thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thế giới của cỏ
 
đối với tuổi thơ của tôi thì thế giới
có hình dạng một niềm vui.
 
I
 
đây cũng chỉ là cuộc trò chuyện với em như những cuộc trò chuyện trước, em bảo quá khứ của tôi cũng phong phú như khu rừng nhiệt đới có đủ các loài muông thú và kỳ hoa dị thảo, do yêu tôi em nói thế, thật ra cuộc đời tôi cũng giản đơn như cuộc đời của một con nai trên rừng, ăn lá cây rừng, uống nước suối và ngơ ngác trước những biến động của rừng, cả đời tôi, tôi cũng luôn cảm thấy ngỡ ngàng trước những biến động to lớn của thế giới tôi đang sống, những thay đổi của các triều đại đối với tôi cũng giống như sự thay đổi mưa nắng đối với lũ nai trên rừng, còn chiến tranh luôn mang lại cho tôi niềm sợ hãi dài lâu, chiến tranh đối với tôi cũng giống như bão giông sấm sét đối với lũ nai trên rừng, cuộc đời tôi cũng nghèo nàn như cuộc đời lũ nai trên rừng, cả đời tôi chỉ quẩn quanh nơi xứ sở của mình, như lũ nai chỉ quẩn quanh nơi khu rừng chúng đã sinh ra, chỉ nhỉnh hơn lũ nai một chút là lũ chúng không nhìn thấy bóng dáng mình nơi dòng suối, còn tôi thì nhìn thấy, sau khi uống thứ nước ngọt ngào và cay đắng nơi con suối thời gian, tôi đã nhìn thấy bóng dáng mình và viết thành thi ca, cũng như tôi đã gặp em, người con gái của dáng vẻ vô biên, và viết nên thi ca
 
II
 
nhưng thuở ấy tôi cũng giống như những ngọn cỏ ngu muội giữa thế giới rộng lớn, tuổi thơ của tôi cũng giống như những ngọn cỏ vô tri khi ai đó hỏi vì sao mùa xuân vẫn còn những đám mây mang nhiều hơi nước lang thang trên bầu trời trên đầu, và vì sao mùa hè hết thảy cỏ trên hết thảy những bờ cỏ đồng làng bắt đầu úa héo, cũng mãi thật lâu về sau, khi tôi đã vượt qua được sự ngu muội, tôi mới biết em là người con gái của dáng vẻ vô biên, còn thuở ấy có thể cũng như tôi, em cũng giống như những ngọn cỏ vô tư chẳng hề nghĩ một ngày nào đó những ngọn gió vô tình đưa đẩy em về nơi bến bờ của tình yêu
 
III
 
mùi cỏ đôi khi với tuổi thơ tôi như mùi sữa mẹ, đôi khi tôi nằm dài trên cỏ lắng nghe, không có gì cả, chỉ trừ mùi cỏ, đôi khi tôi nằm dài trên cỏ để chỉ lắng nghe mùi cỏ và quên hết mọi thứ ở chung quanh, có thể là lúc tôi nằm dài trên bờ cỏ đồng làng để lắng nghe mùi cỏ thì từ trong làng vọng lại những âm vang trắc trở như sự thừa kế của nghìn năm trắc trở, tiếng khóc của lũ trẻ thiếu cơm thiếu sữa, hoặc là tiếng quát mắng bất đắc dĩ của người mẹ như sự thừa kế những bất đắc dĩ của cuộc đời, đôi khi tôi nằm dài trên bờ cỏ đồng làng lắng nghe mùi cỏ và chi chốc lát sau đó là quên đi mùi cỏ bởi từ những thửa ruộng mới cày vỡ trên đồng thoảng lại mùi đất ải, thế giới đối với tuổi thơ của tôi cũng dễ vỡ như đất ải trên đồng làng, đôi khi dễ vỡ nhưng đôi khi cũng thật bền lâu, bởi hôm tôi đưa em đi trên những bờ cỏ đồng làng tôi vẫn còn nghe trong ký ức của mình mùi cỏ của tuổi thơ tôi.
 
IV
 
tôi ngợi ca cỏ bằng cách nằm dài trên cỏ và im lặng, ngợi ca bằng im lặng là cách thức tốt nhất để bày tỏ niềm trân trọng đối với điều mình trân trọng, và cũng chỉ thuở ấy khi tôi chưa đủ lời để nói ra điều mình muốn nói, hoá ra tuổi thơ là cách thức tốt nhất để bày tỏ nỗi niềm đối với thế giới, đối với tuổi thơ của tôi thì thế giới có hình dạng một niềm vui, có nghĩa, đôi khi có những nỗi buồn len vào tôi nhưng tôi cho là do tôi thấy thế, chứ chẳng phải đến từ phía thế giới rộng lớn, tiếng gọi sáng của lũ chim bồ chao nơi khu rừng trước làng tôi có làm tôi thức dậy thật sớm, nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ lũ chim quấy rầy giấc ngủ, chỉ thấy thế giới là một niềm vui, cứ sáng ra là nhìn thấy niềm vui, cũng như khi đứng trước em tự dưng tôi chẳng đủ lời để nói, chỉ thấy em như một niềm vui.
 
V
 
tôi cũng hiếu chiến chẳng kém những kẻ hiếu chiến thời nay, sự hiếu chiến của tuổi thơ giống như kẻ sắp chết cố trườn lên để chiến thắng kẻ mạnh, thật ra chúng tôi, những đứa trẻ hiếu chiến trong làng, chỉ hành hạ đám cỏ mồng gà, tháng tư hoa mồng gà nở trắng trên các bờ cỏ đồng làng, những người lớn ra đồng lo chăm chút những đám lúa đang thì con gái chẳng ai để tâm chi đến đám trẻ nhỏ hiếu sát, nếu biết thuở ấy tôi cũng hiếu sát em có còn yêu tôi như thuở ban đầu hay không, thật ra lúc bấy giờ tôi cũng chỉ sát hại lũ cỏ, trong suy nghĩ của lũ trẻ hiếu chiến bọn tôi cỏ mồng gà là những chiến binh, cuộc chiến con người phát động, nhưng không phải con người đánh nhau, mà lũ cỏ mồng gà đánh nhau, nếu em có phiền trách là phiền trách tôi về tính cách thực dân của kẻ hiếu chiến, bọn trẻ chúng tôi xâm lược đất nước của lũ cỏ mồng gà là những bờ cỏ đồng làng, chẳng có phản ứng nào cả, hay nói đúng hơn là không thể có phản ứng bởi chúng là cỏ mồng gà, và toàn thể cư dân của những đất nước bị xâm lược đã trở thành những chiến binh, suốt tháng tư của mùa chọi cỏ bọn chúng tôi hái sạch hoa cỏ mồng gà trên những bờ cỏ đồng làng, vinh quang hay thất bại của bọn trẻ bọn tôi không phải tuỳ thuộc vào sức chiến đấu của đám chiến binh, bởi đám cỏ mồng gà là những thực thể vô tri, vinh quang hay thất bại là tuỳ thuộc vào sự bền dẻo của cỏ, hằng trăm ngàn ngọn cỏ mồng gà đã gục ngã trong cuộc chiến tháng tư, hoá ra chiến tranh lại là trò chơi con trẻ.
 
VI
 
hay đây cũng là thừa kế di sản tinh thần của tổ tiên tôi
con người là sinh vật phải luôn trải qua những cuộc chém giết nhau hay chém giết nhau là thuộc tính không thể không có ở nơi loài giống con người
tôi không biết
chỉ thấy nhớ lại những năm tháng tuổi thơ rất thích đánh nhau
những lời thách đấu nhau ngay khi nắng mai vừa soi rõ con đường làng luôn rợp bóng tre
hễ gặp nhau là thách đấu nhau
thật ra thì chỉ thách đấu bằng mồm
nhưng nhiều khi không kiềm giữ được tính hiếu chiến cũng dẫn đến cảnh máu đổ đầu rơi
kẻ thù của tôi bấy giờ cũng chỉ là những đứa trẻ trong làng
tôi nhớ những đêm thức trắng với bầy ngựa chiến kết bằng cỏ đế
những con ngựa chiến bằng cỏ đế chỉ đi vào chương mục trò chơi trẻ thơ trong cuốn biên niên sử của làng nhưng giờ đây lại có sức gợi mở những suy tưởng về một thứ loại hình chiến tranh
những con ngựa chiến và kỵ binh
những núi xương trong các cuộc chiến kỵ binh thời cổ đại có làm cho những nhà thiết kế chiến tranh thời nay nghĩ ngợi hay không
tôi không biết
nhưng những con ngựa chiến của bọn trẻ bọn tôi thì chắc chắn không giống với kỵ binh thời cổ đại
ngựa chiến của bọn tôi là chỉ để khoa trương sức mạnh
kẻ có đông ngựa chiến nhất là kẻ mạnh nhất
nhưng đông hay ít cũng chỉ là những thứ tiền chiến tranh
tôi còn nhớ những đêm thức trắng với đám cỏ đế lấy được từ khu rừng tái sinh ở trước làng
những hoa cỏ trắng phau vô cùng quyến rũ
bởi hoa cỏ là bờm ngựa và đuôi ngựa thể hiện sức mạnh của ngựa chiến
bao nhiêu đêm một mình một ngựa tôi lao đi trong những mơ ước chiến thắng
em có tin không ngay tuổi ấu thơ tôi đã mơ ước làm kẻ chiến thắng
có điều chỉ mơ hồ về điều tôi mơ ước
chỉ đến khi hiểu được sự khủng khiếp của hai chữ kẻ thù trong chiến thắng tôi mới loại khỏi tôi niềm mơ ước ấy
 
VII
 
nhưng tôi không thể nhớ hết nỗi buồn cỏ khô
tôi thân thiện với cỏ như lũ nai thân thiện với lá cây rừng
lũ nai ăn lá cây rừng nên thân thiện với lá cây rừng
tôi không ăn cỏ nhưng vẫn thân thiện với cỏ
bỗng cỏ héo khô
tôi biết em không thể không buồn như tôi khi nhìn thấy cỏ đang tươi tốt bỗng héo khô đi
 
nỗi buồn cỏ khô
 
có những nỗi buồn không thuộc sự sống còn của con người nơi mặt đất
nhưng không thể nói nỗi buồn cỏ khô là không thuộc về tuổi thơi tôi
 
VIII
 
trong trí nhớ tôi những ngọn khói đốt đồng như những ngọn gươm đâm vào bầu trời chiều
không thể lẫn lộn được những đám mây trên bầu trời chiều với những ngọn khói đốt đồng cất lên từ những cánh đồng vừa trải qua cõi chết
nắng như sự ngẫu nhiên của tự nhiên
hay như sự chơi khăm của tự nhiên đối với con người
hay như sự bùng vỡ trước những áp lực bí mật của trời đất
tôi không biết
chỉ thấy đất đồng làng nứt nẻ thành những ô rãnh
không còn nửa giọt nước ở bên trên mặt đất
không còn nửa giọt nước ở bên dưới mặt đất
cá cua chết
con ốc con tôm chết
lúa chết
cỏ chết
cuối cùng người ta cũng phải đốt đi những tàn tích của tai hoạ để gầy dựng lại một khuôn mặt mới cho đồng làng
với tuổi thơ của tôi những ngọn khói đốt đồng xoá mất thứ niềm vui được ký thác vào cỏ
nhìn thấy khói đốt đồng có nghĩa là không còn nhìn thấy mùa chọi cỏ cuộc đỏ đen trọng đại của tuổi thơ bởi đó là cuộc chơi phân định chỗ đứng cao thấp của lũ trẻ trong làng
quả tình bọn trẻ bọn tôi chỉ thấy khói đốt đồng như tai hoạ đối với cỏ
thế giới tuổi thơ luôn thu nhỏ lại trong sự ích kỷ
 
IX
 
bạn tôi, một nhà nông thôn học, nói lịch sử những người cày ruộng là lịch sử lũ bò gặm cỏ
nhưng tôi thì nói lịch sử lũ bò gặm cỏ là lịch sử những người cày ruộng
bởi không có lũ bò gặm cỏ thì không có những người cày ruộng
trong trí nhớ tôi việc buổi sớm lừa lũ bò gặm cỏ ra ruộng cho cha tôi cũng trọng đại như việc tôi được sinh ở mảnh đất con người biết lật đất lên để làm ra hạt gạo
trong chặng đường còn lại của cuộc tiến hoá của loài giống con người tôi luôn ngợi ca lũ bò gặm cỏ
cứ thấy nhớ tuổi ấu thơ buổi sớm tôi lừa lũ bò gặm cỏ ra đồng
lũ chim bồ chao nơi khu rừng ở trước làng hát bài ngợi ca rừng
cha tôi lại nhắc tôi
lũ bò gặm cỏ những khoảnh ruộng đồng làng và mấy chục đời tổ tiên nhà tôi
 
X
 
tôi lại lội ngược ánh mắt em để trở về thuở thật xa
ánh mắt em nhìn tôi hôm nào đâu phải chỉ hàm nghĩa tình yêu mà còn hàm nghĩa cảm động về tuổi thơ của một người
thật ra tuổi thơ của tôi cũng chỉ là chuỗi tháng năm buồn bã gắn liền với cuộc sống buồn bã của lũ bò gặm cỏ
nỗi buồn làm nát nhừ những ngày mùa xuân chẳng mấy đứa trẻ trong làng có áo mới khuôn mặt mới của chu kỳ tháng năm như bị đè nặng bên dưới niềm lo toan cơm áo
nỗi buồn làm nát nhừ những ngày mùa đông gió bấc mưa dầm lũ chim te te rũ cánh nơi bờ mẫu tôi lụng thụng trong chiếc áo che mưa chằm bằng lá đèn ở trên rừng lẽo đẽo theo lũ bò gặm cỏ ở gò thổ mộ của làng cũng có nghĩ những người chết của làng đang nằm ở bên dưới những bước chân của lũ bò gặm cỏ nhưng chỉ nghĩ là có những người làng đã chết chôn ở đó cũng như nghĩ là có những người làng còn sống đang lặn lội trên đồng ruộng trong mưa dầm gió bấc
nỗi buồn làm nát nhừ niềm vô ưu của những hòn sỏi trên đường làng
tôi buồn và nghe như những hòn sỏi đường làng cũng buồn như tôi
dường thế giới của những hòn sỏi đường làng đã nhập vào thế giới tuổi thơ của tôi
và giờ đây tôi dẫm lên những hòn sỏi trên đường làng như dẫm lên ký ức của mình
và ánh mắt em nhìn tôi hôm nào như hàm nghĩa cảm động về những ký ức buồn của tuổi thơ tôi
 
XI
 
lũ cỏ nơi gò chôn người chết của làng vẫn xanh
và lũ bò gặm cỏ vẫn cứ gặm những ngọn cỏ non tơ
ngày nào tôi cũng nhìn thấy lũ bò gặm cỏ cắn vào những ngọn cỏ non tơ nơi gò thổ mộ của làng
với tuổi thơ tôi thì thế giới của lũ cỏ và thế giới của lũ bò gặm cỏ chỉ là một
ở thế giới ấy cỏ như những vật thể để bù vào chỗ còn thiếu nơi những vật thể khác
dường chẳng có sự trắc trở nào trong sự bù đắp giữa cỏ và lũ bò gặm cỏ ngoại trừ những tai hoạ đến từ phía khác, phía của nắng cháy và bão lũ
cỏ và gặm cỏ như được khởi lên tự buổi nguyên sơ
như chim và rừng cây như nước và dòng suối như mây và bầu trời cũng khởi lên từ buổi rất lâu
cũng như tình yêu của tôi và em cũng khởi lên từ buổi rất lâu và mãi tới hôm ấy mới nói ra được
bằng lời
 
XII
 
tôi và em vẫn nằm dài trên cỏ để lắng nghe niềm im lặng khởi lên tự thuở con người mới bắt đầu việc yêu nhau, niềm im lặng tích tụ hằng bao thế kỷ được thể hiện qua sự lặng lẽ của những ánh mắt lặng lẽ của dòng sông sao nơi bầu trời tháng tư lặng lẽ, chẳng rõ là chờ đợi điều gì nhưng khi nhìn lên bầu trời tháng tư tôi và em biết là có sự đợi chờ, niềm im lặng tích tụ hằng bao thế kỷ được thể hiện trong tiếng chim thảng thốt gọi bạn tình giữa bầu trời đêm tháng tám, cánh tay tình yêu đang vươn ra trong nỗi hoảng hốt tìm nửa kia của cái một sắp mất, nhưng tiếng kêu thảng thốt của lũ chim lạc bạn tình cũng chỉ là biểu hiện của nỗi sợ hãi khởi lên từ niềm im lặng của buổi ban đầu mới yêu nhau, niềm im lặng của buổi ban đầu mới yêu nhau được tích tụ qua vẻ buồn lắng của mùa thu và niềm trống vắng giữa tiếng mưa rả rích mùa đông, cũng như tôi và em nằm dài trên cỏ để lắng nghe những cung bậc được tích tụ từ buổi tôi và em mới gặp nhau đã lắng đọng thành những lời vô thanh
 
XIII
 
tôi và em cũng chỉ là những ngọn cỏ biết nghĩ ngợi về buổi nguyên sơ
những ngọn cỏ nơi bờ cỏ đồng làng cũng khởi lên từ buổi nguyên sơ nhưng chúng không biết là chúng khởi lên từ nguyên sơ
nếu gộp hết những sinh linh yếu đuối như cỏ vào thế giới của cỏ thì tôi và em là những sinh linh yếu luôn mang trong mình nỗi sợ hãi về những thế lực đen tối như những mặt trái của tồn tại luôn gây ra những đổ nát nơi mặt đất
tôi và em cũng chỉ là những ngọn cỏ biết nghĩ ngợi về những đổ nát đến từ phía bên kia của tình yêu
tôi vẫn hôn lên ánh mắt đắm đuối của em như hôn lên ánh mắt của một ngọn cỏ yếu đuối
và vẫn cứ lo sợ một ngày nào những thế lực đen tối sẽ cướp mất em
có thể đó là lời ngọt ngào hoa mỹ của một kẻ đang trong tiến trình tiến tới con người nhưng vẫn nhân danh con người để nói về con người
có thể đó là những phù phép vô cùng quyến rũ của một vị thần thất sủng tự những nghìn năm trước nhưng vẫn cứ nhân danh là thần để nói chuyện cứu rỗi
 
tôi vẫn ghì chặt em vào tình yêu của tôi nhưng vẫn cứ thấy sợ hãi về sự mất mát có thể đến từ phía bên kia tồn tại
 
Giã, 12/1/2014
 
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021