thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kinh nghiệm viết truyện ngắn
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Tôi đã viết và đăng báo truyện ngắn đầu tiên của tôi vào năm 1963,[1] cách đây hai mươi lăm năm,[2] và bị lôi cuốn vào việc viết truyện ngắn kể từ đó. Tôi nghĩ một phần (chỉ một phần thôi) cái khuynh hướng thiên về tính cách ngắn gọn và căng thẳng phải có liên hệ đến sự kiện rằng tôi vừa là nhà thơ vừa là nhà viết truyện ngắn. Tôi bắt đầu viết và đăng thơ và truyện ngắn trên tạp chí hầu như cùng một lúc, từ hồi đầu những năm 1960, khi tôi còn là sinh viên cử nhân. Nhưng cái quan hệ nhị trùng này của một nhà thơ kiêm nhà viết truyện ngắn không giải thích được điều gì cả. Tôi bị dính vào việc viết truyện ngắn, và không thể thoát ra được, ngay cả khi tôi muốn thế. Mà tôi lại không muốn thế.

Tôi yêu cú nhảy nhanh chóng của một truyện ngắn hay, yêu cái cảm giác phấn khích thường nổi lên ngay trong câu văn đầu tiên của truyện, yêu cảm thức về cái đẹp và sự bí mật trong những truyện hay nhất; và yêu cái sự kiện -- cực kỳ quan trọng đối với tôi vào thời bắt đầu viết và thậm chí đến bây giờ vẫn còn là một điều tôi lưu tâm -- rằng truyện có thể được viết và đọc một mạch trong một khoảnh khắc. (Như những bài thơ vậy!)

Từ những ngày đầu tiên -- và có lẽ đến bây giờ vẫn thế -- tôi cho rằng những nhà văn quan trọng nhất trong lĩnh vực truyện ngắn là Isaac Babel, Anton Chekhov, Frank O'Connor và V. S. Pritchett. Tôi không nhớ lúc đầu ai đã đưa cho tôi cuốn Collected Stories của Babel, nhưng tôi còn nhớ đã thích thú với một câu tôi đọc được từ một trong những truyện ngắn kỳ vĩ nhất của ông. Người thuật truyện, khi bàn về Maupassant và lối viết truyện hư cấu, có nói: "Không lưỡi kiếm thép nào có thể đâm vào trái tim mạnh mẽ bằng một dấu chấm câu đặt đúng chỗ."

Khi tôi vừa đọc câu này, nó hiện ra trước tôi như một sức mạnh mở đường. Đây là điều tôi muốn thực hiện cho những truyện ngắn của tôi: đặt vào đó những chữ chính xác, những hình ảnh gọn gàng, cũng như lối chấm câu đúng chỗ và đúng cách khiến độc giả bị níu vào tham dự trong truyện và không thể rời mắt khỏi văn bản trừ khi ngôi nhà bén lửa. Đòi hỏi câu chữ giành lấy sức mạnh của hành động có lẽ chỉ là ước mơ hão huyền, nhưng hiển nhiên đó là ước mơ của những nhà văn trẻ. Dầu vậy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nuôi dưỡng ý tưởng về lối viết mạch lạc, có đủ quyền năng để giữ độc giả lại và đem họ vào tham dự. Điều này vẫn còn là một trong những mục tiêu chính của tôi bây giờ.

Tập truyện ngắn đầu tay của tôi, Will You Please Be Quiet, Please? (Xin vui lòng giữ im lặng, được chứ?), mãi cho đến năm 1976 mới xuất hiện, mười ba năm sau khi tôi viết truyện ngắn đầu tiên.[3] Từ việc viết, đến đăng trên tạp chí và in thành sách, khoảng cách thời gian kéo dài một phần vì tôi lập gia đình sớm, rồi bận bịu dồn dập trong việc nuôi con và làm những nghề lao động chân tay, rồi học thêm chút ít trong giờ nghỉ -- và chưa bao giờ vào mỗi cuối tháng tôi còn đủ tiền để tiêu dùng. (Cũng chính trong khoảng thời gian dài ấy, tôi cố gắng luyện tay nghề của một nhà văn, làm sao để chữ nghĩa được nhuần nhị chảy trôi như một dòng sông, dẫu cho hầu hết mọi thứ khác trong đời sống của tôi đều trúc trắc.)

Sau khi mất mười ba năm để viết đủ bài cho cuốn sách đầu tay và tìm được một nhà xuất bản (tôi xin nói thêm ở đây rằng nhà xuất bản ấy đã hết sức lưỡng lự khi nhúng tay vào một công việc quái gỡ như thế -- một tập truyện ngắn đầu tay của một cây bút vô danh!), tôi cố gắng học cách viết nhanh mỗi khi có thì giờ, viết truyện vào những lúc có cảm hứng và xếp truyện thành đống trong ngăn kéo, rồi trở lại để xem xét kỹ càng và bình tĩnh sau đó, nhìn lại từ một khoảng cách, sau khi mọi sự đã nguội xuống, sau khi mọi sự, thật đáng tiếc, đã trở lại “bình thường”.

Không tránh khỏi, đời là thế, vẫn thường có những mẩu thời gian ngon lành tự nhiên lại mất hút đi, những thời kỳ dài tôi không viết truyện nào cả. (Tôi ước ao phải chi giờ đây tôi lấy lại được những năm ấy!) Có khi một hai năm tôi không thể ngay cả nghĩ đến việc viết truyện. Tuy thế, tôi vẫn thường có thể sử dụng chút ít thì giờ trong giai đoạn ấy để làm thơ, và điều này đã chứng tỏ có chức năng quan trọng, vì việc làm thơ giữ cho ngọn lửa không hoàn toàn tắt lịm, như đôi khi tôi vẫn lo sợ nó sẽ xảy ra. Vì một lý do bí mật nào đó, hoặc tôi cảm thấy như vậy, rốt cuộc cũng đến lúc tôi lại viết truyện. Tình trạng đời sống của tôi lại đến hồi tốt đẹp hay ít nhất có khá hơn, và cái khát vọng điên dại được viết lách lại chiếm ngự tôi, và tôi lại bắt đầu viết.

Tôi đã viết tập truyện Cathedral (Giáo đường) trong chừng mười lăm tháng – tám truyện trong tập ấy được in lại trong Where I’m Calling From (Từ nơi tôi đang gọi). Nhưng suốt hai năm trước khi tôi bắt đầu viết những truyện ấy, tôi thấy mình ở trong một thời kỳ thu nhặt chất liệu, thời kỳ cố gắng tìm hướng đi cho bất cứ những truyện mới nào tôi sắp viết, và tìm xem tôi muốn viết chúng như thế nào. Về nhiều phương diện, cuốn sách của tôi trước đó, What We Talk About When We Talk About Love (Chúng ta nói gì khi nói về tình yêu), đã là một tác phẩm đánh dấu sự chuyển hướng bút pháp của tôi, nhưng nó là một cuốn sách tôi không muốn lập lại hay viết giống như thế nữa. Cho nên tôi đã chỉ chờ đợi. Tôi đã đi dạy ở viện đại học Syracuse. Tôi đã viết vài bài thơ, vài bài điểm sách, và mấy cái tiểu luận. Rồi một buổi sáng nọ có cái gì đó đã xảy ra. Sau một đêm ngủ ngon giấc, tôi đến bàn giấy và viết truyện "Giáo đường". Tôi biết nó là một loại truyện khác với những gì tôi đã viết, chẳng nghi ngờ gì nữa. Bằng cách nào đó tôi đã tìm thấy một phương hướng mới và tôi muốn tiến tới. Và tôi đã tiến tới. Nhanh chóng.

Những truyện mới trong Where I’m Calling From -- những truyện được viết sau cuốn Cathedral và sau khi tôi đã vui vẻ cố ý nghỉ "xả hơi" trong hai năm để viết hai tập thơ -- là những truyện khác biệt về dạng thức và cấp độ so với những truyện trước kia. (Ít nhất tôi nghĩ chúng có khác với những truyện trước kia, và tôi đoán rằng độc giả cũng có thể cảm thấy như thế. Nhưng bất cứ nhà văn nào cũng sẽ nói với bạn rằng y muốn tin tác phẩm của y sẽ trải qua một cuộc hoá thân, một cuộc thay đổi lớn lao, một tiến trình phong phú hoá, nếu y đã dừng lại đủ lâu ở một lối viết.)

Định nghĩa của V. S. Pritchett về truyện ngắn là "cái gì đó thoáng thấy nơi khoé mắt, rồi lướt đi." Trước hết là sự thoáng thấy. Rồi cái thoáng thấy ấy được ban sức sống, biến thành cái gì đó làm khoảnh khắc ấy rực lên và có thể nó để lại trong tâm thức của người đọc một dấu vết không thể tẩy xoá. Hemingway có cách nói hết sức thú vị: hãy biến nó thành một phần kinh nghiệm riêng tư của người đọc. Nhà văn nào cũng mãi mãi hy vọng làm được như thế. Mãi mãi.

Nếu chúng ta may mắn, cả người viết lẫn người đọc, chúng ta sẽ kết thúc câu cuối cùng của một truyện ngắn, rồi ngồi đó trong chốc lát trong yên lắng. Nói một cách lý tưởng, chúng ta sẽ nghĩ ngợi về những gì chúng ta vừa viết xong hay vừa đọc xong; có thể trái tim và trí óc của chúng ta đã nhích một chút xíu ra khỏi vị trí cũ. Thân nhiệt chúng ta có thể đã tăng lên một độ, hay giảm xuống một độ. Thế rồi nhịp hô hấp trở lại bình thường, đều đặn như trước, chúng ta định thần, cả người viết lẫn người đọc, đứng lên, trở về với con người "được tạo nên bằng máu và những dây thần kinh ấm áp" của mình, như một nhân vật của Chekhov đã nói, và tiếp tục bắt tay vào công việc kế tiếp: Cuộc Sống. Luôn luôn là cuộc sống.

 

Nguyên tác: "A Special Message for the First Edition",
trong Raymond Carver, Where I'm Calling From
(Franklin Center, Pa.: The Franklin Library, 1988) [vii-ix].
Nhan đề của bản Việt ngữ do người dịch đặt.

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Đúng ra, Raymond Carver viết truyện ngắn đầu tay, "The Furious Seasons", vào năm 1960.

[2]Raymond Carver viết bài này vào năm 1988.

[3]Xem chú thích 1.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021