thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tübingen, tháng giêng | Buổi chiều với xiếc và thành trì | Cho một người anh em ở Á châu | Tôi nghe nói... | Một chiếc lá | Nào...
(Diễm Châu dịch)
 
TÜBINGEN, THÁNG GIÊNG
 
Dưới lớp sóng hùng biện
đôi mắt muốn chói lòa.
Lời của chúng, --
«một điều bí hiểm là
trào vọt tinh khiết» --, ký ức
của chúng về
những ngọn tháp Hölderlin trôi trôi, hải âu
rít vòng quanh.
 
Những chuyến thăm của những người thợ mộc chìm đắm
dưới
những lời trút xuống này:
 
Nếu có,
nếu có một người,
nếu có một người tới cõi đời này, hôm nay, với
chùm râu ánh sáng của
các bậc tổ phụ: hẳn là người ấy,
nếu phải nói về thời buổi
này, hẳn là
người ấy
cũng chỉ lắp bắp và lắp bắp,
mãi mãi, mãi mãi
mmà thôi.
 
(«Pallaksch. Pallaksch.»)
 
---------------------------------
Friedrich Hölderlin (1770-1843) là một thi hào Đức. Tübingen là nơi ông đã sống nửa đời người và nhất là những ngày điên: một người thợ mộc Đức tên là Zimmer đã cho Hölderlin ngụ tại một căn buồng ở lầu một của nhà mình. Ngôi nhà nay đã trở thành «Tháp Hölderlin». Bản thảo «Tübingen, tháng Giêng» (fac-similé, để trong tháp) ghi ngày viết: 29.1.1961, và cho thấy những sửa chữa, kể cả chỗ diễn tà sự «lắp bắp» mà tôi đã dùng hai âm môi liên tiếp để dịch… Paul Celan có tới thăm tháp ngày 21.3.1970 cùng với nhà thơ Pháp André du Bouchet. Câu «một điều…» là trích thơ Holderlin, bài «Sông Rhin»; «Pallaksch. Pallaksch.» tục truyền là câu trả lời của Hölderlin dành cho... mọi câu hỏi, vào những ngày bệnh cuối đời của ông! (ghi chú của dịch giả)
---------------------------------
 
 
BUỔI CHIỀU VỚI XIẾC VÀ THÀNH TRÌ
 
Ở Brest, trước những vòng lửa,
dưới mái lều, nơi con cọp nhảy vọt,
ở đó, hỡi hữu hạn, tôi đã nghe thấy tiếng anh hát,
ở đó tôi đã nhìn thấy anh, Mandelstam.
 
Bầu trời lơ lửng trên vũng tàu,
con hải âu lơ lửng trên cây cần cẩu.
Cái gì là hữu hạn hát lên, cái gì hằng cửu, --
anh, chiếc pháo hạm, anh tên là «Baobab»
 
Tôi chào lá cờ tam tài
bằng một tiếng Nga –
Mất là không mất,
Trái tim một lũy thành vững chắc.
(trích Die Niemandsrose, 1963.)
---------------------------------
Paul Celan đã dành trọn tập thơ Die Niemandsrose của ông cho Ossip Mandelstam (1892-1938), thi hào Do thái Nga, người đã chết về tay Stalin, trong lưu đày ở Si-bê-ri. Ông cũng là người dịch Mandelstam sang tiếng Đức. (ghi chú của dịch giả)
---------------------------------
 
 
CHO MỘT NGƯỜI ANH EM Ở Á CHÂU
 
Những cỗ đại pháo
tự hiển linh rạng rỡ
bốc lên trời,
 
mười
oanh tạc cơ ngáp,
 
một loạt đạn lia mau nở rộ,
chắc chắn như hòa bình,
 
một nạm thóc
trút hơi thở tàn như bạn anh.
(trích Lichtzwang, 1970.)
---------------------------------
Hình ành «hiển linh» của người Thiên-chúa giáo La-mã đã được sử dụng một cách chua chát với «đại pháo», tố cáo những kẻ lợi dụng tôn giáo để «ban phép lành».. cho cuộc «thánh chiến» ở VN! (ghi chú của dịch giả)
---------------------------------
 
 
TÔI NGHE NÓI, LƯỠI RÌU ĐÃ NỞ HOA,
tôi nghe nói, không thể gọi tên chốn ấy,
 
tôi nghe nói, ổ bánh, ổ bánh nhìn hắn,
chữa lành kẻ bị treo cổ,
ổ bánh vợ hắn làm cho hắn,
 
tôi nghe nói, họ gọi là cuộc sống
nơi ẩn tránh duy nhất.
 
*
 
MỘT CHIẾC LÁ, không cây
cho Bertolt Brecht:
 
Thời này là thời gì,
mà một cuộc trò chuyện
cũng hầu như một tội ác,
bởi nó bao gồm
quá nhiều điều đã sáng tỏ?
(trích Schneepart, 1971.)
 
 
NÀO, hãy bao phủ thế giới bằng chính người,
nào, hãy để tôi chôn vùi trọn vẹn người với
mọi sự của tôi,
 
Tôi là một với người,
để bắt giữ chúng ta,
 
cả lúc này nữa.
(trích Zeitgehöft, 1976.)
 
--------------------------
PAUL CELAN (1920-1970) là một thi sĩ lỗi lạc của Âu châu ở nửa sau thế kỷ XX. Ông sinh ở Bucovina, Ru-ma-ni, chết trên sông Seine, Paris. Trên đây là một số thơ của Celan được dịch với sự hỗ trợ của các bản Pháp, Anh..., nhất là của Martine Broda. (ghi chú của dịch giả)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021