thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sisyphean Logic

 

“It is always easy to be logical. It is almost impossible to be logical to the bitter end”. [*]
"An Absurd Reasoning" – Albert Camus

 

Logic của Sisyphus

Sisyphus hiện hữu trong vũ trụ một cửa, nơi mỗi lần mở ra lại dẫn đến chính nó. Tính qui hồi và bất biến của vũ trụ này loại bỏ một cách khắc nghiệt ý tưởng siêu hình về sự tuyệt đối vô hạn. Nói cách khác, bằng hành động chịu án của mình, Sisyphus đã giết chết thượng đế. Và dĩ nhiên, khi thượng đế không tồn tại thì chuyện gì cũng được phép. Điều đó ngụ ý rằng ông hoàn toàn có thể đập vỡ tảng đá và bỏ đi (bỏ đi thật xa, ý tưởng này mới quyến rũ làm sao).

Là một người tinh khôn, Sisyphus biết thừa nếu ông lẻn trốn như lần trước, ngay lập tức những giá trị thuộc về vũ trụ do ông tạo dựng sẽ tự động biến mất, các vị thần lại hiện ra nắm cổ lôi ông về chỗ tảng đá đang chờ sẵn. Điều kiện tiên quyết để có được tự do là phải tiếp tục công việc cùng cực và khốn nạn này. Nghịch lý cuộc sống bắt đầu từ đây. Niềm đam mê tự do thôi thúc mạnh mẽ ham muốn nổi loạn chống lại thế giới. Cuối kết của hành động nổi loạn bao giờ cũng là lời xưng tụng. Một chuyến đi xa đến một nơi không hiện diện cái thường nhật, hành động chối bỏ và khinh thị mọi hệ luỵ, sự phóng khoáng tính dục hay chủ nghĩa khoái lạc (tự do đẹp tựa nàng Aphrodite, tròn lẳn và mát rượi như bọt biển), tất cả được vẽ vời và thi hoá bằng cách này hay cách khác. Làm người đồng nghĩa với yêu tự do tha thiết. Nhân loại ngợi ca nhân loại. Hệ thống khái niệm luôn luôn được thiết lập trong mọi thời đại để phân phối những lời phán xét: Chó phải trung thành, người phải nổi loạn. Thử tưởng tượng một ngày kia tất cả chó trong thành phố đòi hỏi con người không được xâm phạm vào đời sống tình dục của chúng, chúng ta sẽ nghĩ gì? Sẽ vỗ tay hoan nghênh hay nhốt rịt chúng trong nhà?

Trong những ngày đầu tiên phát hiện tự do chỉ là một khái niệm rỗng tuếch, Sisyphus vô cùng đau khổ và ông tưởng như mình sắp chết đến nơi. Đó là thời gian ông bắt đầu suy tư về logic cái chết. Có hay không một logic mạnh hơn logic hiện tại đưa ông ra khỏi cuộc sống này? Camus cũng từng đặt câu hỏi tương tự. Một logic hợp lý hoá việc giải thoát tuyệt đối linh hồn ra khỏi thể xác nặng nề suy yếu mỗi ngày. Nói tóm, một logic chống lại hiện hữu, phản lại logic “Phải tiếp tục!”. Một logic thể hiện ý chí say mê tự do tột cùng.

Phải tiếp tục – mệnh lệnh đó vang lên yếu ớt trong suy nghĩ của Sisyphus (bị át đi bởi tiếng la ó của các nhà hiện sinh) và tôi đã may mắn nghe thấy. Camus gọi Sisyphus là người hùng phi lý, kẻ hiểu rõ công việc vô vọng và sự tiếp diễn tất yếu, kẻ đứng trên tất cả những mệnh lệnh. Phát hiện của Camus thực ra chỉ đúng ở bề nổi ý thức, bởi khi mệnh lệnh vang lên (lần này không phải từ đỉnh Olympus), Sisyphus đã dấn sâu hơn trên hành trình logic của mình. Phải tiếp tục – nhưng đến bao giờ?

 

Giấc mơ của Sisyphus

Trong một giấc mơ tái diễn, Sisyphus bắt gặp chính ông đang mong đợi sự xuất hiện tình cờ của một vị thần. Ông sẽ gọi vị thần lại và trình bày logic của mình, rồi trước sự bối rối của ông ta (các vị thần cũng phải chào thua trước logic), Sisyphus đập vỡ tảng đá và bỏ đi.

Giấc mơ của Sisyphus chẳng hề mang ấn tượng đức tin hay tình yêu tự do, hoặc ít ra với chính ông nó không mang những màu sắc đó. Hơn ai hết, Sisyphus hiểu một cách sáng suốt tính chất loại suy của vấn đề. Khi hòn đá còn lăn, thượng đế không tồn tại. Ông không chờ, không hi vọng gì việc gặp gỡ một ai cả.

Epicurus có một ý tưởng lạ lùng về thượng đế. Theo ông, những vị thần chẳng là gì ngoài những tập hợp nguyên tử, và do đó, họ mặc xác trò nhốn nháo nhân sinh để giữ vững sự trầm tĩnh thần thánh cho mình. Ý tưởng này kết tủa trong tôi một kết luận đáng thương cho Sisyphus: sự trừng phạt của các vị thần (hãy tạm xem thế) đối với ông khiếp đảm hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Nếu lấy cái tôi ý thức làm trung tâm của mọi tồn sinh, thoạt đầu, nó hoàn toàn tự do khi nó là duy nhất. Dần dần, sự xuất hiện của những hữu thể khác tạo nên những đối lực vô hình. Chúng giăng ra một lưới bẫy chằng chịt; cái tôi bị mắc kẹt và tự do của nó bị tước đoạt. Dân số thế giới càng lớn, tự do cá nhân càng bé đi. Để dành lại tự do chỉ có cách chặt đứt từng sợi dây liên hệ với những khách thể khác. Ít ra nó cũng có thể tìm thấy ở đó chút không khí để thở. Một đoạn thẳng bị cắt đôi không còn là đoạn thẳng như trước.

Tảng đá là sợi dây nối giữa một đầu là Sisyphus, đầu còn lại các vị thần. Bằng logic hiện hữu của mình, Sisyphus đã chứng minh các vị thần không tồn tại. Logic của ông và triết học của Epicurus khớp với nhau như hai bánh răng. Đúng vậy, khi các vị thần không tồn tại, sự trừng phạt mà họ dành cho Sisyphus cũng mất theo, thay vào đó, kinh khủng hơn, sự trừng phạt của Sisyphus dành cho chính ông. Tôi xin sửa lại: tảng đá là sợi dây nối giữa một đầu là Sisyphus, đầu kia là hư vô. Đoạn thẳng biến thành tia. Một tia bị cắt nhỏ bao nhiêu lần vẫn trở về chính nó.

Giấc mơ, lúc là đối tượng phê phán, lúc bị tảng lờ bởi triết học, vì bản chất của nó vô nghĩa và phù phiếm. Giấc mơ của Sisyphus không ngoại lệ. Nó chẳng hề mang lại cho ông kinh nghiệm hay trí tuệ, nó là một đường hầm không lối ra (trên hành trình logic), nó là tia liên hệ vô hình tiếp tục bị chia nhỏ nhưng không mất đi thuộc tính; nó không phải là sản phẩm của ý thức (ông không chọn nó), nó là sản phẩm và là điểm kết (sau tất cả những đường vòng đan chéo lên nhau) của logic, một sản phẩm thứ cấp đột biến sau khi cơn thèm khát tự do bị đình bản. Nhưng ông cũng phải thừa nhận đã rất bị mê hoặc, dù luôn cố dập tắt nó mỗi lần bước đến bên tảng đá, tảng đá trong giấc mơ từng bị ông đập vụn nhiều lần.

Điểm kết bị che lấp bởi ánh hào quang phi lý. Chỉ khi còn lại trong bóng tối, một mình, nó tìm đến, đầy vẻ hung hiểm.

 

Tảng đá của Sisyphus

Tảng đá của Sisyphus là kết cuộc mệnh lệnh của thượng đế, giấc mơ là kết cuộc của mệnh lệnh “Phải tiếp tục!”. Tảng đá hiện thân cho tất cả trọng lượng cuộc sống phi lý, giấc mơ giam giữ toàn bộ sức nặng logic. Nếu đặt hai vật này lên cân, cán cân sẽ nghiêng về bên nào?

Trong giây phút ngắm nhìn Sisyphus lăn tảng đá lên đỉnh đồi, tôi chợt nhận ra đối với ông giờ đây, nó đã nhẹ đi rất nhiều. Không phải ý thức sắc sảo của Sisyphus đã góp phần nâng tảng đá lên (phủ nhận thượng đế và nâng đá lên, như Camus viết), mà ông đã quen dần với nó. Chẳng một ai trong chúng ta có được đôi bàn tay như của Sisyphus, đôi bàn tay đã mơn trớn tảng đá, vuốt ve nó, hiểu nó đến từng chân tơ kẽ tóc. Tảng đá không còn thuộc về thượng đế. Nó là của ông, và tôi cảm tưởng rằng, ông không đẩy mà đang cố giữ cho thật chặt để nó khỏi vuột lên trời như một quả bóng bay.

Sisyphus thực hiện công việc không vì tính phi lý của cuộc sống mà vì logic thuần tuý hiện hữu. Cả Sisyphus, giấc mơ, tảng đá, lẫn thế giới do chính ông tạo dựng đều là hệ quả của nó (logic có trước cả Sisyphus, hẳn nhiên rồi, vì tôi đã nắm bắt nó không thông qua nhận thức của Sisyphus, nói theo kiểu Plato, tôi đã hồi tưởng nó trong ký ức linh hồn mình). Thấp thoáng trong trí óc tôi hình ảnh Spinoza với vũ trụ siêu hình của ông, nơi thượng đế hoàn toàn không có tự do tạo tác. Trong vũ trụ kiểu Spinoza, mọi thứ đan cài vào nhau như những bánh răng (triết học Epicurus và logic Sisyphus). Cũng như thời gian được thấu thị qua sự vận hành của những bánh răng đồng hồ, vũ trụ vận động trên một hành trình logic. Con người già đi, tiến gần tới cái chết và hãi sợ thời gian, hãi sợ sự trống không và phi lý của cuộc sống. Chúng ta hãi sợ tất cả trừ những bánh răng.

Tảng đá không nặng (nó rỗng tuếch) và cuộc sống không tự nó phi lý; ngược lại, cuộc sống siêu logic, cực kì chặt chẽ và khép kín như một mê lộ. Chỉ có giấc mơ (vô nghĩa, phù phiếm) lồng lộn như Minotaur muốn vượt ra ngoài logic đó. Đối đầu với sự phi lý quá dễ, chỉ cần chấp nhận nó. Đối đầu với logic – cái nền tảng của phi lý – mới thật tuyệt vọng, chúng ta đã chấp nhận nó rồi.

Trước mắt tôi bây giờ là hình ảnh Sisyphus trên sườn đồi, một cánh tay quàng lên tảng đá, ôm lấy nó; cánh tay còn lại giơ ra phía sau, lòng bàn tay hơi khum, chừng như đang xua đuổi hay bám với điều gì.

 

 

----------
[*] Câu tiếng Anh này dịch từ nguyên văn tiếng Pháp: "Il est toujours aisé d'être logique. Il est presque impossible d'être logique jusqu'au bout", của Albert Camus, trong cuốn Le Mythe de Sisyphe: Essai sur l'absurde (Paris: Gallimard, 1942 [Coll. Idées n° 1]). Trong ấn bản 1968, câu này ở trang 22. (Chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021