thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

LÝ THUYẾT VÀ CẨM NANG

 

Ở Việt Nam, không ít người hay phàn nàn: tại sao phải mất thì giờ và công sức viết về lý thuyết một cách dài dòng, rắc rối, với những thuật ngữ và những chuỗi lý luận phức tạp, thậm chí, mịt mùng mà không cô lại cho thật sắc, thật gọn, trong một vài luận điểm và công thức để ai cũng có thể theo dõi và ứng dụng được?

Lời phàn nàn ấy có thể được xem là một trong những biểu hiện cụ thể nhất của tư duy tiền-lý thuyết, một kiểu tư duy cho lý thuyết như một bộ tín lý và cẩm nang cố định, thậm chí, bất biến. Chẳng hạn, lý thuyết sẽ cung cấp cho người ta những định nghĩa rõ ràng và dứt khoát về văn học, những đặc điểm và những chức năng quan trọng nhất của văn học, mối quan hệ giữa văn học và những lãnh vực khác như chính trị, đạo đức, v.v...

Nền tảng của quan niệm trên là cái nhìn mang tính duy bản luận (foundationalism), dựa trên hai tiền giả định chính: một, văn học là cái gì đã có sẵn, chúng ta chỉ cần “nhận diện” bản chất và những đặc trưng cơ bản của nó; hai, văn học là một bộ phận trong cấu trúc chung và cố định của toàn xã hội, chúng ta chỉ cần khám phá ra các mối quan hệ giữa nó với các bộ phận khác.

Cả hai tiền giả định trên đều được tin tưởng trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng thấy chúng ngây thơ. Thứ nhất, văn học là một tiến trình không ngừng vận động và thay đổi, do đó, bất cứ định nghĩa và bất cứ nỗ lực ‘nhận diện’ nào cũng đều bất cập. Thứ hai, vì bản thân chúng ta cũng chỉ là một bộ phận, thậm chí là một bộ phận cực nhỏ của xã hội, mọi tham vọng nhìn xã hội như một toàn cảnh, từ đó, định vị văn học một cách chính xác, chỉ là một ảo tưởng. Xuất phát từ cái nhìn duy bản luận như vậy, lý thuyết biến thành một thứ thần học: về thời điểm, nó có trước mọi sinh hoạt văn học; về chức năng, nó định hướng cho các hoạt động văn học, kể cả sáng tác và phê bình; và về bản chất: nó có quyền lực siêu tự nhiên, ít nhiều có tính chất tín ngưỡng.

Nói tóm lại, “cẩm nang” là điều không thể có trong lý thuyết.

 

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021