thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thế nào thì gọi là thơ?

 

[Đọc bài “Thưa, chỉ là cảm nghĩ có vần...” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, tôi không có ý kiến gì về bức tranh của Cù Huy Hà Vũ, về bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm và về nhận xét của nhà thơ Đỗ Trung Quân đối với bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Tuy nhiên, tôi chỉ băn khoăn về câu khẳng định “bài thơ ấy không phải là thơ”. Tôi cũng đã nghe nhiều người nói như vậy trong những hoàn cảnh và với những mục đích khác nhau.]

 

Có lẽ thời điểm những câu “không phải thơ” xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử văn học Việt Nam là vào thập niên 1930 trong cuộc tranh luận giữa Thơ Mới và thơ cũ. Cuộc tranh luận này kéo dài nhều năm và đã được nhiều người nhắc nhở, bởi vậy tôi xin phép khỏi nhắc lại dông dài. Tôi chỉ xin phép nêu ra vài ví dụ thú vị. Chẳng hạn, khi bài thơ “Tình già” của Phan Khôi ra đời và được các nhà thơ mới đón chào nồng nhiệt, coi đó như là một sự mở đường cho một trào lưu mới thì có không ít người phản đối, cho nó không phải là thơ. Ông Trình Tùng làm thơ chế giễu Phan Khôi và những người làm thơ mới như sau:

Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối,
Noi gương Hồ Thích làm thơ mới
Câu dài, câu ngắn chẳng ra sao,
Vần đụp, vần đơn nghe thật thối,
Hăng hái, Thị Kiêm diễn thuyết khen,
Nhiệt thành, Thế Lữ lao công mãi.
Phải chăng muốn diễn ý tân kỳ?
Hay tại làm thơ cũ kém giỏi?
 

Những người thuộc phái thơ cũ chê thơ mới không phải là thơ; còn những người thuộc phái thơ mới thì cũng chê những người thuộc phái thơ cũ không tiếc lời. Với họ, thơ cũ không phải là thơ. Lưu Trọng Lư có mấy câu chế giễu thơ cũ:

Đôi lời nhắn nhủ bạn làng Nho
Thơ thẩn, thẩn thơ, khéo thẫn thờ
Nắn nót miễn sao nên bốn vế
Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ
 

Điều thú vị là ngay chính những người theo phong trào thơ mới cũng công kích thơ mới của nhau. Theo Thanh Lãng, trong cuốn Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932, trên báo Phong Hóa, Thạch Lam nhận xét về thơ mới của những nhà thơ mới không... mới theo kiểu mới của ông:

- Cái đặc tính thứ nhất - và cũng lạ lùng nhất - là những bài đó không phải là thơ.
 
- Cái đặc tính thứ hai là không có vần.
 
- Cái đặc tính thứ ba là đọc lên nghe sang sảng như những mảnh sắt vụn người ta để trong bao gai mà xóc lên.
 
- Cái đặc tính thứ tư là không có nghĩa lý gì hết.
 
- Còn cái đặc tính thứ năm nữa, cái đặc tính này không phải của thơ, mà của người viết ra những thơ đó, cái đặc tính ấy là ...xuẩn.
 

Cũng trên Phong Hóa, Lê Ta (tức Thế Lữ), một trong những người được gọi là tiên phong trong phong trào thơ mới, phê bình thơ của Nguyễn Vỹ rằng: “Am hiểu âm luật, biết nói đến những chữ trật tự, quy tắc, biết chê sự hỗn độn, hồ đồ, lại biết ghét những cái ngớ ngẩn ngây ngô, mà viết ra những thơ như trên kia, thì viết làm gì?”[1]

Rồi vào giữa thập niên 1950 khi thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền xuất hiện, nhiều người cũng công kích kịch liệt. Họ cho đó là lối viết cầu kỳ, lập dị, tối tăm, làm dáng, và... không phải là thơ. Dĩ nhiên những người trong nhóm Sáng tạo cũng không phải là hiền lành. Họ cũng mạt sát lại những người chê bai họ với lý do thơ của những người ấy không phải là thơ. Các cuộc tranh luận về thơ tự do vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 tuy không sôi nổi như cuộc tranh luận về thơ cũ và thơ mới trước đó những cũng kéo dài dây dưa khá lâu. Có người lúc trước đả kích thơ Thanh Tâm Tuyền nhưng sau đó lại hết lời ca ngợi ông (như trường hợp của Lê Huy Oanh trên tạp chí Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền).

Gần đây, trước những bài thơ đổi mới của nhiều nhà thơ trẻ, một số người cũng chê bai tương tự. Họ cho đó không phải là thơ. Trước những lời chê bai ấy, nhà thơ Lý Đợi thuộc nhóm Mở Miệng, mỉa mai:

Còn quý vị, những người đương thời của chúng tôi, không nhìn thấy chúng tôi (dù chúng tôi có cần hay không cần quý vị), bởi quý vị cứ nghĩ rằng chúng tôi không làm thơ. Vậy thôi, vậy là đủ đóng cửa nhận thức của mình lại mãi mãi, cho đến khi xuống mồ. So với thẩm mỹ của quý vị, trong thẩm mỹ của quý vị, từ lâu rồi chúng tôi đâu còn làm thơ.[2]
 

Qua một số ví dụ kể trên, chúng ta thấy vấn đề thơ hay không phải là thơ là một vấn đề đã có từ lâu và rất phức tạp. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn mở đầu cuốn Tìm thơ trong tiếng nói (Thanh Văn xuất bản ở Mỹ năm 1992) bằng cách nhắc lại một câu nói của Cao Bá Quát ngày xưa: “Phù, thi chi, nan ngôn dã” (Ôi, cái chuyện thơ, nói thật là khó vậy). Tại sao thơ lại khó nói? Ngày xưa người Tàu cho là vì thơ ở ngoài lời (ý tại ngôn ngoại). Ngày nay người Tây phương cho là tại không thể làm các cuộc xét nghiệm DNA cho thơ được (“There is no DNA test for poetry”).[3] Shira Wolosky mở đầu cuốn The Art of Poetry (2001) bằng lời khẳng định: “Thơ có thể là nhiều thứ” (Poetry can be many things). Giannina Braschi (người Puerto Rican, sinh năm 1953), một nhà thơ đa ngữ nổi tiếng (tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh-Tây Ban Nha, Spanglish) diễn tả hay hơn:

Thơ là người đàn bà điên la hét. Mọi thứ đều dường như là thơ. Người điên nhìn lên cao. Mọi thứ đều dường như rồ dại. Người điên không hề sợ mặt trăng, không hề sợ lửa. Những vết cháy của xác thịt là thơ. Những vết thương của người điên là thơ. Tội ác của phù thủy đã là thơ. Điều kỳ diệu biết cách tìm thấy thơ của nó. Tinh tú không là thơ trước khi người đàn bà điên phát hiện ra nó.
 
(Poetry is this screaming madwoman. Everything seems poetry. Madmen gaze high. Everything seems madness. Madmen fear no moon, fear no fire. Burns of flesh are poetry. Madmen's wounds are poetry. The witch's crime was poetry. Magic knew how to find its poetry. The star wasn't poetry before the madwoman discovered it.)
 

Khi dịch thơ, tôi cũng tìm đọc khá nhiều lời phát biểu về thơ của các thi sĩ lớn và tôi nhận ra hình như không có quan điểm nào là được mọi người đồng ý. Người xưa cho thơ là sự tuôn trào của cảm xúc và sự thể hiện của cá tính, T.S. Eliot, trong bài “Tradition and the Individual Talent” (1919), lại cho thơ lại cho thơ là sự trốn thoát khỏi cảm xúc và khỏi cá tính (“an escape from emotion” và “an escape from personality”). Người xưa cho thơ là phải có ý, Stephane Mallarme lại cho người ta làm thơ không phải với ý mà với chữ (“You don't make a poem with ideas, but with words”), v.v…

Một điều khác tôi cũng nhận thấy là hình như không có ai dám tuyên bố dứt khoát mình biết thơ là gì. Nhà thơ gần đây tôi thích và đọc nhiều nhất là Nicanor Parra thì tự nhận thơ ông không phải là thơ, chỉ là thơ-phản-thơ. Vậy mà giới phê bình lại đánh giá ông cao, cho đó mới đích thực là thơ. Hoàng Ngọc-Tuấn gọi đó là hành động “phản thơ để cứu thơ”.

Người-cứu-thơ ấy đã khuyên các nhà thơ trẻ như thế này:

Những nhà thơ trẻ:
Hãy viết bất cứ cách nào bạn thích
Quá nhiều máu đã chảy dưới cầu
để còn tiếp tục tin
rằng chỉ có một con đường là đúng.
Trong thơ mọi sự đều được phép.
                  (Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)
 

Việc trích dẫn có thể kéo dài vô tận. Tuy nhiên, có thể nói tóm lại, Phân biệt thế nào là thơ, thế nào không phải là thơ là một điều cực kỳ phức tạp. Quan niệm về thơ thay đổi theo từng trường phái và thời đại. Ngay trong một trường phái và một thời đại thì chúng cũng có sự khác biệt lớn giữa người này và người kia. Không một ai dám đưa ra một danh sách những tiêu chí rõ ràng về thơ như một khuôn mẫu để chỉ cần đưa vào cái “khuôn” ấy một bài thơ vào là có thể khẳng định nó... lọt khuôn hay trật khuôn.

 

_________________________

[1]http://chimviet.free.fr/vanhoc/thanhlng/thll054b.htm

[2]http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1589&rb=0306

[3]http://www.abc.net.au/rn/arts/poetica/whatispoetry.htm

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021