thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NƯỚC ĐỎ của Pascale Roze: Cái nhìn mới về bi kịch “thực dân” nước Pháp

 

Một thanh niên bản xứ làm nghề phục dịch hậu cần trong quân đội viễn chinh Pháp đã bị toà án binh tại chỗ xử tội chết, chỉ vì dám “quấy rối tình dục” với một cô đầm (cũng phục vụ trong đội quân ấy), đang tắm trong phòng riêng. Cuốn tiểu thuyết[1] lạ lùng, khoát đạt và đầy suy ngẫm của Pascale Roze[2] được triển khai trên một bối cảnh tối giản về chi tiết, bởi một tài nghệ bậc thầy.

Không giống nhiều nhà văn viết về chiến tranh, không giống như Jonathan Littel, người đoạt giải Goncourt sau bà 10 năm (năm 2006), cũng chọn viết về một cuộc chiến mà bản thân mình chưa từng chứng nghiệm, Pascale Roze không nhìn chiến tranh như sự đương đầu giữa các ý thức hệ, không đi vào cái phi lý tàn khốc đến vô nghĩa của ý chí chiến thắng, hay mô tả “đơn thuần” cuộc thảm sát lẫn nhau của loài người có ý thức, mà đã chọn một góc nhìn vô cùng độc đáo. Chiến tranh như sự áp đặt và không hiểu được nhau giữa con người.

Một cốt truyện thực sự lỏng lẻo đến nỗi nếu chỉ đọc trên các tình tiết, diễn tiến, người ta sẽ không hiểu nổi vì sao chúng lại liên hệ với nhau. Cô gái Pháp trẻ măng Laurence Bertilleux vừa tốt nghiệp khoa tâm lý trường đại học Sorbonne danh tiếng, quyết định đầu quân tham dự chiến tranh Đông dương sau năm 1945 để dứt bỏ cuộc sống gia đình tù túng, áp đặt, thiếu sự sẻ chia, nhưng quan trọng hơn, để được sống một cuộc đời mạnh mẽ, đầy tự chủ, nhiệt thành phía trước. Cô được nhận về lữ đoàn đồn trú vùng Châu Đốc với nhiệm vụ chiếu phim lưu động và quản lý bếp ăn cho sở chỉ huy. Cảm nhận của Laurence về cuộc chiến qua hai năm quân ngũ quả thực rất mù mờ, chỉ là những tiếng vọng (mặc dù khủng khiếp), mà cô nhận được bằng trực cảm qua biểu hiện của những sĩ quan, những con người vẫn ăn bữa tối do cô chỉ đạo nấu nướng, và khiêu vũ, tán gẫu cùng cô. Một sĩ quan đồn trú bị đối phương cắt cổ, thi hài bị hạ nhục theo cách ghê tởm. Một sĩ quan khác chỉ huy đội biệt kích người bản xứ thâm nhập vùng quân đối phương, triệt hạ được những kẻ thù không hề thấy mặt hay có sắc phục công khai, thu thập được những tài liệu chẳng rõ mục đích, và như thế nghĩa là một thắng lợi của quân đội “thực dân”. Tất cả yếu tố kịch tính của cốt truyện thông thường đã bị loại bỏ. Chỉ còn lại cảm nhận trực tiếp của các nhân vật, như những con người đứng bên bờ ranh giới sống chết trong một cuộc chiến mà đôi bên cùng phải mò mẫm, dọ dẫm, không hề hiểu biết về nhau, có giết chóc tàn sát nhưng cũng có rất nhiều hành động, cảm nhận nước đôi. Laurence cũng từng tẩy những bộ quân phục của mình bằng nước Javel, biến chúng thành màu hồng, đề phòng một cơ sự hiểm nguy nào chẳng rõ, phía trước. Cho đến khi xảy ra cái biến cố nho nhỏ kia, Lân, người phục vụ đoàn chiếu phim ở Tri Tôn bộc phát có hành độ sàm sỡ với cô. Vốn không thực sự duyên dáng và gợi cảm theo cái nhìn “truyền thống”, Laurence thường xuyên bị trêu chọc và không mấy thành công trong chuyện tình cảm. Mặc cảm này, cộng với chút tự phụ của kẻ mạnh, thích chứng tỏ bản thân, đã khiến cô đi tố giác Lân, mặc dù cảm thấy rõ sự hợm hĩnh của hành động ấy. Kết thúc ba năm quân ngũ, cô trở về Pháp, sống và cống hiến hết mình, thành đạt, hạnh phúc, và tự do, cho đến cuối đời.

Cuộc chiến tranh, qua cái nhìn của Laurence, là sự áp đặt (một ý tưởng cụ thể, ví dụ một cuộc bình định, hoặc trên bình diện khái quát như lý tưởng “tự do bình đẳng bác ái”) của kẻ mạnh, là ưu thế tuyệt đối của kẻ mạnh, với đối phương là những con người bé nhỏ, nghèo khổ đến tội nghiệp (như Lân); nhưng chiến tranh cũng là cơ hội va đập, chứng nghiệm giữa con người với con người, giữa những ứng xử văn hoá, giữa các hình thái tri thức... nơi rất nhiều đau khổ, lầm lạc, ngộ nhận đã xảy ra. Số phận nước đôi của Lân, vừa ủng hộ phía Việt minh bằng gạo muối, vừa nương dựa đời sống áo cơm cũng như sinh mệnh chính trị vào quân đội Pháp, kết thúc bằng cái chết thê thảm... chính là câu hỏi còn bỏ ngỏ về thân phận những con người sống giữa hai làn đạn chiến tranh. Đối với Pascale Roze, điều đó còn quan trọng hơn ai đã thắng, ý thức hệ nào chiến thắng, kết quả thực tiễn của cuộc chiến ấy là gì. Vì thế, “không hiểu nhau” hay “không chứng tỏ được nhân cách, văn hoá thực sự của bản thân” đối với cả hai phía, mới chính là bi kịch dai dẳng nhất của cuộc chiến.

Không phải ngẫu nhiên mà ký ức lại trở về thiêu đốt, biến Laurence thành một con người khác khi bà đã ngoại bảy mươi. Laurence cũng chính là một hình ảnh tượng trưng cho nước Pháp, nước Pháp tràn đầy sinh lực muốn thoát khỏi bi kịch riêng của mình đã tiến hành một (hoặc nhiều) cuộc chiến tranh “xa lạ”. Khi cuộc chiến ấy qua đi đã nửa thế kỷ, cái hiện tại bề mặt đã thanh bình, lành lặn hài hoà, nhưng bi kịch bên trong mới dần hé lộ. Thực tại không hạnh phúc chính là cái cớ để Laurence đào xới quá khứ, hay chính quá khứ ấy vốn chưa bao giờ được minh bạch khỏi ngộ nhận, lầm lỡ?

Khỏi phải nói Pascale Roze đã xoá nhoà cuộc đối đầu hai phía, hai ý thức hệ bằng một cảm quan nghiêng về phía con người. Bà thừa nhận rõ ràng tính chính đáng của chiến tranh vệ quốc, nhưng đã để cho Phạm Văn Đồng và Mendes France trong cuộc đàm phán Geneve ngày 8/5/1954, nhìn nhau qua giọt nước mắt. Không phải ngẫu nhiên bà viết “Một người đàn ông uống nước trong lành ở chiếc mũ. Anh ta uống nước trong lành, phải, anh ta uống nước trong lành, nhưng không biết vì sao, nước lại hoá thành máu, và anh uống thứ máu đó.” Câu hỏi mà Pascale đặt ra cho con người, cho lịch sử, cũng giống như một lời hối lỗi, tại sao lại bằng những phương cách lầm lạc để đến với nhau và để bộc lộ bản thân, vốn là trong trẻo và dễ bị thương tổn như nhau.

Pascale Roze cùng thế hệ với những nhà văn Việt Nam trưởng thành từ chiến tranh như Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến... Nặng lòng với Việt Nam, với day dứt của nước Pháp về cuộc chiến mà bản thân chưa từng chứng kiến, bà đã nhìn rõ cuộc chiến ấy trên một bình diện mới mẻ, bình diện con người và văn hoá... bằng nghệ thuật tiểu thuyết mang tính khách quan hoá, hiện đại, chính xác và mẫn tuệ, làm rung động trái tim.

 

_________________________

[1]Nguyên tác tiếng Pháp của Pascale Roze có nhan đề là L’eau rouge (Stock, Paris, 2006.) Bản tiếng Việt có nhan đề là Nước đỏ, do Đặng Anh Đào dịch (NXB Phụ nữ và Nhã Nam, Hà Nội, 2008.)

 
 

[2]Pascale Roze, sinh năm 1954 tại Saigon. Đoạt giải Goncourt năm 1996 với tiểu thuyết Máy bay tiêm kích Zero (bản tiếng Việt, NXB Phụ nữ 1998). Pascale Roze trở lại Việt Nam vào năm 2002 để kiếm tìm tư liệu cho tiểu thuyết L’eau rouge.

 

 

-------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021