thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XIII]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]
[IX] - [X][XI] - [XII]

 

mười ba.

GIA PHẢ BẰNG ĐẤT

 

Cái gò hoang rộng thênh thang nằm giữa đồng làng vẫn cứ là gò hoang trong bao niên kỷ. Người ta không thể nào xoá bỏ nó (hoặc là làm đất gieo trồng, hoặc là làm đất xây nhà) bởi xoá bỏ nó là xoá bỏ tổ tiên. Dân làng không đông, nhưng có đến mấy chục cánh họ, mỗi cánh họ thì sở hữu một sự tích về tổ tiên mình, tức sự tích về những kẻ đã yên nghỉ ở cái gò hoang ấy, có kẻ yên nghỉ vài ba trăm năm trước, có kẻ yên nghỉ cả nghìn năm trước. Có nghĩa hiện tại gò là gò hoang, tức chẳng còn trông thấy mồ mả chi nữa.

Ông già hậu duệ của một cánh họ nói với chúng tôi rằng ông tổ mấy chục đời dòng họ nhà ông muốn qua sông thì cứ ngửa nón ra ở trên mặt nước mà làm sõng, muốn bắt lũ cô hồn thì chỉ cần phồng má lên, hét một tiếng, là lũ chúng phải chường mặt ra. Tức là thầy phù thủy? Tôi hỏi. Không phải, là pháp sư. Ông không chịu gọi là phù thủy. Đánh nhau mãi với lũ ma quỉ, sức mòn dần, rồi chết. Ông nói. Gia phả có ghi rõ là chết chôn ở cái gò hoang? Ông già có vẻ ngơ ngác khi nghe nàng hỏi đến chuyện gia phả. Về sau chúng tôi mới biết ở làng ấy chẳng có nhà nào có gia phả. Tất cả những chuyện về tổ tiên đều là truyền miệng.

Có một cánh họ là hậu duệ của một vị anh hùng hảo hán. Ông Hai Mươi. Ông chết được chôn ở cái gò hoang ấy, nên cái gò ấy còn gọi là gò Ông Hai Mươi. Đã làm những gì để được gọi là anh hùng hảo hán? Tiêu diệt toàn bộ đám cọp trên dải núi phía nam làng. Lần này là một bà lão mù, con cháu mấy chục đời vị anh hùng hảo hán, kể cho chúng tôi nghe sự tích này. Thuở ấy cọp ở núi ấy nhiều lắm, hầu như đêm nào cũng xuống làng bắt người. Ở trong làng có một người giỏi võ nghệ, được tổ tiên truyền cho thế võ cỡi lưng cọp, đã lãnh việc vào núi diệt cọp. Một ngày ít nhất là ông leo lên lưng cọp một lần. Mà đã leo lên lưng cọp rồi, thì coi như con cọp ấy phải chết. Cuối cùng ông đã giết hết cọp trên núi. Theo lời bà lão thì bà đã bị mù trong bụng mẹ, tức chỉ tiếp nhận thế giới bằng tai. Nên chúng tôi biết chắc là bà lão đã kể đúng những gì cha ông bà truyền lại. Cuối cùng, vị anh hùng hảo hán đã bỏ thây trên núi. Ông có tên là ông Hai Mươi vì cuối cùng người ta chỉ tìm được hai mươi mảnh xương của ông đem về chôn ở cái gò hoang ấy.

Nằm yên nghỉ nơi gò hoang ấy còn có một vị vua ngu. Một hậu duệ của vị vua ấy có vẻ ái ngại khi biết chúng tôi tò mò muốn biết sao lại gọi vua ngu. Nói chuyện cây cỏ thì tôi rành hơn là chuyện đời xưa. Ông thầy hốt thuốc nam, hậu duệ của vị vua ngu, có ý từ chối khéo. Nhưng khi bà vợ ông chỉ xen vào một câu rằng mong các nhà báo lên tiếng giúp về chuyện người ta sắp phá bỏ cái gò hoang, thì ông lập tức trút bỏ thái độ e dè, bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những khác thường của tổ tiên mình. Lời truyền tổ phụ nhà ấy làm nghề thuốc nam thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa, bởi mào đầu một bài thuốc gia truyền là câu tổ phụ ta đang làm công việc lấy cỏ cây của trời đất để chữa bệnh cho người thì bỗng có lệnh đi chữa bệnh cho con vua. Lời truyền tổ phụ nhà ấy từng làm vua cũng không phải nghi ngờ gì nữa, bởi bên dưới một bài thuốc gia truyền có chú rằng đây là bài thuốc tổ phụ nhà ta đã chữa cho con gái vua khỏi bệnh, và đã được truyền ngôi vua. Ông thầy thuốc nam, hậu duệ vị vua ngu, chỉ nói cho chúng tôi biết có một vị vua như thế đã yên nghỉ nơi gò hoang ấy, còn tại sao gọi vua ngu là do người làng giải thích. Làm vua được mấy hôm thì chợt nhớ là chưa truyền cho con cháu những bài thuốc bí truyền, bèn bỏ ngai vàng, trở về quê, tiếp tục việc làm thuốc, nên người đời kẻ cho là khác thường, kẻ bảo là ngu, một ông vua ngu.

Kỳ quặt nhất là chuyện rước Phật. Vì thấy người làng cơ cực quá, ông tổ bốn mươi chín đời nhà ấy đã bứt ra đi tìm Phật. Mấy năm sau có vị khách lạ đến làng xưng là Phật sống, muốn giúp cho dân làng thoát khổ nghèo theo yêu cầu của một người vốn là dân làng ấy. Thấy vị khách mặc áo nâu sồng, chân không dép guốc, lại tả hình dạng người mình gặp là hình dạng của ông tổ bốn chín đời nhà ấy, nên dân làng tin là Phật sống thật, dù vị Phật ấy lại có râu. Cái gò hoang giữa đồng làng là nơi vị Phật sống giảng cho dân làng hiểu đời là biển khổ. Mưa nắng vẫn cứ tiếp tục nối nhau. Và dân làng vẫn vừa cày ruộng vừa nghe Phật thuyết giảng. Cho đến lúc mọi người đều thấu hiểu lẽ vi diệu của Phật pháp, thì cuộc sống vẫn cứ còn cơ cực. Hết thảy nỗi khổ của thế gian này hãy để cho mỗi mình ta gánh chịu. Một hôm vị Phật sống đã tuyên bố như thế. Và cùng làm lụng với mọi người. Rồi cũng đến ngày Phật phải ra đi. Trong lúc dân làng đang chờ đợi một điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy ra trong giờ phút viên tịch của Phật, thì cũng là lúc người ta phát hiện ra rằng vị Phật sống và kẻ đi tìm Phật là một. Là do khi khâm liệm Phật, bộ râu kia đã rời khỏi khuôn mặt người chết, nên người ta mới biết đó là ông tổ bốn mươi chín đời của nhà đó.

Cái gò hoang đó không phải là cái gò bình thường, mà là gò Phật, gò Vua... nơi yên nghỉ của những con người nếu muốn nói là khác thường hay phi thường cũng được. Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021