thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 3]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Âm thanh và cuồng nộ một thời đã qua

 
 

Họ hàng của tôi

Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ. Bà nội không chịu ở goá, bỏ nhà chồng đi lấy chồng mới, dân thường, ở làng Bằng, Hà Đông, nay được gọi là Bằng A, Hà Nội. Nhà có nghề làm đậu tofu, không biết là nghề của ông dượng, hay tái giá rồi bà mới chọn nghề đó làm sinh kế gia đình. Chính vì chuyện tái giá này làm chúng tôi có quê nội, là làng Bằng, nơi có nhiều ruộng vải ngon có tiếng từ nhiều trăm năm. Bố tôi bỏ nhà ra sống ở Hà Nội một mình, chắc là giận mẹ và cãi nhau với ông dượng, đổi cái tên cũ là “Cát Kim Hoàn” thành Nguyễn Kim Hoàn, bọn tôi biến thành họ Nguyễn Kim từ đó. Khi lớn, đôi khi đụng độ mấy ông Nguyễn Kim thứ thiệt, cùng nhau tra cứu, thấy chẳng có họ hàng với nhau, vì thế.

Về cái họ Cát xưa cũ hiếm hoi này, lớn lên đôi khi tôi vui tính tự hỏi cụ cao tằng hay cao tôn tổ phụ... có gốc Tàu hay không, phát xuất từ một di dân Trung quốc hay hậu duệ của một tướng giặc Cờ Đen Cờ Vàng nào đó, hay một tay cướp biển Tàu Ô chưa biết chừng... Khi lớn hẳn, tôi thiên về giả thuyết này hơn khi nhận thấy mấy anh em tôi có những nét khác biệt với giòng Nguyễn Tường. Nguyễn Tường thường trắng trẻo, hay đẹp trai đẹp gái, thường học giỏi, xét chung tính nết hiền lành chân chất. Không như mấy anh em tôi đầy đam mê sôi nổi với cuộc đời, nhất là tôi, kẻ chưa chi đã thích tang hồ bồng thỉ,[1] đốt ngọn nến của đời mình hai đầu một lúc, nói kiểu đương đại là thặng dư hormone nam và có một trữ lượng kha khá adrenaline, đến nỗi một anh họ, dĩ nhiên thuộc Nguyễn Tường, hỏi tôi: Sao D. cứ thích tìm những lối chông gai mà đi vậy?

Còn về màu da, khi thấy Thi cương quyết yêu và lấy tôi, vú già đã kêu lên: “Thiếu gì cậu đẹp trai cầu hôn, sao cô không lấy, lại đi lấy cái cậu D. lai Chà-và!” (mẹ tôi phảng phất đôi nét Ấn-độ, nhưng không nâu sì như hai con trai đầu, khi đi mua vải vóc, hay được mấy ông chủ tiệm gốc Bombay cho discount. Mấy đứa con gái chọc mẹ: Mẹ mà xỏ lỗ mũi đeo một chiếc vòng vàng, chắc “cool” lắm...)

Mấy đứa em gái tôi cũng vậy, có nước da hơi nâu và vẻ đẹp nồng nàn rực rỡ của những bông hoa miền nhiệt đới, không trắng trẻo và lạnh lùng, ít hay nhiều tuỳ người, của những con gái chính cống Nguyễn Tường (nhà văn Thơ Thơ chỉ là cháu gọi Hoàng Đạo là ông ngoại, vậy mà cũng phảng phất vẻ con gái Nguyễn Tường). Nói như thế để dễ diễn tả sự khác nhau thôi, còn về phương diện di truyền, bọn tôi cũng mang đúng một nửa số gene Nguyễn Tường gốc Hội An, Quảng Nam. Một nửa số gene còn lại mới là của ông bố nguyên quán Vân Đình, Hà Đông.

Vấn đề chính là bọn tôi không có họ nội, như đã nói, bố tôi là con duy nhất, không có anh chị em nào cả, làm bọn tôi không có chú bác cô, chỉ có các bác anh của mẹ và các cậu em của mẹ. Vào thập niên 30 và 40 thế kỷ trước, có một thời lớp trẻ thành phố gọi nhau là “cậu mợ”, con cái do đó cũng gọi bố mẹ là “cậu mợ” luôn. Để khỏi lẫn lộn, bố mẹ tôi cho các con gọi các cậu là chú, do đó bọn tôi có chú Sáu (Thạch Lam), chú Bách (Nguyễn Tường Bách, hiện còn sống [2005] tại Santa Ana, Cali., vợ chồng tôi mới đến thăm. Giả thử tôi đổi cách xưng hô, gọi là “cậu Bách”, hẳn làm cả hai ngạc nhiên).

Điều đó cắt nghĩa tại sao hai anh em tôi thân thiết nói chung với họ Nguyễn Tường. Nói đến họ hàng, bọn tôi chỉ có họ ấy thôi, nên thường chơi thân như bạn bè, kết bạn theo nguyên tắc bằng tuổi hay hơn kém một tuổi chơi với nhau. Xưng hô không theo kiểu thứ bậc họ hàng, mà theo tuổi tác mỗi người, nhiều hơn thì anh chị, ít hơn thì kêu tên. Cho đến khi lớn, mới có thay đổi. Có một điểm đặc biệt đáng nói: càng lớn Duy Lam càng thân thiết với họ hàng Nguyễn Tường, và khi được thuyên chuyển ra Đà nẵng, nhà văn này có khuynh hướng đồng hoá với Nguyễn Tường: anh về Hội An nhận họ hàng, thăm nhà thờ tổ bên mẹ... cư xử như một Nguyễn Tường chính cống, cho đến tận gần đây.

Ở tôi không có biến chuyển tương tự, vì ngoài biến cố chữ nghĩa với tạp chí Văn vừa kể trên, còn một vụ khác ồn ào công khai trên nhật báo Chính Luận, tờ báo lớn nhiều quảng cáo nhất nước thời đó, làm nhiều người ghi nhớ đến tận ngày nay, trong số đó có một nhà văn cao niên thắc mắc, không hiểu nguyên nhân vì đâu. Thậm chí đến đầu thập niên 90, khi nhiều ông hội đoàn vùng Seattle chụp nón cối cho tôi, cũng có ông viết báo lôi truyện cũ Chính Luận ra, bảo tôi là cái thứ dòng họ (Nguyễn Tường) đã đăng báo từ bỏ từ trước 75, hẳn vì lý lịch xấu, theo Việt Cộng là phải...

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

_________________________

[1]Tang hồ bồng thỉ: cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Thời cổ Trung quốc, những gia đình quí tộc, khi đẻ con trai thường lấy cung gỗ dâu, tên cỏ bồng, bắn ra bốn hướng để mong ước đứa con trai sẽ tung hoành khắp bốn phương. Trước 1975 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (đào tạo sĩ quan hiện dịch, học trình mới đầu 2 năm sau thành 4) lấy lại tục lệ này: ngày mãn khoá, người thủ khoa cũng dùng cung bắn bốn phát tên ra bốn phía, cùng ý nghĩa với Trung quốc thời cổ. Trường Võ Bị Thủ Đức đào tạo sĩ quan ngành trừ bị, học trình mới đầu 6 tháng sau thành 9, chỉ có lệ các sinh viên sĩ quan quì xuống một bên chân theo khẩu lệnh “Quì xuống các người!”, sau khi gắn lon chuẩn úy tượng trưng một số người, tất cả đứng dậy theo khẩu lệnh “Đứng lên các tân sĩ quan!”. Nghi lễ ở đâu cũng phụ đề bằng những tiếng nổ lớn. Đà Lạt ra trường thiếu úy ngay; chuẩn úy Thủ đức một năm sau mới được thăng thiếu úy.

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021