thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật văn chương hư cấu [I]

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm,
với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

MARIO VARGAS LLOSA

(1936~)

 

Nhân dịp nhà văn Mario Vargas Llosa đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010, chúng tôi xin gửi đến văn hữu và độc giả một bài phỏng vấn do Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện cách đây 20 năm trên tờ Paris Review (Fall 1990, No. 116), trong đó Mario Vargas Llosa đã phát biểu những ý tưởng hết sức thú vị về nghệ thuật văn chương hư cấu.
 
Vì giới hạn của thời giờ, chúng tôi không thể dịch một lần trọn vẹn bài phỏng vấn, mà sẽ chia thành vài đoạn và dịch mỗi ngày một đoạn. Xin mời quý bạn theo dõi cho đến khi bài phỏng vấn kết thúc.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

________________

 

MARIO VARGAS LLOSA: NGHỆ THUẬT VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU

 

Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ông là một nhà văn nổi tiếng và độc giả của ông đã quen thuộc với những gì ông viết. Liệu ông có thể cho chúng tôi biết những gì ông đọc?

 

MARIO VARGAS LLOSA

Mấy năm vừa qua, một điều gì đó đáng thắc mắc đã xảy ra. Tôi để ý thấy rằng mình đang đọc ngày càng ít các nhà văn đương đại và ngày càng nhiều các nhà văn thời trước. Tôi đọc văn chương từ thế kỷ 19 nhiều hơn từ thế kỷ 20. Lúc này, tôi có vẻ nghiêng về tiểu luận và lịch sử hơn là các tác phẩm văn học. Tôi không nghĩ nhiều về việc tại sao tôi đọc những gì tôi đọc... Đôi khi đó là những lý do nghề nghiệp. Các dự án văn học của tôi có liên quan đến thế kỷ 19: một tiểu luận về tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo, hoặc một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc đời của Flora Tristan, một nhà cải cách xã hội và nhà “nữ quyền” (theo cách nói bây giờ) người Peru gốc Pháp. Nhưng rồi tôi cũng nghĩ rằng lúc tôi mười lăm hay mười tám tuổi, tôi cảm thấy như mình có tất cả thời giờ trên thế gian này trước mặt mình. Nhưng khi tôi bước sang tuổi năm mươi, tôi mới biết rằng thời gian của mình chỉ còn đếm từng ngày và tôi phải biết chọn lựa. Đó có lẽ là lý do tại sao tôi không còn đọc những tác giả cùng thời với tôi nhiều như trước nữa.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Nhưng trong số những tác giả đương thời mà ông đọc, ông đặc biệt ngưỡng mộ những ai?

 

VARGAS LLOSA

Khi còn trẻ, tôi rất mê đọc Sartre. Tôi cũng đọc các tiểu thuyết gia người Mỹ, đặc biệt của thế hệ lạc loài — như Faulkner, Hemingway, Fitzgerald, Dos Passos — nhất là Faulkner. Trong số các tác giả tôi đọc khi tôi còn trẻ, Faulkner là một trong số ít những người vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chẳng bao giờ thất vọng khi đọc lại ông, như cái cách mà tôi vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khi đọc lại Hemingway, chẳng hạn. Tôi cũng sẽ không đọc lại Sartre vào lúc này. So với mọi thứ tôi đã đọc từ thuở đó đến nay, thì tác phẩm hư cấu của Sartre có vẻ đã lỗi thời và đã mất đi phần lớn giá trị của nó. Các tiểu luận của ông, tôi thấy hầu hết đã trở nên kém quan trọng, có lẽ với một ngoại lệ — đó là cuốn Thánh Genet: Nhà hài kịch và người tuẫn đạo,[1] mà tôi vẫn thích. Những tác phẩm của Sartre thì đầy những mâu thuẫn, mơ hồ, không chính xác, và lan man dài dòng, và những điều ấy không bao giờ xảy ra với Faulkner. Faulkner là tiểu thuyết gia đầu tiên tôi đọc với bút và giấy trong tay, bởi kỹ thuật của ông làm tôi sửng sốt. Ông là tiểu thuyết gia đầu tiên khiến tôi nỗ lực một cách có ý thức để tái xây dựng bằng cách, chẳng hạn, cố gắng lần theo cơ cấu thời gian, giao điểm giữa thời gian và không gian, những khúc gãy trong tự sự, và cái khả năng của ông trong việc kể chuyện từ nhiều góc nhìn khác để tạo ra một sự mơ hồ nào đó, để làm tăng thêm chiều sâu cho nó nữa. Là một người châu Mỹ Latin, tôi nghĩ rằng thật hữu ích cho tôi khi đọc những cuốn sách của Faulkner như tôi đã làm bởi vì chúng là một nguồn quý giá của những kỹ thuật mô tả có thể áp dụng vào một thế giới, mà, theo một nghĩa nào đó, không phải là không giống với cái thế giới mà Faulkner đã mô tả. Sau đó, tất nhiên tôi đã đọc các tiểu thuyết gia thế kỷ thứ 19 một cách say mê nồng nhiệt: Flaubert, Balzac, Dostoyevsky, Tolstoy, Stendhal, Hawthorne, Dickens, Melville. Tôi vẫn còn là một độc giả nhiệt thành của các nhà văn thế kỷ thứ 19.

Còn với văn học châu Mỹ Latin, lạ thay, chỉ đến khi tôi sống tại châu Âu tôi mới thực sự khám phá ra nó và bắt đầu đọc nó với niềm hứng khởi lớn lao. Tôi phải dạy về nó ở đại học ở London, đó là một kinh nghiệm rất phong phú bởi nó buộc tôi phải suy nghĩ về văn học châu Mỹ Latin như một tổng thể. Từ đó tôi đọc Borges, người mà tôi đã ít nhiều quen thuộc, Carpentíer, Cortázar, Guimaraes Rosa, Lezama Lima — nghĩa là cả một thế hệ, chỉ trừ García Márquez. Tôi khám phá ra ông ấy sau đó và đã viết hẳn một quyển sách về ông ấy: García Márquez: Lịch sử của một cuộc sát thần.[2] Tôi cũng bắt đầu đọc văn học châu Mỹ Latin thế kỷ thứ 19 để dạy học. Lúc ấy tôi nhận ra chúng tôi có những nhà văn cực kỳ thú vị — các tiểu thuyết gia có lẽ ít thú vị hơn các tiểu luận gia và thi sĩ. Ví dụ như Sarmiento, người chưa từng viết một cuốn tiểu thuyết nào, nhưng theo ý tôi, là một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất mà châu Mỹ Latin từng có; cuốn Facundo của ông là một kiệt tác. Nhưng nếu tôi bị buộc phải chọn một tên tuổi, tôi sẽ phải nói Borges, bởi vì thế giới mà ông tạo ra, đối với tôi, dường như hoàn toàn độc sáng. Ngoài tính chất độc sáng lớn lao, ông còn có một trí tưởng tượng dị thường và một văn hoá rõ ràng là của riêng ông. Và rồi dĩ nhiên có cả một ngôn ngữ của Borges, trong một nghĩa nào đó, đã đoạn tuyệt với truyền thống của chúng tôi và mở ra một truyền thống mới. Tiếng Tây-ban-ha là một ngôn ngữ có khuynh hướng chuộng sự hoa mỹ, tính năng sản và sự phồn dật. Tất cả các nhà văn lớn của chúng tôi, từ Cervantes đến Ortega y Gasset, Valle-Inclán, hay Alfonso Reyes đều rườm rà. Borges thì ngược lại — hoàn toàn cô đọng, kiệm lời, và chính xác. Trong văn chương tiếng Tây-ban-nha, ông là nhà văn duy nhất hầu như có bao nhiêu ý nghĩ thì có bấy nhiêu chữ. Ông là một trong những nhà văn vĩ đại của thời đại chúng ta.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Thế còn mối quan hệ giữa ông với Borges?

 

VARGAS LLOSA

Tôi gặp Borges lần đầu tiên ở Paris, nơi tôi sống vào đầu những năm 60. Ông đến đó để thuyết trình về văn học huyễn tưởng và văn học nông mục (gauchesca). Sau đó tôi phỏng vấn ông cho Đài Phát thanh Truyền hình Pháp nơi tôi đang làm việc. Tôi vẫn còn nhớ chuyện ấy với cảm giác xúc động. Sau đó, chúng tôi còn gặp nhau vài lần ở những nơi khác nhau trên thế giới, ngay cả ở Lima, nơi tôi mời ông ăn tối. Cuối bữa ăn, ông nhờ tôi dẫn đi vào nhà vệ sinh. Lúc đang đứng tiểu, ông đột ngột nói, những người Công Giáo, anh có nghĩ họ thực sự nghiêm túc không? Có lẽ là không.

Lần cuối cùng tôi gặp ông là ở tư gia của ông tại Buenos Aires; tôi phỏng vấn ông cho một chương trình truyền hình của tôi ở Peru và tôi có cảm tưởng ông bực mình về một vài câu hỏi của tôi. Lạ thay, ông nổi khùng lên, sau buổi phỏng vấn — chứ trong lúc phỏng vấn, thì dĩ nhiên, tôi hết sức tập trung, không phải chỉ vì sự ngưỡng mộ đối với ông, mà còn vì sự cảm mến lớn lao trước vẻ duyên dáng và mỏng manh của ông — ông nổi khùng lên vì tôi nói tôi ngạc nhiên về sự đơn sơ của ngôi nhà ông ở, với những bức tường lở lói và những vết dột trên mái. Rõ ràng điều này đã xúc phạm ông một cách sâu sắc. Tôi gặp ông một lần nữa sau đó và ông tỏ ra xa cách hẳn. Octavio Paz bảo tôi rằng Borges đã thực sự bực mình về nhận xét của tôi đối với ngôi nhà của ông. Điều duy nhất có lẽ đã làm tổn thương ông là những gì tôi vừa kể, bởi vì trừ chuyện đó ra thì tôi chưa bao giờ làm bất kỳ điều gì khác ngoài việc ca ngợi ông. Tôi không nghĩ rằng ông đã đọc sách của tôi. Theo như ông nói, ông chưa bao giờ đọc bất cứ một tác giả còn sống nào cả sau khi ông bước vào tuổi 40, mà chỉ đọc đi đọc lại những cuốn sách cũ… Nhưng ông là một nhà văn mà tôi rất ngưỡng mộ. Dĩ nhiên Borges không phải là người duy nhất mà tôi ngưỡng mộ. Pablo Neruda là một nhà thơ phi thường. Và Octavio Paz không chỉ là một nhà thơ vĩ đại, mà còn là một tiểu luận gia vĩ đại, một người rất tinh tế về chính trị, nghệ thuật và văn học. Khát vọng tri thức của ông thật quảng bác. Tôi vẫn còn đọc ông với niềm hoan lạc to lớn. Ngoài ra, những ý tưởng chính trị của ông cũng rất gần gũi với tôi.

 

đọc tiếp kỳ [II]

 

------------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Mario Vargas Llosa, The Art of Fiction No. 120”, Interviewed by Susannah Hunnewell, Ricardo Augusto Setti, Paris Review (Fall 1990, No. 116).

 

_________________________

[1]Nguyên tác tiếng Tây-ban-nha là García Márquez: Historia de un decidio, luận án tiến sĩ của Mario Vargas Llosa hoàn tất năm 1959 tại Universidad Complutense de Madrid. Mario Vargas Llosa đã cho xuất bản cuốn này vào năm 1971.

[2]Nguyên tác tiếng Pháp là Saint Genet, comédien et martyr của Jean-Paul Sartre, xuất bản lần đầu vào năm 1952. Sartre viết cuốn này để xiển dương Jean Genet (1910-1986). Trong bài phỏng vấn đăng trên Paris Review, tên cuốn sách này bị ghi nhầm thành “Saint Genet: Comedian or Martyr” [Thánh Genet: Nhà hài kịch hay người tuẫn đạo].

 

 

Phụ lục:

Một trang bản thảo tiểu thuyết Elogio de la madrastra [“Ca ngợi bà kế mẫu” (1990)] của Mario Vargas Llosa:

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021