thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG ĐÊM TRẮNG (III): Chả nên thế... | Những con gà trống | Ghen tuông | Có người gõ cửa | Tôi đã treo bài thơ tôi
(Diễm Châu dịch)
 

*

 
Chả nên thế...
                   Tựa mình vào một thân cây,
                                        tôi không nói gì, tôi không nói dối.
Tôi nhìn
              ánh ngời của những ngọn
đèn đường tự tách đôi. Nhè nhẹ
                                                  tôi mơn man
một mẩu nước đá rất mịn bị một cọng nhỏ xuyên qua.
Chả nên thế...
                   Tất cả đều ma quái:
                                                  những khung cửa sổ tối om
và tuyết đỏ rực vì ánh đèn «ngừng lại» của xe hơi.
Chả nên thế...
                   Tất cả đều ma quái
                                                  như một công viên
nơi sương mù tháng Ba biến đổi đàn ông đàn bà
                                       thành những bóng đàn ông đàn bà.
Chả nên thế...
                   Trên một chuyến tầu nhỏ lắc lay,
                                                               mơ mơ màng màng,
với dòng Moskova uể oải
                                       đưa tới đưa lui
                                                               ở khung cửa,
em tì má
              trên bàn tay em mang
                                                một cái bao tay trẻ nhỏ.
Em giận dữ
                   nghĩ đến tôi.
Chả nên thế...
                   Một ngày kia em sẽ trở thành người đàn bà,
                                một người đàn bà sáng suốt và mỏi mệt
bị cơn khát những lời dịu êm và mơn trớn vò xé
thế rồi sẽ tới tháng Ba
                                  và nỗi bối rối bất ngờ của em
trước những gì một gã con trai sẽ nói với em nho nhỏ.
Chả nên thế...
                   Em hãy tránh, tôi xin em điều đó,
                               đừng lang thang với gã trong thành phố.
Hãy lo âu tới linh hồn kẻ khác
                                             cũng như linh hồn em.
Hãy bảo gã:
                   «chả nên thế»
                                    trong lúc nghiêng đầu xuống thật sâu
như lúc này,
                   chính tôi, tôi bảo em:
                                                    «chả nên thế».
 
 

NHỮNG CON GÀ TRỐNG

                      tặng T. Tchiladze.
 
Bên bờ biển gà gáy,
bên trên vùng Crimée chúng vỗ cánh.
Chúng gáy những con gà trống ấy và tiếng gáy của chúng
làm rung rinh vách tường các biệt thự:
Chúng ra lệnh cho các tiếng động tái sinh,
cho những đóa hoa nở lại.
Chúng phóng những tiếng gọi tới tất cả những gì sẽ có
chúng chúc lành cho tất cả những gì hiện có.
 
Tôi là ai và tôi sẽ ra sao?
Nói thực ra tôi chẳng rõ.
Chỉ có điều chắc chắn,
từ buổi bình minh tới khi bóng xế
đó là những dày vò những mơn trớn tầm phào
tự xóa đi trước mặt em, nàng Thơ bị ngược đãi của tôi,
với đôi mắt thâm quầng,
trước mặt em, nỗi dày vò, sự mơn trớn thiết yếu của tôi.
Trong tấm ái tình mà em hiến tôi
tôi cảm thấy sự cay đắng
và những ánh mắt em ngước về tôi
đôi khi tựa như của vĩnh biệt.
 
Tôi đã lừa dối em không cuồng nhiệt,
khi ôm ghì những ảo tưởng em.
Tên em lướt tới môi tôi
khi tôi gọi tên một người khác,
chả giống em chút nào.
Dẫu buồn bực em đã chẳng có
lấy một giọt lệ hay một lời trách móc.
Em chờ tôi đôi cánh tay chụm lại
trên đầu gối như một đứa trẻ.
Làm sao biến lời «vĩnh biệt» của em
thành một «lời chào» giản dị, một «tiếng chào» buổi sáng?
Xin em đừng cam chịu nữa, hãy tỏ uy quyền,
hãy đòi hỏi thay vì van xin.
Tôi không còn đếm xuể những chuyện bất trung của mình
và tôi chấp nhận người ta cười mỉm.
Tuy nhiên, đối với tôi, em vẫn là những gì sẽ có,
em vẫn là những gì hiện có.
 
Bên bờ biển gà gáy.
Chúng truyền cho ta chỗi dậy và mặc quần áo.
Không nhượng bộ là thích đáng,
chỉ nên dành sự tự mãn cho bọn khiếp nhược.
Chúng ở quanh ta như những dấu hiệu muôn thủa.
Chúng lưu ý chúng ta đề phòng sự ngái ngủ,
lương tâm chúng ta, lý trí chúng ta
hay cả đến đôi tay ta cũng phải canh chừng.
Cảm ơn mi, ôi sự sống, vì những trách vụ nặng nề của chúng ta,
vì những con gà trống bướng bỉnh của mi;
Dẫu ta đi đâu, ta lánh mặt ở đâu
chúng vẫn tìm được ta.
 
Cảm ơn mi vì những sự thức tỉnh,
những lời cảnh cáo mà mi đã dành cho ta không ngớt,
dẫu như có những lời khắc nghiệt
đối với vô số những tội lỗi khác nhau
và vì sự thơ ngây trong trắng của mi,
vì sự mênh mông vô tận của biển
và, một lần nữa, vì những con gà trống của mi.
 
 

GHEN TUÔNG

 
Tôi ghen.
               Một điều bí mật như thế
Tôi chẳng ngỏ cùng ai.
Ở đâu đó, tôi biết,
                            Có một đứa trẻ
mà tôi ghen, a! tôi mới ghen làm sao!
Tôi ghen
              khi nó đánh lộn
— tôi chưa từng mạnh bạo đến thế —
Tôi ghen
với cách nó cười
— chưa bao giờ, thủa nhỏ, tôi lại cười như thế —
Nó đầy mình thương tích, nó chỉ có những cục u
— tôi bao giờ
                     cũng gọn gàng chải chuốt —
Tất cả những đoạn sách
                                     tôi bỏ qua,
giỏi hơn tôi,
                    nó sẽ đọc.
Ngay thẳng và chính trực
nó sẽ khu trừ sự xấu
dẫu cho sự xấu
                        có thể ích lợi cho điều tốt.
Ở đó nơi, đôi khi,
                           tôi bỏ bút
                                            tự nhủ: «vô ích!»
nó, nó sẽ đáp:
                      «thật hữu ích!»
                                                 và cầm lấy bút.
Khổ sở vì phải gỡ nút ư?
                                       Nó chặt đứt luôn.
Tôi, tôi không bao giờ có thể
                                            gỡ nút hay chặt đứt.
Nó mà yêu ư?
                       Nó sẽ có thể gìn giữ tình yêu.
Tôi, tôi vừa mới yêu,
                                tôi đã muốn biết một mối tình khác.
Tôi sẽ che giấu sự ghen tuông của mình,
                                                           tôi có thể cười toe toét
và giả bộ thơ ngây.
«Cần phải có ai kia vui vẻ
và khác biệt với những kẻ khác.»
Thuyết phục mình về điều ấy đối với tôi chẳng phải dễ
và trong lúc lặp đi lặp lại:
                                       «Mỗi người một mệnh số»
tôi không thể quên rằng có một đứa trẻ
ở bên nó, chút nữa đây, tôi sẽ chẳng là mấy tí.
 
 

CÓ NGƯỜI GÕ CỬA

 
«Ai đó?»
                  — «Tuổi già đây
                                              ta đến thăm mi.
— «Khoan.
                   Tôi đang dở.
                                        Bao nhiêu chuyện thúc hối.»
Tôi đã gọi dây nói,
                             đã viết, đã nuốt
                                                      cả một đĩa trứng chiên.
Khi tôi mở cửa
                       không thấy một ai hết.
Trò đùa ư? Lộn tên chắc?
Vậy là không phải
                            tuổi già
                                         mà là sự chín chắn.
Chờ đợi tôi đã mỏi,
                             nó thở dài
                                              rồi bỏ đi.
 
 

*

 
Tôi đã treo bài thơ tôi
                                  lên một cành cao.
Hãy nhìn nó
                                  vật lộn với gió.
Gỡ nó xuống,
                    em bảo tôi,
                                   đừng làm khổ nó nữa.
Người qua lại ngạc nhiên
                                   nhìn ngắm nó thật lâu.
Cái cây vẫy chào,
                                   lay động bài thơ.
Chả có gì cần đáp lại.
                                   Chúng ta phải đi thôi.
 
— Anh từ bỏ nó luôn ư?
                                   — Chắc thế.
Nhưng em đừng ngại, ngày mai một bài khác sẽ may hơn.
Em muốn tôi phải vất vả với những trò chơi đó?
Một bài thơ đâu có nặng gì đối với cành cây.
Em muốn bao nhiêu thơ tôi sẽ viết cho em bấy nhiêu,
có bao nhiêu cây
                                   thời sẽ có bấy nhiêu thơ.
Thế rồi, với em cũng như với tôi, chuyện sẽ ra sao nhỉ?
Có lẽ chúng ta sẽ quên đi tất cả thật mau!
Không!
             Cầu cho ta bất ngờ gặp mỏi mệt trên đường
và chúng ta sẽ có thể thấy lại
                                   chốn kia
                                              nơi, rực rỡ,
cái cây
            vẫy chào,
                            lay động bài thơ.
Lúc ấy nụ cười của ta sẽ trở lại.
                                                — Thôi nào!
 
 
----------------------------
Đã đăng:
 
Ghi chú của người dịch:
YEVGENY YEVTUSHENKO, nhà thơ Nga hiện đại, sinh năm 1933, sống ở Tây-bá-lợi-á tới mãi 1944. Kế đó, ông học tại Viện văn học Matx-cơ-va (1951-1954).Tập thơ đầu tiên của ông, tựa là Kẻ chinh phục tương lai, được xuất bản năm 1952. Ông bắt đầu nổi tiếng về thơ vào khoảng giữa những năm 1950. Sang những năm 1960, Yevgeny Yevtushenko trở thành một trong những nhà văn có uy tín nhất ở Liên Sô: người đọc (và nghe ông đọc) thơ ông hết sức đông đảo. Thơ ông vào thời kỳ này có tầm quan trọng lớn về xã hội... Nhiều bài đã được Dmitri Shostakovich dùng để soạn nhạc, như bài «Babii Yar» thời danh mở đầu cho «Hòa tấu khúc thứ mười ba» (mặc dù đã phải sửa đổi một số lời).
 
Trong bộ Lịch sử văn học Nga, thế kỷ XX, tập 3 [Histoire de la littérature russe, le XXè siècle *** (Fayard, Paris, 1991)], các tác giả đã dành cho Yevtushenko những đoạn dài: người ta cho rằng thơ ông đánh dấu một giai đoạn đổi thay quyết liệt trong lịch sử nước Nga và thơ Nga, nhưng cũng ghép cho ông những từ như «hãnh tiến», «cơ hội», được chế độ của ông K. «dung dưỡng»... Trong cuốn Những tiếng nói trong tuyết, bà Olga Andreyev-Carlisle (cháu của văn hào Nga Léonide Andreyev) đã để cả chương 8 ở phần III để viết về Yevtushenko và các bạn nghệ sĩ của ông. Ở một chương khác trong sách còn có một khúc «phim» ngắn rất linh hoạt về Yevtushenko [Des voix dans la neige (François Maspéro, Paris, 1964)]. Theo chứng từ của một số các nhà văn học Nga, Yevtushenko được coi như khá tích cực bênh vực tự do: người ta ghi nhận «những can thiệp công khai» của ông kéo dài mãi tới thời Gorbachev...
 
Để dịch các bài trong tuyển tập Những đêm trắng của Yevtushenko, tôi đã sử dụng một số bản Pháp văn của Serge Romensky và Paul Chaillot: Trois minutes de vérité (Julliard, Paris, 1963) và của Élisabeth Soulimov: De la cité du Oui à la cité du Non (Grasset, Paris, 1970). Tựa đề chung cho tuyển tập, tôi đặt theo một bài của Yevgeny Yevtushenko...

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021