thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Uyên Thao: Những suy nghĩ về ngày 30/4

 

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
 
Tiền Vệ

 

_______

 

UYÊN THAO: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

 

Thanh Bình ơi,

Bị quay cuồng do đủ thứ việc nên không thể cân nhắc để trả lời từng câu hỏi của Thanh Bình. Tuy nhiên, cảm nghĩ về ngày 30 tháng 4 có thể bảo đã hình thành với tôi kể như từ trước ngày đó, khoảng giữa tháng 4, khi Hà Thế Ruyệt nghe tôi nói “sẽ ở lại” đã doạ móc súng ra buộc tôi phải đi. Tôi còn nhớ đã nói với Ruyệt là “một cây súng của ông thì ăn nhằm gì khi tôi đã bất chấp hàng trăm ngàn cây súng của Cộng Sản đang dồn tới.” Thời điểm đó, tôi đã nói với bạn bè là tôi thấy cuộc chiến không hề chấm dứt mà chỉ chuyển sang một đoạn đường mới kể từ ngày nào Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Trong nhận thức của tôi, cuộc chiến đang diễn ra dù gọi tên là gì, dù được giải thích ra sao thì thực chất chỉ là cuộc chiến do yêu cầu bảo tồn sự sống của người Việt trước nguy cơ huỷ hoại sự sống của một tập đoàn mê muội cuồng dại mà thôi. Bởi chủ thuyết Cộng Sản ngược hẳn với quy luật diễn hoá sự sống và người dân cả nước thì không mong gì ngoài nguyện vọng được sống đúng với ý nghĩa sự sống. Thực tế có lúc đẩy chúng ta vào những đoạn đường nghẹt thở nhưng đã là người thì dù lâm cảnh ngộ nào vẫn phải quyết liệt đối đầu với các tai hoạ đe doạ chính cuộc sống của mình. Vì thế, cuộc chiến sẽ tiếp diễn và tiếp diễn cho tới ngày các nguyện vọng chính đáng của người dân thực sự được tôn trọng và hiện hình trong thực tế — ngoại trừ toàn thể dân tộc Việt Nam đồng loạt cúi đầu bỏ cuộc. Điều này không bao giờ xảy ra nổi, vì đi ngược với quy luật diễn hoá sự sống.

Ý nghĩ đó về ngày 30/4 vẫn luôn hiện đến với tôi suốt thời gian trong tù và đã có lúc tôi tưởng như đang nghe vẳng lên những lời nhắc vọng từ một cõi nào đó. Cho tới nay, tôi thấy tôi cũng chẳng thể có gì thay đổi nên mới gửi Thanh Bình vài bài thơ, thay vì trả lời từng câu hỏi. Vả lại, chủ ý của Thanh Bình hẳn không xa việc ghi cảm nghĩ của một số người về ngày 30/4 nên tôi nghĩ có thể gửi tới Thanh Bình vài bài thơ gắn kết với ngày 30/4 viết thuở trong tù với tâm trạng sau:

Đi giữa quê hương mà từng giây trăn trở
Đi giữa quê hương mà không thấy quê hương
Đi giữa quê hương không Hà Nội - Sài Gòn
Đi giữa quê hương hoá thân tù biệt xứ
 
Đi giữa quê hương mà thương nhớ quê hương!
                                                           (K3. 1981)
 

Cũng xin nhắc là tôi chỉ làm thơ thuở bắt đầu cầm viết và khi ở trong tù, nhưng luôn coi như một thứ nhật ký ghi lại cảm nghĩ của riêng mình cho riêng mình mà thôi nên ngoài số bạn bè thân hầu như không đưa cho ai cả:

Bé thơ ơi, sao lặng thinh chẳng nói
Mắt em buồn như những buổi chiều đông
Hố rác kia sao em đủ no lòng
Đêm nay lạnh, em sẽ về đâu nhỉ?
 
Em mấy tuổi mất vòng tay mẹ
Gót chân non từng trôi giạt nơi đâu?
Đã bao lần co quắp giữa đêm thâu
Em ao ước một lời ru vỗ?
Đã bao lần trời khuya nổi gió
Em thì thầm lên tiếng gọi “Mẹ ơi!”?
 
Dòng sông nào không xuôi về biển
Con tim nào không dào dạt yêu thương
Sao em đành côi cút lang thang
Sớm hố rác, tối gầm cầu vơ vất?
 
Ta nhìn em nghe lòng mình quặn thắt
Thân tội tù đã gãy cánh chim bay
Đứng giữa đời thành sỏi đá dại ngây
Tim vẫn đập mà tay cùm chân xích.
 
Tháng Tư nào nắng trưa hè vụt tắt?
Tháng Tư nào dài dặc một đêm đen?
Tháng Tư nào nghe máu ứa trong tim?
Tháng Tư nào thành niềm đau muôn thuở?
Tháng Tư nào tuổi thơ em vụn vỡ?
Tháng Tư nào tình ruột thịt lìa tan?
Tháng Tư nào đất nước đổi thay tên?
Bởi vì đâu, làm sao em hiểu nổi!
Bởi vì đâu đời biến thành ngục tối
Ta thành tù vì đau xót quê hương
Bởi vì đâu người khắc khoải khóc than
Những giấc mộng lành thành lá khô tơi tả
Bởi vì đâu chim từng bầy mất tổ
Những cánh mềm run rẩy kiếp bay hoang
Bởi vì đâu em ngơ ngác bên đường
Bởi vì đâu biển xanh đầy nước mắt
Bởi vì đâu tấc gang mà ngăn cách
Đối mặt nhau không được nói nên lời
Ta thân tù, em bới rác cầm hơi
Bởi vì đâu, bao giờ em mới rõ?
 
Bé thơ ơi, sao em còn đứng đó
Còn nhìn ta bằng ánh mắt buồn đau?
Nỗi lòng ta, em hiểu được gì đâu
Đời tàn ác mà em con chim nhỏ!
Mai mốt này chắc mình không gặp nữa
Đường tội tù đâu hẹn gót chân hoang
Em sẽ đi như một mảnh lá vàng
Bay theo gió về nẻo đời vô định
Ta còn đây đứng giữa vòng gông xích
Trái tim buồn in mãi dấu đời em
Rồi từng đêm ray rứt từng đêm
Em sẽ về đâu?
              Hỡi con chim nhỏ!
Em sẽ về đâu?
              Đường dài mưa gió!
Em sẽ về đâu?
Con chim non đau khổ của ta ơi!
                                     K3-1981
 
UYÊN THAO

 

 

-------------

Đã đăng:

30.04.2012
Bắc Phong: Tôi vẫn muốn gọi ngày 30 tháng 4 là ngày Quốc Hận vì tôi là công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà bị mất vào tay Cộng Sản ngày đó năm 1975. Tôi buồn nhiều vì, giống số phận đau thương của nhân dân miền Bắc, nhân dân miền Nam cũng phải sống khổ dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản từ đó đến nay và chưa biết còn đến bao giờ nữa... (...)
 
Uyên Thao: ... Thời điểm đó, tôi đã nói với bạn bè là tôi thấy cuộc chiến không hề chấm dứt mà chỉ chuyển sang một đoạn đường mới kể từ ngày nào Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Trong nhận thức của tôi, cuộc chiến đang diễn ra dù gọi tên là gì, dù được giải thích ra sao thì thực chất chỉ là cuộc chiến do yêu cầu bảo tồn sự sống của người Việt trước nguy cơ huỷ hoại sự sống của một tập đoàn mê muội cuồng dại mà thôi... (...)
 
29.04.2012
Liêu Thái: ... Cứ mỗi dịp tháng Tư về, vườn nhà tôi thi thoảng nghe chó sủa đêm rồi lại tru, mẹ tôi bảo đó là chó sủa ma. Và mẹ tôi cũng nói rằng còn quá nhiều oan hồn uẩn tử, âm khí quá nặng, nên tháng Tư về, song hành với tiếng reo hò chiến thắng là tiếng chó tru đêm đầy rẫy trên quê hương. Và, đâu đó trong góc khuất cuộc đời, những oan hồn đang thở dài nhìn hiện tình đất nước, nhìn những người bạn năm nào giờ đang lưu lạc… Cứ như thế, đất nước vật vờ trong nhịp buồn tháng Tư – tháng Oan Hồn... (...)
 
28.04.2012
Nguyễn Viện: ... Tôi vừa đọc lại cuốn Chuông gọi hồn ai của Hemingway, cũng là cuốn sách viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và tôi nhớ có đoạn Hemingway để cho nhân vật của mình nói, đại ý: Cần phải có một cuộc giải tội tập thể cho cả dân tộc, bất kể anh ở phe nào. Vâng, tôi ước ao có một ngày mọi người dân Việt dù đang sống ở bất cứ đâu, cùng dành ra một giờ để xưng tội với nhau và xin tha thứ cho nhau. Cho cả những người đã chết, đang sống và sẽ sinh ra làm người Việt... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021