thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhóm Thái Độ: những người lãng mạn cuối cùng

 

Ở hải ngoại đã có những người viết “văn học sử”’về văn hoá văn học miền Nam 1954-1975, thí dụ Võ Phiến (viết toàn thời kỳ), một số vị khác viết từng đoạn, từng môn... Những tác giả này viết khá, có căn bản, nhưng đôi khi để tín ngưỡng tôn giáo của mình, như công giáo La mã, chi phối ngòi bút, nên có lúc thiên lệch, đánh giá chủ quan, hay bỏ sót những nhà văn Phật giáo và những hoạt động văn hoá xã hội của họ. Khoan nói tới những Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ... và nhà xb Lá Bối của Từ Mẫn, ngay nhà văn Thê Uyên và nhóm Thái Độ nói chung, thường là Phật tử không thuần thành hoặc không tôn giáo, không mấy khi ủng hộ các chính quyền công giáo, nên cũng thường bị xếp vào loại “bàng môn tả đạo”, ít hay tránh nhắc tới, ngoại trừ Võ Phiến. Vì thế nên có bài văn dưới đây, gọi là một chút tài liệu bổ sung cho một thời kỳ văn học của một quốc gia đã mất...

 

Vào những năm chót 60 và đầu 70, ở Sài Gòn xuất hiện một nhóm văn hoá lấy tên là THÁI ĐỘ, xuất bản một tập san in ronéo không xin phép chính quyền, phổ biến hạn chế, lấy tên là Thái Độ, một nhà xuất bản in typo cũng tên Thái Độ có xin phép Bộ Thông tin kiểm duyệt như mọi người, và tổ chức buổi những sinh hoạt khác có tính cách văn nghệ và không có tinh cách văn nghệ. Mục đích là để tiến tới thực hiện một cuộc cách mạng không cộng sản, theo một khuôn mẫu tương tự các nước xã hội Bắc Âu như Na-uy, Thuỵ-điển...

Mục đích này đã được diễn giải trong bài trình bầy, biện minh, có nhan đề là “Thái Độ chúng tôi”, đăng lần đầu trên tập san Thái Độ số 6, in ronéo, phổ biến bán chính thức; đăng lần 2 trong tập Tiểu Luận xuất bản 1971 tại Sài Gòn (Kiểm duyệt bắt bỏ nhiều đoạn, về sau thì cấm luôn):

1/ Nhóm Thái Độ có lập trường chống Cộng sản bởi vì không chấp nhận phương thức làm cách mạng của Cộng sản, chứ không chống sự việc làm cách mạng của những người Cộng sản... Nếu để miền Nam lọt nốt vào vùng quyền hành của ông Hồ Chí Minh thì, không trước thì sau, trọn vẹn chủ quyền Việt Nam từ Nam Quan đến Cà Mâu sẽ tiêu tan vào chính quyền Trung quốc một thời kỳ dài ngắn chưa biết là bao lâu.
 
2/... Chúng tôi chống chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, chứ không chống Hoa Kỳ hay thế giới mệnh danh là Tự do... Chúng tôi chống Cộng để nước Việt Nam khỏi thành chư hầu của Trung Hoa, để người Việt Nam tự do chọn lựa cách thế làm người của mình, chứ chúng tôi không chống Cộng để Việt Nam trở thành một xã hội đồi truỵ bất công, hay trở thành một thuộc quốc tiêu thụ hoá phẩm của tân tư bản...”
 
3/... Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có phương sách thực hiện cuộc cách mạng xã hội (không cộng sản) mới thắng được Cộng sản. Đối với chúng tôi, tiếp tục chiến tranh hiện nay chỉ có ý nghĩa nếu cuộc chiến này (với sự trợ giúp của quân đội Mỹ) là một ngăn bờ, một cầm cự để những người quốc gia có đủ thì giờ làm cách mạng.
 

Tổ chức, Nhân sự

Đúng như danh xưng, Thái Độ nói chung chỉ là một nhóm trí thức, nhà văn trẻ, trong và ngoài quân đội, qui tụ lại để làm làm báo chí và sách, để phổ biến tư tưởng mới, về sự cần thiết phải làm một cuộc cách mạng xã hội cho miền Nam để giữ vững quốc gia này. Tạm thời chấp nhận sự phân chia Việt Nam làm hai, chờ đợi cơ hội thuận tiện để thống nhất trong hoà bình, không Bắc tiến, không “giải phóng miền Nam”, bằng bạo lực. Nhóm Thái Độ hơi đông quân nhân nhưng không chủ trương tiến tới chính quyền quân phiệt, và làm một cuộc cách mạng xã hội “máu lửa”. Thí dụ, nhóm có dự định hiền lành và dân chủ là ủng hộ tướng Trưởng ra ứng cử tổng thống khi ông Thiệu hết nhiệm kỳ, “tổng thống Trưởng” sẽ chỉ lo về quân đội, nhóm Thái Độ và thân hữu lo hành chánh (tướng Trưởng khi còn là đại uý đã lấy con gái đầu của nhà văn Thạch Lam).

Vì chủ trương hiền lành trong thời kỳ đầu, ít nhất là từ 5 đến 10 năm, như thế nên người sáng lập và đứng đầu nhóm, nhà văn Thế Uyên, trong buổi tuyên bố thành lập nhóm, đã khẳng định như đùa: “Chúng ta làm văn nghệ văn hoá nên khi bị đàn áp, tôi hô tan hàng, là mạnh ai nấy chạy nghe... Không ai ở lại đương đầu, hô ‘Việt Nam muôn năm!’ hay cái gì đó ‘muôn năm’... Khi cơn khủng bố đã qua, chúng ta tà tà qui tụ lại. Văn hoá văn nghệ như nước chảy, khi tụ khi tán...”

Chính vì những điểm như thế nên nhóm có tổ chức khá giản dị: nhóm đầu não gồm ba người, người đứng đầu là Thế Uyên, thứ đến là nhà thơ kiêm nhà giáo Nguyễn Đông Ngạc (nay đã chết; là chồng của em gái thứ nhì của Thế Uyên) và bác sĩ / thi sĩ Nguyễn Tường Giang (con thứ của Thạch Lam). Chịu ảnh hưởng truyện chưởng của Kim Dung, Thế Uyên tự xưng là chưởng môn Thái Độ, nhưng anh em chỉ và quen gọi là chủ biên (trong nội bộ thường dùng nhiều từ và điển tích khác của Kim Dung). Còn lại bao nhiêu là nhóm viên như nhau. Chỉ khi nào đi công tác, mới có trưởng toán là người thích hợp nhất với công việc. Khi cần giao thiệp vói thầy Trí Quang, người thích hợp là Nguyễn Đông Ngạc vì đã thua thầy hơi nhiều ván cờ. Khi định phỏng vấn hay mời tham dự một buổi sinh hoạt, một chức sắc công giáo như linh mục Cao Văn Luận hay Nguyễn Ngọc Lan, thì trao cho Nguyễn Tường Giang và Trần Kỳ (VC nằm vùng, có lần An ninh Quân đội hỏi có cần bắt giữ nhân vật này không, chủ biên từ chối: “Xin cứ để đó để phía bên kia biết rõ Thái Độ là một nhóm độc lập hoàn toàn, chưa cần phải phái sát thủ làm việc...”).

Dĩ nhiên thành phần quân nhân thuần tuý được tách ra một ngành riêng, gọi là “thái độ đen”. Lập riêng ra ngành này là chịu ảnh hưởng của Nasser (Ai-cập), là một thứ đầu tư tương lai thôi. Lúc ấy, nhóm này mới chỉ phụ trách an ninh cho các buổi ra mắt sách, hội họp công khai... Và sự kiện sau (tin hay không, tuỳ): người đứng đầu “thái độ đen”, trong tháng tư 75, đang phụ trách một tầu kéo của cảng Sài Gòn, đã chuẩn bị gạo củi mắm muối sẵn sàng cho chuyến hải hành sang Singapore. Mười lăm năm sau gặp nhau ở Mỹ, anh kể: đêm ấy anh cho tàu ra giữa sông bắt đầu chuyến hải hành riêng tư, thì thấy hải quân tà tà nhổ neo đi theo... (lúc đó chưa có lệnh buông súng của tổng thống Dương Văn Minh). Đi theo vì thói quen đi theo tầu kéo ra vô con sông khó tính này, hay là theo lệnh của tư lệnh Hải quân, người đã ra lệnh cho các tầu mang theo vợ con, thì thuyền trưởng tầu kéo và tôi cùng không biết. (Tôi xin giấu tên anh này cũng như một số nhóm viên khác không thích được/bị kể tên mình trong những hoạt động của Thái Độ.)

Đặc tính nhân sự: Lúc mới thành lập, dĩ nhiên Chủ biên vận động hay rủ rê những người thân cận trong họ Nguyễn Tường, bởi vậy có tới bốn vị thuộc họ này:

- hai con trai Nhất Linh: Nguyễn Tường Thạch (thiếu tá) và Nguyễn Tường Thiết (trung uý, lúc ấy mới bắt đầu viết, chưa thành nhà văn như sau này), cả hai hiện ở Hoa Kỳ.

- hai con trai Thạch Lam: Nguyễn Tường Đằng (cử nhân luật và trung uý, sau này được tha khỏi trại tập trung cùng lúc với Thế Uyên); Nguyễn tường Giang (thi sĩ / bác sĩ), cả hai hiện ở Hoa Kỳ.

Cái lối “gia đình trị” này coi bộ vui nên có thêm một cặp anh em nữa, là Nguyễn Tử Quí và Nguyễn Tử Lộc, cả hai là Công giáo; Tử Quí du học Mỹ về ngân hàng, Tử Lộc dạy triết trung học, đã chết ở Việt Nam vì ung thư.

- nhà văn/hoạ sĩ Thái Lãng, hiện ở Hoa Kỳ, là người di dân có hai con trai trở thành sĩ quan quân lực Mỹ.

- nhà thơ Chu Vương Miện, hiện ở Hoa Kỳ.

- nhà biên khảo Nguyễn Huy, hiện ở Canada.

- nhà văn... vân vân (không muốn kể tên).

 

Thủ tục góp nến

Nhóm Thái Độ nói chung lo đại sự nhưng khiêm tốn ở đời. Châm ngôn căn bản lấy của người xưa là: “Thà thắp một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, nên việc gia nhập và ra khỏi nhóm đều dùng ánh nến, không có cờ xí ảnh tượng súng gươm chi hết. Người gia nhập nhóm cầm sẵn một cây nến nhỏ, đèn được tắt đi để biểu thị hoàn cảnh đen tối của nội chiến lúc đó. Chủ biên thắp nến đầu tiên, gắn lên một bàn thấp (nhóm ngồi vòng tròn trên đất khi họp), nói tên mình rồi gắn nến lên bàn, giản dị thế thôi. Sau đó đến người kế cận thắp và gắn nến lên bàn, cũng nói tên mình, cứ thế xoay vòng đến hết. Người nữ duy nhất hiện diện trong mọi buổi họp nhưng không thắp nến là Thi, vợ tôi, tên thực là Nguyễn Thuý Sơn, sinh viên Văn khoa Đà lạt, sinh viên Luật Sài Gòn, nhưng sang đến Mỹ mới đậu cử nhân. Lấy bằng cấp trễ nải vì như đã tuyên bố: Học làm gì, ỏ nhà chơi với con và chồng sướng hơn… Để tóc dài xoã lưng, quần jean, nàng ngồi cạnh chủ biên lo việc pha cà phê, trà, mời bánh đậu xanh... cho từng người, nhưng không tham gia vào cuộc thảo luận. Chủ biên cho vợ đến làm “trà nữ” cho buổi họp vì nghe theo lời nhà văn Lâm Ngữ Đường: Các buổi họp nghiêm túc, nên có sự hiện diện của vài nữ nhân có nhan sắc để nhắc nhở mọi người sự phù du của kiếp người.

 

Thủ tục tắt nến

Khi một nhóm viên chết đi, chủ biên làm lễ tắt nến. Sau khi những người có mặt đã gắn nến trên bàn, đèn tắt, chủ biên nói tên người đã chết rổi thổi tắt một ngọn nến, mọi người tưởng niệm trong bóng tối một chút, rồi đèn bật sáng, buổi họp lại tiếp tục. Có thế thôi, không hương hoa cúng kiếng chi hết. Người đầu tiên “bị tắt nến” là Trịnh Kim Đồng, được lệnh mang đại đội tiến lên nhặt xác đồng bạn khi trời đã tối hù, bèn gọi pháo binh bắn chiếu sáng. Không ngờ bị chốt an toàn của đạn rơi trúng gáy chết tại chỗ, cho đồng đội mang về luôn cho tiện!

Người thứ hai bị tắt nến là nhà thơ Phan Trước Viên ở Đà Nẵng. Anh bị An ninh Quân đội địa phương bắt nhưng vẫn gửi được một mẩu giấy báo tin cho tôi và xin giúp đỡ vợ con. Duy Lam, đang làm chánh văn phòng cho tư lệnh Quân đoàn, mang ít gạo lại cho. Nhưng khi tôi yêu cầu giúp đỡ xa hơn, anh từ chối, vì trong tờ khai ở an ninh, đương sự cho biết có nhiệm vụ thâm nhập Thái Độ, thân cận tối đa với chủ biên, rồi sẽ có chỉ thị sau. Anh bị lột cấp bậc khi được tha và thuyên chuyển đên một tiền đồn vùng cận sơn. Anh dùng súng tự tử trong một phiên gác đêm. Bá cáo tôi nhận được chỉ có vậy, còn lại là bóng tối và câm nín.

Trần Triệu Luật và Nguyễn Trọng Văn gia nhập Thái Độ cùng một lúc, và khi thấy hai bạn này nghiêng về phía Mặt Trận của Nguyễn Hữu Thọ, tôi yêu cầu phải có thái độ dứt khoát thì cả hai xin tắt nến nhưng giữ giao hảo. Trần Triệu Luật ra ngoài khu theo Mặt Trận và chết vì bom B.52, có em là Trần Triệu Quân di tản sang Canada nhưng trở về Việt Nam khá sớm. Không hiểu tại sao Công an lại bắt anh và xử 20 năm tù, ông em của “liệt sĩ” Trần Triệu Luật. Gia đình vận động, xin chính quyền Canada can thiệp giảm án, lần đầu không hiệu lực, những lần sau không biết sao. Hai mươi năm, dài lắm... Nguyễn Trọng Văn ở lại nằm vùng, nhưng sau 75 không được Đảng trọng dụng, chỉ cho làm “nhân sĩ”, dạy Đại học và thỉnh thoảng có viết bài đăng trên Talawas ở Berlin. Về sau, khi về Sài Gòn, tôi thỉnh thoảng vẫn rủ Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Nguyễn Quốc Thái... đi nhậu lai rai. Lập trường bên nào bên đó giữ, quốc vẫn quốc, cộng vẫn cộng, tình bạn cao hơn lập trường chính trị phe phái. Có nhiều người gọi đùa tôi là Lệnh Hồ Xung vì thế.

 

Những thân hữu

Thân hữu của Thái Độ, bạn bè của Thái Độ, đa số là sĩ quan cấp tá tán đồng chủ trương cách mạng không cộng sản, nhưng vì lý do riêng, không gia nhập nhưng giúp đỡ tối đa, hoặc bằng hiện vật, tài chính, tài năng hoặc uy tín của mình. Xin kể vài vị ;

- Nguyễn Công Luận, giám đốc một trung tâm của Bộ Chiêu Hồi, khi nghe bọn tôi muốn ra một tạp chí ronéo như Hành Trình của Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên (Hồi chuông tắt lửa) mà chưa có máy, thì nhớ ra trong kho phế phẩm có một máy cũ. Bọn tôi nhận liền, cùng vài ống mực và vài vài ram giấy, tiếp nhận những bài học học đầu tiên về ronéo và những bàn tay lem luốc mực in.

- Chu Xuân Viên, tức dịch giả Chu Việt (Xứ tuyết, Ông đại sứ) đang phục vụ ở phủ Thủ tướng, có một xe jeep xám mang số ẩn tế dân sự, sẵn sàng cho tôi mượn để chở máy chở giấy không lo bị chặn hỏi phiền phức. Thân hữu này còn cho mượn phía sau nhà làm chỗ họp Nhóm hàng tuần và phía trước cho những party của Thái Độ. Ngoài tình bạn, Chu Việt còn là em rể, như nhà thơ Nguyễn Đông Ngạc (đã chết ở Montreal), người được coi như cố vấn, một thứ “moderateur” cho một nhóm nhiều người trẻ quá hăng hái. Chu Việt có bằng cử nhân giáo khoa Anh văn nên sau chuyển sang ngành tuỳ viên quân sự, định cư ở Mỹ trước 30 tháng 4/75.

Chính Chu Việt kể một bằng cớ tiên liệu sau này QLVNCH sẽ quăng quốc kỳ quân kỳ mà chạy về phía nam, ra biển: Hôm đó ngày lễ, có dựng một khán đài ngay trước dinh Độc lập, mời đủ các tuỳ viên quân sự của các sứ quán. Đang cử hành nghi lễ thường lệ, VC phóng hoả tiễn 37 ly vô quấy nhiễu, một trái nổ trên sân cỏ của dinh, một trái nổ trên nóc nhà thờ Sài Gòn, không gây thương tổn nào cả. Vậy mà toàn thể sĩ quan Việt Nam hiện diện trên khán đài đều nằm rạp, kể cả toán thủ kỳ, trong khi các tuỳ viên quân sự các nước ngoài vẫn đứng nguyên, quan sát. Sau khi kể những gì đã mục kích cho tôi nghe, Chu Việt và tôi đều ngậm ngùi, sượng sùng. Cả hai đều là sĩ quan, nên hiểu rằng toán thủ kỳ bỏ cờ nằm rạp là triệu chứng chứng tỏ quân đội đã xuống lắm rồi – đa số quân đội các nước, chỉ buông cờ khi bị thương nặng hay chết.

- Tạ Tỵ: trung tá, nhà văn/hoạ sĩ có tranh cao giá nhất Việt Nam. Khi đang in ronéo tập 1, Thái Độ nhờ ông bạn lớn tuổi này vẽ cho một mẫu bìa “không giống ai”. Anh vẽ ngay và còn vẽ giùm bìa nhiều cuốn sách của Thái Độ, không sợ mất điểm với cấp trên và chính quyền. Sau khi được tha khỏi trại cải tạo, anh vượt biên tới Hoa Kỳ, nhưng khi về già đau yếu, vợ chết, anh trở về Sài Gòn và chết tại đây. Tranh anh bây giờ được xếp loại quốc bảo như sơn mài Nguyễn Gia Trí, cấm mang ra khỏi Việt Nam.

- Phạm Duy: Nhạc sĩ này thường thân cận với lớp trẻ nên mỗi khi Thái Độ mời, anh thường đến, mang theo đàn. Hoà với không khí chung là ra ngoài khuôn khổ, tránh khách sáo, anh thường tếu và táo bạo. Không biết tên đúng của bài hát, anh vừa dạo đàn vừa hát: Đây là bài “giọt sầu nhỏ xuống... chim tôi” vì khi ta khóc, lệ rơi thẳng xuống…, anh đưa tay từ mắt xuống chim mình... Những bài tục ca anh làm được hát lần đầu, có lẽ cho “công chúng Thái Độ”, nơi đây anh tự do nên gân cổ lên hát... “ngay l... vợ mình có khi cũng hơi hôi”. Hát nơi khác, anh phải đổi l... thành mồm. Ít ai làm nhiều tình ca hay bằng Phạm Duy, nhưng anh hay nói ngay thẳng về “mặt kia” của tình yêu và đàn bà. Điểm đó gần tôi, nhà văn vẫn cho rằng môi dưới của nàng cũng đáng được nhắc nhở, ca tụng như đôi môi trên, làn mi xanh mướt xuân tình cũng chỉ ngang hàng với làn âm mao êm đềm mát dịu lòng bàn tay.

- Miên Đức Thắng: trẻ, đẹp trai, có giọng to khoẻ, hay làm nhạc “phản chiến” như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, nhưng không có một quần chúng hâm mộ lớn như hai vị này. Đã thế lại hay lang thang “du ca” nên làm chính quyền khó chịu, đến độ sau một chuyến hát rong miền Trung, anh bị bắt giam và truy tố vì tội đại khái như dùng nhạc làm nản lòng chiến sĩ... và bị phạt 5 năm tù, dù anh thi hành quân dịch đàng hoàng, cấp bậc sĩ quan hẳn hoi. Chính vì án tù này mà bộ đội miền bắc sau 75 cho là anh thuộc “phe ta”, được thong thả làm việc linh tinh nơi trụ sở hội Trí thức Yêu nước Sài Gòn, nơi qui tụ các trí thức miền Nam được tha khỏi trại cải tạo, có câu lạc bộ bán rẻ cà phê loãng, nước ngọt và vài điếu thuốc lá cho những ai có thẻ hội viên. Khi chưa được đi dạy học, tôi thường la cà buổi sáng ở đây, gặp bạn bè cũ như Trịnh Cung... Bề ngoài Miên Đức Thắng làm ra bộ đỏ như thế cốt để an thân, còn bên trong, mỗi khi tôi đến chơi, anh thường hát những bài bất mãn với chế độ. Công an mà nghe được, chắc cho anh đi cải tạo ít nhất 7 năm. Kéo dài cuộc sống hai mặt này mãi chắc cũng chán nên anh chọn ODP bên vợ, sang định cư tại Đức. Tại đây anh “rửa gươm gói kiếm”, giã từ hát và nhạc.

- Duy Lam: tên thực Nguyễn Kim Tuấn, trung tá, nhà văn, anh ruột của tôi. Tuy thân thiết nhưng anh không đồng ý với Thái Độ, chỉ dùng uy tín và sự quen biết của mình để yểm trợ cho thằng em lo chuyện quá lớn. Anh đồng ý với lối chống cộng của chính quyền và hợp tác với Việt Quốc miền Trung, trong khi tôi cho Việt Quốc lỗi thời rồi, dù năm 20 tuổi tôi có gia nhập trong một năm, có thề thốt trước di ảnh Nguyễn Thái Học và một khẩu súng lục nhỏ và hơi rỉ sét. Sau khi đi cải tạo 12 năm bị cùm suýt què hai chân vì bênh bạn, Duy Lam định cư tại California, viết văn làm thơ và vẽ, và hoạt động linh tinh như hướng dẫn về yoga...

- Alexander Bardos: tuỳ viên văn hoá của Toà Đại sứ Mỹ. Anh giỏi tiếng Pháp, khá am hiểu văn học Việt Nam, có lập trường khá tiến bộ. Có lần khi tôi than tinh thần chống Mỹ đang gia tăng, anh ngậm ngùi nói: “Ở đâu cũng vậy thôi, khi quân Mỹ đóng quân lâu, là gây phản ứng chống Mỹ do tình tự dân tộc…” Thái độ hiểu biết của anh mua được cảm tình của tôi khá nhiều. Anh, phải gọi là ông mới đúng vì hơn tuổi tôi nhiều, là người bạn Mỹ đầu tiên tôi có trên đời. Có lần anh hỏi: “Cần Mỹ giúp về tài chính, như tờ Sáng Tạo trước đây không?” Tôi cười: “Bộ anh muốn tôi ăn đạn hả?” Anh cười theo, thông cảm. Từ Chung, Chu Tử, Nguyễn văn Bông... đã chết vì bị ám sát, và tôi đã lãnh một trái plastic... cảnh cáo. Anh đưa một đề nghị khác, giới thiệu tôi tới Hội Văn Hoá Á châu, một cơ quan văn hoá của nhiều nước, không phải chỉ có Mỹ. Tôi tạm thời OK vì quay ronéo lắm lúc cũng mỏi. Giám đốc Văn hoá Á châu ưng thuận trợ giúp liền, một ngân khoản vừa đủ tiền in tiền giấy và một chút nhuận bút cho những người viết, với điều kiện báo phải có giấy phép của chính quyền... Cái gì chứ giấy phép, từ thời VNCH lập quốc đến nay, chưa ai cấp cho tôi cả... Người giám đốc ngỏ ý rất tiếc không giúp tôi được vì đã cam kết với chính quyền chỉ giúp những người có giấy phép. Tôi ra về, hơi ngậm ngùi: những người công giáo bảo thủ, những quan chức do Pháp để lại... khó hơn chính những người Pháp thời Pháp thuộc. Những Nhất Linh, Hoàng Đạo... có nhiều điều mới muốn nói với quần chúng, người Pháp cho ra báo để nói. Còn tôi và lớp trẻ cũng có điều để nói nhưng nhà cầm quyền bản xứ không cho ra báo.

Tôi trở về tiếp tục quay ronéo cùng bạn bè, trong một sự độc lập tài chính như cũ, không dựa vào bất cứ thế lực phe phái nào đương thời.

 

Làm thế nào xuất bản một tờ ronéo

Đối với các nhân viên văn phòng, câu hỏi trên thật tức cười, nhưng đối với nhóm Thái Độ, đó là một câu hỏi mới tinh, không trả lời suông sẻ thì khỏi mơ màng đến chuyện ra báo đấu tranh này nọ. May mắn trong Nhóm có Đỗ Mạnh Hiệp, tự Hiệp lùn, là một công chức cấp nhỏ, quen thuộc với ronéo. Khi anh truyền nghề xong cho Nhóm, thì hai tay tôi thường lem luốc mực in. (Đỗ Mạnh Hiệp là người bạn xui xẻo nhất của tôi. Con một ông nhà giàu hàng Bạc, anh chống bố, nhất định vô Nam cùng bà chị nữ trợ tá quân đội Liên Hiệp Pháp. Anh xin theo học ngành cơ khí không quân tại Marrakech, Bắc Phi. Trước ngày lên đường, anh gặp một tai nạn giao thông, gãy mất một chân, phải vào quân y viện Việt Pháp. Khi gần khỏi, tập đi, anh vấp té, lần này gãy nốt chân còn lại. Khi lành, anh được xuất viện đồng thời xuất ngũ luôn. Trở về dân sự, anh hết mộng giang hồ với quân đội, và vì anh là cựu chiến binh, xin được làm thư ký Bộ Quốc phòng. Do đó quen thuộc với ronéo đủ dể chỉ dẫn cho nhóm Thái Độ. Sau 75, anh lui về nhà làm nghề bói toán cho tới khi chết. Anh xui đến độ khi bố anh chia gia tài, không cho anh một đồng vì còn giận về việc anh đi vô Nam năm 54. Ông “Lốc cốc tử” này coi tử vi cho tôi, bấm độn... rồi phán: “Số anh phải tha phương cầu thực, và chết không nhìn thây quê hương...” Những lời này, trước 75, bị coi như số ăn mày, bây giờ nhiều năm sau 75, tôi nghe mà mừng rỡ vì đói quá rồi và chán ngấy bo bo khoai mì như chán mấy anh công an quê Bác).

Nhưng có một việc tôi không nhờ ai được là đánh máy bài vở lên giấy stencil, rồi mới lắp vô cuộn máy quay tay. Tôi là người duy nhất có thể đánh bài, vậy thì tôi đánh, cứ tà tà và cố gắng. Với tư cách nhà giáo biệt phái, tôi phải dạy đủ 18 giờ / tuần và các việc linh tinh khác, hơi nhiều vì hiệu trưởng là một dân Huế ghét Thế Uyên (có hai loại Huế, một loại ưa và một loại ghét nhà văn này, trước và sau 75 đều như vậy). Còn phải viết văn viết bài, chắc một ngày làm việc hơn 12 giờ. Hoạ sĩ Tạ Tỵ chỉ vẽ mẫu bìa, còn thực hiện nó để đưa in, cũng như làm nhan đề các trang trong, là việc của Nguyễn Tường Thiết. Tuy vậy tôi vẫn dành hai buổi cho cô vợ trẻ: tối thứ Bảy hai đứa đi ăn đâu đó do vợ chọn, sau đó đi uống cà phê ỏ quán Pole Nord (sau này đổi sang quán Hầm Gió của Nam Lộc) vì quán ấy để nhạc hay. Một buổi nữa đưa nàng đi coi xi-nê ở rạp Rex. Hai đứa chọn điểm hẹn vẫn quán Pole Nord. Nàng từ nhà taxi lên đó ngồi đợi tôi từ trường về, vào rạp máy lạnh, đôi khi tôi mệt quá ngả đầu vào ghế ngủ đôi chút.

Mẫu bìa làm xong mang lại nhà in xuất bản Nam Sơn của Trịnh Viết Đức, nơi đây in “chùa” cho. (Trịnh Viết Đức - tôi chỉ được biết nhân vật này khi Nam Sơn xuất bản liền cho tôi hai cuốn: Mười ngày phép của một người lính, và Những ý nghĩ của bọt biển. Cuốn trước được đọc nhiều ngay thời đó, cuốn sau phải đợi báo điện tử Da màu [damau.org] đăng lại, mới được thưởng ngoạn. Tôi chỉ gặp lại nhân vật này khi đi tiểu ở quán nhạc “Đêm màu hồng”. Anh mặc đồ rằn ri TQLC, đeo cấp bậc đại uý, hầm hầm bảo tôi: “Moa định gặp lại toa là cho một đấm, vì tội để thằng Thái Lãng nói xấu nhóm Nguyễn Văn Trung...” Anh chắc đã làm ba chai bia, tôi mới có một, nên đấu dịu: “Đừng quá nóng mà phóng chưởng bừa bãi. Bạn nhớ cho, tôi chỉ là người xuất bản Nhật ký người chứng, không phải người viết. Còn đoạn văn làm bạn bực mình, tôi có thấy nhưng tác giả không kể tên ai cả, tôi cho qua. Còn các bạn bực mình, cho xin lỗi tất cả...” Hai bên bắt tay hoà hiếu, để còn ra uống bia lạnh nghe Thanh Lan mảnh mai xinh xắn hát, nhưng cũng đủ thời gian để đại uý Trịnh viết Đức than kỷ luật đang xuống ở binh chủng tổng trừ bị này... Rất nhiều năm về sau, hơi nhiều nước chảy qua dưới gậm cầu sông Đồng Nai, mới được tin anh vẫn còn sống khoẻ, tới định cư tại Canada. Tôi điện thoại hỏi thăm “Ông khoẻ không”, là ông bạn nổ liền: “Tại sao nói xấu Nguyễn Văn Trung?” Tôi bảo “không có đâu”, và gửi tặng ngay một bản Nguyễn Văn Trung và những người công giáo bạn tôi do Tin Nhà ở Pháp xuất bản. Thế thôi. “Từ đó chẳng biết vân mòng làm sao” (Kiều)

Tối thứ sáu, cứ cuối phiên họp, tôi lại đưa ra bản phân công kẻ ô sẵn, để các bạn tuỳ nghi chọn một hay hai buổi đến nhà tôi quay máy. Có bạn bận suốt ngày, chọn phiên buổi tối, cái máy cũ kêu to, cứ xành xạch suốt ngày, đôi khi cả ban đêm, những người tuổi trẻ tới lui, làm cư dân kế cận lo ngại. Do vậy trong thời kỳ in Thái Độ, tôi phải dọn nhà tới ba lần. Vất vả và vất vả. Nhưng cũng vui vui, nhất là những ngày xếp thứ tự các trang, vô bìa và đóng bìa phía sau không đề giá bán, chỉ ghi “phí tổn ấn loát”.

Sau đó là phát hành, báo chui đâu bán công khai được. Ngoại trừ hiệu sách Khai Trí bày Thái Độ phía trong giá sách trong cùng, còn toàn phổ biến chuyền tay. Tiền thu được, có người trả hơn nhiều lần phí tổn ấn loát đề ở bìa, thí dụ đại tá Lưu Kim Cương, không quân, tử trận Tết Mậu Thân, (được Trịnh Công Sơn làm cho một bản nhạc tưởng niệm khá hay, lời nhạc như một bài thơ, có thể tìm đọc trên tạp chí Tân Văn số 20). Đến tối thứ sáu, tại phiên họp hàng tuần, tung tiền thu được ra chiếu. Tôi vô sổ chi thu làm theo kiểu Mỹ do Nguyễn Tử Quý chỉ cho, chỉ cần nhìn vào hai cột căn bản, là biết ngay đã tiêu bao nhiêu và còn bao nhiêu tiền. Những khoản chi lớn như mua giấy mực, thì trao cho người nhận đi mua trước mặt cả nhóm – đúng là kinh tế công khai. Báo đông dần độc giả, từ 500 số 1 tăng lên 1000 từ số 3, và cứ giữ nguyên như thế cho tới khi đình bản. Thấy tiền dư đã đủ, tôi nhờ Nguyễn Tường Thiết đi mua một máy ronéo mới tinh vừa nhập nội, vẫn chỉ là máy quay tay thôi, nhưng từ đó thân hữu nhận được những số báo in rõ ràng và sạch sẽ. Sau này khi Thái Độ ngưng xuất bản, một nhóm viên (sau này tôi mới biết là Cộng sản nằm vùng) xin mượn máy có thời hạn cho một nhóm thân hữu Phật tử. Thấy lâu chưa trả, tôi nhắc thi ông nhóm viên cho biết máy đã chạy sang tay Việt Cộng. Chu choa, tôi không chịu “cúng chùa” lập công với bên đó vì trái với chủ trương của nhóm Thái Độ, không đi với Mỹ không chơi với Việt Cộng, chỉ biết dân tộc Việt Nam thôi. Để tránh phiền phức có thể xảy ra sau này, tôi yêu cầu ông bạn cho mượn máy phải làm giấy tờ mua lại. Tôi là lính biệt phái, bất cứ lúc nào cũng có thể bị trả về quân đội, dẫn lính hành quân vùng địch, nếu tịch thu đúng cái máy đó, thì sao đây... Sau đó, tôi thấy rõ rệt tinh báo cả hai phía xanh đỏ gia tăng kiểm soát nhóm Thái Độ nói chung, thậm chí bên đỏ còn chỉ thị cho ông nằm vùng Trần Kỳ lấy trộm cuốn sổ chi tiêu của nhóm. Tôi bá cáo anh em trong phiên họp kế đó, tuyên bố không điều tra vụ mất sổ, vì để bên Mặt Trận thấy rõ Thái Độ không nhận trợ giúp nào của Mỹ. Tôi làm một cuốn sổ chi tiêu mới, và công việc tiếp tục.

 

Nhìn lại một vài thành quả

Nhóm được phân chia và đặt tên theo mầu:

- Thái Độ xám: quay ronéo phổ biến hạn chế, 6 số báo và hai tập thơ. Khi làm thủ tuc lên máy bay, tôi được lệnh không được mang theo sách báo kể cả bản thảo, các album gia đình phải bóc bỏ mọi hình có mặc quân phục, dĩ nhiên tôi đi tay không, nên không có gì để tham khảo. Nghe nói trong kho tàng mang theo sang Montréal của giáo sư Nguyễn Văn Trung có đủ bộ sáu số Thái Độ...

- Thái Độ trắng: có lúc được Khai Trí bao sân tiền in tiền giấy, Thái Độ thử ra công khai, mới được một số, số 2 đang in ở nhà in của linh mục Cao Văn Luận thì có lệnh đình chỉ ngay lập tức. Về xuất bản thì khá hơn, in được một số sách ngoài mức thường: Vòng đai xanh của Ngô Thế Vinh; Nghĩ trong một xã hội tan rã, Chiến tranh cách mạng của Thế Uyên... Về dịch thuật, ngoài cuốn khá nổi tiếng, bán khá chạy là Về miền đất hứa do Thế Uyên dịch từ Exodus của Leon Uris, còn có những cuốn có tính cách chống đối, “nổi dậy” như: Tuyên truyền chính trị của Domenach, Kỹ thuật đảo chính của Malaparte, Châu Mỹ la-tanh giữa Gấu (Nga) và Diều hâu (Mỹ) của Madadriaga..

- Thái Độ đen: gồm một số sĩ quan trẻ, không tiện kể tên. Chưa qui tụ được bao nhiêu, nhưng ngành này làm cả ba bên lo ngại: chính quyền quốc gia, Cộng sản cả nam lẫn bắc, và Mỹ (phe diều hâu). Tôi tiếc khi thân hữu Bardos về nước, ông có tổ chức một tiệc trà tiễn đưa và nhắn tôi tới dự để giới thiệu với tuỳ viên văn hoá mới. Tôi bận cái chi đó, không tới, sau này mới hối tiếc khi phe diều hâu Mỹ phối hợp Trung ương Tình Báo Việt Nam để xoá sổ nhóm Thái Độ, tôi không có ai thân trong toà Đai sứ lên tiếng bênh vực cho (sự giao thiệp giũa tôi và toà Đại sứ bị hạn chế nhiều lắm vì tôi chỉ biết tiếng Pháp phát âm kiểu thuộc địa.)

 

Tháng 4, 2009

 

(còn nữa)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021