thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương X]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]

 

mười.

MỘT THỨ TỪ VỰNG TINH TẾ VÀ KIÊU SA

 

Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế. Cái gì cũng có vẻ cuốn hút. Từ việc bà lão lấy tay che ngang mày để ngăn bớt ánh sáng trong lúc nhìn tôi với nàng, và hỏi có phải là lần đầu chúng tôi đến làng này hay không, cái cách chào hỏi lập tức gợi lên thứ ấn tượng khác thường về một vùng đất. Cho đến cái cách lũ trẻ nít lột hết áo quần, giậm chân một cái, rồi cùng vỗ tay hát về vị thần đã làm ra đất đai và con người của làng mình, lời hát quyến rũ, cách hát cũng quyến rũ... Thuở mới được thần sinh ra thì con người không biết xấu hổ...

Tôi và nàng đang đi đò dọc trên sông thì nghe tiếng chiêng tiếng trống. Chưa bao giờ chúng tôi nghe kiểu khua chiêng trống như thế. Người ta đang cúng thần làng của làng, cũng là tổ thần của các vị thần đấy. Ông già lái đò là kẻ am tường các nền văn hoá ở hai bên bờ con sông ấy đã nói với chúng tôi. Bấy giờ là giữa buổi mai. Có nghĩa có đủ thời gian đến được đầu nguồn của sông. Nhưng chính là thứ tiếng chiêng tiếng trống đó đã kéo chúng tôi lên bờ, rồi bị cầm chân ở đó. Nó, tiếng chiêng tiếng trống đó như cách thức nhắc nhở con người, chỉ là khua lên, cốt để làm dấy lên thứ nhận thức về quá khứ, và liền sau đó là lặng đi, cho giống với buổi hồng hoang. Khi tôi với nàng đến đình làng thì chiêng trống đã im. Già trẻ gái trai trong làng đã tề tựu đông đủ. Đối với người làng, việc tôi với nàng xuất hiện ở đình làng vào lúc đó tựa như hai con người của thế giới man di xuất hiện giữa ánh sáng văn minh, bởi lẽ là chúng tôi chẳng hiểu biết chút gì về nền văn hoá đương diễn ra ở đó. Hai anh chị hãy đứng vào đây, đứng như thế này này... Người ta nói, như những hướng dẫn viên du lịch trước đám khách nước ngoài, gần như thì thào, chỉ đủ để tôi với nàng nghe, ưu ái và chân tình, bởi lẽ người ta biết rất rõ là lần đầu chúng tôi đến đó. Quả tình là lần đầu chúng tôi được nghe một văn tế thần vừa tân kỳ vừa cổ kính. Sau đó thì mới biết vị trưởng tế là một viên chức ngoại giao của chính phủ đã nghỉ hưu. Còn lúc đó tôi với nàng vừa chăm chú nghe nội dung của bản văn, vừa thử đoán vị trưởng tế là ai, con người nhìn kỹ thấy chẳng giống chút nào với đám dân làng lam lũ đang vây quanh chúng tôi. Thần là làm ra con người cho nên thần luôn có trong mỗi ý nghĩ của con người, luôn cùng với con người đứng về phía bờ bên này. Chúng tôi nghe câu ấy tới hai lần, lúc mở đầu và lúc giữa bài văn tế. Phía bờ bên này là phía nào? Nàng thì thầm vào tai tôi. Nhưng ông cụ đứng bên cạnh đã thúc nhẹ vào người tôi, ra hiệu hãy im. Trước mắt chúng tôi lúc đó là một quang cảnh thuộc thời hiện tại: Một bàn thờ thần chẳng có chi ngoài lư nhang đương cháy và những ngọn đèn đương sáng, một áng văn chương dài lê thê viết về sự tích vị thần của làng cũng là ông tổ của loài người, một vị trưởng tế để lộ hết niềm hân hoan trong lúc xướng đọc tế văn, một bầy người lam lũ của một vùng quê nghèo khó dường như đang tự hào với toàn thế giới rằng kẻ sinh ra loài người vốn là dân làng của mình. Hồi ấy, ông ấy từ làng này ra đi. Ông cụ nhắc nhở chúng tôi chớ chuyện trò lúc đang hành lễ nói với chúng tôi lúc lễ xong. Nhưng chuyện này thì không thấy nói trong văn bản tế thần? Nàng nói. Sự tích về thần có kể suốt năm cũng chẳng hết. Ông cụ nói. Tôi hỏi: nếu như có một nơi nào đó trên đời này cũng bảo vị thần làng của mình là ông tổ của loài người, thì làm sao? Là tổ của loài người thì chỉ có một người. Ông cụ đáp, vẻ dứt khoát, y như rằng quan niệm về vị thần làng của người làng ông là không còn phải bàn cãi gì nữa. Có một ngôi làng trên mặt đất này, nghèo, bởi con sông chảy qua đây không đủ sức làm tốt đất đai của làng, người ở đây phải đi làm đủ mọi thứ công việc ở các nơi khác mới kiếm đủ cơm ăn áo mặc, chuyện áo cơm là chưa tới đâu hết, nhưng người của làng thì luôn tự hào mình là dân của làng này, và bất kỳ người nào trong làng cũng có thể kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về vị thần làng của mình. Lúc đầu chúng tôi thấy cũng có vẻ kỳ cục. Có thể có ai đó trong quá khứ nghĩ ra những câu chuyện đó, rồi quá khứ có những câu chuyện đó trở thành thứ từ vựng đầy sức sống, thế thì chẳng phải là ước mơ, là không tưởng, đã hoá thành hiện thực hay sao? Làng ấy nghèo cả củi đun bếp. Dĩ nhiên là không thể có kênh dẫn văn minh chất đốt vào làng. Để làm chín những nồi cháo rau cho đám vật nuôi trong nhà (heo, gà), người ta đã tận dụng rơm rác ở trong vườn. Nồi đun cháo là chiếc vò bằng gốm, được đậy kín nắp, rồi đặt vào một cái ang to, cũng bằng gốm. Sau khi cho rơm rác vào đầy ang, tức đã phủ kín nồi đun, thì bắt đầu đốt lửa. Người của làng này nghĩ ra đó. Khi chúng tôi hỏi ai đã sáng chế ra cách nấu này, thì người nào cũng bảo thế. Người của làng này thuộc thứ từ vựng tinh tế và kiêu sa.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021