thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XXXVI]

 

 

ba mươi sáu.

GIÔNG TỐ

 

“Đã biết nhau đến bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau”

Tôi muốn đem câu thơ cổ ấy để đề tặng cho ngôi làng ấy. Nhưng lại ngần ngại, không biết hàm ý của thơ có hợp với cái biến cố đã xảy ra ở làng ấy hay không? Sở dĩ chúng tôi còn nấn ná, chưa đi, là để xem cho biết cách cử trưởng làng của người làng ấy. Và đương không lại hoá thành nạn nhân của cái biến cố được coi như một thứ sự kiện lịch sử kỳ dị. Có thể nói, sau hơn một trăm năm bình yên thì giông tố đã ụp xuống ngôi làng cứ sắp đến mùa đông thì người làng lại nối đuôi nhau đi vòng quanh ngôi miếu cổ ấy để làm công việc xua đuổi một ngọn gió mà người ta coi như một thứ tai hoạ. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói với chúng tôi lần này chẳng có ai tự ra ứng cử chức trưởng làng, trừ một người là ông thầy hốt thuốc nam đã thôi làm nghề thuốc để đi buôn cao ngựa. Ông ta nộp đơn xin ứng cử chức trưởng làng xong, lại tiếp tục cuộc thương hồ. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Vị ứng viên chức trưởng làng lại là tay buôn cao ngựa đã lập tức thu hút sự hiếu kỳ của nàng. Ta nán lại cho đến khi bọn họ cử xong trưởng làng rồi hãy đi. Nàng nói. Thì cuộc tìm kiếm của chúng tôi có gì cấp bách đâu mà phải vội. Quả tình cái ông buôn cao ngựa, ứng viên chức trưởng làng ấy, cũng là kẻ lạ đời. Người ta cứ nghĩ nghề thuốc gia truyền nhà ấy sắp bị thất truyền., vì ông thầy thuốc nam nổi tiếng, cha đẻ của ông ta, đã chết rồi mà ông ta vẫn tiếp tục việc cày ruộng. Không nối nghiệp làm thuốc của cha ông, nhưng ông ta vẫn vừa cày ruộng, vừa đọc sách thuốc. Rồi đùng một cái, tới tuổi năm mươi, tới cái tuổi tri thiên mệnh, ông ta bỗng nghỉ cày ruộng, bắt đầu làm thuốc. Giữa thời buổi tây y như đang ngự trị nền y học hiện đại, thì ông lại nghĩ ra được, cứ cho là thế, chứ chẳng dám nói là phát minh, việc chữa trị bệnh sưng cổ họng bằng phương thức thuốc nam. Trong tây y thì bệnh ấy thường phải mổ xẻ mới khỏi. Nhưng với ông thì chỉ điểm huyệt theo cái kiểu điểm huyệt trong kiếm hiệp. Và cái thang thuốc nam kèm theo điểm huyệt có phải là thuốc chủ yếu trong trị bệnh hay không, chẳng ai biết. Trị bệnh cốt ở tấm lòng. Lời của ông thầy thuốc ấy là do ông trưởng làng sắp mãn nhiệm thuật lại với tôi và nàng, cho nên là chuyện thật. Ông chữa đâu bệnh khỏi đó. Cả trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, đều kéo tìm ông chữa bệnh sưng họng, cũng là chuyện thật. Mười năm ấy biết bao nhiêu là người sưng họng đã uống thuốc của ông để hết sưng họng. Đến nỗi người ta không còn biết ông là ai. Khi hỏi thăm đến nhà ông bác sĩ họng, tức là khi người ta không còn biết ông là ai. Rồi đùng cái, tới tuổi sáu mươi, cái tuổi gần đất hơn là gần trời, ông bỗng dưng bỏ nghề thuốc, đi buôn cao ngựa. Tìm đến tận những cao nguyên cao nhất trong châu lục để gặp tận mặt những người chuyên nấu cao ngựa bạch. Chốn thương hồ cũng là chốn giang hồ. Mà ông lại là thương nhân độc sáng. Không buôn thứ gì khác mà buôn cao ngựa bạch là độc sáng. Nên chuyện gươm đao cũng dễ xảy ra dưới ánh mặt trời. Thì cũng chỉ là nghe bà vợ ông ta kể lại. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Vào một buổi chiều hôm, người ta nghe có tiếng nhạc ngựa, mỗi lúc một gần. Sau khi trao cho vợ một khoảng tiền không lớ lắm, và dặn “kỳ này ta ra ứng cử chức trưởng làng đấy”, vị thương khách lại lên ngựa, tiếp tục cuộc thương hồ. Máu. Ông đi rồi bà vợ ông mới phát hiện thấy những vệt máu còn tươi rói dính ở tấm khăn tay gói tiền. Thương trường quả là chiến trường. Bà vợ của ông cũng chỉ còn biết buông tiếng thở dài. Thì cũng chỉ là nghe bà vợ ông ta thuật lại. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Nói nộp đơn ứng cử chỉ là cách nói cho có vẻ long trọng. Chứ thực ra là chỉ có bà vợ ông ta đến gặp ông trưởng làng sắp mãn nhiệm để thuật lại lời dặn của ông ta. Hoá ra ông trưởng làng sắp mãn nhiệm lại mang ơn vị khách thương hồ. Ông ấy mà không ra ứng cử thì ông trưởng làng sắp mãn nhiệm giao chức trưởng làng cho ai? Hơn một trăm năm qua, cũng lắm lúc chẳng ai chịu ra ứng cử chức trưởng làng, chứ chẳng phải chỉ mỗi lần ấy. Làm trưởng làng bổng lộc chẳng là bao. Mà ở làng ấy, trưởng làng còn phải có học rộng để ứng khẩu tế văn cho cuộc lễ tống tiễn mùa đông. Cho nên, người làng cũng thấy mừng khi nghe đã có người ra ứng cử. Cũng có tiếng vào tiếng ra, khi nghe ông ấy ra ứng cử, chứ chẳng phải là không. Đã từ lâu người ta cho là ông ta lấy cớ đi buôn cao ngựa để đi làm chính trị. Thì cũng chỉ là xì xào. Chứ đi làm chính trị là làm những gì, người ta đâu giải thích được. Cũng có người cho rằng cái bài thuốc chữa bệnh sưng cuống họng bây giờ là cao ngựa bạch. Hay bôn ba chốn thương hồ lại là cách làm việc nghĩa? Phải nói là có một luồng không khí có vẻ bí ẩn đang bao quanh con người sắp đảm nhiệm chức trưởng làng ấy. Chuyện người ta mà tôi với nàng cũng cảm thấy háo hức. Háo hức là vì giữa thời buổi hiện đại lại sắp được gặp mặt cái con người có thứ khi´ côt giang hô cổ kính. Cũng chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày cử trưởng làng, thì xảy ra biến cố ấy. Sáng hôm ấy, trời còn tinh mơ, chúng tôi đã đến nhà ông trưởng làng sắp mãn nhiệm. Là do trong đêm tôi với nàng chẳng ngủ được. Thức để cãi nhau về việc làng có cử trưởng làng mới được hay không? Được chứ sao không. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo. Một trăm người ứng cử, cũng cử một người, mà một người ứng cử cũng cử một người, chỉ khi nào chẳng ai ra ứng cử thì làng mới đề cử, cử một người tự ra ứng cử thì cũng như đề cử. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm giải thích thêm. Nhưng đến ngày cử trưởng làng mà ông ấy không về thì làm sao? Chúng tôi hỏi. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo bấy lâu người làng cũng có nghi ngờ về chuyện có phải là ông ấy đi làm chính trị hay không, nhưng con người ấy thì xưa nay cả làng đều biết, ông đã nói là làm, chứ không phải nói rồi thôi. Lời ông trưởng làng như liền được kiểm chứng. Trong lúc chúng tôi trò chuyện thì nghe có tiếng nhạc ngựa đang tiến vào làng. Là ông ấy đấy. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo, có vẻ rất phấn khởi. Nhưng nhảy xuống khỏi ngựa chẳng phải là ông thầy thuốc nam đi buôn cao ngựa. Ở trong nhà nhìn ra sân, chúng tôi thấy người kỵ sĩ vừa nhảy xuống ngựa là một chàng trai trẻ. Thưa, có phải đây là nhà ông trưởng làng hay không, thầy tôi gửi cho ông trưởng làng cái này. Chàng trai đặt lên bàn một bọc giấy khá lớn, rồi vái chào, quay trở ra, lên ngựa, ra đi. Sắp có chuyện rồi. Nàng huých vào tôi, khẽ nói. Chúng tôi thấy như ông trưởng làng không còn giữ được vẻ điềm tĩnh thường ngày. Tay ông cứ run lên khi mở bọc giấy. Tiếng nhạc ngựa đã mất hút đâu tận phía cuối làng. Ánh nắng của buổi sáng cuối thu bắt đầu trải rộng trên sân. Ông trưởng làng không kịp đi lấy kính, chỉ nheo mắt đọc những tờ giấy lấy từ trong bọc ra, có vẻ vội vàng. Tôi linh cảm có điều gì đấy rất nghiêm trọng đang diễn ra, khi bắt gặp vẻ sợ hãi thoáng hiện trên gương mặt vị trưởng làng sắp mãn nhiệm. Tờ rơi, các vị xem thử. Ông trưởng làng đưa cho tôi và nàng mỗi người một tờ giấy có cả hình ảnh và chữ. Là ông ấy đấy. Ông trưởng làng bảo, trong lúc tôi và nàng chưa kịp hỏi có phải ảnh ở trong tờ rơi là của ông thầy thuốc hay không. Tôi phải chép ra đây nội dung của tờ rơi, coi như cương lĩnh trị nước của vị ứng viên chức trưởng làng, vì cứ sợ sau này có ai đó viết lịch sử của làng đó lại bỏ sót sự kiện quan trọng này. Và những gì tôi chép ở đây cũng chỉ là cái thần của cương lĩnh ấy, bởi tôi chẳng thể nhớ một cách đầy đủ từng câu từng chữ.

Kẻ này mà được làng tín nhiệm cho làm trưởng làng thì sẽ nguyện đem hết tâm sức ra mà lo việc làng nước, bởi bấy lâu kẻ này nhìn thấy ở trong làng việc dân làm chủ như không còn nghe thấy ai nhắc đến, nếu không nói là dường như mọi người đã lãng quên thứ tinh thần dân chủ, bởi đây là buổi văn minh của loài người đã đạt tới đỉnh cao, cho nên con người sinh ra là phải biết thật rõ cái quyền làm chủ cuộc sống của mình.

Tôi xin đảm bảo với những ai muốn viết lịch sử của làng đó, thì những gì tôi chép ra đây là hoàn toàn chính xác. Có nghĩa là đúng với tâm nguyện của vị ứng viên chức trưởng làng đó. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm cũng khỏi phải tốn công sức trong việc đem tờ rơi ra dán ở nhà họp của làng. Bởi cái tin đệ tử ông thầy thuốc nam đi buôn cao ngựa đã phi ngựa về làng chỉ loáng cái truyền đi khắp làng. Loáng cái là người ta kéo tới đầy nhà ông trưởng làng sắp mãn nhiệm để xem cái cương lĩnh trị nước của ông thầy thuốc nam. Từ lúc ấy cho đến lúc biến cố ấy xảy ra thì tôi và nàng, cũng giống với những người trong làng, không muốn rời khỏi ông trưởng làng sắp mãn nhiệm. Người làng, sau khi nhìn thấy cái cương lĩnh ấy thì muốn nghe ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói về tương lai của làng mình. Còn tôi với nàng thì cứ muốn biết một cách chính xác điều gì sẽ xảy ra sau đó với ông trưởng làng sắp mãn nhiệm. Hơn một trăm năm qua, người làng ấy vẫn sống trong bình yên, và cứ mỗi lần sắp bước vào mùa giông bão, người ta lại tụ hội lại để nhắc cho nhau hãy coi chuyện dân chủ như là lời của ma quỉ. Giờ thì ông thầy thuốc ấy bỗng muốn khôi phục lại chuyện ấy. Làm sao bây giờ, nếu ông ấy lên làm trưởng làng? Thì cứ để cho ông ấy làm thử sao? Người làng thi nhau bình luận. Còn ông trưởng làng sắp mãn nhiệm thì chỉ im lặng, lắng nghe. Dường như người ta nằm nhà chẳng yên, cứ về đến nhà, thì lại quần trở lại nhà của ông trưởng làng sắp mãn nhiệm. Tôi thấy như bà vợ ông trưởng làng sắp mãn nhiệm có nỗi lo nào đấy, có phần khác với những người khác. Sắp có chuyện rồi. Nàng lại rỉ tai tôi, khi phát hiện ra việc bà vợ ông trưởng làng sắp mãn nhiệm đang âm thầm sắp xếp đồ đạc trong nhà, làm như là sắp đi đâu đó. Vào lúc chập choạng tối, giữa lúc người làng kéo tới nhà ông trưởng làng sắp mãn nhiệm đông hơn, thì nghe có tiếng nhạc ngựa đang tiến vào làng. Đã về rồi đấy. Có ai đó trong đám người làng nói. Ai đó nói là nói về ông thầy thuốc nam ứng viên chức trưởng làng. Một khoảng im lặng chợt trùm xuống mọi người. Tôi cứ nghĩ đến lúc ấy thì ông trưởng làng sắp mãn nhiệm sẽ nói ra một lời nào đó. Nhưng không phải ông, mà là cái ông lão đang ngồi uống trà với ông nói : Ngọn gió ấy lại thổi vào làng ta nữa rồi. Ông lão ấy vừa nói xong lời ấy thì hết thảy mọi người vụt đứng lên, chạy ra khỏi nhà ông trưởng làng sắp mãn nhiệm, làm như sau tiếng nhạc ngựa mỗi lúc một gần đó là cái cảnh treo cổ ghê rợn sẽ xảy ra. Ta cũng đi thôi. Tới lúc ấy bà vợ ông trưởng làng sắp mãn nhiệm mới chính thức hối ông ấy ra đi. Thì trong bối cảnh như thế đến tôi với nàng mà cũng hình dung ra cái cảnh treo cổ hãi hùng, huống hồ là người làng ấy. Ngọn gió ấy mà thổi lại nữa thì ông trưởng làng sắp mãn nhiệm phải đi đời thôi. Nàng kéo tôi ra hiên hè, rỉ tai. Tôi khẽ gật đầu, và bảo nàng từ giờ phút ấy trở đi thì không được nói lời nào nữa. Mà đúng là đâu còn có thời giờ để nói. Phải nói bấy giờ trong làng đang diễn ra cảnh chạy loạn. Có lẽ mọi người đều nghĩ ngọn gió ấy mà thổi lại nữa thì cảnh giết chóc nhau nhất định sẽ xảy ra, nên mới diễn ra cảnh ấy. Đương khôn tôi với nàng cũng phải theo người làng chạy loạn. Tôi với nàng cũng gói xách theo vợ chồng ông trưởng làng sắp mãn nhiệm để chạy loạn. Đương không cả tôi lẫn nàng cũng cảm thấy hãi hùng khi chạy ngang qua ngôi miếu âm hồn. Ngôi miếu thì đứng lặng lẽ trong đêm, nhưng từ những nẻo đường ra khỏi làng lại chốc chốc vang lên những giọng hú gọi nhau đầy vẻ hoảng hốt. Có lẽ vợ chồng ông trưởng làng sắp mãn nhiệm hãi lắm, lâm cảnh ấy ai lại chẳng hãi khi nghĩ đến chuyện trưởng làng mới treo cổ trưởng làng cũ, hãi đến chẳng còn bước nổi, nên cứ bước mấy bước lại té ngã, thành ra hai người ấy phải bò. Có lẽ nỗi sợ hãi đã lây lan sang chúng tôi. Cứ bước được mấy bước thì tôi với nàng cũng té ngã. Nên tôi với nàng cũng phải bò.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)
 
... Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình... (...)
 
... Đây là thời hết thảy các chính phủ trên mặt đất này mở miệng là nói phải làm giàu đất nước, là thời mà sự giàu có được coi như niềm đam mê mới mẻ nhất trong việc trị nước của các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia hiện đang có mặt trên bản đồ thế giới, là thời mà việc xuất nhập khẩu hàng hoá của một quốc gia được coi như chìa khoá mở cửa vào cõi giàu có, bởi từ cân đường cân thịt cho đến tri thức của con người đều được xem là hàng hoá... (...)
 
... Nàng hỏi có phải anh ta đang nói đến ảo ảnh cuộc đời hay không? Anh ta bảo con người là sinh vật duy nhất biết có ngày mai, trong cái gọi là ngày mai thì có cái chết, biết là chết mà vẫn cố tạo ra bao nhiêu chuyện để hướng tới gọi là tương lai, nếu như cái ảo ảnh ấy không phải là vĩnh hằng, tức chết trước cái chết, thì loài người đã treo cổ chết cả từ lâu... (...)
 
... Em chết mất. Nàng chỉ kịp nói thế. Và bị dòng nước cuốn phăng đi. Dốc hết cả sức lực, tôi lao theo nàng. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy quá rõ cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp của chúng tôi. Nên đã đi đến quyết định có chết là phải chết cùng nàng. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể thực hiện được cái quyết định đó. Bởi con nước đã đẩy tôi dạt vào bờ. Có nghĩa là không chết. Còn nàng thì chẳng hiểu là con nước cuốn về đâu... (...)
 
... Con người đang hô hoán lên khắp nơi rằng mình đang toàn cầu hoá. Nhưng máu lại đang chảy rất nhiều trong các cuộc chiến nhằm để chia tách một quốc gia cũ ra thành nhiều quốc gia mới. Con người đương tự hào với nhau rằng mình đương củng cố ngôi nhà chung của mình trên mặt đất. Nhưng ta nghe dường như đây là thời mà một tay đại bịp cũng muốn dựng tượng đài riêng cho mình? Dường như đây là thời trăm nhà đua tiếng, kẻ đê hèn cũng có thể nói được lời cao cả?... (...)
 
... Thời mà cha ông bọn này chỉ ăn củ mài để sống có phải là thời thần thánh nhập vô các vị vua quan, khiến các vị chỉ lo chuyện bòn rút của dân mà không lo việc cơm áo cho dân? Tôi với nàng đã điên đầu với những câu hỏi như thế. Có vẻ như khi vây hỏi chúng tôi về nỗi bất hạnh, bọn họ đã từ cảnh trí siêu hình tụt xuống cảnh trí trần thế? ... (...)
 
... Vào một ngày có lũ khỉ đùa giỡn trên cây còn lũ chim bồ chao thì làm như núi rừng là của chúng, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi ở nơi gộp đá ấy nhìn trời đất đang chìm trong hoang dã. Làng xóm của ta là ở đây. Người đàn ông nói. Người đàn bà lấy một viên sỏi cuội vạch lên gọp đá như viết lên một lời thề... (...)
 
... Trên các dòng sông ta đi lại đã bắt đầu nghe thấy mùi máu. Máu của các cuộc thể nghiệm về các cuộc cãi vã. Lịch sử là biên niên sử về các cuộc thể nghiệm các cuộc cãi vã. Cho đến lúc nước trên các dòng sông pha màu máu, thì ta, kẻ náu mình trên sông nước, chỉ còn biết thở dài. Thì còn biết làm sao khi các cuộc thể nghiệm đã thuộc về cách thức tồn tại của con người... (...)
 
... Các nhà thông thái có vầng trán vừa đủ để tỏ ra mình là thông thái đang rao giảng thứ thuyết lý cao siêu vốn lấy từ kinh điển của thế kỷ trước nhưng đã được sửa sang qua nhiệt tình cháy bỏng của các vị. Nếu không có nó, đám trẻ tuổi các người hỏng bét hết... Cứ sau một hồi giảng thuyết, các vị lại thét vào tai đám cử toạ trẻ tuổi thứ lửa hoả ngục chết người ấy... (...)
 
... Không bắt được con cá vượt thác, mà lại bắt được hai con người vượt thác. Chưa hiểu thác là gì, và vượt thác là sao, nhưng chỉ nghe bắt được hai con người vượt thác, thì chúng tôi đã tính đến con đường chết. Ta lại gặp đám ăn thịt người! Nàng rỉ tai tôi. Không dám thể hiện nỗi sợ hãi của mình, mà cũng chẳng muốn người yêu của mình rơi vào nỗi sợ hãi, tôi gượng cười, rồi rỉ tai nàng, bảo chớ nghĩ quấy. Thuyền đã cập bờ... (...)
 
... Giữa nghiêm túc với hài hước, em thích thứ nào hơn? Chẳng rõ bấy giờ nàng đang nghĩ gì, nhưng rồi cũng trả lời được câu hỏi nảy ra một cách ngẫu hứng từ dòng suy nghĩ hỗn tạp của tôi. Theo nàng, hài hước là nghiêm túc. Và, nghiêm túc là hài hước. Nàng đã nói ra những điều tôi đang nghĩ. Tình yêu chúng tôi bấy giờ coi như đạt tới đỉnh cao. Có nghĩa, chỉ bước thêm một bước nữa là tới chỗ vĩnh hằng... (...)
 
... Nàng bảo mọi thứ trên đời là do con người nghĩ ra, mới đầu nghĩ mặt trời quay quanh trái đất, sau lại nghĩ trái đất quay quanh mặt trời, nghĩ ra rồi, thì đi tìm chứng cứ, tìm có chứng cứ rồi, thì la toáng lên quá khứ là sai lầm, cứ thế, công cuộc chống sai lầm dường như bất tận... (...)
 
Từ những ý nghĩ về khủng long, nàng đã chuyển sang những ý nghĩ về cọp. Tiếng động kiểu ấy nhất định là tiếng chân của chúa sơn lâm. Nàng lại khẳng định. Ta hãy dừng lại để nghe kỹ thử sao? Tôi đề nghị. Và dường như từ một chỗ tăm tối nào đó trong trí nhớ của nàng, những con cọp thời thơ ấu của nàng đã lần lượt hiện ra.... (...)
 
... Một nền hoà bình cho con người không phải chỉ là không có tiếng súng, mà còn làm sao cho con người có cơm ăn áo mặc, ngay tự lúc có tổ chức nhà nước thì người ta đã nói đến những thứ đó, người đứng đầu nhà nước nào cũng nói đến những thứ đó, nhưng suốt mấy trăm nghìn năm lịch sử của loài người thì súng vẫn cứ nổ, và con người thì vẫn cứ thiếu đói. Các vị đã rõ chưa?... (...)
 
... Ngày xưa có một người con gái đủng đỉnh bước giữa cuộc đời, xin chào hạt bụi, vào một hôm nàng đang đủng đỉnh bước thì nghe có tiếng ai nói từ thinh không, xin chào thinh không, nàng liền đáp, và lập tức từ thinh không bước ra một hạt bụi... Hoá ra hạt bụi là thinh không?... (...)
 
... Con người thuở đầu nói bằng tiếng của cóc ếch nhái, nhưng tiếng cóc ếch nhái thì chẳng thể diễn đạt những giả dối, bèn chuyển sang nói tiếng nói của giun dế, nhưng tiếng giun dế thì chỉ để mô tả những cay đắng lầm than, mà con người lại cần sự chiến thắng, phải bước qua xác những kẻ khác, nên phải chuyển sang nói tiếng của cọp, nhưng tiếng con cọp chẳng thể nói ra trong những phút yêu đương, nên con người phải chuyển qua nói tiếng nói của chim... (...)
 
Như một thứ định mệnh hài hước luôn phủ lên cái nhúm người cư ngụ nơi góc trời heo may gầy guộc. Cũng đủ cả những chi tiết núi sông để có thể dự vào hàng giang sơn gấm vóc, có điều đây là thứ gấm vóc như còn nằm trong cuộc thể nghiệm của trời đất, cuộc thể nghiệm như một cách thức của tồn tại, nghĩa là không còn thể nghiệm thì không còn tồn tại. Có thể là tự ngày người làng đầu tiên có mặt ở ngôi làng ấy, cuộc thể nghiệm ấy đã được coi như một thứ định mệnh có tính cách áp đảo, khó lường... (...)
 
... Đói khát, dốt nát, và khốn khổ lầm than... là man rợ. Xin bằng an cho những xác chết của những đứa trẻ không còn đủ sức chờ một cuộc di chuyển đến một nơi văn minh hơn nơi chúng đã chết, những xác chết vẫn nằm rải rác nơi những bụi gai đơn sơ trên những bãi cát đơn sơ như dài đến vô tận. Xin bằng an cho cả những nền văn minh đã lụi tàn và chưa lụi tàn. Xin bằng an cho hết thảy những vong hồn những kẻ đã nằm xuống vì sức công phá của man rợ... (...)
 
... Nhân loại là loài giống kỳ cục, khi có ngọn gió nào mới thổi tới thì bảo là thức tỉnh, là tân dân, ra sức đón nhận, làm như ngọn gió mới ấy làm thay đổi được mọi thứ của con người, nhưng khi gió tan rồi lại thấy giật mình. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Chúng tôi hỏi sao gió tan rồi lại thấy giật mình, thì ông chỉ im. Tôi với nàng bảo câu chuyện về ngôi làng ấy có vẻ huyễn hoặc là do mỗi thời người làng ấy lại thêm vào một chút, thành ra không còn phân biệt được trắng đen... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021