thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chủ nghĩa hậu hiện đại: Những sự phát triển gần đây trong mỹ thuật ở Pakistan và Bangladesh

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lời người dịch:
 
Gần đây, một vài học giả / phê bình gia ở Việt Nam bắt đầu truyền bá ý tưởng rằng văn nghệ sĩ Việt Nam không nên tiếp cận văn nghệ hậu hiện đại, mà phải đi trở lại con đường phát triển của chủ nghĩa hiện đại.[*] Theo tôi, đó là một ý tưởng bảo thủ rất vô nghĩa, vì thực tế cho thấy văn nghệ của nhiều nước và nhiều dân tộc bị xem là “lạc hậu” ở châu Phi, châu Đại dương, châu Mỹ La-tinh... đã không cần lặn lội thêm một thế kỷ nữa để lặp lại lịch sử phát triển văn nghệ Tây phương, nhưng họ đã tiến thẳng vào con đường hậu hiện đại và toàn cầu hoá, và đã chứng tỏ những thành công đáng cho chúng ta phải nể phục. Do đó, thay vì phải hoài công tranh luận với ý tưởng bảo thủ vô nghĩa ấy, tôi xin dịch và lần lượt giới thiệu một số bài viết, qua đó những bằng chứng thành công sẽ được văn nghệ sĩ Việt Nam nhìn thấy.
 
Hôm nay, tôi xin gửi đến độc giả Tiền Vệ một bài viết của Atteqa Ali về mỹ thuật hậu hiện đại ở Pakistan và Bangladesh.
 
Atteqa Ali là một người giám tuyển độc lập, sống và làm việc tại Lahore, Pakistan. Bà đã thực hiện hai cuộc triển lãm rất đặc biệt nhân dịp khánh thành toà National Art Gallery mới tại Islamabad, Pakistan. Trong đó, “Homecoming” bao gồm tác phẩm của những nghệ sĩ Pakistan lưu vong, và “Outside the Cube” bao gồm những tác phẩm sắp đặt tuỳ-theo-chu-cảnh-địa–lý, của sáu nghệ sĩ đang sống tại Pakistan. Năm 2003, bà thực hiện cuộc triển lãm nổi tiếng “Playing with a Loaded Gun: Contemporary Art in Pakistan” tại Apex Art Curatorial Programs, New York. Năm 2004, cuộc triển lãm này được tái tổ chức tại Kunsthalle Friedricianum, Kassel, Đức.
 
Atteqa đã làm việc như một cố vấn giám tuyển cho một số cuộc triển lãm, trong đó có “The American Effect”, tại Whitney Museum of American Art, New York. Bà đã đóng góp tiểu luận cho nhiều tạp chí, trong đó có tờ Art Asia Pacific và tờ Orientations.

 

 

 

CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI:

NHỮNG SỰ PHÁT TRIỂN GẦN ĐÂY TRONG MỸ THUẬT

Ở PAKISTAN VÀ BANGLADESH

 

Những năm đầu thế kỷ 21 là một thời điểm khủng hoảng cho Bangladesh và Pakistan. Các lĩnh vực nghệ thuật đang phát triển mạnh mẽ, nhưng khí hậu chính trị lại bất ổn. Bangladesh, tuyên bố độc lập khỏi Pakistan từ năm 1971, vẫn chưa đứng vững. Nó là một quốc gia cực kỳ nghèo và đông dân quá mức. Sau ngày quốc khánh lần thứ 50 của Pakistan vào năm 1971, nhiều vấn đề vẫn còn nguy cơ xảy ra. Liệu có phải quốc gia này đã được thiết lập trên những nguyên tắc đúng đắn? Liệu một ngày nào đó sẽ có hoà bình và ổn định hoàn toàn trong khu vực này? Pakistan tiếp tục giằng co với Ấn-độ, bây giờ lại thêm nguy cơ của chiến tranh nguyên tử. Xuyên qua những tác phẩm đôi khi mang tính chính trị, các nghệ sĩ Bangladesh và Pakistan cống hiến những góc nhìn độc đáo vào những cuộc tranh luận phức tạp chung quanh đất nước của họ.

Hiện thời, các trường mỹ thuật là trung tâm sinh hoạt nghệ thuật trong hai quốc gia non trẻ này. Ở Bangladesh, Shilpakala Academy và Institute of Fine Arts thuộc Dhaka University là những trường mỹ thuật chính, nơi sinh viên có thể ghi danh vào những lớp dạy các bộ môn khác nhau, từ hội hoạ cho đến kịch nghệ. National College of Arts (NCA) ở Lahore và Indus Valley School of Art and Architecture ở Karachi là hai học viện lớn ở Pakistan, nơi giới nghệ sĩ thử sức với các ý tưởng về những gì được xem là nghệ thuật đương đại, và đặc biệt với cái vị thế của nghệ sĩ hậu thuộc địa trong cuộc tranh luận này. Những thế hệ mới của nghệ sĩ ở Bangladesh và Pakistan có những suy nghĩ mang tính phê phán đối với xã hội và di sản nghệ thuật của nó. Họ sử dụng nhiều thủ pháp và chất liệu khác nhau ở địa phương, từ kỹ thuật tế mật hoạ [miniature painting] tinh xảo tương tự như nghề làm kim hoàn cho đến những yếu tố văn hoá đại chúng sinh động. Tuy nhiên các nghệ sĩ này cũng đón nhận những dạng thức mang tính toàn cầu, gồm cả hội hoạ trừu tượng và nghệ thuật tạo hình bằng video.

Ở Lahore, Zahoor ul-Akhlaq đã mang những ý tưởng hậu hiện đại đến tuyến đầu trong những năm 70 và 80. Tại NCA, ông kiên trì khẳng định sự thích nghi và khả sinh của tế mật hoạ như một tài nguyên cho các nghệ sĩ đương đại. Các hoạ phẩm của ông sử dụng những yếu tố rút ra từ truyền thống tế mật hoạ và kết hợp chúng với một hoạ pháp trừu tượng.

 

The Three Younger Sons Of Shah Jahan
Zahoor ul-Akhlaq (Pakistan, 1941–1999)

 

Nhưng một số nghệ sĩ của thế hệ kế tiếp đã đi ngược lại, họ sử dụng tế mật hoạ như một cơ sở để diễn đạt các hình ảnh đương thời. Một trong những nghệ sĩ ấy là Shahzia Sikander. Tác phẩm của cô đối thoại với truyền thống tế mật hoạ; cô khai triển nó bằng cách thêm vào những yếu tố đương đại chẳng hạn như những kỹ thuật mới hay những hình ảnh thời sự.

 

Installation, 1998
Shahzia Sikander (Pakistani, sinh năm 1969)
Kích thước tổng quát: 3.65x13.7 m
Trưng bày tại Forum for Contemporary Art, St. Louis, USA

 

Trong những năm cuối 80 và đầu 90, Bashir Ahmed đã dạy cho cô và những nghệ sĩ khác, gồm cả Ambreen Butt và Imran Qureshi, qua một kỳ rèn luyện gian khổ trong nghề tế mật hoạ.

Sikander và Butt là hai khuôn mặt trong một nhóm nữ nghệ sĩ Pakistan nổi lên trên tuyến đầu của sự cách tân nghệ thuật; những người khác gồm có Alia Hasan-Khan, Naiza Khan, Huma Mulji, và Asma Mundrawala.

Salima Hashmi, hiệu trưởng của NCA trong những năm 90 và hiện là giáo sư tại Beaconhouse National University in Lahore, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tác phẩm của những nữ nghệ sĩ này và những người trẻ hơn. Trong những năm 80, bà vẫn tiếp tục làm những nghệ phẩm nói về các đề tài chính trị và nữ quyền ngay trong thời điểm chế độ độc tài quân phiệt bóp nghẹt sự diễn đạt nghệ thuật.

 

Poem for Zainab, 1994
Salima Hashmi (Pakistani, sinh năm 1942)
Sơn dầu và cắt dán trên bố, 50.8x76.2 cm

 

Ở Bangladesh, Runa Islam khai thác những ý tưởng hậu hiện đại trong tác phẩm nghệ thuật của cô. Sang định cư và làm việc ở nước Anh, Islam thực hiện nhiều tác phẩm video rất sắc bén và mới mẻ trên nhiều đề tài khác nhau, từ đề tài về các phim của nhà đạo diễn Đức Rainer Werner Fassbinder cho đến đề tài về cơ học của thị giác.

 

Stare Out (Blink), 1998
Runa Islam (Bangladeshi, sinh năm 1970)
Tác phẩm sắp đặt, sử dụng phim 16mm
Trưng bày tại White Cube Gallery, London

 

Shishir Bhattacharjee nổi danh về những tác phẩm biếm hoạ gay gắt mang tính chính trị. Gần đây, anh đã vẽ những bức tranh theo phong cách bích chương điện ảnh Bengali.

 

The Picture, 2004
Shishir Bhattacharjee (Bangladeshi, sinh năm 1960)
Chất liệu hỗn hợp trên bố; 135X135 cm
 
 

-----

Nguồn: Atteqa Ali. “Postmodernism: Recent Developments in Art in Pakistan and Bangladesh”, trong Heilbrunn Timeline of Art History (New York: The Metropolitan Museum of Art, 2004).

 

Đã đăng:

... tinh thần đa văn hoá được xiển dương bởi chủ nghĩa hậu hiện đại đã mở ra những khung cửa mới cho mỹ thuật đương đại Phi châu, tạo điều kiện cho nó trình bày trước thế giới rằng cái sáng tạo mà trước kia vẫn khiến người ta liên tưởng đến quá khứ của nó, thì giờ đây đã được phục hoạt với một diện mạo tươi trẻ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)
 
... Ngược lại với hình ảnh lãng mạn hoá trước đây về môi trường sống và những biểu hiện văn hoá, các nghệ sĩ trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đã đương đầu với những sức mạnh lịch sử và chính trị nối kết các nền văn hoá trong khu vực, chẳng hạn tiến trình toàn cầu hoá và những hậu quả của nhiều thập niên nội chiến. Các đề tài của họ gây chú ý đến những bất công xã hội, những sự xâm phạm nhân quyền, những vấn đề về môi sinh và kinh tế, những mối quan tâm mang tính tân thuộc địa trong khu vực, và những chế độ áp bức... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)
 
... Ấn-độ đứng trên tuyến đầu của lý thuyết phê bình hậu thuộc địa, với những lý thuyết gia như Arjun Appadurai, Homi K. Bhabha, và Gayatri Spivak nổi lên từ đất nước của mình. Cùng với sự nở hoa của nghệ thuật và lý thuyết ở quốc gia trong vùng Nam Á này, các nghệ sĩ và các nhà văn càng lúc càng có nhiều khán giả và độc giả quốc tế... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)

 

 

_________________________

[*]Người đưa ra ý tưởng bảo thủ vô nghĩa này là Hoàng Ngọc Hiến. Trong bài tham luận “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại”, đọc tại hội thảo “Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX” tổ chức ngày 7/6/2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng lại trên tạp chí Sông Hương ngày 16/7/2008, ông cho rằng việc giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam là một điều “trái khoáy”, chỉ vì “nhiều độc giả không hiểu mấy về chủ nghĩa hiện đại (mà quá trình thăng trầm trải ra trong bốn thập kỷ đầu t.k. 20)”. Sau đó, Nguyễn Hoà đã phụ hoạ và khai triển ý tưởng này trong bài “Xu hướng Tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: Chiếc áo rộng cho một cơ thể còm”, báo Công An Nhân Dân online, ngày 27/7/2008.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021