thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mục tiêu của tạp chí KIM THIÊN
(Diễm Châu dịch)

 

Cuối năm 1978, Bắc-kinh dưới trời tuyết. Trong một căn buồng nhỏ 6 mét vuông nằm ở bìa thành phố và đồng quê người ta in số đầu tiên của tờ tạp chí Kim thiên (Jintian: «Hôm nay»), với dụng cụ vỏn vẹn gồm có một chiếc máy ronéo quay tay cũ kỹ hết sức thô sơ. Dưới một ngọn đèn mờ, bảy người trai trẻ bận rộn trong ba ngày ba đêm. Họ chẳng hề nghĩ rằng tờ tạp chí này sẽ làm thay đổi lịch sử văn học Trung hoa hiện đại. Ngày 23 tháng chạp 1978 tạp chí Kim thiên được dán lên trong các khu đại học Bắc-kinh, trên những tòa nhà chính thức, trên những vách tường của các nhà xuất bản và ở các nơi công cộng. Cho tới năm 1980, năm mà tờ tạp chí bị công an cấm chỉ, chín số báo sẽ xuất hiện cũng như bốn số đặc biệt, tác động tới một công chúng trong cả nước Trung-hoa.

Nếu muốn gợi lại đầu đuôi câu chuyện của tờ tạp chí này thì phải ngược lên thời kỳ cuối những năm sáu mươi và đầu những năm bảy mươi với sự xuất hiện, tại Bắc-kinh, một thứ văn chương không chính thức. Vào thời kỳ ấy phần lớn các học sinh trung học đều bị phái đi những vùng quê xa xôi nơi họ phải ở lại. Trong những tháng dài không hoạt động vào mùa đông, họ gặp lại nhau ở thủ đô, trao đổi sách vở và quan điểm. Và như thế dần dà hình thành đủ mọi thứ «khách thính văn nghệ». Tác phẩm của các tác giả vô danh, nhất là những bài thơ, bắt đầu lưu hành rộng rãi dưới dạng thủ bản trong những khách thính đó. Trong các năm 1973-74, bị công an lùng kiếm rồi bao vây, đa số các câu lạc bộ này phải đóng cửa, người ta tiến hành những cuộc bắt giữ và thẩm vấn. Nhưng một số tác giả vẫn tiếp tục viết và cho lưu hành các tác phẩm của họ. Mùa đông 1978, tiếp theo thời «tuyết tan» về chính trị, tại Xidan, khu buôn bán rất náo nhiệt ở thủ đô, trên một bức tường dài gần hai trăm mét, người ta dán những tờ báo tường và những tạp chí không chính thức. Nơi này trở thành trung tâm của một đợt sóng chính trị dần dần lan rộng khắp cả nước và sẽ được mệnh danh là «Phong trào bức tường dân chủ Xidan». Với tình hình như thế, việc tung ra tờ tạp chí Kim thiên không thể nào gặp được một hoàn cảnh tốt hơn. Việc này đã được thực hiện do sáng kiến của nhà thơ Mang Ke, của họa sĩ Huang Rui và của chính bản thân tôi. Cùng với nó, văn chương không chính thức đã trở thành chính nguồn mạch của tờ tạp chí.

Trong hai năm ngắn ngủi này, ngoài việc xuất bản tờ tạp chí và những tuyển tập, chúng tôi đã tổ chức mọi thứ hoạt động văn nghệ. Tháng tháng, những cuộc tranh luận chung quanh các tác phẩm đã thu hút một số lớn những người đọc hâm mộ văn chương, nhất là các sinh viên, trong đó có những người sau này đã phát lộ thiên khiếu về văn nghệ. Vào mùa xuân và vào mùa thu 1979, văn phòng biên tập của tạp chí đã tổ chức trong một công viên ở Bắc-kinh hai buổi đọc thơ công cộng. Dưới sự canh chừng cẩn mật của công an, cả ngàn người đã say mê thưởng thức những tác phẩm khó khăn này. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cộng sản nắm quyền mới có một cuộc biểu trưng như thế diễn ra ở Trung-quốc.

Than ôi! cảnh quang đãng sáng sủa thật là ngắn hạn. Qua tuần trăng mật giữa đảng và dân chủ, Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh «đóng cửa» Bức tường dân chủ ở Xidan và cho bắt giữ Ngụy Kinh Sinh cũng như các lãnh tụ khác của phong trào. Vào tháng chạp 1980, Kim thiên đã phải ngưng mọi việc xuất bản.

Chuyện lý thú nhất trong vụ này là, mặc dù tờ tạp chí bị cấm xuất bản, phần lớn các tác phẩm thi ca từng in trên báo đã bắt đầu được đăng lại trên các tạp chí khá giả chính thức. Người ta quy tụ lại những bài đó dưới tên gọi «Mông lung thi» (thơ mịt mù, thơ tăm tối). Những bài đó trở thành trung tâm của một cuộc tranh luận lớn trong toàn quốc. Những bài thơ này, hoàn toàn khác hẳn những tác phẩm tuyên truyền do cộng sản kiểm soát từ khi họ nắm quyền, dưới mắt các nhà phê bình chính thức, đã bị coi như những tai ương đích thực. Một cuộc tranh luận với tầm mức rộng lớn như thế không thể kéo dài quá lâu. Một vài nhà phê bình trong số những người cởi mở nhất, nhưng không phải có chỗ ngồi vững chắc nhất, đã mau chóng trở thành bia cho giới phê bình chính thức tấn công về ý thức hệ. Nhưng những bài thơ ấy đã tìm được đông đảo những người thông thạo trong giới thanh niên đã từ quá lâu bị thứ «ngôn ngữ gỗ» kia bóp nghẹt, nhất là trong đám sinh viên. Những bài phê bình chính thức đã sản sinh hiệu quả ngược lại với điều dự liệu, chúng chỉ làm gia tăng tác dụng của các tác phẩm ấy đối với công chúng. Chính bởi thế mà một số người đọc đã bắt đầu làm thơ và xuất bản những thi tập của riêng họ, trong lúc các trường phái gia tăng đông đảo. Sự sôi động này trong thế giới thi ca tiếp tục mãi tới giữa thập niên đó.

Tiếng súng trên quảng trường Thiên-an môn năm 1989 hẳn đã đổi thay định mệnh của người Trung-hoa. Nhiều nhà văn Trung-hoa trong lưu đày đã nhóm họp tại Oslo vào mùa xuân 1990. Họ đã quyết định xuất bản lại tờ Kim thiên. Số đầu tiên ấn bản mới của tờ tạp chí ra mắt vào mùa hè cùng năm ấy. Từ ba năm nay, tờ tạp chí ra mỗi năm bốn số, hiện đã tới số 12. Văn phòng biên tập đã chuyển từ Oslo tới Stockholm rồi tới New York. Bảy người biên tập ở bảy nơi khác nhau ở Âu-châu và Hoa-kỳ. Việc in ấn thực hiện tại Hongkong. Tất cả những đặc điểm này cố nhiên đã biến nó thành một trường hợp khá biệt lập trong địa hạt in ấn trên toàn thế giới. So với chức năng của tờ đã in trên mười năm trước, chức năng của tờ tạp chí này đã thay đổi. Không giới hạn về địa lý, nó đã trở thành tờ tạp chí tiền phong của văn học Trung-hoa. Thơ vẫn được trình bày rộng rãi như trước. Phần lớn các thi phẩm đến từ các nhà thơ hiện cư ngụ ở Trung-hoa. Hai số đặc biệt dành cho thơ năm nay và năm ngoái đã cho thấy có sự phát triển mới của thi ca ở Trung-quốc. Thêm nữa, tờ tạp chí cũng đã dịch và trình bày nhiều nhà thơ Tây phương cận đại và hiện đại như Octavio Paz, Paul Celan, Tomas Tranströmer, Guennadi Aïgui, John Ashbery, Seamus Heaney, Mark Strand cũng như những chọn lựa trong thơ Pháp hiện đại. Nó cũng đăng tải những bài phỏng vấn và những cuộc trao đổi thư từ. Chúng tôi dự định mỗi năm sẽ soạn thảo bằng Anh ngữ một bài kiểm điểm về những gì đã thực hiện.

Mười lăm năm đã trôi qua giữa lần xuất bản đầu tiên, rồi lần mất đi và rốt cuộc sống lại của tờ Kim thiên. Tờ tạp chí dường như đã trở thành một ẩn dụ của thi ca hiện đại Trung-hoa: con yêu thôi thúc, được giải thoát khỏi cái chai nơi nó bị cầm giữ, không còn có thể trở lại đó nữa.

 

 

---------------------------

Ghi chú của người dịch:

Bài trên được dịch theo bản Pháp văn của Chantal Chen-Andro và Claude Mouchard, đăng trên tờ Po&sie, số 65, Paris, 1993.

Xin mời bạn đọc xem thêm Bên trời, tuyển tập thơ của Bắc Đảo (bản dịch Diễm Châu, dựa theo các bản Pháp văn của François Cheng, Chantal Chen-Andro, hoặc của Françoise Han và Chantal Chen-Andro); bài "Nói chuyện với Bắc Đảo" do Chantal Chen-Andro và Claude Mouchard thực hiện; và truyện ngắn của Bắc Đảo, "Điểm giao thoa" (bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn), đăng song song trên Tiền Vệ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021