thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về truyện hư cấu đương đại
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Tôi rất thích thú khi thấy nhiều và càng lúc càng nhiều nhà văn hôm nay thực hiện những bút pháp đa dạng dưới hình thức truyện ngắn. Phần lớn những nhà văn này, trong đó có một vài người đầy tài năng và đã xuất bản những tác phẩm thật sự xuất sắc, đã công khai tuyên bố rằng có lẽ họ sẽ không bao giờ viết bất cứ cuốn tiểu thuyết nào -- nghĩa là họ muốn nói rằng họ cảm thấy ít thú vị hoặc không có chút thú vị nào để viết tiểu thuyết. Có nên làm thế chăng? Dường như họ muốn nói thêm: Ai thắc mắc vậy? Truyện ngắn là tuyệt thú rồi, cảm ơn quý vị. Nếu đem việc tiền nong ra bàn bạc (và, nói cho cùng, mấy khi viết lách lại chẳng dính đến tiền nong?), ta phải thừa nhận rằng hiện nay món nhuận bút ứng trước cho những tập truyện ngắn thì cũng lớn, dù một số người cho rằng nó cũng khiêm tốn, bằng món ấy trả cho những cuốn tiểu thuyết của những nhà văn có cỡ. Nhìn chung, một tác giả xuất bản một tập truyện ngắn có thể hy vọng bán được hầu như cùng một số lượng ấn bản so với một tiểu thuyết gia. Và, bên cạnh đó, như mọi người đều biết, sự thật là hôm nay người ta chủ yếu bàn bạc về những nhà văn viết truyện ngắn. Thậm chí một số người còn cho rằng truyện ngắn chính là chỗ để tìm thấy cái gọi là "cạnh bén".

Đã từng có thời nào như thời hôm nay cho truyện ngắn chưa?[1] Tôi không nghĩ như vậy. Nói cho cùng, theo tôi biết thì chưa có. Cách đây không lâu, chỉ mới chừng mười năm, một nhà văn viết truyện ngắn đã phải khổ sở tìm chỗ xuất bản cuốn sách đầu tay. (Tôi không nói bây giờ việc ấy dễ dàng, tôi chỉ nói cách đây mười năm việc ấy khó khăn hơn nhiều). Những nhà xuất bản thương mại, sành sỏi trong việc thẩm định thị hiếu của đại chúng, đã biết rằng ngoài thị trường không có người đọc, đã cảm thấy chắc chắn không có một khối độc giả cho truyện ngắn, cho nên họ kéo lê gót giày kinh doanh mỗi khi họ đụng đến việc xuất bản truyện ngắn. Họ nghĩ cái thương vụ chẳng bõ công ấy -- cũng giống như việc xuất bản thơ -- tốt hơn nên nhường cho một vài ấn quán nhỏ của tư nhân, và thậm chí cho những ấn quán ở các viện đại học (là một con số còn ít hơn nữa.)

Hôm nay đang diễn ra một tình thế khác biệt to lớn, như mọi người đều biết. Không chỉ những ấn quán tư nhân và những ấn quán ở đại học đang tiếp tục phát hành những tập truyện, sự thật rành rành là những tập truyện đầu tay (hay tập truyện thứ nhì, thứ ba) lúc này đang được đều đặn tung ra với những số lượng lớn bởi những nhà xuất bản chính quy có tầm cỡ -- và cũng đều đặn như thế, có tầm cỡ như thế, là những bài bình luận trên báo chí. Truyện ngắn đang vào mùa trổ hoa.

Theo như tôi nghĩ, có lẽ tác phẩm tốt nhất, tác phẩm thú vị và thoả mãn nhất về nhiều mặt, thậm chí, có lẽ, tác phẩm có cơ hội lớn nhất để trường tồn, chính là tác phẩm được viết dưới hình thức truyện ngắn. Người ta nói "Chủ nghĩa cực thiểu" chống lại "chủ nghĩa cực đa". Có ai thèm quan tâm tới việc họ muốn dùng tên gì để gọi những truyện ngắn chúng ta viết? (Và ai đến bây giờ không mệt gần chết vì cuộc tranh luận chán phèo ấy?) Truyện ngắn sẽ tiếp tục thu hút sự lưu tâm hơn nữa, và nhiều độc giả hơn nữa, cho đến chừng nào tác giả của chúng tiếp tục sản xuất những tác phẩm có sức hấp dẫn và sức trường tồn thực sự, những tác phẩm xứng đáng với sự chú ý, và sự chấp nhận, của số lượng ngày càng đông đảo những người đọc biết cảm thụ.

Sự phồn thịnh hiện nay trong việc sáng tác và xuất bản truyện ngắn, theo như tôi thấy, là hiện tượng văn học nổi bật hàng đầu trong thời đại chúng ta. Nó cung ứng cho dòng máu mệt nhoài của hoạt động chữ nghĩa ở Hoa Kỳ một điều gì đó để suy nghĩ và thậm chí một điều gì đó -- có thể xảy ra bất cứ lúc nào ngay bây giờ, tôi đoán -- để làm đà vượt tới. (Vượt tới đâu, dĩ nhiên, là tuỳ theo dự phỏng của mỗi người.) Nhưng dù một lời nhận định như thế có được công nhận hay không, cao trào thưởng thức truyện ngắn đã tạo nên tác dụng không ít hơn là hồi phục sinh khí văn chương của đất nước.

 

Nguyên tác: "On Contemporary Fiction",
trong Raymond Carver, Call If You Need Me: The Uncollected Fiction and Prose
(London: The Harvill Press, 2000).

_________________________

[1]Raymond Carver viết bài này vào năm 1987. Văn bản đầu tiên, không ghi nhan đề, là một tham luận trong "A Symposium on Contemporary American Fiction", được đăng trên tạp chí Michigan Quarterly Review 26, no.4 (fall 1987): 710-711.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021