thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác văn

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

ETGAR KERET

(1967~)

 

Etgar Keret là một trong những khuôn mặt văn nghệ hàng đầu của Do-thái hôm nay. Là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, truyện bằng tranh, và cũng là một nhà làm phim, anh bắt đầu viết từ năm 1991 và gửi đăng trên một số tạp chí ở Do-thái. Năm 1992, anh xuất bản tập truyện đầu tiên Tzinorot [Những cái ống], và trong thập niên đó anh tung ra nhiều tập truyện khác, với bút pháp độc đáo, nổi tiếng nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến nhiều nhà văn cùng thế hệ.
 
Keret đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương và điện ảnh, trong đó có Prime Minister’s Award for Literature; Ministry of Culture’s Cinema Prize; Israel Film Academy Award; giải nhất của Munich International Festival of Film Schools; và giải Camera d’Or tại liên hoan điện ảnh Cannes. Năm 2006, anh được Israel Cultural Excellence Foundation chọn như một nghệ sĩ ngoại hạng.
 
Phê bình gia Phillip Lopate nhận định rằng truyện ngắn của Etgar Keret mang phong thái “hậu hiện đại một cách không cần cố gắng” (“effortlessly postmodern”), kết hợp những lối viết mang tính chất tự phản tỉnh, phóng tưởng, hiện thực thần kỳ và ý niệm. Giọng văn của anh trẻ trung và mới mẻ một cách dễ dàng, và Salman Rushdie cho rằng đó là “giọng của thế hệ kế tiếp” (“the voice of the next generation”).

 

______

 

TÁC VĂN

 

Maya viết truyện ngắn đầu tiên về một thế giới trong đó con người tự phân đôi chính mình, thay vì sinh đẻ. Trong thế giới đó, vào bất cứ lúc nào, mỗi người đều có thể biến thành hai người có số tuổi bằng nửa số tuổi của mình. Có những người thích làm điều này lúc còn trẻ; chẳng hạn, một chàng mười tám tuổi có thể phân ra thành hai cậu bé chín tuổi. Có những người khác thích đợi cho đến khi đã ổn định nghề nghiệp và tài chính, và chỉ tự phân đôi ở tuổi trung niên. Nhân vật nữ trong truyện của Maya thì không hề phân đôi. Bà đã đến tuổi tám mươi và, mặc dù không ngừng chịu đựng sức ép của xã hội, bà vẫn khăng khăng không chịu phân đôi. Cuối truyện, bà chết.

Đó là một truyện hay, trừ đoạn kết. Có một chút gì đáng thất vọng ở chỗ đó, Aviad nghĩ như thế. Đáng thất vọng và dễ đoán. Nhưng, trong lớp tác văn mà nàng theo học, Maya lại nhận được nhiều lời khen ngợi về đoạn kết ấy. Ông giảng viên, có lẽ là nhà văn có tiếng tăm, mặc dù Aviad chưa bao giờ nghe đến tên tuổi của ông ấy, đã nói với nàng rằng có một cái gì làm đau nhói tâm hồn trong sự tầm thường của đoạn kết ấy, nếu không thì nó cũng chỉ là mảnh giấy lộn. Aviad thấy Maya rất sung sướng về lời khen đó. Nàng đã rất phấn khích khi nàng kể cho chàng nghe điều đó. Nàng đã thuật lại những lời khen của nhà văn ấy với giọng thành kính như cách người ta đang đọc một đoạn ca thi trong Thánh Kinh. Và Aviad, dù chính chàng từ đầu đã cố gắng đề nghị nàng chọn một lối kết thúc khác, thì bây giờ chàng lại thoái bộ và nói rằng chẳng qua đó là một vấn đề thuộc về khẩu vị và rằng chàng thực sự không hiểu nhiều về điều đó.

Chính mẹ của nàng đã khuyên nàng nên theo học một khóa luyện tác văn. Bà nói rằng một đứa con gái của một bà bạn đã tham dự một khóa và đã rất thích thú. Aviad cũng nghĩ rằng Maya nên đi ra ngoài nhiều hơn và nên làm một điều gì đó. Chàng có thể luôn luôn vùi mình trong công việc, nhưng, từ khi nàng bị hư thai, nàng không bao giờ rời khỏi nhà. Bất cứ lúc nào chàng về nhà, chàng cũng thấy nàng trong phòng khách, ngồi thẳng tắp trên ghế. Không đọc sách, không xem tivi, thậm chí cũng chẳng khóc. Khi Maya lưỡng lự về khóa học, Aviad biết cách thuyết phục nàng. “Cứ đi thử một lần xem thế nào,” chàng nói, “thì cũng như đứa bé đi chơi cắm trại ban ngày vậy mà.” Thế rồi chàng mới nhận ra rằng mình đã hơi vô tâm một chút khi lấy một đứa bé để làm ví dụ, sau những gì họ đã trải qua suốt hai tháng trước đó. Nhưng Maya lại mỉm cười và nói trò chơi cắm trại ban ngày có lẽ đúng là điều mà nàng cần.

Truyện ngắn thứ nhì, nàng viết về một thế giới nơi bạn chỉ có thể nhìn thấy những người mà bạn thương yêu. Nhân vật chính là một người đàn ông đã có gia đình và rất yêu vợ. Một ngày nọ, trong hành lang, bà vợ thình lình đi tới và tông thẳng vào ông, khiến cặp mắt kiếng ông đang cầm rơi xuống vỡ nát trên nền nhà. Vài ngày sau, ông đang ngủ gật trên một chiếc ghế bành, thì bà vợ ngồi phịch lên ông. Cả hai lần, bà đều có lý do để tự bào chữa: lần trước bà đang mải suy nghĩ một điều gì đó; lần này bà quên nhìn xuống ghế trước khi ngồi. Nhưng ông chồng bắt đầu nghi ngờ rằng bà không còn yêu ông nữa. Để thí nghiệm cái lý thuyết của mình, ông quyết định làm một điều quá trớn: ông cạo sạch ria mép phía bên trái. Ông về nhà với nửa bộ ria, tay cầm một bó hoa hải quỳ. Vợ ông cảm ơn ông đã tặng hoa, rồi mỉm cười. Ông có thể cảm nhận bà đang hụt hẫng trong khoảng không khi bà cố gắng hôn ông. Maya đặt nhan đề cho truyện là “Nửa Bộ Ria”, và kể cho Aviad rằng khi nàng đọc cho mọi người trong lớp nghe, có vài người đã khóc. Aviad nói “Tuyệt,” rồi hôn lên trán nàng. Đêm đó, họ cãi nhau về một chuyện bá láp. Nàng quên thuật lại cho chàng một lời nhắn của ai đó hay đại loại như vậy, và chàng gào vào mặt nàng. Thái độ của chàng rất đáng khiển trách, và cuối cùng chàng đã xin lỗi. “Anh đã trải qua một ngày như địa ngục ở sở làm,” chàng nói và ve vuốt chân nàng, cố làm lành để chuộc lại cơn nóng giận. “Em có tha thứ cho anh không?” Nàng tha thứ cho chàng.

Ông giảng viên đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết và một tậo truyện ngắn. Cả hai chẳng thành công gì cho lắm, nhưng cũng được vài bài điểm sách khen ngợi. Ít nhất thì đó là những gì mà bà bán sách gần văn phòng của Aviad đã nói với chàng. Cuốn tiểu thuyết rất dày, sáu trăm hai mươi bốn trang. Aviad mua cuốn tuyển tập truyện ngắn. Chàng để nó trong ngăn kéo và cố gắng đọc chút ít trong giờ ăn trưa. Mỗi truyện trong tuyển tập đã xảy ra tại một quốc gia khác nhau. Quả là một trò tiểu xảo. Trên tờ bao bìa sách có in lời giới thiệu rằng tác giả đã từng làm việc như một người hướng dẫn du lịch ở Cuba và châu Phi, và những cuộc du hành của ông đã ảnh hưởng đến bút pháp của ông. Lại còn có một tấm ảnh đen-trắng của ông. Trong đó, ông có một kiểu cười chúm chím của kẻ cảm thấy mình may mắn được là người như chính mình. Ông nhà văn đã nói với Maya, rồi nàng kể lại cho Aviad, rằng khi khóa học kết thúc, ông sẽ gửi những truyện ngắn của nàng cho nhà biên tập của ông. Và, tuy nàng cũng không nên hy vọng quá đáng, nhưng thật ra các nhà xuất bản thời bây giờ đang tuyệt vọng tìm kiếm tài năng mới.

Truyện ngắn thứ ba của nàng mở đầu rất khôi hài. Nàng kể chuyện một người đàn bà đẻ ra một con mèo. Nhân vật chính của truyện là một ông chồng — ông nghi ngờ rằng con mèo không phải là con của ông. Có một con mèo đực màu gừng mập mạp thường đến ngủ trên nắp thùng rác ngay dưới cửa sổ buồng ngủ của vợ chồng ông, và mỗi lần ông bước xuống lầu để bỏ rác, thì nó nhìn ông với một ánh mắt rất ư là trịch thượng. Rốt cuộc, có một trận đụng độ dữ dằn xảy ra giữa ông chồng và con mèo đực. Ông chồng ném một hòn đá vào con mèo đực, và nó cắn và cào lại ông. Ông chồng bị thương, cùng vợ và con mèo con còn bú mẹ, đi gặp bác sĩ để chích một liều thuốc ngừa bệnh dại. Ông cảm thấy xấu hổ và đau đớn nhưng cố gắng không khóc trong lúc chờ đợi. Con mèo con, cảm nhận được sự đau đớn của ông, chui ra khỏi vòng tay của mẹ, trèo đến với ông và dịu dàng liếm mặt ông, kêu lên một tiếng an ủi “Meo”. “Anh có nghe không?” bà mẹ hỏi với giọng xúc động. “Nó kêu ‘Bố’ đấy.” Ngay giây phút đó, ông chồng không thể nào ngăn được hai dòng nước mắt. Và, khi Aviad đọc đoạn đó, chàng cũng cố gắng hết sức để khỏi khóc. Maya nói rằng nàng đã bắt đầu viết truyện đó trước khi nàng biết mình có bầu một lần nữa. “Anh thấy lạ lùng không?” nàng hỏi, “làm sao bộ óc của em chưa biết, mà tiềm thức của em đã biết rồi?”

Hôm thứ Ba của tuần kế tiếp, khi Aviad phải đi đón nàng sau giờ học như thường lệ, chàng lại đến sớm hơn nửa tiếng đồng hồ, đâu xe hơi, rồi đi tìm nàng. Maya ngạc nhiên khi thấy chàng bước vào lớp học, và chàng nằng nặc đòi nàng giới thiệu chàng cho ông nhà văn. Ông nhà văn tỏa nồng mùi dầu thơm đàn ông. Ông hờ hững bắt tay chàng và nói rằng nếu Maya đã chọn chàng làm chồng thì chàng nhất định phải là một con người rất ư là đặc biệt.

Ba tuần sau, Aviad ghi danh học lớp tác văn sơ cấp. Chàng không nói cho Maya biết điều ấy, và, để bảo đảm, chàng dặn cô thư ký của chàng rằng nếu có cú điện thoại nào từ nhà gọi đến sở thì cô nên nói rằng chàng đang bận trong một cuộc họp quan trọng nên không thể nhận điện thoại được. Những bạn học cùng lớp với chàng thì hầu hết là những bà già, nhìn chàng với ánh mắt cau có. Cô giảng viên mảnh dẻ và trẻ trung mang một chiếc khăn choàng đầu, và đám đàn bà trong lớp bịa chuyện nói xấu về cô, họ nói rằng cô sống trong khu tập thể của vùng bị chiếm đóng và cô có bệnh ung thư. Cô yêu cầu mọi người làm một bài tập viết theo cách tự động. “Hãy viết ra bất cứ thứ gì đến với trí óc của quý vị,” cô nói. “Đừng suy nghĩ, chỉ viết thẳng ra.” Aviad cố gắng ngưng suy nghĩ. Thật khó. Chung quanh chàng, những bà già đang viết ào ào, giống như những đứa học trò đang cắm cổ viết cho kịp giờ chấm dứt cuộc thi trước khi thầy giáo bảo đặt bút xuống bàn; và rồi sau vài phút, chàng cũng bắt đầu viết.

Chàng viết một câu chuyện về một con cá đang bơi tung tăng theo dòng nước biển thì một mụ phù thủy độc ác biến nó thành một người đàn ông. Con cá không thể thích ứng với sự biến thái ấy, nên quyết định truy tầm mụ phù thủy độc ác để bắt mụ phải biến cho nó trở lại thành một con cá. Vì nó là một con cá đặc biệt nhanh nhẹn và năng động, nên trong thời gian đang truy tầm mụ phù thủy, nó đã kết hôn với một phụ nữ và thậm chí nó còn thành lập một công ty nhỏ chuyên nhập cảng những vật dụng bằng nhựa từ Viễn Đông. Nhờ có khối kiến thức khổng lồ mà nó đã thu hoạch được từ khi còn là một con cá bơi xuyên qua bảy đại dương, nó làm cho công ty trở nên thịnh vượng và nổi tiếng. Trong lúc đó, mụ phù thủy độc ác cảm thấy hơi mệt mỏi sau nhiều năm sống với sự độc ác, bèn quyết định tìm lại tất cả những con người và những con vật đã vướng phải bùa tà của mụ để mụ xin lỗi họ và trả họ về với nguyên thể của họ. Có một lần, mụ còn dám tìm gặp con cá đã bị mụ làm cho biến thành con người. Người thư ký của con cá bảo mụ hãy đợi cho đến khi ông chủ kết thúc cuộc họp qua vệ tinh với những hợp tác viên của ông ở Đài Loan. Vào thời điểm đó của cuộc sống, con cá khó mà nhớ lại rằng nguyên thể đích thực của nó là một con cá mà giờ đây lại làm chủ một công ty bao trùm nửa quả địa cầu. Mụ phù thủy đợi suốt mấy tiếng đồng hồ, cho đến khi mụ nghĩ rằng cuộc họp khó mà kết thúc sớm, thì mụ leo lên cái chổi và bay đi mất. Con cá càng ngày càng thành công, cho đến một hôm, khi nó đã rất già, nó nhìn qua cửa sổ của một trong hàng chục tòa dinh thự khổng lồ dọc theo bờ biển mà nó đã tậu được trong một thương vụ bất động sản khôn ngoan, và nó nhìn thấy biển. Và đột nhiên nó nhớ lại rằng nó là một con cá. Một con cá rất giàu sang đã làm chủ hàng loạt công ty đầu tư chứng khoán trên khắp hoàn cầu, nhưng vẫn là một con cá. Một con cá suốt bao nhiêu năm qua chưa hề nếm vị muối của đại dương.

Khi cô giảng viên thấy Aviad đặt bút xuống, cô nhìn chàng với ánh mắt tò mò. “Tôi không viết được đoạn kết,” chàng nói thầm thì như xin lỗi, giữ giọng mình rất nhỏ để khỏi làm phiền những bà già còn đang hì hục viết.

 

 

---------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Creative Writing” (do Sondra Silverston chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Hebrew của Etgar Keret), trên tạp chí New Yorker (January 2, 2012).
 

 

 

Những truyện ngắn của Etgar Keret qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn:

Todd  (truyện / tuỳ bút) 
Todd, bạn tôi, muốn tôi viết cho nó một cái truyện ngắn có khả năng giúp nó đem những cô gái vào giường. “Mày đã viết được những truyện làm cho bọn con gái khóc,” nó nói. “Và những truyện làm cho chúng cười. Thế thì bây giờ mày hãy viết một truyện có khả năng làm cho chúng nhảy vào giường với tao.”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Người bạn thân nhất của tôi  (truyện / tuỳ bút) 
Tối hôm qua, người bạn thân nhất của tôi đã đái lên cửa nhà tôi. Tôi sống trong một căn ở tầng bốn, không có thang máy. Những con chó đực đôi khi đái lên cửa để đánh dấu lãnh thổ, để những con chó đực khác khỏi lảng vảng đến gần. Nhưng hắn đâu có phải là chó, hắn là người bạn thân nhất của tôi. Và ngoài ra, chỗ này đâu có phải là lãnh thổ của hắn, đó là cánh cửa trước của nơi tôi ở... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những giọt thuốc  (truyện / tuỳ bút) 
Cô bồ của tôi nói rằng một người nào đó ở Mỹ đã phát minh một thứ thuốc chống lại cảm giác cô đơn. Hôm qua nàng đã nghe tin đó trên chương trình Nightline, và bây giờ nàng gửi một bức thư bảo đảm cho chị của nàng, nhờ bà ấy gửi cho nàng một thùng đựng đầy thứ thuốc ấy. Trên Nightline, họ nói rằng tất cả các đại lý bán lẻ ở vùng duyên hải phía đông nước Mỹ đã bày bán, và ở New York nó là một món hàng bán chạy nhất. Nó có hai hình thức, chai nhỏ giọt hoặc bình xịt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bức tranh  (truyện / tuỳ bút) 
... Người đối tác có một khuôn mặt xinh đẹp, và một cơ thể thật sự khiến cho bạn nổi nứng. Giả sử bạn bị cái cơ thể ấy cám dỗ dữ dội. Bạn đang toát mồ hôi. Biết gì không? Hãy để tôi làm cái tình hình này dễ dàng hơn cho bạn: Giả sử người đối tác là một cô gái. Một cô gái với một khuôn mặt rất quyến rũ và một cơ thể khiến bạn nổi nứng. Nào, hãy để tôi mở một cánh cửa sổ. Dễ thở hơn chứ?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Sự kiên nhẫn  (truyện / tuỳ bút) 
Con người kiên nhẫn nhất thế giới đang ngồi trên một băng ghế dài gần Trung tâm Dizengoff. Không có ai ngồi trên băng ghế bên cạnh hắn, không có cả những con bồ câu. Những thằng dâm tặc quái đản trong những cầu tiêu công cộng đang tạo ra những tiếng động ồn ào, dị hợm đến mức bạn không thể làm ngơ được. Con người kiên nhẫn nhất thế giới đang cầm một tờ báo, giả vờ đọc. Thật ra hắn không đọc mà đang chờ đợi một điều gì đó. Chẳng ai biết điều đó là gì... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đập vỡ con heo  (truyện / tuỳ bút) 
... “Heo yêu thích những cánh đồng,” tôi nói với Margolis trong lúc tôi đặt nó xuống mặt đất, “đặt biệt những cánh đồng đầy những bụi gai. Mày sẽ rất thích ở nơi này.” Tôi đợi Margolis đáp lại, nhưng nó không nói một lời, và khi tôi sờ vào mũi nó để giã từ, nó chỉ nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Nó biết nó sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Điếu ca cho một giấc chiêm bao  (truyện / tuỳ bút) 
Mọi sự bắt đầu từ một giấc chiêm bao. Rất nhiều chuyện phiền toái trong đời tôi bắt đầu từ một giấc chiêm bao. Và trong giấc chiêm bao ấy tôi đứng sau một xe bán hot dog tại một ga tàu lửa trong một thành phố lạ. Một đám khách sốt ruột đang chen nhau quanh quầy. Tất cả họ đều nôn nao, mất kiên nhẫn. Tôi không thể hiểu nổi họ. Họ đang khẩn thiết muốn ăn một ổ hot dog, họ lại sợ trễ chuyến tàu. Họ sủa những mệnh lệnh vào mặt tôi bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng nghe như một hỗn hợp đáng sợ của tiếng Đức và tiếng Nhật. Tôi trả lời họ cũng bằng thứ ngôn ngữ lạ lùng, phiền nhiễu ấy... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đôi mắt lấp lánh  (truyện / tuỳ bút) 
... “Hãy cho tớ biết,” bé xoay sang hỏi nó ngay lập tức, không do dự một giây đồng hồ, “cậu đã lấy cặp mắt lấp lánh ấy từ đâu vậy hả?” “Nó chỉ xảy ra như thế.” “Vậy thì tớ phải làm gì để nó cũng chỉ xảy ra như thế cho tớ?” bé kêu lên. “Tôi nghĩ bạn cần phải mong muốn một điều gì đó nhiều khủng khiếp, và khi điều đó vẫn không xảy ra, thì cặp mắt của bạn sẽ bắt đầu lấp lánh, chỉ vậy thôi.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Khi chiếc phi thuyền đầu tiên đáp xuống mặt trăng, các phi hành gia chẳng tìm thấy ai ở chung quanh. Họ chỉ thấy có hàng triệu cái hố tròn. Thoạt đầu, các phi hành gia nghĩ rằng những cái hố tròn ấy là những huyệt mộ của những con người đã từng sống trên mặt trăng. Chỉ đến khi quan sát gần hơn, họ mới phát hiện rằng những cái hố tròn ấy chỉ là những ý tưởng về sự trống rỗng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cô bồ của tôi ở truồng  (truyện / tuỳ bút) 
Ngoài kia, mặt trời đang chiếu sáng, và trên thảm cỏ dưới sân, cô bồ của tôi đang nằm trần truồng. Hăm mốt tháng sáu, ngày dài nhất trong năm. Đi ngang qua trước toà nhà chúng cư nơi bọn tôi ở, người ta ngoảnh đầu nhìn nàng, thậm chí có người tìm lý do để dừng lại — họ phải cột dây giày, chẳng hạn, hay họ đã đạp nhằm cứt chó ở đâu đấy và nhất định phải dừng lại đúng ngay vào lúc này để chùi cho sạch đế giày... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ảo thuật với cái mũ  (truyện / tuỳ bút) 
... Thế rồi “Allakazeem—Allakazam!” và con thỏ chui ra. Bao giờ nó cũng làm bọn trẻ con ngạc nhiên. Và chẳng phải chỉ có bọn trẻ con — cả chính tôi nữa. Mỗi lần bàn tay tôi chạm vào đôi tai buồn cười của nó trong cái mũ, tôi cảm thấy mình như một ông phù thuỷ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thứ keo điên rồ  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi bước qua tất cả các phòng ở trong nhà, chẳng thấy nàng ở đâu cả. Trên bàn nhà bếp tôi thấy ống keo đã dùng hết. Tôi thử kéo một chiếc ghế ra, để ngồi. Nó chẳng nhúc nhích. Tôi ráng kéo một lần nữa. Không nhích một phân. Nàng đã dán nó xuống sàn nhà... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những cái ống  (truyện / tuỳ bút) 
... Một đêm nọ, tôi làm một cái ống cực kỳ phức tạp, với rất nhiều khúc cuộn và những đoạn cong ngoặc, và khi tôi thả một hòn bi vào đó, nó không chạy ra ở đầu bên kia. Thoạt tiên tôi nghĩ hòn bi bị kẹt ở khúc giữa ống, nhưng sau khi tôi thử bỏ thêm chừng hai chục hòn bi nữa, tôi nhận ra rằng chúng chỉ đơn giản biến mất... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021