thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật văn chương hư cấu [VIII]

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm,
với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

MARIO VARGAS LLOSA

(1936~)

 

Nhân dịp nhà văn Mario Vargas Llosa đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010, chúng tôi xin gửi đến văn hữu và độc giả một bài phỏng vấn do Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện cách đây 20 năm trên tờ Paris Review (Fall 1990, No. 116), trong đó Mario Vargas Llosa đã phát biểu những ý tưởng hết sức thú vị về nghệ thuật văn chương hư cấu.
 
Vì giới hạn của thời giờ, chúng tôi không thể dịch một lần trọn vẹn bài phỏng vấn, mà sẽ chia thành vài đoạn và dịch mỗi ngày một đoạn. Xin mời quý bạn theo dõi cho đến khi bài phỏng vấn kết thúc.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

________________

 

Đã đăng: kỳ [I] - [II] - [III] - [IV] - [V] - [VI][VII]

 

MARIO VARGAS LLOSA: NGHỆ THUẬT VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU

(tiếp theo kỳ trước)

 

Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Trong một số bài báo những năm gần đây, ông đã đưa ra đôi lời khẳng định có vẻ rất bi quan. Vào năm 1982, chẳng hạn, ông viết: “Văn chương quan trọng hơn chính trị. Nhà văn chỉ nên dấn thân vào chuyện chính trị theo nghĩa chống lại những mưu đồ nguy hiểm và đặt chúng vào đúng chỗ của chúng.” Phải chăng đó là một cái nhìn bi quan về những gì chính trị có thể làm để mang lại sự tiến bộ?

 

VARGAS LLOSA

Không phải thế. Ý tôi là văn chương liên hệ đến những gì có tính chất trường cửu hơn là chính trị; nhà văn không thể đặt ngang hàng văn chương và chính trị mà không khỏi thất bại như một nhà văn và có lẽ cả như một chính trị gia nữa. Chúng ta cũng phải nhớ là những hành động chính trị thì khá phù du trong khi văn chương lại là chuyện lâu dài. Anh không viết một cuốn sách cho thời điểm hiện tại; để một tác phẩm gây ảnh hưởng trong tương lai, thời gian phải đóng vai trò của nó, và điều đó chưa bao giờ, hoặc hiếm khi, áp dụng cho những hành động chính trị. Tuy nhiên, ngay cả khi nói như vậy, tôi sẽ không bao giờ ngưng đưa ra những phán đoán về khí hậu chính trị hay ngưng ràng buộc tôi vào những gì tôi nói và những gì tôi làm. Tôi tin rằng một nhà văn không thể tránh né sự dính dự vào chính trị, đặc biệt là ở những đất nước như đất nước của tôi khi các vấn đề thì nan giải và tình cảnh kinh tế và xã hội thường có những phương diện đầy kịch tính. Điều hết sức quan trọng là các nhà văn phải hành động bằng cách này hay cách khác, qua việc đưa ra những lời phê bình, những ý tưởng, qua việc dùng óc tưởng tượng của mình để đóng góp vào giải pháp của các vấn đề. Tôi nghĩ rằng điều thiết yếu là các nhà văn phải trình bày tầm quan trọng của sự tự do cho xã hội cũng như cho cá nhân bởi cũng như tất cả giới nghệ sĩ, họ cảm nhận điều này một cách mạnh mẽ hơn bất kỳ ai khác. Công lý, điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn thực thi, không bao giờ nên bị tách rời khỏi sự tự do; và chúng ta không bao giờ nên chấp nhận quan niệm rằng vào những thời điểm nào đó sự tự do có thể bị hy sinh dưới danh nghĩa của công lý xã hội hay an ninh quốc gia, như những nhà chuyên chế từ phía cực tả và những kẻ phản động từ phía cực hữu bắt chúng ta phải chấp nhận. Các nhà văn biết điều này bởi vì mỗi ngày họ đều cảm nhận được mức độ tự do cần thiết cho sáng tạo, và cho chính cuộc sống nữa. Việc các nhà văn nên bảo vệ sự tự do của họ cũng cần thiết như việc bảo vệ sự công bằng trong chế độ lương bổng hoặc quyền lao động.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Nhưng tôi đang trích dẫn lời phát biểu của ông chính vì cái nhìn bi quan của lời phát biểu đó về những gì chính trị có thể làm. Các nhà văn có nên hoặc có thể chỉ chuyên chú vào việc bày tỏ sự phản đối của họ hay không?

 

VARGAS LLOSA

Tôi nghĩ điều quan trọng là các nhà văn tham dự, đưa ra những phán đoán, và can thiệp, nhưng đồng thời không để chính trị xâm nhập và phá hoại lĩnh vực văn học, địa hạt sáng tạo của nhà văn. Khi điều đó xảy ra, nó giết chết nhà văn, làm cho anh ta chỉ còn là một kẻ tuyên truyền. Do đó điều cần thiết là anh ta phải đặt giới hạn cho những hoạt động chính trị mà không từ bỏ hoặc tự tước đi nhiệm vụ phát biểu ý kiến của mình.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Làm thế nào để một nhà văn luôn bày tỏ sự bất tín đối với chính trị lại trở thành một ứng cử viên tổng thống của Peru trong cuộc tranh cử năm 1990.

 

VARGAS LLOSA

Một đất nước có thể đôi khi ở trong một tình trạng khẩn cấp, như chiến tranh, chẳng hạn, và trong trường hợp đó thì không có sự lựa chọn nào khác. Tình trạng của Peru ngày nay thật là thảm hại. Kinh tế đang suy sụp. Sự lạm phát tăng đến mức kỷ lục. Trong mười tháng đầu năm 1989, dân chúng đã mất đi một nửa mãi lực. Bạo lực chính trị đã đến tột cùng. Điều nghịch lý là, ở giữa cuộc khủng hoảng khổng lồ đó, dường như lại thấp thoáng cái khả năng tạo ra những thay đổi to lớn để đưa đến dân chủ và tự do kinh tế. Chúng tôi có thể xét lại cái mô thức làm chủ tập thể và xã hội chủ nghĩa cho đất nước vốn đã được áp dụng ở Peru từ năm 1968. Chúng tôi không nên bỏ lỡ cơ hội này để khôi phục lại những gì chúng tôi đã tranh đấu trong những năm vừa qua: đó là việc cải cách tự do và tạo ra một nền kinh tế thị trường thực sự. Đó là chưa kể đến việc cần sửa đổi lại cái thái độ văn hoá chính trị ở Peru đã gây ra cuộc khủng hoảng đang lan rộng ra cả nước. Tất cả những lý do này đã khiến tôi vượt qua những dè dặt vốn có và đưa đến sự tham dự của tôi vào cuộc đấu tranh chính trị một ảo tưởng rất ngây thơ, rốt cuộc là thế.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Với tư cách một nhà văn, ông nghĩ phẩm chất tốt nhất và khuyết điểm lớn nhất của ông là gì?

 

VARGAS LLOSA

Tôi nghĩ phẩm chất tốt nhất của tôi là sự kiên trì: tôi có thể làm việc cực kỳ chăm chỉ và có thể khai thác chính tôi nhiều hơn mức tôi tưởng là có thể. Khuyết điểm lớn nhất của tôi, tôi nghĩ, chính là sự thiếu tự tin, điều này đã dày vò tôi một cách khủng khiếp. Tôi mất ba hay bốn năm để viết một cuốn tiểu thuyết và bỏ ra phần lớn thời gian đó để tự hoài nghi. Điều đó không trở nên khá hơn theo thời gian; trái lại, tôi nghĩ là tôi càng ngày tôi càng tự phê bình và càng thiếu tự tin. Có thể đó là lý do tại sao tôi không kiêu ngạo: lương thức của tôi quá mạnh. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ còn viết cho đến ngày tôi chết. Sự viết lách thuộc về bản tính tự nhiên của tôi. Tôi sống theo tác phẩm của mình. Nếu tôi không viết, đầu óc tôi sẽ nổ tung, không chút nghi ngờ nào cả. Tôi muốn viết nhiều sách hơn và hay hơn. Tôi muốn có nhiều cuộc phiêu lưu thú vị và tuyệt vời hơn tôi đã có. Tôi chối từ việc thừa nhận là có thể thời gian sung mãn nhất của tôi đã thuộc về quá khứ, và sẽ không thừa nhận điều đó ngay cả khi phải đối mặt với bằng chứng.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Tại sao ông viết?

 

VARGAS LLOSA

Tôi viết bởi vì tôi buồn khổ. Tôi viết bởi vì đó là một cách để chống lại sự buồn khổ.

 

[hết]

 

------------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Mario Vargas Llosa, The Art of Fiction No. 120”, Interviewed by Susannah Hunnewell, Ricardo Augusto Setti, Paris Review (Fall 1990, No. 116).

 

 

------------

Đã đăng:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Khi còn trẻ, tôi rất mê đọc Sartre. Tôi cũng đọc các tiểu thuyết gia người Mỹ, đặc biệt của thế hệ lạc loài — như Faulkner, Hemingway, Fitzgerald, Dos Passos — nhất là Faulkner. Trong số các tác giả tôi đọc khi tôi còn trẻ, Faulkner là một trong số ít những người vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chẳng bao giờ thất vọng khi đọc lại ông, như cái cách mà tôi vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khi đọc lại Hemingway, chẳng hạn. Tôi cũng sẽ không đọc lại Sartre vào lúc này. So với mọi thứ tôi đã đọc từ thuở đó đến nay, thì tác phẩm hư cấu của Sartre có vẻ đã lỗi thời và đã mất đi phần lớn giá trị của nó... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi đã quyết định một cách duy lý, một cách lạnh lùng, để viết một cái truyện. Trái lại, những sự kiện hoặc những con người nào đó, đôi lúc những giấc mơ hay những gì đọc được trong sách vở, bất ngờ bám lấy tôi và đòi hỏi sự lưu tâm. Đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về tầm quan trọng của những yếu tố hoàn toàn phi lý của công việc sáng tạo văn chương. Tôi tin rằng sự phi lý này cũng phải được chuyển tải đến người đọc. Tôi muốn những cuốn tiểu thuyết của tôi được đọc như cách tôi đọc những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi không bao giờ biết khi nào thì tôi sẽ kết thúc một câu chuyện. Một mẩu chuyện tôi tưởng chỉ mất vài tháng đôi khi có thể mất vài năm để hoàn thành. Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết dường như chỉ hoàn thành khi tôi cảm thấy rằng nếu tôi không kết thúc nó sớm, nó sẽ vượt qua khỏi tôi. Khi đã đạt đến độ bão hoà, khi tôi thấy đã đủ, khi tôi không còn chịu đựng được nữa, thì câu chuyện kết thúc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Lúc đầu có điều gì đó rất mơ hồ, một trạng thái cảnh giác, một điềm báo, một điều gây thắc mắc. Một cái gì đó tôi nhận ra trong cõi mù mịt và chập chờn quanh tôi khiến tôi chú ý, tò mò, và phấn khích, và rồi tự nó biến thành công việc, những thẻ ghi chú, bản tóm tắt cốt truyện. Rồi đến khi tôi có cái sườn truyện và bắt đầu sắp đặt mọi sự việc theo trật tự, thì một điều gì đó rất tản mạn, rất mơ hồ vẫn còn lởn vởn. Giây phút “bừng sáng” chỉ xảy ra trong khi làm việc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Một số người xem văn chương như là một sinh hoạt bổ sung hoặc trang trí cho một cuộc đời vốn dành để theo đuổi những thứ khác hay thậm chí như một cách để đạt được thanh thế và quyền lực. Trong những trường hợp đó, có một sự tắc nghẽn, đó chính là văn chương đang trả thù chính nó, nó không cho phép bạn viết với một chút tự do, táo bạo hay độc đáo nào cả. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc dấn thân hoàn toàn vào văn chương là điều rất quan trọng... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ tiểu thuyết, như một thể loại, thiên về sự thái quá. Nó có khuynh hướng tăng trưởng nhanh chóng, cốt truyện phát triển như một căn bệnh ung thư. Nếu tác giả theo đuổi mọi đầu mối của cuốn tiểu thuyết, nó sẽ trở thành một khu rừng rậm. Tham vọng kể toàn bộ câu chuyện là đặc tính cố hữu của thể loại này. Mặc dù tôi luôn cảm thấy đến một thời khắc nào đó bạn phải giết chết câu chuyện để nó không kéo dài vô tận, tôi cũng tin rằng việc kể chuyện là một nỗ lực để đạt tới cái lý tưởng của cuốn tiểu thuyết “trọn vẹn” ấy... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Để hư cấu, tôi luôn phải bắt đầu từ một hiện thực cụ thể. Tôi không biết điều đó có đúng với tất cả các tiểu thuyết gia khác hay không, nhưng tôi luôn cần một bệ nhún của hiện thực. Đó là lý do tại sao tôi phải nghiên cứu và tham quan những nơi chốn xảy ra sự kiện, chứ không phải vì tôi chỉ muốn tái tạo hiện thực. Tôi biết điều đó là bất khả. Ngay cả khi tôi muốn tái tạo hiện thực thì kết quả cũng chẳng hay ho chút nào, nó sẽ là một điều gì hoàn toàn khác... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021