thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba bài thơ
 
Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm
 
 
 
 
Lời giới thiệu:
 
Alberto Caeiro, cũng chính là Fernando Pessoa (1888-1935), không phải chỉ là nhà thơ lớn nhất của Bồ Đào Nha mà còn là một trong những tài năng và nhân cách lạ lùng nhất trong trong lịch sử văn học thế giới. Cả đời, ông sống một cách khiêm tốn và thầm lặng với nghề dịch thuật ở thành phố Lisbon, nhưng sau khi ông mất, Pessoa lại khiến mọi người kinh ngạc về sức sáng tác vô tiền khoáng hậu của ông. Có lúc, ví dụ ngày 8 tháng 3, 1914, trong một cơn hứng, ông phóng tay làm hơn 30 bài thơ rồi ký dưới tên Alberto Caeiro. Ngoài thơ, ông còn viết văn xuôi, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, phê bình, nghiên cứu về xã hội học, triết học và chiêm tinh học. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tài sản văn học ông để lại vô cùng đồ sộ. Sau khi ông mất vào năm 1935, người ta tìm thấy trong nhà ông có đến 27,000 tác phẩm lớn nhỏ. Điều thú vị là những tác phẩm ấy được ký dưới 86 bút danh khác nhau; có bút danh chỉ xuất hiện một hai lần, nhưng cũng có những bút danh đã nổi tiếng và được rất nhiều độc giả và giới phê bình ngưỡng mộ. Việc sử dụng nhiều bút danh tương đối phổ biến trên thế giới. Nhưng trường hợp của Pessoa thì khác. Ông không những ký nhiều bút hiệu mà ở mỗi bút hiệu chính, ông còn tạo ra một tiểu sử riêng; hơn nữa, họ còn có bút pháp riêng, không lẫn lộn với ai cả. Chính vì thế, trong suốt bao nhiêu năm, ngay cả những người sành sỏi về văn học nhất cũng bị nhầm, vừa ngỡ ngàng vừa hân hoan trước sự nở rộ của nhiều tài năng văn học trong một thời gian ngắn ngủi. Cũng chính vì vậy, đánh giá sự nghiệp của Pessoa, nhiều nhà phê bình cho ông không phải chỉ là một nhà thơ lớn, một nhà văn lớn mà còn là cả một nền văn học lớn.
 
Cuộc đời tình ái của ông cũng rất lạ. Ông sống độc thân, không bao giờ lập gia đình; nhiều nhà nghiên cứu còn cả quyết là đến lúc mất ông vẫn còn tân, chưa từng có quan hệ với phụ nữ. Đúng ra, ông cũng đã từng có bạn gái, Ophelia Queiroz, nhưng mối tình của họ chỉ kéo dài có sáu tháng, lúc Pessao 31 tuổi và Queiroz 19 tuổi. Theo lời của chính Queiroz, trong suốt sáu tháng họ yêu nhau, ông chỉ hôn bà một lần duy nhất trên một chuyến xe buýt!
 
Vậy mà Pessoa lại làm rất nhiều thơ tình, trong đó có rất nhiều bài hay, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Có điều, thơ tình của ông có khá nhiều chất trí tuệ. Có thể nói chất trí tuệ là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ của Pessoa. Bạn đọc có thể thấy điều đó trong mấy bài thơ dịch dưới đây.
 
Trong nguyên tác, các bài thơ này đều không có nhan đề. Chúng tôi xin đánh số đế quý bạn đọc dễ phân biệt.
 
Phan Quỳnh Trâm
 
__________
 
 
I.
 
Tôi ước ao có đủ thì giờ và im lặng
Để không phải nghĩ điều gì cả,
Để không hề cảm thấy mình đang sống,
Để chỉ biết chính mình được phản chiếu trong đôi mắt của nhân gian.
 
(5/21/1917)
 
 
II.
 
Dấu hiệu đầu tiên của cơn giông ngày mốt.
Những đám mây trắng đầu tiên lơ lửng dưới bầu trời đục,
Có phải chúng thuộc về cơn giông ngày mốt?
Tôi chắc thế, nhưng sự chắc chắn là điều dối trá.
Chắc chắn nghĩa là không nhìn thấy.
Không có ngày nào sau ngày mai cả.
Chỉ có điều này thôi:
Một bầu trời xanh, hơi xám, với vài cụm mây trắng ở chân trời,
Hơi bẩn phía dưới như thể rồi chúng sẽ hoá thành màu đen.
Đó là những gì hiện hữu hôm nay,
Và bởi vì hôm nay là tất cả những gì có bây giờ; tất cả.
Ai biết tôi sẽ chết vào ngày mốt hay không?
Nếu tôi chết vào ngày mốt, cơn giông ngày mốt
Sẽ là một cơn giông khác cơn giông nếu tôi chưa chết.
Tất nhiên tôi biết những cơn giông không đổ xuống bởi vì tôi thấy chúng,
Nhưng nếu tôi đã không hiện hữu trên thế giới này —
Thế giới hẳn đã khác —
Đã bớt tôi đi —
Và cơn giông hẳn đã đổ xuống trên một thế giới khác và hẳn đã là một cơn giông khác.
Bất kể điều gì xảy ra, cái gì đang đổ xuống sẽ là cái gì đang đổ xuống khi nó đổ xuống.
 
(7/10/1930)
 
 
III.
 
Nhìn tận đáy mọi sự vật
Nhưng nếu mọi sự vật không có đáy?
 
A, bề mặt đẹp biết bao!
Có lẽ bề mặt mới chính là tinh tuý
Và điều gì hơn là bề mặt, thì hơn cả mọi sự
Và điều gì hơn cả mọi sự thì không là gì cả.
 
Ồ, khuôn mặt của thế giới, chỉ mình em thôi, trong mọi khuôn mặt
Là phản ảnh của chính tâm hồn em.
 
(1930)
 
 
---------
Dịch từ bản Anh ngữ trên trang http://alberto-caeiro.blogspot.com/
 
 
------------
Đã đăng:
 
Thi phẩm quan trọng nhất của một tên tuổi kỳ đặc nhất trong văn chương Bồ-đào-nha, gồm 108 bài thơ, lần đầu tiên được giới thiệu trọn vẹn đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Thi phẩm được đăng thành 4 kỳ liên tục trên Tiền Vệ.
 
Thi phẩm quan trọng nhất của một tên tuổi kỳ đặc nhất trong văn chương Bồ-đào-nha, gồm 108 bài thơ, lần đầu tiên được giới thiệu trọn vẹn đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Thi phẩm được đăng thành 4 kỳ liên tục trên Tiền Vệ.
 
Thi phẩm quan trọng nhất của một tên tuổi kỳ đặc nhất trong văn chương Bồ-đào-nha, gồm 108 bài thơ, lần đầu tiên được giới thiệu trọn vẹn đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Thi phẩm được đăng thành 4 kỳ liên tục trên Tiền Vệ.
 
Thi phẩm quan trọng nhất của một tên tuổi kỳ đặc nhất trong văn chương Bồ-đào-nha, gồm 108 bài thơ, lần đầu tiên được giới thiệu trọn vẹn đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Thi phẩm sẽ được đăng thành 4 kỳ liên tục trên Tiền Vệ.
 
[Nhân kỷ niệm ngày sinh Fernando Pessoa (13.6.1888), Tiền Vệ gửi đến bạn đọc một tác phẩm tuyệt hảo của Alberto Caeiro -- một «dị danh» của ông -- qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu.] Vào một buổi chiều về cuối mùa Xuân / tôi đã mơ một giấc mơ tựa như một bức ảnh chụp. / Tôi đã thấy Chúa Giê-su xuống trái đất, / qua một sườn núi / và lại trở thành đứa trẻ...
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021