thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngưỡng cửa thiên đường “nóng”

 

Mỹ không phải là thiên đường, trừ phi là thiên đường “nóng”
(trích thư Tạ Tỵ gửi khi Thế-Uyên mới tới Bataan, 1986)
 

Cuối năm 1986

Sau 6 năm nạp đơn xin đi Mỹ đoàn tụ gia đình, với hồ sơ do cô em ruột của vợ tôi ở Seattle gửi về, vợ tôi được phép mang chồng và năm con ra phi trường Tân Sơn Nhất để chuẩn bị lên phi cơ. Nếu kể những gì, những chặng đường vợ chồng tôi đã phải trải qua trước ngày có chiếc xe đò thuê vừa đậu trước cửa nhà để chở bọn tôi ra phi trường, chắc phải viết một bài khác. Bây giờ thì gia đình tôi lên xe cùng hai bạn “cải tạo về”, cùng bạn bè của năm đứa con trai đi tiễn, cũng đủ cũng đầy một xe. Ngồi cùng vợ phía trên, cạnh tài xế, tôi nhìn khung cảnh cư xá Chí Hoà đã từng ở hai mươi năm, nay ra đi không một luyến tiếc nào vì chưa bao giờ trong đời, tôi bị đói, khổ, bị áp bức đủ đường, hạ nhục nhiều kiểu, như 12 năm vừa qua trong chế độ có cái tên dài thoòng là xã hội xã-hội-chủ-nghĩa.

Tâm trạng những người rời bỏ Việt Nam nhiều năm sau 30 tháng 4/75, dù ra đi bằng máy bay theo diện ODP như gia đình tôi hay vượt biển đầy bất trắc, tử vong và cưỡng hiếp, hay vượt biên đường bộ qua Miên qua Thái dài dằng dặc, khác hẳn tâm trạng của lớp người “di tản 75”. Lớp người di tản này ra đi trong hốt hoảng trước khi Cộng quân tới vì e ngại “Sài Gòn là biển máu”. Họ không sống tới một ngày dưới chế độ mới, không hề nhìn thấy tận mắt nón cối dép râu, chiếc mũ và bộ đồng phục mầu vàng kinh dị của Công an và...

Lớp đi sau như bọn tôi đã ê càng mỗi người một cách bởi Công an các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và nhiều ban ngành đoàn thể khác, do đó trên người, trong tâm hồn còn mang nhiều vết sẹo không thể nào xoá, quên trong cuộc đời này. Bỏ qua cho nhau thì được vì chiến tranh, cuộc nội chiến ấy, đã qua hơn 30 năm, nhưng bảo rằng quên đi, thì không được đâu. Những vết sẹo lúc bình thường không sao, nhưng những khi trái gió trở trời, như khi trông thấy cờ đỏ sao vàng, hình “bác Hồ”... vẫn cứ đau nhức như thường. Đôi khi ngồi nghĩ vẩn vơ, tôi tự hỏi ông già Hồ Chí Minh có dạy các cán bộ đảng viên khi thắng trận thì chà đạp hạ nhục dân thua trận miền Nam như thế chăng? Dám là có lắm, vì “dẫy núi Trường sơn” ông còn muốn chẻ dọc, đốt luôn nữa là...

Ngay trong thời Cải cách Ruộng Đất trước 1954, khi các bá cáo gửi về nói là đẫm máu vô ích, oan uổng nhiều, tưởng ông già ra lệnh đình chỉ hay sửa đổi, ông già chỉ nói: “Không muốn dội một gáo nước lạnh lên lưng cán bộ...” rồi để mặc mọi sự diễn tiến đến chót. Chỉ sợ cán bộ bị cảm lạnh, không một lời thương xót nhân dân, oan hay không oan mặc kệ. Chẳng trách khi chết bị đàn em đem phơi thây ướp lạnh giữa thành phố đông người, không được chôn cất đàng hoàng ở núi Tam Đảo như lời di chúc. Theo truyền thống Đông phương, chỉ những người phạm tội nặng, về chính trị cũng như hình sự, khi chết mới phải phơi thây giữa chợ, nơi công cộng. Ông già ấy ác ngầm... nhưng thế chưa đủ là tội để không được “mồ yên mả đẹp”. Vậy cứ nói, ca tụng ông là một chính trị gia có tài, đừng nói ông là một người nhân từ, và thương dân Việt Nam không điều kiện. Như vậy, lấy công trừ tội, hãy chấm dứt cảnh bắt ông phơi thây cho người đời tò mò nhìn ngắm, đưa ông về an nghỉ vĩnh viễn nơi mong muốn là núi Tam Đảo. Còn nguyện ước của ông mong mỗi người đến thăm viếng sẽ mang một cây nhỏ trồng lên núi cho núi xanh um lên, là một ý kiến hay, hợp với mọi phong trào ‘xanh’ trên thế giới.

Đến phi cảng, vào trình diện các chức sắc nội địa và đại diện HCR (Cao uỷ Tị nạn của Liên Hiệp quốc), lãnh thẻ nhận diện để cài lên ngực, bọn tôi được ra ngoài lần chót để đưa thân nhân những gì bị cấm đem theo cùng tiền Việt Nam không dùng tới nữa. Danh sách những gì cấm đem theo ra nước ngoài được lập theo nguyên tắc xoá bỏ chế độ cũ, kỹ đến mức độ những hinh ảnh mặc đồ lính của tôi trong các album, đều bị bóc ra vứt lại. Những thư từ hai vợ chồng viết cho nhau trong biết bao năm bị coi là “bản thảo”, cấm đem theo, cấm gửi ra nước ngoài, Anh chàng trung uý bộ binh là tôi, trong 12 năm, bị biến mất. Chỉ còn Nguyễn Kim Dũng, chồng của “chị Nguyễn Thuý Sơn”, được khoan hồng cho phép đi theo vợ.

Chỉ tôi và đứa con trai lớn đi ra. Con trai ra đưa tiền Việt Nam còn lại cho các bạn và dặn họ, sau khi phi cơ đã cất cánh hẳn hoi và phóng lên trời cao rộng, họ mới được rời phi trường để rồi tối họ sẽ gặp nhau nhậu hậu-tiễn-hành. Phải dặn cẩn thận như thế vì Đảng Cộng Sản nhiều khi đùa giật gân huỷ bỏ chuyến bay, hay khách đã tập họp sắp lên xe chở ra phi cơ, còn bị phóng thanh gọi trở lại trình diện Công an sân bay với “lý do sẽ cho biết sau”. Một người bạn Không quân của tôi đã bị gọi lại kiểu này, vài tháng sau mới được ra đi lại. Lý do là anh và gia đình trước kia ở một cư xá không quân trong phi trường. Thấy miền Nam lâm nguy, anh tống hết vợ con lên phi cơ Mỹ bay sang Guam, anh ở lại một mình chiến đấu tiếp (một thái độ đẹp, xứng đáng với tư cách sĩ quan, chứ không cậy “chuồn chuồn có cánh thì bay”). Không quân ngoài Bắc vào tiếp thu toàn thể phi trường, anh bị mời ra ngoài cư xá quân đội, về nhà cha mẹ ở, vì thế hồ sơ xuất ngoại của anh thiếu giấy hiến nhà cho nhà nước. Anh bị gọi trở lại là vì thế. Và khỏi nói anh đã vất vả ghê lắm, mới thuyết phục được ban Nhà Đất là không có nhà để cúng cho Nhà nước cũng... được phép xuất ngoại. Sĩ quan quân đội miền Nam không phải ai cũng sở hữu một căn nhà, và tệ hơn, như trường hợp Thế Uyên, được mẹ cho một căn nhà gỗ mà sau này lại nằm trên phần đất do Công binh chiếm, đã bị binh chủng này tống xuất một cách tàn bạo nhất, nghĩa là phải tự dỡ nhà ra đi, nếu không họ sẽ cho xe ủi đất đến ủi — cái gì chứ bulldozer thì binh chủng này có nhiều nhất... Vì thế, nên nhà văn “có lắm vấn đề” này đã cẩn thận dặn vợ rằng nếu sắp lên thang máy bay mà chồng còn bị gọi lại để làm việc thêm với Công an, thì vợ vẫn phải dẫn đàn con đi Mỹ như thường, chứ đừng ì ra kỳ kèo ăn vạ Đảng. Đi thoát được kẻ nào, hay kẻ đó, và nhớ gửi tiền về ngay, năm đầu mỗi tháng $100 đủ rồi, sang năm thứ hai tăng gấp đôi để tôi có tiền bao “bồ nhí”... Bà vợ tôi cái gì cũng vâng cả, ngoan như một hiền thê bên Tầu thời phong kiến, nhưng cái khoản tăng gấp đôi ấy, bả nhất định không chịu...

Khi ra đến phi đạo, xếp hàng lên thang máy bay Air France, hai đứa con út của bọn tôi, gọn ghẽ trong áo gió mới tinh và giày Bala (tôi viết Bala là đúng, Bata bị diệt rồi), vui quá, la lên: “Thế là sau cùng mình cũng được chui vào nó đấy nhé...” Hai đứa nhỏ bỏ xếp hàng lao lên thang, tiếng chân bịch bịch nghe thật êm đềm như một lời khen tôi đã chu toàn bổn phận làm cha làm chồng, nghĩa là mang được vợ con ra khỏi được chế độ xã hội chủ nghĩa. Còn thân tôi thế nào cũng được. Ai bảo chiến đấu dở ẹc, làm thân chiến bại... kêu ca nhiều thì hơi “quê độ”. Vèo một cái hai đứa đã lên tới đầu thang có hai cô hotesse de l’air xinh xắn trong đồng phục Air France đẹp ‘như một giấc mơ xưa’ giơ tay đón, hai đứa nhẩy thẳng vào phi cơ và biến mất, cho tới khi phi cơ bình phi trực chỉ Bangkok, tôi lang thang phần đuôi phi cơ mới kiếm ra chúng. Khi bước vào lòng tàu, một cô tiếp viên ra hiệu cho vợ tôi đi về bên phải, và tôi đi về phía trái. Tôi muốn nói tôi là chồng muốn ngồi cạnh và cầm tay vợ khi phi cơ ra khỏi quê hương, nhưng tiếng Pháp tiếng Anh đâu mất rồi, đành ú ớ kiếm một ghế trống dẫy phải, cạnh một cô gái xa lạ. Tôi giơ tay trái cầm tay phải của mình, không lẽ cầm tay cô hàng xóm! Khi phi công trưởng loan báo vừa rời không phận Việt Nam, tôi thở ra đến ‘phào’ một cái, nghĩ: Thế là thoát! Kể từ nay tôi có thể bắt đầu sống lại, sống thực cuộc đời mình... Khỏi sợ một ông Công an áo vàng đeo sa-cốt nào, khỏi phải cười với mọi cán bộ đến méo miệng để cầu an.

Khi đến phi trường Bangkok, trời đã về chiều, bọn tôi bây giờ chính thức được gọi là refugee, được đưa đến cuối phi đạo làm thủ tục tạm trú lâu ơi là lâu, nhưng cũng may được xứ Thái chiêu đãi một hộp cơm Thái, dĩ nhiên ngon lành rồi. Và được hướng dẫn bởi một cô gái Thái gốc Việt nói giọng Bắc kỳ cũ, nghe dễ chịu cho tai. Rồi sau cùng bọn tôi cũng được lên xe về Trung tâm Tạm trú Suan Flu khi trời đã tối. Vợ chồng tôi nhìn ra ngoài, xa lộ ở đây để đèn vàng khó chịu và xe cộ chạy kiểu Anh bên trái. Về đến Trung tâm Tạm trú được ngồi nghe nội qui, phân phối phòng và chiếu để nằm. Tôi mệt đến độ chỉ nhận được sơ qua nơi đây là một toà nhà bốn tầng và gia đình tôi chung phòng với một gia đình người Hoa gồm một ông già và hai cô gái lớn. Trải chiếu xong là tôi nằm lăn ra ngủ, loáng thoáng nghe tiếng bà vợ tôi bảo một đứa con tắt đèn và tiếng một cô gái Hoa: Ấy đừng tắt. Tôi đi vào giấc ngủ dưới ánh đèn sáng vì đêm cuối cùng ở Sài Gòn tôi đã thức suốt đến sáng.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy trong ánh nắng vàng Thái Lan và một cảm tưởng khinh khoáng nhẹ nhàng. Tôi đã xuất ngoại nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cảm tưởng đó. Và xứ Thái Lan tôi đã từng ghé, đã phơi đầu trần dưới thứ nắng này, sao lần này thấy khác. Hai vợ chồng cùng các con xuống quán ăn dã chiến dưới chân cầu thang, gọi mỗi người một tô mì. Quán do vợ một nhân viên phục vụ tại trung tâm mở và bà này chỉ biết có tiếng Thái, dù phải giao dịch nhiều với người Việt. Ngoài bán hàng ăn bà còn giữ việc đổi những nhẫn vàng người tị nạn mang theo lấy tiền Thái theo một hối suất không giống ai, để lấy tiền ăn sáng và tiêu vặt. Bà vợ tôi cũng đổi nhẫn vàng hai chỉ mang theo như mọi người (tôi sẽ cắt nghĩa tại sao đã sống 12 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, bà vợ tôi còn vàng đem theo), cũng giao dịch với bà chủ quán bằng ngôn ngữ quốc tế, nghĩa là bằng tay. Bọn tôi đặt tên cho bà là Mế Mê, vì trong tràng ngôn ngữ bà tuôn ra hàng ngày, bọn tôi chỉ nghe rõ hai từ “mế mê” (bạn nào giỏi tiếng Thái xin cho biết hai chữ ấy nghĩa là gì ).

Ăn sáng xong tôi gọi một ly cà-phê và một bao thuốc lá Sammit, vừa uống vừa nhìn làn khói thuốc cầm ở tay cuồn cuộn bay lên, mầu xanh xám trong nắng vàng tươi, cảm thấy sung sướng, vô cùng sung sướng.

 

Trung tâm Tạm trú Suan Flu

“Suan Flu chốn đó vui thay

Sáng thì canh cải, tối thì cải canh.”

Suan Flu là tên gọi trung tâm tạm trú dành cho người tị nạn Việt Nam ở Bangkok, đi chính thức từ Sài Gòn bay qua, hay đi chui thuỷ bộ nhưng đã được Mỹ sơ khởi chấp nhận. Building này có bốn tầng, tầng trên cùng dành cho những người đã được thanh lọc từ các trại tị nạn khắp nước Thái Lan. Họ được đưa về đây để đợi phái đoàn Mỹ lo việc định cư đến phỏng vấn lần nữa trước khi cho sang trại Bataan học. Học Anh văn và được hướng dẫn văn hoá xã hội, cùng phỏng vấn nghề nghiệp... trong 6 tháng, để khi tới Mỹ, đỡ bỡ ngỡ, lúng túng, va chạm vô ích. (thí dụ: tôi đã thấy một ông refugee quẳng ly cà phê uống dở vào thùng đề rõ “Donation”; hay một nhóm người mới tới Mỹ được hướng dẫn cách đi chợ, nhưng lúc ra, người nào cũng lén bỏ túi một hai món đồ mình thích). Không biết tại sao những người đã được thanh lọc lại bị nhốt như tù trên tầng bốn, ngay việc đi đổ rác cũng phải đi hai người, có một lính gác cầm gậy đi theo. Được về tới đây là có phước, ai trốn làm gì, mà trốn đi đâu nữa bây giờ? Vậy mà cảnh sát Thái cứ hầm hè như nhiều vệ binh trại cải tạo ở Việt Nam. Thái độ ác cảm thường trực của người Thái đối với người Việt có lẽ bắt nguồn từ nhiều cuộc thất trận trước quân Việt những thế kỷ trước.

Tôi ngẫm nghĩ vể sự béo mập của những cảnh sát Thái đang canh giữ Trung tâm, mập như đa số cảnh sát Mỹ hiện nay, và tôi tự hỏi với một nụ cười mỉa mai trong im lặng: nếu quân lực Thái thời xưa cũng mập phì như vậy (vì ăn nhiều cơm quá, xứ Thái sản xuất gạo vào hàng đầu thế giới), thì đương đầu gì nổi với quân lực Việt ngàn đời ăn đói ốm nhom ốm nhách, cử động lanh lẹ. Thua là phải quá rồi, mà không chịu trách mình, lại dồn căm thù vào những người Việt thất thế miền Nam hậu sinh. (Gần đây tôi có nhiều dịp phải coi nhiều hình chụp những người lính Việt Nam Cộng Hoà đang chiến đấu trước 75, tôi chợt nhận ra sao họ gầy như vậy, và bản thân tôi khi còn đứng trong hàng ngũ họ, tôi thường gầy hơn nữa. Đến độ khi bạn bè Sài Gòn hỏi tại sao đánh nhau ban ngày chưa đủ còn đánh đêm tưng bừng, lính bị chết bị thương lả tả... như lá mùa thu, mà tại sao tôi không hề hấn gì, tôi thường trả lời đùa bỡn rằng tôi ngực siêu-omega, khi tiến lại đi nghiêng, đạn véo đằng trước vèo đằng sau... Không trúng dài dài...

Phía nữ Thái xuất hiện tại Suan Flu, ngoại hình nói chung không hơn gì bà “Mế Mê” bán quán dưới chân cầu thang. Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ, ngoại lệ duy nhất, là cô gái ngồi sau guichet khu ngoài, phải khi nào được dẫn ra khỏi cổng toà nhà chính, dân tị nạn mới có dịp thưởng thức nhan sắc cô. Thường thì lúc nào cũng có một thùng nước lèo hết phiên trực lởn vởn tán gẫu trước guichet người đẹp. Chắc về sau cô cũng đi lấy chồng, chồng bên ngoài, không có thùng nước lèo chán phèo về nhiều phương diện, mỹ thuật cũng như tình dục.

Phòng ăn là một sân lớn ở giữa, trên lợp lều bạt, đám người tị nạn ngồi trên ghế hai bên bàn dài, cứ việc ngồi đủ một mâm là có người mang cơm lại. Cơm trắng dư ăn. Ở Việt Nam vào lúc đó, 1986, ít khi được ăn cơm trắng, thường chỉ được ăn cơm nâu trộn bột sắn khô, hoặc cơm độn 72% các thứ khoai có tên như bo bo, khoai sọ, mì, và vài thứ không có tên. Cán bộ ngoài Bắc vào, thấy các cụ già miền Nam nhàn nhã quá, cứ lê la gặp nhau tán dóc chê bai Đảng, liền chỉ thị cho ban lương thực trộn một tỉ lệ đá sạn vào gạo khẩu phần của nhân dân. Có một thời kỳ, các gia đình Sài Gòn phải huy động người già còm cõi lên kính ngồi nhặt sạn trước khi nấu cơm sáng cũng như chiều, trong đó có cả tôi. Dân kêu ghê quá thì cán bộ bảo tại nông dân trộn sạn vào thóc nạp thuế cho nặng ký thêm. Nạn trộn sạn vào gạo rồi cũng sớm chấm dứt, không phải vì tiếng dân kêu, mà vì Đảng khám phá những cái đầu bạc miền Nam chúi vào nhau nhặt sạn, lại nói xấu “Đảng quang vinh” nhiều hơn.

Không phải Việt Nam không sản xuất đủ gạo ăn mà tại chính sách của các đảng Cộng Sản là khéo léo điều khiển nông nghiệp làm sao bao giờ cũng không đủ gạo ăn, nếu giả thử có nơi nào thặng dư thì phải tìm cách huỷ đi, thí dụ bằng cách giả vờ bỏ quên ngoài mưa cả số thóc dân mới nộp cho huyện, hay chở thóc gạo bằng xà-lan lộ thiên ra Bắc nhưng không cấp bạt cho thuyền trưởng. Mưa và mưa cứ thế thấm vào gạo, xà-lan nặng chìm dần. Thuỷ thủ đoàn, thuyền trưởng đã chuẩn bị sẵn phao thuyền để bì bõm bơi vào bờ an toàn, và chờ đợi cấp trên khen thưởng một cách kín đáo. Theo tiêu chuẩn công bố công khai trên báo Sài Gòn Giải Phóng, một đảng viên giỏi là kẻ đã thi hành đạt chỉ tiêu Đảng trao, chứ không phải là kẻ thương dân, làm được những điều ích quốc lợi dân – quan niệm này được coi như... xưa rồi, tàn dư của tiểu tư sản. Chúng ta nên nhớ những cố vấn ngoại quốc đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam không hẳn chỉ là Trung quốc mà còn là những sĩ quan Nhật không muốn đầu hàng, nộp kiếm truyền thống samourai cho “Đồng minh” lúc đó là quân của tướng Lư Hán miền nam Trung Hoa, nổi tiếng như trong lời nhại quốc ca Việt Nam lúc đó, như sau: Đoàn quân tàu ô đi, sao mà ốm thế, bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam. Chính các sĩ quan Nhật này đã chỉ cho Đảng cẩm nang trị nông dân của dòng chúa Đức Xuyên ở Nhật Bản: “Đừng để họ no quá, nhiều đòi hỏi. Đừng để họ đói quá, không còn sức sản xuất...”

Ở Suan Flu, cơm thì dư ăn như thế nhưng về thức ăn thì sáng, chiều chỉ có một thứ là canh rau cải. Bà con đi trước đã tức cảnh làm ra hai câu thơ, trịnh trọng biên lên vách tường phòng tôi: Suan Flu chốn đó vui thay, Sáng thì canh cải, chiều thì cải canh... Bình thường canh rau cải có bột ngọt đầy đủ, là ăn được rồi, nhưng ngày nào cũng thế, dễ chán. Và đây là lúc bà con mang những nhẫn vàng được phép đem theo, đổi cho bà Mế Mê lấy tiền Thái gửi mua thêm thức ăn kèm với canh cải. Vợ tôi cũng mang chiếc nhẫn vàng còn lại ra đổi... Nàng lấy đâu ra vàng vậy? Trong khi tài chính gia đình đã cạn kiệt từ lâu, đã có những hôm tôi đi mượn (hay xin khéo) một vài ký gạo của bạn bè (khỏi nói cũng biết chuyện này không vui gì, và tôi giận những kẻ miền bắc đã đưa tôi đến cảnh này). Có lần cô cháu bên hàng xóm thấy quá bữa rồi mà bếp núc lạnh tanh, lén bố mẹ mang gao củi sang cho... Không thì cả nhà nhà văn Thế Uyên nhịn đói. Đúng như ước muốn của Phạm Văn Đồng là “san bằng cách biệt giũa hai miền” (trích diễn văn ngay sau tháng 4, 1975), nhà văn trí thức miền Nam cũng phải ăn đói ăn độn, như nhà văn của quần chúng miền Bắc (chỉ những nhà văn “công huân” là được, thỉnh thoảng, no hơn chút đỉnh). Trong hoàn cảnh như thế tôi lại bị sưng môt cái ung trong hàm, phải mổ thôi. Nha sĩ và bệnh viện không thiếu, chỉ thiếu trụ sinh thôi. Xin ai bây giờ trong khi cả miền Nam bị phe chiến thắng hành xác, hành hạ... Các cụ xưa bảo “bất bình tắc minh”, tôi bèn than thở tứ tung cho... đỡ đau. Tôi viết thư cho con gái đầu lòng của Doãn Quốc Sĩ mới vượt biển thành công sang Úc, than thở chuyện đau (đau thật) không thuốc trụ sinh để giải phẫu này. Than để mà than thôi, chứ cô cháu xinh xắn dễ thương này bận lấy chồng đẻ con, giúp gì nổi ông chú già ở tit miền biển gần xích đạo. Nhưng vụ than thở này có những hậu quả bất ngờ. Nhà văn Nguyễn Văn Trung nghe tin, đi xin trụ sinh hộ tôi, nhưng trong hoàn cảnh bế quan toả cảng ngăn sông cấm chợ lúc đó, việc đó gần như không thể được. Nhưng cũng có “giải an ủi” là một lô trụ sinh quá date. Vợ tôi đưa cho nha sĩ hỏi còn dùng được không, câu trả lời là không, hoạ chăng là cho trâu bò heo “lục súc tranh công”... Lối trả lời như đùa này gợi ý cho vợ tôi, bảo cứ xin anh Trung số thuốc quá hạn đó, để nàng mang đi hỏi mấy ông lang heo, lang trâu... xem sao. Mấy ông trả giá rẻ mạt, vợ tôi vẫn bán liền lấy tiền mua gạo nấu cơm cho mấy bố con — tôi vừa đau hàm, vừa đói bụng. Đỡ được phần nào hay phần đó.

Nhưng đói thì còn “khắc phục” được, chứ bệnh do nhiễm trùng thì... chịu khó uống xuyên tâm liên, một cây dại hay cây thuốc được cán bộ y dược miền bắc quảng bá là có giá trị ngang với trụ sinh. Tôi không uống dù biết chắc là vô hại. Cán bộ y tế trong quân đội chính qui miền Bắc cũng biết thế nhưng vẫn đề cao xuyên tâm liên, chẳng qua là để có một vị thuốc vô hại để nâng cao tinh thần bệnh nhân. Đôi khi bệnh nhân tinh thấn cao, có thể động viên cơ thể chống lại bệnh và khỏi. Lấy thí dụ ngay như tôi hồi trẻ bị bệnh lao, nhưng bị ném vào trường bộ binh Thủ Đức, cơ thể vùng lên một cách bí mật, tôi khỏi mà không biết. Bác sĩ Quân Y về sau chụp X-ray, mới phát hiện vết calci khá lớn, bèn tuyên bố tôi không đủ sức khoẻ cầm lái xe jeep,... (tôi sẽ kể thêm chuyện này ở đoạn sau).

Nói về Đông y, tôi có nhiều kinh nghiệm tốt. Một lần khi còn ở cạnh hồ Tây, đầu gối tôi bỗng dưng sưng to dần. Chẳng biết nghe ai cố vấn, bố tôi không mang con tới bệnh viện, mà khăn gói ba ngày đường, băng qua sông Hồng đón một ông lang nổi tiếng về loại bệnh này. Ông lang chẩn mạch và nói lung tung tôi không nhớ được, nhưng về bốc thuốc thì tôi nhớ được một vị độc đáo: một con quạ đen còn sống. Quạ, thì dễ thôi vì trên đê có một cây gạo cổ thụ hoa đỏ rực quyến rũ loài quạ, bố tôi chỉ chi ra một khoản nhỏ là trẻ con ven đê bẫy ngay cho một con sống nhăn. Ông lang xắn tay bào chế thuốc ngay tại nhà, tôi lánh mặt không coi: theo quan điểm trẻ con loại nhạy cảm, là tôi, thì hay ho gì cảnh giã nát một con quạ trộn lung tung với các vị thuốc Nam thuốc Băc, thành một thứ bột đen đem bó chung quanh đầu gối tôi. Ông thầy tuyên bố độ ba ngày thì khỏi. Và ông sẽ ở lại thêm ba ngày đó. Không biết ông có nghiện không nhưng suốt ngày nằm cạnh bàn đèn, chuyện gẫu cùng bố tôi. Và hết ba ngày thì chân tôi khỏi, đầu gối tôi trở lại bình thường. Ông lang khăn gói trở về một nơi nào đó bên kia sông Hồng.

Bây giờ thì tôi đau hàm, nhưng bố tôi đâu còn. Nhưng cái tin tôi đau không thuốc chữa đã loan ra bằng hữu xa gần, một ông bạn cũ bao nhiêu năm không gặp, kiếm tôi bảo: “Anh lại vợ tôi châm cứu cho là xong.” Từ sau 75, bà này đã bỏ nghề cũ (có cử nhân kinh tế ngân hàng), chỉ nghiên cứu về châm cứu và bây giờ đã nổi tiếng là một bà thầy chuyên cứu nhân độ thế trong vùng. Tôi cũng đọc khá nhiêu, vì tò mò là chính, về bộ môn châm cứu, và biết trường Đại học Bắc kinh đã chính thức giảng dạy bộ môn này. Một tạp chí ỏ Pháp đã chụp được hệ thống kinh mạch của con người cùng các huyệt đạo chính. Vậy thì ta đi chữa bệnh bắng châm cứu thôi...

Bà thầy bạn cũ này thuộc trường phái mộc châm, trông đỡ ghê rợn hơn châm cứu kim loại (bệnh viện đông y hiện nay ở Hà Nội thuộc loại này). Bà chỉ dùng một tăm gỗ để xỉa răng thông thường, còn dò tìm huyệt đạo bằng ngón tay, thời gian ấn kim trên huyệt, dùng hoả để “tả” thêm, cũng như châm cứu bình thường. Bà có chỉ dẫn tôi cách dò huyệt đạo, “nghe” thấy huyệt đạo, nhưng da đầu ngón tay của tôi như điếc luôn. Bà giao hẹn với tôi vài điều trong thời gian điều trị, như ăn nhiều canh bí đỏ và quan trọng nhất là không được xuất tinh. Phải “bế tinh”, như đòi hỏi của Hải Thượng Lãn Ông, ông lang hay đông y sĩ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam thời xưa vậy. Khoản này thì tôi chê, nhưng làm thế nào được. Cuộc đời tôi sau khi đi cải tạo về còn gì nữa đâu, chế độ xã hội chủ nghĩa tước đoạt đến cả quyền gia trưởng của người đàn ông: tôi với vợ là đồng-gia-trưởng, thôi cũng được đi, vì đôi khi tôi còn theo đạo “thờ bà”! (“nhất vợ nhì trời thứ ba mới đến tổng thống Việt Nam Cộng Hoà”), nhưng tên vợ tôi là Thuý Sơn, không phải là lý do bà con cô bác địa phương gọi tôi là “anh Sơn” luôn cho tiện...

Trong mọi hoàn cảnh cùng cực, libido của đàn ông vẫn tồn tại, đôi khi làm “thằng nhỏ” ngóc đầu dậy, nhắc nhở “đòi quyền sống” (nhà văn Võ Phiến không đồng ý với nhận xét này, cho rằng thằng lớn buồn thì thằng nhỏ xuội lơ luôn). Nay phải ngủ chung với vợ như ngủ với em gái, thì buồn quá đi, nhưng cũng đành thôi. Mới được hai đêm thì có tiếng thủ thỉ (không phải tiếng vợ tôi): chỉ phải bế tinh thôi, còn các mục khác tự do. Hai bàn tay tôi phiêu du trên thân thể vợ hơi lâu, làm nàng không thể ngủ được, và đương nhiên tôi cũng vậy. Sau cùng, tôi quyết định làm tình nhưng không xuất tinh. Bà vợ cưng có vẻ thích kiểu này vì sau vài lần rút ra để tránh xuất tinh, rồi tái nhập đúng lúc, không cần cử động, cũng đủ đưa bà đến orgasm. Chỉ phiền lúc đó là tôi phải gồng tối đa, nghĩ đủ các thứ chuyện khác, như tưởng tượng mình là Trần Bình Trọng đang tử thủ giữ thành Thăng Long hay Đề Thám đang nằm cạnh đống lửa trong rừng già, để khỏi xuất tinh. Sau đó hai vợ chống nói chuyện vẩn vơ, chờ đợi cơn ngủ tới dễ dàng (cho vợ tôi). Còn tôi thấy từ từ thân thể thư giãn, dễ chịu hơn là kiêng khem tuyệt đối.

Nếu nhớ không sai, kiểu làm tình bế tinh này, với đều đặn 99 cái vào sâu xen kẽ 99 vào nông, theo một ông ngự y hoàng gia khá nổi tiếng thời xưa, là không mất sức mình, lại còn hấp thụ được sinh khí của người nữ để tăng tuổi thọ... Nhưng sức người có hạn, khi bình tinh khí đã quá đầy (khi ngủ có thể mộng tinh) thì có lần tôi định rút ra đúng lúc cơn sướng cùa nàng bắt đầu, hai đứa lâm vào tình trạng như hai câu thơ cổ đã miêu tả: Thuỷ hoả tương giao sôi sùng sục, Âm dương nhị khí sướng làm sao... Tôi sướng cứng đơ người ôm nàng và nàng ôm tôi thật chặt cho đến khi tôi xuất hết tinh. Sáng hôm sau, như thường lệ, tôi đến bà thầy lo châm cứu. Vừa bắt mạch, bà đã lộ vẻ sững sờ, như vừa biết tin kẻ trộm mới lấy hết tiền bạc: “Đêm qua anh mới xuất tinh phải không?”, tôi gật đầu, bà than thở là đang dùng châm cứu dồn nội lực của tôi vào huyệt (tên khó nhớ)... để sử dụng vào sáng hôm nay tấn công dứt điểm vết ung ở hàm, tôi lại phung phí vào chỗ không đâu!. Bà giảng cho tôi hiểu (dĩ nhiên tôi không hiểu nổi, trừ phi mang cuốn Đạo đức kinh ra đọc lại!) bằng nhiều từ chuyên môn y-triết Trung Hoa. Tôi chỉ gật gật cái đầu và bỗng dưng có một câu làm tôi chú ý: “Chị ở nhà đang không khoẻ đâu. Hôm nào anh đưa chị lại đây tôi coi.” Khi kể lại lời mời, bà vợ tôi lè lưỡi phản đối: “Em chẳng dại. Nhỡ bà ấy châm vào huyệt nào đó làm em lãnh cảm luôn... thì sao!”

Dĩ nhiên rồi tôi khỏi bệnh hoàn toàn nhờ mộc châm, không một tí trụ sinh nào. Và bà vợ tôi cũng chỉ tới nhà “ bà thầy” hôm ăn cưới một đứa con gài bà (mặc dù hai người đã từng là bạn, bạn không thân, từ trước 1975).

 

Trở lại Suan Flu

Dù mọi chi phí di chuyến và ẩm thực tại đây là do quĩ của UNHCR (Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp quốc) không dồi dào (vì phải lo cho những người tị nạn khác khắp thế giói), nhưng đến những ngày đặc biệt như Christmas, ngoài canh cải cải canh, cũng thêm cho mỗi người một phần thịt gà khá hậu hĩnh. Ngoài những người Thái phục vụ thường xuyên ở nhà ăn, hôm nay xuất hiện các cô cậu thiện nguyện nhiều quốc tịch, nhiều nhất là Mỹ và Mỹ gốc Việt, đi đi lại lại kiểm xem mỗi tị nạn đều có phần thịt gà đầy đủ chưa. Đề phòng dân nấu bép Thái cho tị nạn Việt thưởng thức món gà cổ dài ba tấc cánh dài ba tấc luôn của nhà bêp trường Võ bị Thủ Đức năm xưa (nước nào nghèo đêu ăn bớt ăn xén). Chính các cô cậu thiện nguyện ấy phụ trách vấn đề giải trí của Trung Tâm, như đàn hát, chiếu phim... (sau 12 năm, tôi mới được coi phim Tây phương, như Star Wars).

Mỗi người tị nạn trên nguyên tắc chỉ tạm trú ở đây ba đến năm hôm để Toà Đại sứ Mỹ lập hồ sơ cho đi Mỹ, sang đến phi trường là trao cho người bảo lãnh lo tiếp mọi chuyện và dĩ nhiên phải chi tiền từ vé máy bay đến khám sức khoẻ ở Mỹ, khá tốn kém. Gia đình tôi được toà Đại sứ cho xếp diện tị nạn chính trị vì trước kia tôi là một trung uý bộ binh, sau tháng 4/75 bị đi cải tạo tập trung trên rừng núi, nên bây giờ được xếp loại tị nạn (refugee). Chúng tôi sẽ được gửi sang trại Bataan ở Phi-luật-tân 6 tháng, để học Anh văn thực dụng, hội nhập sơ khởi và hướng nghiệp. Nghĩa là mới tới ngưỡng cửa “thiên đường” mong chờ. Sáu tháng đâu có là bao, nhưng với lũ chúng tôi, những kẻ trốn tránh “thiên đường mù”, phải chờ đợi thêm sáu tháng cũng sốt ruột lắm lắm. Sang trại ở Phi ở chung với số đông tị nạn boat people và một số ít foot people (đi bộ qua Cao Mên tới Thái Lan), bọn tôi rời khỏi Việt Nam với tư cách ODP đoàn tụ gia đình, nhưng rồi sẽ rời đất Thái với tư cách mới: tị nạn (refugee), đến Mỹ phải lo trả dần tiền vé máy bay, nhưng được hưởng trợ cấp tị nan, học bổng đại học... nhiều đến nỗi các bạn Mỹ học cùng lớp thường bảo: “Tụi tao không hiểu sao chúng mày có thể sống và theo học với số tiền ít ỏi như vậy!” Bọn tôi, người trong cuộc, hiểu được chứ: khoảng 1 giờ trưa, sinh viên được về, thì bọn tôi phải ở lại làm workstudy trong trường, đủ mọi việc tuỳ khả năng. Nhưng đâu đã đủ, các con phải chia nhau đi làm thêm bên ngoài: cậu tư đi làm cho Jack in the Box đến 1 giờ đêm mới về, trao cái xe tàng cho ông anh đi làm UPS đến sáng... Đại khái như vậy trong 5 năm, cho tới khi cả nhà (trừ cậu hai bị đau dài hạn) tốt nghiệp với BA, hay BS (bà vợ tôi tốt nghiệp BA cùng đứa con thứ ba)... Cả nhà có thể gọi là sĩ tử khoa bảng, nhưng chỉ cậu cả về sau lấy được Ph.D., cậu út lấy bằng kiến trúc sư.

Bốn chữ “có thể gọi là” ở câu chót đoạn trên là do tôi thêm vào khi edit bài văn, vì nhớ lại giai thoại có thật khi mới sang Mỹ: “Anh không phải là sĩ...”. Lúc đó tôi mới viết đoản văn nhan đề “Kẻ sĩ và thiền sư” để bênh vực thượng toạ Thích Đức Nhuận, chánh thư ký Viện Tăng Thống ở Sài Gòn, vừa bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam xử 15 tù vì một tội bá vơ nào đó. Một ông chủ tịch hội đoàn hay đảng phái nào đó ở Houston gọi điện thoại đàn hặc tôi vì dám nhận mình là “kẻ sĩ”. Đang khi vui tính, tôi cãi chầy cãi cối, như sau:

— Tôi là văn sĩ đã có nhiều tác phẩm được xuất bản, vậy tôi là kẻ sĩ được chứ ?

— Không được.

— Tôi đã cắp sách đi học Đại học Văn khoa Sài gỏn, và hiện nay học đại học Mỹ, vậy tôi là sĩ, sĩ tử được chứ? Nghe nói hồi đó Doãn Quốc Sĩ đã đề trên danh thiếp là Văn khoa Đại học sĩ...

— Không được. Hồi đó khác.

— Tôi đã là một quan, trước đó là sinh viên sĩ quan, vậy là sĩ phải thôi.

— Không được.

— Hồi ở trong nước, tôi được coi như thành phần “sĩ phu Nam hà” mà!

— Cái đó xưa rồi.

Tôi tò mò hỏi người đối thoại: “Vậy thế nào mới được là “kẻ sĩ” ở Mỹ? “ Câu trả lời thật dứt khoát, chắc như đinh đóng cột: “Phải được các hội đoàn chúng tôi công nhận...”. Tôi bật cười, và khi nói được, thì bên kia đã cúp điện thoại.

 

*

 

Về nhà ở, người bảo trợ sẽ thuê giùm rồi người tị nạn trả sau, ăn uống tự túc và tuỳ hỉ (tiền trợ cấp cho phép muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý — một yếu tố của thiên đường). Về y phục chăn mền, cứ áo nhà thờ, quần chùa, áo lạnh bạn bè, mặc vài năm chưa hết, ra đường khó kiếm dược người mặc quần áo rách vá, ngay những ông bà homeless chỉ ăn mặc lôi thôi dơ dáy chứ không rách vá (không phải lo chuyện áo quần — thêm một yếu tố hơn thiên đường thiên chúa giáo nơi các thiên thần toàn đồng phục áo trắng cánh trắng)... Về đồ đạc, người bảo trợ và bạn bè cho những thứ căn bản không đồng bộ, thí dụ nhà 7 người thì 4 kiểu ghế, 8 kiểu ly tách thìa muỗng... Nhưng những điều đó không ảnh hưởng gì đến niềm vui được sống ở Mỹ, ra đường không phải chào, không phải cười cầu tài với các chức sắc cộng sản đến méo cả miệng, đêm nằm ngủ yên giấc không lo công an đến đấm cửa vào xét hộ khẩu, đi từ nhà trên nhà dưới tới buồng tắm cầu tiêu. Thời đó ở Việt Nam, nhà vắng một người thì “giấy tạm vắng đâu, cho coi”, dư một người còn rắc rối hơn: chủ hộ và người đó phải theo Công An lên trụ sở, nếu cắt nghĩa suôn sẻ cũng phải ngồi ghế dài đợi sáng. (Những người ở Việt Nam, nhất là lớp trẻ, sẽ cãi những điều tôi kể “xưa rồi Diễm, bây giờ đã đổi mới rồi”. Tôi đồng ý trên nguyên tắc kể từ khi có Đổi Mới, Công An mỗi ngày một tử tế hơn với dân, nhưng cái khoản “kiểm tra hộ khẩu”, vẫn giữ nguyên thê thức cũ. Tôi cam đoan là vậy vì trong lần về chót, thuê nhà — giá Việt kiều không-yêu-nước — ở cư xá Lữ Gia, một giờ đêm chúng tôi bị công an đập cửa vào kiểm tra hộ khẩu, y hệt “ngày xưa Hoàng thị”...)

 

Đêm Noel Suan Flu

Chính vì được đổi diện từ “ODP đoàn tụ gia đình” sang diện tị nạn nên gia đình tôi chưa có tên trên danh sách bay đi Mỹ mấy ngày liền. Đến khi có, thì đụng kỳ nghỉ Christmas thường niên, nhân viên hữu trách tạm nghỉ, nên gia đình tôi phải ở lại Suan Flu bấy giờ khá vắng vẻ. Gia đình ba bố con Việt gốc Hoa thì đã bay đi Boston. Trước khi đi, cô út trịnh trọng tặng cậu Ba nhà tôi chiếc đèn pin mới tinh, chưa có dịp dùng tới, vì toà nhà lúc nào cũng có điện sáng choang. Cậu Ba không phải là đứa đẹp trai nhất, nhưng mấy ông thầy tử vi đều bảo nó có số đào hoa chiếu ngay đỉnh đầu, nên thường được con gái chiếu cố ở bất cứ đâu. Có khi dưới hình thức bất ngờ, như mới cắp sách đến trường thì đã được ăn đùi gà! (Tôi lại dùng chữ theo thói quen, chứ đúng ra đi học ở Mỹ không thể “cắp sách” như ở Việt Nam vì phải mang tất cả sách giáo khoa các môn học hôm đó theo, toàn sách in to tướng nên phải dùng một túi đeo lưng.) Cậu Ba nhà tôi mang túi đeo lưng, tiện thể, nhét luôn hộp đồ ăn trưa vào trong đó, cho nên mới có chuyện cô bạn học người Nhật xinh đẹp một hôm, tưởng cậu Ba nhịn đói, mới gọi cậu Ba lại gần, giúi cho một cái gì, trước khi biến mất. Cậu Ba mang lại đưa tôi coi: một đùi gà chiên thơm lừng, và hỏi: “Làm gì bây giờ hở bố?” Tôi phì cười nói:”Ăn chứ còn gì nữa. Đồ gái đẹp cho quí lắm...” Nếu cô gái này là người Việt hay Mỹ, có thể đoán được động lực tặng vật “đùi gà”, nhưng là gái Nhật, khó đoán lắm.

Tôi đã được gọi ra ngoài toà nhà chính để khám phổi lần thứ hai và lần này chụp phim từ sau lưng ra phía trước. Thế là có chuyện rồi. Bác sĩ chỉ cho vết calci của bệnh lao thời kỳ đi lính trước đây để lại, di tích bệnh lao không có khả năng lây bệnh, nhưng sẽ không ổn với nền y khoa Mỹ sau này. Sau này có độc giả nêu thắc mắc: Chắc trong quá khứ có xẩy ra một sự kiện nào đó nên Thế Uyên hay chua chát mỗi khi nhắc tới Quân đội.... “Sự kiện nào đó” thì hơi nhiều: đầu tiên hiển nhiên là bị lao như tôi, hội đồng y khoa Nha Trang phải cho miễn dịch, cho nhập một viện bài lao nào đó, mới hợp lý. Đằng này lại thảy tôi vào trường Võ bị Thủ Đức, mệt lắc lư mới qua được giai đoạn 1, rồi qua ngành bộ binh giai đoạn 2, lắm khi mệt tì nòng súng ngủ đứng, đủ 10 tháng ra trường, thành chuẩn uý bộ binh. Từ đó, trong hai năm, được/bị trao đủ các nhiệm vụ: trưởng phòng vệ kho đạn, kho xăng tiền tuyến ở vùng đồi cỏ Pleiku, bảo tiêu các đoàn xe có hơi nhiều lần mang xác lính quấn trong poncho về (tương đương với “sa trường da ngựa bọc thây”), đi mở đường, đào mìn... làm bộ binh tùng thiết, phục kich và tổ báo động (khi bị mìn, có binh sĩ bị văng mất đầu và mất... vân vân). Không hề được may mắn 8 năm ở lính không phải bắn một phát súng, như một nhà thơ của nhóm văn nghệ viễn mơ Sáng Tạo chịu ảnh hưởng Pháp, đã kể.

Sau này, khi đi khám sức khoẻ lấy bằng lái xe, không phải xe tăng M.41 hay GMC mà là xe jeep, thứ xe nhẹ nhàng nhất của quân đội, ở Pleiku, tôi đã bị từ chối vì phổi có một vết calci hơi to. Vị bác sĩ khám tôi cho biết theo luật lệ quân y hiện hành, thứ sức khoẻ như tôi, thì chỉ “apt” chân xua gà cho vợ, thay tã cho con... Tôi hơi cáu, chỉ qua cửa sổ chi đoàn thiết giáp đang đóng bảo vệ Quân đoàn, nói: “Ngoài việc đương nhiên là bộ binh, tôi còn được phép chọn binh chủng thiết giáp, lái M.113, M.21 còn được, nữa là xe jeep.. Nay đột nhiên cho rằng tôi không đủ sức khoẻ lái xe jeep, nếu thế bắt tôi nhập ngũ làm gì?” Viên trung uý y sĩ cũng khẳng định lập trường của quân y thời chiến: “Nếu cho những người sức khoẻ như anh được lái jeep thì cấp trên cho rằng tôi không đáng làm y sĩ quân y!” Mỗi bên giữ vững lập trường, coi bộ không ổn. Nhất là cấp bậc hai bên chênh lệch, viên trung uý quân y dịu giọng hơn, vì tôi đang là một thứ nạn nhân bị kẹt cứng ở Pleiku. Khi tôi hỏi: “Lái jeep không nổi, tôi xin giải ngũ được không?”, viên trung uý lắc đầu: “Không được vì có lệnh tổng động viên. Hay là tôi làm hồ sơ cho anh ra Hội đồng Y khoa, chắc chắn anh được mẫu số 8!”

Mẫu số 8? Vào các đơn vị hậu cứ hay tham mưu, hay thấy có một thượng sĩ trung sĩ, đôi khi một cấp uý lù khù lờ khờ đi ra đi vào lo các việc vặt văn phòng, hỏi họ là ai, họ trả lời toàn là thuộc diện “mẫu số 8”. Tôi, người như thặng dư chất adrenaline, hiếu động như thế mà đổi về văn phòng làm việc vặt, đi ra đi vô sao? Buồn chịu gì nổi. Tôi nói những ý nghĩ này với y sĩ trung uý và cám ơn thiện ý của ông ta. Chẳng lái xe jeep được, thì để tài xế lái, có sao đâu... Viên trung uý thấy tôi thu gọn hố sơ chuẩn bị rút lui, hỏi thêm một câu: “Anh khám súc khoẻ nhập ngũ ở đâu?” Khi biết ở Quân y viện Nha Trang, nơi nổi tiếng một thời vì một ổ tham nhũng, anh buông ra một câu: “Chẳng trách! Có lẽ họ đã tráo phim phổi của anh cho con một ông nhà giàu hay con ông cháu cha nào đó...” Tôi gật đầu đồng ý trước khi đứng thật nghiêm theo quân kỷ, chào và ra về (tôi thường chào kiểu này, gõ gót giầy rõ nét, khi gặp sự không vui). Khi cho xe jeep đổ dốc quân đoàn ra quốc lộ, nhìn những quân nhân đồ trận như tôi đi lại bận bịu, tôi nảy sinh một ý kiến: Hay là mình xin đổi về sư đoàn 5... Cầm quân ra trận chắc hẳn vui hơn là làm lính phòng vệ đội mưa, lội bùn cao nguyên đất đỏ này mãi, chán rồi. Hơn nữa, trung bình trong đời một người chứa đựng không hơn một cuộc chiến tranh, hoặc đệ I Thế chiến, hoặc đệ II Thế chiến, hay chiến tranh Cao-ly... Còn cuộc nội chiến này, cuộc chiến tranh đang diễn ra trước mũi tôi, tôi muốn tham dự sâu đậm hơn... Đêm đêm nghe súng đại bác, ngắm hoả châu chiếu sáng nơi xa thì hợp với phụ nữ, hay hợp với đàn ông loại bạn thân của gà chết hay gà nuốt giây thun... hơn là với tôi.

 

tháng 9/2009
[tạm ngưng]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021