thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 2]

 

 

Anh cần viết cho em, để sống. Anh không có cảm giác là đang sống. Viết cho em để giữ mối liên hệ với những cảm giác thật sự mà thiếu em anh không còn có được.

Anh đã đọc thư em, đọc đi đọc lại nhiều lần. Em cứ viết lạnh lùng và thẳng thắn như thế. Chỉ đừng nói dối anh thôi. Anh cần em cứng rắn với anh. Anh cần cách diễn đạt rõ ràng, minh bạch và đầy lý tính kiểu phương tây của em. Anh không giấu em là cơ thể anh và tinh thần anh đang chảy nhão, cũng như em, anh cảm thấy cái chất sền sệt dưới các chữ của anh.

Cách đây vài ngày anh mơ thấy em, lại mơ thấy em. Đó là một giấc mơ có thật. Có thật và khiêm nhường. Mơ thấy người phụ nữ mà ta thương nhớ là giấc mơ khiêm nhường nhất trong các giấc mơ. Ở đây, mọi giấc mơ đều khoác một chiếc áo quá rộng, quá rộng so với chúng. Mọi giấc mơ đều quá lớn, quá lớn so với một giấc mơ.

Về chuyện phụ nữ, em nói đúng. Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hóa ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng. Anh không phủ định được rằng đấy là những gì giới mày râu bọn anh có thể làm cho phụ nữ. Có lẽ bác sĩ của anh sẽ bảo: anh đừng băn khoăn, phụ nữ họ không cần chúng ta bảo vệ, họ làm họ chịu. Hoặc là ông ấy sẽ nói: anh đừng lẩm cẩm nữa, phụ nữ họ còn không bảo vệ lẫn nhau, mất chi mà đàn ông phải dây vào.

Hôm qua, anh uống một mình. Anh quen một quán bar, ông chủ ở đó rất dễ thương. Dễ thương nhất là ông ấy chẳng bao giờ để ý đến anh, không bao giờ muốn hỏi han gì về anh, không bao giờ lưu ý việc anh chỉ đến đó một mình. Anh chọn cái bàn trong góc. Góc đó tối và ồn nên chẳng mấy ai thích ngồi, thành ra cái bàn gần như là độc quyền của anh, gần như chỉ dành riêng cho anh.

Hôm qua quán đông một cách bất thường. Anh đã yên vị và đang mơ màng thì một người xuất hiện. Quán hết chỗ, chỉ còn một cái ghế duy nhất là cái đối diện với anh. Người đàn ông ngồi xuống và gọi đồ uống. Anh không có ý định bắt chuyện, anh cũng không thể tỏ ra khó chịu, chỉ là vì tình thế bắt buộc chứ ông ấy cũng không muốn làm phiền anh. Đột ngột ông ta nói:

- Anh có bệnh, tôi nhìn là biết anh đang mang bệnh.

- Vậy sao?

Quá bất ngờ và lập tức bị thu hút bởi nhận xét của ông ta, anh mắc vào cái câu như một con cá đói chỉ nhìn thấy con giun mà không nhìn thấy lưỡi câu. Anh để cho câu chuyện cuốn đi.

- Anh mắc bệnh phán xét con người. Đừng phán xét con người. Hãy yêu thương họ và đừng phán xét họ. Con người sinh ra để được yêu thương chứ không phải để bị phán xét. Kinh thánh nói như vậy.

- Kinh thánh ư? Kinh thánh nói như vậy? Mười điều răn Chúa ban cho Moïse không là để con người phán xét lẫn nhau ư? Còn cuộc phán xử cuối cùng thì sao?

- Anh nhầm rồi, phán xét con người là việc của Chúa, không phải việc của con người.

Thế này là sao? Sao mình đi đâu cũng gặp bác sĩ thế này? Anh tự hỏi rồi trả lời ông ta, không ăn nhập gì vào chủ đề câu chuyện:

- Anh có phải là bác sĩ tâm lý không?

- Ồ… ông ta cười khoái chí, hai cái ly trên bàn rung lên lạch cạch. Tôi làm nghề viết luận văn thuê.

- Vậy sao?

Anh đã đọc trên báo và biết về những đường dây chạy điểm vào đại học, những lò photocopie luận văn và cả những lò viết luận văn thuê, nhưng đây là lần đầu tiên mục sở thị, diện kiến một người bằng xương bằng thịt làm nghề này. Thì ra những người viết luận văn thuê có thể là như thế này sao? Ông ta cười:

- Anh ngạc nhiên ư? Có gì phải ngạc nhiên. Để sống thì phải làm việc gì đó, không làm việc này thì làm việc khác thôi. Có cầu thì phải có cung. Tôi không làm thì người khác cũng làm, mà người khác làm thì còn tệ hơn tôi.

- Nó là như thế nào vậy? Nếu ông không ngại.

- Mỗi năm tôi viết năm cái luận văn là đủ sống thoải mái. Tôi đoán nhé, tới đây con đường sự nghiệp của anh sẽ tiêu, anh sẽ không sống được bằng nghề. Rồi anh cứ chờ mà xem. Điều đó hiện rõ ở chân mày của anh. Tôi có biết một ít hình tướng. Còn tôi, anh thấy đấy, tôi sống được bằng nghề của mình đấy chứ. Tôi lại còn nhân đạo ở chỗ đã giúp cho cả thầy lẫn trò hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thầy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, trò xuất sắc trong học tập. Phải nói là tôi đã ghé cái vai còm này để chống đỡ cho nền giáo dục nước nhà. Sự nghiệp của tôi chưa vĩ đại sao?

- Ông hành nghề bao nhiêu năm rồi?

- Hai mươi năm. Sau một thời gian, mọi thứ đã thành công nghệ rồi, tôi làm nhẹ nhàng lắm. Lịch sử vấn đề, ba chương chính của luận văn, kết luận. Chừng đó thôi. Lịch sử vấn đề thì chừng đó tư liệu, tôi nắm thuộc lòng rồi. Ba chương thì… về cơ bản cấu trúc các luận văn đều giống nhau. Chỉ sau một vài năm là ngòi bút của tôi thành ra giống như bút tiên, vẩy vài nhát là xong. Các thầy cũng thích những mô hình quen thuộc, vì quen thuộc tức là đã được kiểm định, đã qua thử thách và được thông qua. Còn những mô hình mới chưa có tiền lệ thì đáng ngại lắm, không nên thử làm gì, có khi còn bị khép vào cái tội “không đúng hướng”, “lạc đường”. Kết luận chỉ có mấy ý ấy thôi: tổng kết vấn đề, mở rộng và nâng cao, đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo. Dễ ợt. Với cả kết luận thì phải nói đúng chủ trương đường lối, môn lịch sử mà. Mà chủ trương đường lối thì có thể đọc ở khắp nơi, không bao giờ có thể nhầm hay sai gì được. Vậy là yên tâm. Anh xuống thư viện của cái trường đại học nằm gần bờ sông ấy mà xem, anh sẽ kinh ngạc về số lượng các luận văn do tôi viết.

- Tổng cộng ông viết bao nhiêu?

- Anh cứ nhân lên thì biết. Tôi nói làm gì. Nhưng bây giờ tôi không làm nữa, tôi nghỉ hưu rồi.

- Nghề viết luận văn thuê cũng có nghỉ hưu! Anh cười, anh ngạc nhiên nhận thấy mình cười. Hình như lâu lắm rồi anh không cười.

- Thật ra tôi còn hơn chán vạn những kẻ khác làm nghề đó. Tôi chẳng bao giờ chặt chém, và tôi làm cẩn thận, nghĩa là tôi trình bày đẹp, không có lỗi đánh máy, các yêu cầu về hình thức đều đảm bảo, các yêu cầu về nội dung cũng đảm bảo. Trong khi làm tôi còn hẹn học viên đến để trao đổi giải thích cho họ, như thế họ cũng học được một cái gì. Vậy nên quan chức không bao giờ thuê tôi. Họ đâu có thời gian và cũng không có điên mà đi gặp người viết thuê cho họ. Họ chỉ tiền trao cháo múc, họ cần cái luận văn, bao giờ xong thì đưa họ, chứ họ đâu cần học cái gì. Và họ thuê thông qua trung gian chứ chẳng bao giờ xuất hiện trực tiếp. Sinh viên hay người học tại chức thì thực ra nhiều người cũng muốn học được thêm cái gì đó. Thế nên tôi cũng có một chút uy tín trong nghề này, chứ không phải là không, cho nên càng về sau người ta tìm đến tôi càng đông. Nhưng đến lúc tôi không bị cơm áo thúc bách nữa. Con cái trưởng thành hết rồi.

- Ông có viết luận văn cho con ông không?

- Anh đùa à? Con tôi chúng nó đâu học cái ngành bạc bẽo này.

- Xem ra thì có bạc bẽo đâu. Anh lại cười, ông ấy làm anh muốn cười. Cũng dễ chịu.

- Ừ thì, tôi nghĩ mình đóng góp cho giáo dục thế đủ rồi. Tôi biết là lúc này đây, anh đang phán xét tôi. Nhưng anh xem, một ông bố trong gia đình, đẻ con ra phải nuôi con. Xã hội có nhu cầu thì tôi đáp ứng. Pháp luật không ngăn cấm, nhà trường khuyến khích thì tôi làm. Mà công việc của tôi cũng góp phần giải quyết bao nhiêu vấn đề. Trước tiên là sinh kế cho gia đình tôi. Chúng tôi cũng là người, chúng tôi cũng phải được sống, và được sống đàng hoàng chứ. Rồi thêm trường học phải có thành tích. Chẳng nhẽ tuyển sinh viên vào, tuyển cao học vào, cho con người ta đỗ vào học mà lại không cho con người ta ra trường, không cấp bằng cho con người ta? Mà không như thế thì báo cáo hàng năm lấy gì mà viết, cần có con số đào tạo bao nhiêu sinh viên, bao nhiêu thạc sĩ, bao nhiêu tiến sĩ. Không thì mất thi đua, Bộ cắt mất các loại đầu tư và tiền thưởng. Mà các thầy thì sức đâu mà viết hộ cho bao nhiêu sinh viên như thế. Thế nên nghề viết luận văn thuê ra đời. Nó có cái lý của nó. Miễn là anh tìm được một cái lý, còn lại thì lương tâm của anh sẽ biết cách tự giải quyết. Anh hãy nhìn những khía cạnh tích cực của vấn đề, không thì không sống nổi đâu. Cái gì cũng có mặt trái và mặt phải. Nếu anh chỉ nhìn mặt trái thì anh sẽ mắc bệnh phán xét. Mà sự phán xét của anh chẳng dẫn đến đâu. Vì, cơ bản là khi mọi người đều nhìn ở mặt phải thì họ thấy sự phán xét của anh là lố bịch. Họ thấy mọi việc đều tốt đẹp và ổn, chẳng có gì đáng lo, thì việc gì anh phải hoắng lên như thế. Anh chỉ lo bò trắng răng thôi.

- Lo bò trắng răng. Thế còn chất lượng giáo dục?

- Tôi không phải là không biết đến điều đó. Về chuyện này thì anh phải nghĩ theo cách này mới được, thì anh sẽ thấy ổn: Nếu tôi không làm thì chất lượng luận văn của sinh viên sẽ kém lắm, kém lắm í, anh không hình dung được đâu. Họ viết câu còn chưa ra câu. Nhưng chất lượng luận văn có kém đến mức nào thì cũng phải cho sinh viên đỗ để họ ra trường, phải cho họ điểm cao nữa cơ. Thế đấy. Vốn dĩ điểm ấy đâu phải là của họ, cũng là điểm thầy cho thôi mà. Vậy thì, giữa việc một luận văn kém được nhận điểm cao, và một luận văn tương đối tốt nhưng do tôi viết ra được nhận điểm cao, cái gì hợp lý hơn. Dĩ nhiên, cho một luận văn tốt điểm cao sẽ hợp lý hơn là cho một luận văn kém điểm cao. Cho một luận văn tốt điểm cao là thực chất, còn cho một luận văn kém điểm cao là không thực chất. Đấy, cái lý cho sự tồn tại của những người như tôi là như vậy đấy. Mục đích cuối cùng là để có một sản phẩm tốt, còn ai làm ra mà chẳng được, có quan trọng gì đâu. Hơn nữa, học viên còn cho tôi biết, có những thầy, nếu viết xong mà để thầy phải sửa, thì tổng cộng các lần sửa họ còn phải trả cao hơn là số tiền họ trả để tôi viết toàn bộ. Còn nếu ra bảo vệ rồi mà bị hội đồng yêu cầu phải sửa lại nhiều thì mới kinh, con số mà sinh viên phải chi trả anh không thể tưởng tượng được.

- Ông mất bao nhiêu thời gian để tìm ra những lí lẽ đó?

- Dễ ợt à. Đâu có mất nhiều thời gian. Đấy là cách nghĩ thông thường mà. Ai mà chẳng nghĩ như thế. Nhưng rồi đến lúc tôi cũng thấy nên dừng. Tôi không làm nữa. Nhưng vẫn có nhiều sinh viên đến tìm tôi. Thay vì viết thuê lấy tiền, tôi hướng dẫn cho họ cách làm như thế nào. Thực ra việc xào xáo các ý tưởng cũ để tạo ra ý tưởng mới cũng không phải là cái gì quá khó. Đôi khi chỉ cần thêm vào một vài từ, hay là đảo lộn trật tự câu, thế là có một đề tài mới. Tôi nhận ra rằng thực ra sinh viên họ không cần làm hộ. Để nghĩ ra cái mới thực sự thì phải có phương pháp mới, tài liệu mới, chứ nếu mà chỉ xào xáo thôi thì sinh viên họ làm tốt hơn mấy ông già như tôi rất nhiều.

- Ông kể những chuyện ở đâu, chứ ở đây dù sao cũng đâu đến nỗi.

- Có lẽ anh không làm thế nên anh không hình dung được. Nhưng tôi nói thật, nếu giả sử anh biết có đồng nghiệp làm thế, thì sao? Thì anh cũng sẽ im lặng chứ sao. Phải không nào? Anh cùng làm việc với họ, anh đâu có thể xúc phạm họ được? Anh thì im lặng mà học trò thì cứ trả tiền. Rồi anh nghĩ sao, anh sẽ nghĩ: chúng nó dốt phải trả tiền là đúng rồi. Đứa nào giỏi đã tự viết lấy luận văn. Đúng quá còn gì nữa. Tôi lao động, hay giáo viên hướng dẫn lao động, tức viết hộ, thì phải trả tiền cho chúng tôi chứ sao. Có cái gì sai ở đây đâu nào? Còn bằng của nhà nước cấp, cũng có gì sai đâu, luận văn xứng đáng được cấp bằng mà. Anh thấy chưa, mọi cái đều đúng. Bây giờ anh biết tôi rồi, tôi kể chuyện cho anh nghe rồi, anh có đi tố cáo tôi không? Mà chúng ta chẳng phải đồng nghiệp gì. Mà tôi vẫn chắc là anh sẽ không đi tố cáo. Mà tố cáo cũng chẳng sao, chẳng bao giờ anh tìm thấy bằng chứng gì. Một lão già say kể chuyện trong lúc say, ai tin anh?

Lúc nói đến đó ông ấy có vẻ say thật, nhưng mắt ông hơi giễu cợt:

- Bạn ơi, tham nhũng là chuyện lớn người ta còn không giải quyết, huống hồ là mấy chuyện nhỏ như chuyện của chúng tôi. Hơn nữa đây là chúng tôi có lao động, chứ người ta còn chẳng làm gì. Họ ăn nhiều chứ chúng tôi ăn bao nhiêu. Có đáng gì đâu mà phải bày đặt phán xét chúng tôi. Chúng tôi cũng chẳng rỗi hơi mà tự phán xét mình. Cùng lắm chúng tôi chỉ mua vài cái nhà, cho con cái du học, chứ tài sản của những người tham nhũng cỡ bự con cháu họ phải tiêu mấy chục đời không hết. Có phán xét cũng chẳng ích gì. Vui lên đi! Bạn cứ như thế thì làm sao mà vui được!

Cuối cùng anh trả tiền rượu cho ông ấy, hậu tạ ông về bài học miễn phí, về phương thuốc chữa bệnh miễn phí mà ông đã hào phóng cho anh.

Chỉ có một điều anh hơi băn khoăn là tại sao mới gặp lần đầu mà ông ấy lại bắt đúng bệnh anh như thế. Anh tự hỏi không biết ông có là bạn bè gì của ông bác sĩ không.

Em biết sao không? Anh thấy rõ là ông ấy thương hại anh, như một người khỏe mạnh thương hại một người mắc bệnh. Anh cũng biết anh là chủ đề cho những cuộc đàm tiếu khắp trong giới của anh. Chỉ có điều họ thương hại anh nên không để lọt đến tai anh mà thôi.

Anh vẫn đang tiếp tục trị liệu. Hình như có một vài chuyển biến. Khi anh đọc tin trên báo tường thuật về chuyện một người đàn ông bị kết án tù về tội trốn thuế, anh có cảm giác là gần như anh chấp nhận một cách bình thường những dòng tin đó, nghĩa là anh để cho mình tin rằng người kia đáng phải vào tù vì trốn thuế. Rồi anh khựng lại, với một thao tác quen thuộc, anh tự hỏi mình: trước khi trị liệu mình sẽ đọc mẩu tin này như thế nào? Và anh ráng nhớ lại phản ứng trước đây của anh. Có lẽ anh sẽ băn khoăn và tiếp tục tìm thông tin ở những địa chỉ cấm để xác nhận xem vụ này xử như vậy có đúng người đúng tội không. Và anh tìm kiếm trên mạng, lúc đó anh mới biết rằng có cả một làn sóng phẫn nộ vì vụ việc này. Bao nhiêu người đã thắp nến cầu nguyện cho công lý được thực thi, nhưng công lý vẫn chẳng thấy đâu. Rồi anh chợt nhận thấy có cái gì đã biến đổi trong anh. Đó là việc làn sóng phẫn nộ ấy dường như không tác động tới anh, anh tự nhủ: dù sao mình cũng chẳng làm được gì, mình chẳng thể nào làm được gì, chẳng ai làm được gì, dù sao người kia vẫn bị kết tội. Rồi anh đặt cái câu hỏi này, cái câu hỏi mà trước kia anh chưa hề đặt ra: “việc đó có liên quan gì đến mình đâu?” Câu hỏi này làm anh nhói buốt tận tâm can. Anh không hiểu sao lại thế. Em đứng ngoài, có thể em nhìn thấy anh rõ hơn là anh, hãy nói cho anh xem, vì sao? Anh không hiểu vì sao câu hỏi đó lại làm đầu dây thần kinh anh tê liệt.

Anh gọi điện cho bác sĩ. Ông ấy trấn an anh. Ông nói rằng, khi anh uống kháng sinh nếu vào giai đoạn đầu bệnh nặng lên thì có nghĩa là kháng sinh có tác dụng. Trị liệu này cũng thế, nếu anh thấy khủng hoảng hơn, chứng tỏ là nó hữu ích. Anh cứ từ từ mà tuân theo phác đồ, thực hiện đúng các kỹ thuật. Ông còn bảo anh phải tăng cường gặp gỡ mọi người, trò chuyện trao đổi. Anh cần cảm nhận sự quý mến của người khác. Ông nói: “được yêu quý là điều hết sức quan trọng”. Và ông giải thích cho anh khoảng mười lăm phút trong điện thoại về tác dụng của tình cảm yêu mến. Anh làm gì thì làm, nếu không có được mọi người quý mến thì cũng coi như vứt đi. Sự yêu mến của sếp là số một, rồi đến lòng yêu mến của đồng nghiệp. Anh cần gia nhập vào các cuộc vui của họ, tìm thấy tiếng nói chung của họ, gác lại sự phán xét của anh sang một bên. Để có thể yêu mến, cần gác lại sự phán xét. Để được yêu mến, cũng cần phải vứt bỏ sự phán xét.

Anh phải tiếp tục công việc, có lẽ anh sẽ tìm thấy sự thăng bằng trong công việc, trong quan hệ với tha nhân. Tha nhân, từ này nghe thật là hay. Có lẽ anh tạm dừng ở đây, anh không muốn viết cho em khi mà sự tỉnh táo dường như đang biến mất.

Gửi em giấc mơ của anh.

Ngày thứ bảy của đợt trị liệu đầu tiên

 

 

---------------

Đã đăng:

... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021