nơi kia?
Sự việc hẳn không thể theo thứ tự như thế
 
                                    Trên thế gian này
                        Chúng ta đi trên những mái nhà Địa ngục
                                    mắt vẫn cứ nhìn những đóa hoa
 
Biết nhưng không nói.
Cứ cách đó người ta quên.
Điều gì được phát biểu tự nó sẽ tăng sức mạnh.
Cái lưỡi bị bán rẻ để đổi lấy xúc giác.
Loài người chúng ta vẫn tồn tại bằng nhiệt tình và sự dịu dàng:
chú thỏ nhỏ của tôi, chú gấu nhỏ của tôi, chú mèo con của tôi.
 
Không có gì ngoài một cái rùng mình trong bình minh lạnh giá
và sợ hãi ngày đang đến
và cây roi da của người đốc công.
Không có gì ngoài những đường phố mùa đông
và không có ai trên khắp mặt đất
và sự trừng phạt của ý thức.
Không có gì ngoài.
 
                                                            Berkeley, 1978
 
 
 

Quà tặng

 
Một ngày tràn trề hạnh phúc.
Sương mù dậy sớm, tôi làm việc ngoài vườn.
Những con chim ruồi dừng cánh trên hoa kim ngân.
Tôi không cảm thấy muốn sở hữu bất cứ gì trên đời.
Không có ai đáng cho tôi thấy khát khao.
Mọi điều xấu từng chịu đựng, tôi quên hết.
Tôi không thấy ngượng ngùng ngày xưa mình cũng như thế này.
Trong thân xác tôi không có gì đau đớn.
Vươn vai đứng lên, tôi thấy biển xanh và những cánh buồm.
 
                                                            Berkeley, 1971
 
 
 

Những dòng sông nhỏ dần

 
Sông nhỏ dần. Những thành phố bé lại. Những khu vườn tráng lệ
Phát hiện những thứ trước đây tôi không nhìn thấy: những chiếc lá cằn cọc và bụi.
Còn tôi lần đầu tiên tôi bơi qua hồ,
Hồ nước trông mênh mông: nếu giờ đây tôi trở lại đó
Thì quả là chuyện đốn cây san bằng
giữa những thân bách xù và những đá tảng trước băng hà.
Khu rừng cạnh làng Halina bấy giờ có vẻ còn nguyên thủy,
– Người ta ngửi thấy mùi con gấu vừa bị hạ mới đây –
Dù có một cánh đồng thoáng thấy giữa những hàng tùng.
Cái ngày xưa là độc đáo nay trở thành toàn cảnh quen thuộc.
Ngay trong khi tôi ngủ, ý thức vẫn đổi màu nguyên thủy.
Những nét trên mặt tôi tan như búp bê sáp ném vào lửa.
Thế thì ai, trong gương soi, chấp nhận chỉ thấy được khuôn mặt của một người?
 
                                                            Berkeley, 1963
 
“Đọc nhà thơ Nhật bản Issa (1762-1826)” trích từ Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993. “Quà tặng” và “Những dòng sông nhỏ dần” dịch từ bản tiếng Pháp “Don” và “Les rivières s’amenuisent” của Monique Tschui và Jil Silberstein [bản dịch được tác giả duyệt] trong Czeslaw Milosz, Un enfant d’Europe (Editions l’Âge d’Homme, 1980).
 
 
--------------------------------
Chú thích của người dịch:
* Kobayashi Issa, tên thật là Kobayashi Yatarô, bút hiệu Issa [có nghĩa Chén Trà], là nhà thơ haiku người Nhật nổi tiếng và được yêu mến nhất cùng với Bashô, Buson, Shiki. Ông sinh ở Kashiwabara [thuộc tỉnh Nagano ngày nay], trong một làng nhỏ ở vùng núi thuộc tỉnh Shinano [ngày nay là Nagano] tính theo dương lịch là vào ngày 15 tháng 6, 1763, cha là một nông dân, mẹ chết sớm, cha tái giá và bà mẹ kế đã hành hạ cậu bé Kobayashi Issa cho đến năm mười bốn tuổi, khi cậu được gửi lên Edo [Tokyo] để học nghệ thuật thơ haiku [ngày ấy gọi là haikai]. Cho dù có được ít nhiều tiếng tăm, nhà thơ Issa vẫn lao đao kiếm sống cho đến năm năm mươi, sau đó lại phải vất vả đấu tranh để giành lại gia tài của cha từ tay bà mẹ kế. Tuy nhiên những thăng trầm của cuộc sống, và cả cái chết của các con đã không làm nhà thơ vì thế mà trong những câu haiku tuyệt mỹ của mình không ngợi ca lòng nhân ái nhà Phật, những niềm vui trong sáng và những khoảnh khắc tâm linh đẹp đẽ trong đời người. Ông mất đúng nơi ông ra đời, trong làng núi thuộc Shinano, tính theo dương lịch là vào ngày 5 tháng Giêng 1826.
 
Kobayashi Issa (1762-1826)
 
** Teresa Roszkowska [Kijów, 1904 – Warsaw, 1992] là một nhà thiết kế sân khấu, một họa sĩ từng theo học mỹ thuật [Viện Mỹ thuật Warsaw] và nghệ thuật sân khấu [Viện Quốc gia Sân khấu Warsaw], tham dự nhiều triển lãm trong và ngoài Ba Lan, trước khi chuyển hẳn qua hoạt động sân khấu [Nhà hát Ba Lan] kể từ 1935, và đã có nhiều cống hiến đáng kể với những dự án, những thiết kế nổi tiếng. Tranh bà là tranh phong cảnh hoa lá màu sáng tươi, và thế giới ấy không những bà đã đem vào sân khấu – kể cả y phục sân khấu – mà còn đem cả vào đời sống của chính mình: người ta kể lại thời sống ớ Kazimierz lúc nào bà cũng gây ấn tượng “mạnh” ngoài đường phố với những chiếc áo sặc sỡ độc đáo của mình.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021