thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dĩ Vãng ở Cali!
Trích trong Văn hoá, giới tính và văn học (California: Văn Mới) [sắp xuất bản].

“Đến Cali chưa vào Dĩ Vãng chưa phải là đến Cali”, đâu đó, thấp thoáng trên mấy tờ báo Việt, lại thấy những quảng cáo đầy ấn tượng như thế.

Nhưng Cali ấy hẹp thôi. Không phải một Cali-tiểu-bang thuộc hàng lớn nhất nước Mỹ, cái Cali đã làm nên Californian Dream, nghe đâu đã thế chỗ, hay đã trở thành đỉnh cao, thành điểm tụ hội của giấc mơ hoa American Dream trong những cái nhìn nhìn từ bên ngoài. Đó là Cali ở cái nghĩa thủ đô tỵ nạn, gói gọn ở Orange County, nơi mà mức độ tập trung những tinh hoa lẫn cặn bã của khối người lưu vong đạt đến mức cao nhất.

Đến đã nghe mời mọc thế mà đi cũng chẳng khác hơn. Rời cái Cali thủ đô tỵ nạn ấy, đến một Cali khác, xa hơn, như San Jose hay San Francisco chẳng hạn, lại nghe, nhất là giọng nữ, với ý bông phèng: “Ở dưới ấy có vào Dĩ Vãng?”

Ôi, Dĩ Vãng là cái quái gì mà gớm ghê đến vậy?

Thì, hẳn nhiên, dĩ vãng là... thời đã qua; nhưng nó có trầm lặng im ắng mà quay quắt, thôi thúc; cổ điển chừng mực mà bay bổng, thiết tha; như cái buổi chiều ngàn ngạt “Hương Xưa” của ông Cung Tiến: Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao. Người ơi, còn nhớ mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao... để rồi đi đến cái tâm sự vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó...?

Hay nó bình dân dễ dãi hơn, kiểu: Vượt thời gian trôi về quá khứ phút giây chạnh lòng; kiểu: Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm, nhớ nhung đi vào quên, sông sâu cố nhân ơi đi về đâu gửi hồn vào đôi mắt, ái ân chưa trọn để ngàn đời nhớ nhau, hay: Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi...?

Thế thì hà tất phải nhọc công? Chưa vào cái “Dĩ Vãng” có nhãn hiệu cầu chứng, có quảng cáo mời mọc, riêng cho một không gian khép kín ấy đã thấy nó bàng bạc, tràn lan khắp cả thủ đô tỵ nạn mất rồi.

Trông cứ như như một khoảnh của “Việt Nam Cộng Hoà nối dài”. Dĩ vãng chập chùng ở những cái tên như Ba Lẹ: ở Melbourne đã thấy lừng danh Ba Lẹ, đến Cali cũng thấy hiên ngang lừng lững cùng một nhãn hiệu bánh mì. Cứ thế, những Bò bảy món Ánh Hồng, những Phở Duy Tân, Pasteur, Hùng hay Hiền Vương vân vân, những cái tên chẳng của riêng ai, gợi nhớ một thời rộn rịp Sài Gòn và đã cầu chứng ở khẩu vị thực khách nhưng dường như chưa bao giờ cầu chứng như một trade mark có bảo chứng tác quyền.

Dĩ vãng còn “đóng hộp” ở những lời ca gọi là “ăm ắp tình tự quê hương” hay “quay quắt niềm đau quá khứ”, có thể tìm thấy nơi nơi, ê hề tại những trung tâm băng nhạc dọc ngang một vùng thủ đô tỵ nạn. Người lưu vong chắc là sính nhạc quá trời nên cái gọi là “trung tâm” như thế cứ là nô nức, chen chúc khắp lối, khắp chợ, khắp khu thương mại; chen chúc với những băng những đĩa không biết chính hiệu nai vàng hay của giả, của lậu, của ăn cắp ăn giật. Tên bún tên phở có thể chẳng của riêng ai nhưng nhạc thì -- hay hay dở, cao hay thấp, valse hay boléro, sến hay không sến, thành thật hay giả tạo -- hẳn nhiên phải là riêng của người mang nặng đẻ đau; nhưng thủ đô tỵ nạn mà, nhạc cũng như phở như bánh mì kẹp thịt thôi khi dĩ vãng ngồn ngộn xuất hiện theo cái kiểu... ở đời muôn sự của chung, khó mà biết được ai đã viết, đã cưu mang ấp ủ nên chúng. Cái sự “ở đời muôn sự...” như thể luật rừng luật rú giữa một xứ sở nghe đâu có tỷ lệ luật sư tính trên đầu người thuộc hạng nhất nhì thế giới!

Dĩ vãng còn tìm thấy trong sắc áo rằn ri thấp thoáng trong một cuộc biểu tình cho tự do tín ngưỡng. Tín ngưỡng mà sao nhuốm sắc chiến bào? Dành lại bát hương bằng gươm bằng súng hay chăng? Dành lại quyền nguyện cầu, quyền nhang khói tế tự bằng tiếng hô xung phong hay chăng? Hay giành lại chính xác cái “tự do” của những ngày ở đó mỗi giáo phái một đội quân riêng, ở đó tín đồ phái này phái kia nộ khí xung thiên, lăm lăm tiểu liên và lựu đạn trong tay, đòi “quyết tử” cả với chính quyền lẫn với những ai không cùng chia sẻ một niềm tin, một chính kiến?

Thật đúng là... một khoảnh kéo dài, kéo dài như một thói quen cố hữu cho dù đã xơ, đã nhão, đã hết độ đàn hồi!

Dĩ vãng, của một phần tư thế kỷ trước, của một miền đất thật xa nơi bạo lực và âm mưu tranh đoạt quyền lực là một hình ảnh triền miên vẫn tiếp tục chi phối và ám ảnh. Nó nhì nhằng trong những bài biện thuyết, những lý lẽ sát phạt nhau và những điều “nhân danh”; nó nhai nhải trên làn sóng phát thanh, tuần tuần, ngày ngày, đến điếc cả con ráy!

Tuy nhiên, những Dĩ Vãng có nhãn hiệu cầu chứng -- có đến ba Dĩ Vãng đánh số 1,2,3 -- không thể không viếng của khách đến Cali thì không thế. Thì cũng có chút gì rừng rú, thứ rừng rú nguyên thuỷ đơn sơ khi con người chưa biết xấu hổ với cái sự lồ lộ và ngong ngỏng đong đưa của một vài bộ phận trên thân thể mình. Tuy nhiên, nói đến Dĩ Vãng có đánh số mà lôi tuột về thời ấy thì e là xa quá!

Dĩ Vãng, ấy chỉ là những nơi mà khách viếng có thể nhẩn nha vài ba ngụm cà phê suy gẫm chuyện đời, hay thiết thực hơn, “đưa vitamin vào cơ thể” bằng những ly sinh tố lành lạnh: bơ, chuối, mãng cầu, sầu riêng hay “đủ thứ xay”.

Mà không khí ở đó cũng thực là... đủ thứ xay! Những màn hình ti vi với đủ loại chương trình. Những cầu thủ football vật nhau, ném nhau huỳnh huỵch, những tài tử trong vai hiệp sĩ bất đắt dĩ ra tay cứu khổn phò nguy. Ca sĩ Mỹ trắng Mỹ đen thi nhau gân cổ ré, gào. Thi thoảng lại có những giọng điệu dậm dựt “tình tự quê hương”, không hiểu tình tự cái kiểu gì mà buốt cả óc và chùng cả tai!

Nhưng cái đáng nói của Dĩ Vãng, như đã phác qua, là những hình bóng thướt tha, những đường cong lồ lộ nguyên thuỷ, lồ lộ he hé đủ để kích thích và mời mọc trong những bộ bikini khoe da đùa thịt. Dáng thon, ngực đầy, chân “trường túc”, mấy bóng hồng trông hấp dẫn và mời mọc hẳn lên trong dáng đi thực quá uyển chuyển vì còn phải cố giữ thăng bằng trên những gót giày cao, thật cao: đi mà trông cứ như khiêu vũ, chào mời!

Thì ra khách Cali không thể không đến Dĩ Vãng chỉ vì chuyện ấy và người ở xa thủ đô tỵ nạn có bông phèng rằng đến hay chưa cũng là chuyện ấy! Dĩ Vãng có nhãn hiệu cầu chứng, đánh số 1, 2, 3 của thủ đô tỵ nạn gợi nhớ một thứ Men's Gallery hầm hập mùi mồ hôi đàn ông và mùi nước hoa pha da thịt đàn bà ở Melbourne, cái gallery lấp loáng những ánh mắt háo hức láo liên, nhìn ngang nhìn tắt như muốn len lỏi thật sâu vào mấy kẽ hở trên da thịt người ta.

Dĩ Vãng -- 1, 2 hay 3 -- cũng hâm hấp những ánh mắt láo liên luồn lách như thế. Mắt thì láo liên mà miệng thì liến thoắng mấy điều thật hay giả, ô-ri-rin hay bơm hay độn v.v... Thi thoảng, giữa những khoảng lặng hiếm hoi, cơ hồ nghe cả tiếng gió rít qua làn nước bọt theo từng động tác chíp môi, không gian loé lên với những ánh mắt sắc lẻm như muốn xé toang sự cố thủ cuối cùng của làn vải mỏng manh che đậy nhằm đi đến sự toàn vẹn của tính chất nguyên thuỷ ở trang phục người con gái.

Tôi đến miền đất ấy một ngày Đông. Xa xa, những chóp núi cao đã phủ màu tuyết trắng, tuyết trắng như pha sữa, như nhuốm màu ánh bạc, cái màu sắc chưa bao giờ tìm thấy trên một quê hương nhiệt đới gió mùa đã xa, đã khuất bóng đến mấy lớp hoàng hôn. Tuy nhiên, dĩ vãng, như một “khoảnh kéo dài”, cứ như thi nhau xuất hiện tràn tràn. Kéo dài ở những cái tên bánh tên phở Ba Lẹ, Pasteur, Hùng hay Hiền Vương đã đành; nó còn kéo dài ở màu áo trận mạc khao khát tự do tín ngưỡng, ở cái thói sát phạt hay tranh đoạt theo kiểu luật rừng, và ở cả cái Dĩ Vãng có nhãn hiện cầu chứng, một dĩ vãng còn xa xăm hơn nữa ở những đường cong lồ lộ nguyên thuỷ.

Thủ đô tỵ nạn là nơi thể hiện cao nhất của tinh thần lưu vong và tinh thần đó vẫn nằng nặng những ám ảnh gì đâu. Nằng nặng như níu kéo của một thói quen chưa thể nào dứt bỏ, như những bẩm tính rừng rú chưa thuần hoá trọn vẹn. Và, như những cố gắng đạt đến cái cho là hoàn mỹ bằng con đường tắt, bằng của giả, bằng của bơm của độn...

(3.2001)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021