thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những nghĩ ngợi vu vơ về chuyện văn chương [II]
tạp văn

 

 

1. sự thử thách giữa cát bụi thời gian

Ta ghé vào làng Dang dưới chân núi Đưng là để thăm chơi cho biết. Mùa hạ ở núi Đưng có hoa muồng rực thắm giữa màu lá rừng đương ngả màu, tựa bức tranh cổ u tịch bỗng hiện ra ở đâu đấy một chút le lói. Khách đường xa là ta, phút chốc cũng thấy lòng nhẹ bổng trước cảnh nước non xa lạ. Núi Đưng không cao. Chỉ đứng đó như sự che chở cho cuộc sống lẻ loi đương diễn ra trong một vùng trũng rộng lớn, có thể gọi là cuộc bình nguyên trên cao nguyên. Khi người khách đường xa là ta đã ngồi vào một chỗ ghế học của một lớp học vùng cao, thì cả đám học trò con trai con gái lên năm lên bảy, ở trần có, mặc áo có, lẫn cô giáo dạy học, vẫn tự nhiên như không, như con suối Dang đối với ta, lúc ta đứng trên bờ của nó ngắm nhìn trời đất. Lũ học trò dường đã xong việc tập viết, làm toán, đang ngồi hóng cổ nghe cô giáo kể chuyện.

Giót là không có gì hết, nhưng cái gì cũng có, là không biết gì hết, nhưng cái gì cũng biết. Có với không, không với có, bỗng quấn quít lấy nhau, cất tiếng khóc thê thảm. Nước mắt chảy, một phần thành đất, một phần thành nước, một phần thành loài người, muông thú và cây cỏ. Trong những người sinh ra từ nước mắt đó có một người đàn ông chỉ sống được trong bể khơi, và một người đàn bà chỉ sống được giữa thinh không, rồi hai người đó đã thành chồng vợ và sinh ra tổ tiên người núi Đưng.

Đấy là sử Giót. Áng văn chương đầy tính triết học của người núi Đưng.

Có lẽ cứ thế, những trăm năm qua, người kể, người hóng cổ nghe, cứ kể, và cứ nghe, cứ thế mà áng văn chương kỳ lạ ấy tồn tại được giữa cát bụi thời gian.

Còn có người kể. Thì có người nghe.

Không còn ai nhớ, để kể, coi như hoá thành cát bụi.

Chuyện văn chương, nghĩ tới đó, ta cứ cảm thấy sợ hãi trong lòng.

 

2. một cách khoác lác không đáng ghét cho lắm

Ta đã viết tặng bạn ta những lời thế này :

ta mang thơ vá trời
em nhìn vào chữ nghĩa
mắt bão
những con sóng cuốn sạch những vần điệu lởm chởm
 
ta đem thơ đổi sự thật
em chạm vào
đoạn
khúc
những thiên thạch
lạnh ngắt niềm cảm hứng

Đúng là khoác lác.

Hay văn chương là một cách khoác lác không đáng ghét cho lắm

 

3. từ một cuộc tẩu thoát

(một gợi ý cho văn chương)

Hơn ba nghìn năm trước (cũng có thể là lâu hơn) đã diễn ra một cuộc tẩu thoát của những con người, mà mãi những ngàn năm sau, thứ niềm tin vào một đấng siêu nhiên có vẻ kỳ lạ của họ lại trở thành nguồn cảm hứng cho các tôn giáo lớn của nhân loại. Cầm đầu cuộc tẩu thoát là một vị anh hùng, ông Moses, cái tên nghe rất Ai-cập, nhưng lại không phải là dân Ai-cập, mà là một người trong đám lưu dân đến từ đất Canaan, bên bờ Địa Trung Hải, đám lưu dân đang làm công việc trốn chạy khỏi nền văn minh cổ đại Ai-cập. Tẩu thoát là để mở ra hai trình thuật lớn trên một vùng sa mạc mênh mông, mà phía bắc, phía tây và phía nam của nó là biển, còn phía đông của nó là đất liền, cũng mênh mông, và cũng đang xảy ra những chiếm đóng, những chống chiếm đóng, những ra đi. Trình thuật này là sự luân lạc. Và trình thuật kia là sự củng cố lại giao ước với chúa. Củng cố lại giao ước để tồn tại trong luân lạc. Những trình thuật này đã được ghi một cách cảm động trong sách Xuất Hành. Ở góc độ thần học, đấy là sách thánh. Ở góc độ nhân học, đấy là sách văn chương. Và ở góc độ này, góc độ văn chương, nó sẽ mở ra những viễn cảnh mới. Bởi vì hơn ba ngàn năm sau nó thì ở một vùng đất khác, cũng là phương Đông, nơi có những ngọn núi mọc lên giữa đồng ruộng phù sa, châu thổ của những con sông lớn, lại diễn ra một cuộc trốn chạy khác, cuộc trốn chạy khỏi nền văn minh hiện đại, diễn ra vào giữa thế kỷ hai mươi, chẳng có người cầm đầu, một cuộc trốn chạy mang ý nghĩa triết học hơn là lịch sử, trong cuộc trốn chạy này đã sản sinh ra một người con gái, mà về sau sẽ thực hiện một cách đầy đủ hai trình thuật luân lạc và làm lại giao ước, chỉ có điều ngày xưa là luân lạc giữa sa mạc Sinai, còn ngày nay là luân lạc ngay giữa cuộc trần ai, giọng con vượn hú trên ngàn cũng khác xưa, lời trần tình của một kẻ bạc tình cũng khác xưa, cách dối trá của một nhà làm xiếc trên sân khấu cũng khác xưa, tiếng đàn cầm đứt dây cũng khác xưa... Còn giao ước là giao ước với cả thế giới, giao ước với cả cuộc đời, rằng hết thảy những trình thuật mới ấy là sẽ được ghi một cách đầy đủ trong những sách Xuất Hành mới, còn có một cách gọi khác là thi ca.

 

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021