thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƯ TỪ BÓNG TỐI [II]
(Diễm Châu dịch)
 
Thư từ bóng tối:
 
 

DANH TIẾNG

 
Làm thơ thật vô dụng!
«Nếu bạn muốn nổi tiếng ở Âu châu
ít nhất bạn cũng phải là một kẻ ăn thịt người,» một nhà thơ bạn nói
mấy năm về trước, khi tối tăm, lạnh lẽo và đói
chỉ là những từ chung
trong từ vựng cơ bản.
Bây giờ, vào buổi tối tháng Hai năm 1988 này,
cả nhà ngồi ăn quanh ngọn đèn đất.
Các từ đông lại trên không. Nước mắt đông lại trong cổ họng.
Ba người lớn và một đứa nhỏ.
Trên chiếc xiên của đứa nhỏ, một mẩu thịt.
«Có lẽ nó sẽ ăn không hết,» mỗi người trong chúng tôi nghĩ.
Hôm nay đến lượt tôi thanh toán chỗ còn lại.
Chúng tôi không nhìn nhau hoặc nói với nhau.
Với đôi bàn tay buốt cóng chúng tôi quết mứt trái cây lên bánh.
Như hôm qua, như ngày mai.
Ngày mai?
Cũng chỉ một trạng từ chỉ thời gian.
«Thời gian là tiền bạc?» đứa bé gái hỏi.
Không. Đối với chúng ta thời gian là lo sợ.
Với sự thúc đẩy của người cổ sơ tôi đớn mạt nhìn vào những mẩu đồ ăn còn lại
những mẩu ấy hôm nay dành cho tôi. Tôi nhìn đôi bàn tay gầy guộc của mẹ tôi,
thân hình yếu đuối của con tôi.
«Muốn nổi tiếng ở Âu châu ít nhất bạn cũng phải là một kẻ ăn thịt người.»
Ấy không phải là đòi hỏi quá đáng.
Danh tiếng đang gõ cửa, với ngù vai và những đường sọc vấy máu.
Âu châu sẽ có một cảnh tượng mà có lẽ nó không đáng phải thấy.
 
 

HYDE PARK CỦA RIÊNG TÔI

 
Ban ngày tôi viết những bài thơ nhu thuận, lặng lẽ và xuất bản được.
Nhưng ban đêm tôi kéo chăn trùm đầu,
nhắm mắt lại, và bỏ ra Hyde Park một cách bất chính –
một Hyde Park riêng tư trong đầu óc mỏi mệt của tôi –
và ở đấy tôi nói ra HẾT MỌI SỰ cho một số thính giả hết sức đông đảo
của những người câm điếc hoan hô tôi như điên dại.
Về sáng một thiên sứ tới: ấy vị thiên thần hộ mệnh của riêng tôi
với một dây lưng, một khẩu súng sáu, và vô khối những vì sao trên vai.
«Ê, thế đủ rồi,» ông nói, «cuộc trình diễn đã mãn;
mi nghĩ rằng mi gây xúc động được ai với những lời thương cảm của mi?
Ru-ma-ni chẳng có nghĩa gì trên bàn cờ chính trị thế giới:
một mảnh đất không đáng kể, một phụ đính bụi bặm
của một đế quốc lớn. Một món vụn vặt tầm phào.
Hãy tỉnh lại và xếp hàng mua sữa.»
 
Buổi sáng rạch những khung cửa sổ bằng lưỡi dao đẫm máu.
Và hôm nay tôi sẽ viết những bài thơ lặng lẽ, nhu thuận, đầy
những ẩn dụ ngụy trang. Xuất bản được.
Nhưng trước hết tôi sẽ ủi chiếc gối
để chùi khô nước mắt; tôi sẽ tẩy đi
bản ghi tốc ký đầy muối của những diễn từ khuya khoắt của mình.
Với một chiếc bàn-ủi nóng bỏng tôi sẽ dằn xuống mặt phẳng ẩm ướt của chiếc gối
như một tên tội phạm kỳ cọ như điên cuồng dấu vết của tội ác.
Và hôm nay, như hôm qua, tôi sẽ bắt đầu ngày
bằng cách bày ra những từ vô hại đồng nghĩa
với Kinh hoàng và Hèn nhát.
 
 

ORPHÉE Ở THẾ GIỚI DƯỚI LÒNG ĐẤT

 
Trên đường phố ở Frankfurt, với một nhà thơ bạn
đã rời Ru-ma-ni hai năm trước.
Ánh sáng ở khắp nơi, những tấm bảng quảng cáo, kẹo bánh thơm mùi va-ni.
Mặt ngoài của tự do.
«Ở đây thật tốt,» anh nói, «tôi có đủ ăn,
tôi có thể nguyền rủa chính quyền nếu thích, tôi có thể lớn tiếng nói ra bất cứ điều gì.
Nhưng tôi không thể làm thơ.
Ở nhà nguồn cảm hứng chính của tôi là bất hạnh.
Càng xui xẻo, viết càng hay.
Đau khổ quả là chất liệu thật của thơ.»
 
Tôi lặng lẽ bước bên anh qua những con đường của thành phố tự do này
và ra sức cảm nhận tự do, nhưng tôi không thể.
Nếu lý thuyết của anh mà đúng
thời người Ru-ma-ni chúng ta có mọi triển vọng
chẳng mấy chốc trở thành các thiên tài cả.
 
 

BẢNG GIÁ

 
«Bao nhiêu một ký khoai tây?»
«Chúng tôi không có ký nào hết.»
«Bao nhiêu một ký cà tô-mát?»
«Chúng tôi không có ký nào hết.»
«Bao nhiêu một gam hy vọng?»
«Chúng tôi không có gam nào hết. Nhưng chúng tôi có thể biếu không các người
một tấn nước mắt trong kho tồn trữ quốc gia vĩ đại của chúng ta.»
 
 

CUNG VÀ CẦU

 
Có lẽ vốn tư bản duy nhất của chúng tôi
là hy vọng ở Thượng đế!
Nhưng chúng tôi không có kinh tế thị trường;
chúng tôi không biết luật cung cầu.
Chúng tôi không còn cầu gì nữa hết
vì chẳng có gì được cung.
Bởi thế chúng tôi làm gì được với cái vốn tư bản này,
ở cái xó xỉnh này của thế giới
nơi khốn cùng được kế hoạch hóa thật chính xác?
Thượng đế còn bận tôn trọng
những phép tắc riêng của ngài:
«Kẻ nào có thời cho thêm kẻ ấy, kẻ nào không có
thời ngay cả những gì y có cũng lấy đi.»
Cả Thượng đế lẫn Đức Giáo chủ đều có một cuốn sổ nhật chú
nơi chúng tôi bị loại ra ngoài đã từ lâu.
Rốt cuộc cả đến Thượng đế cũng trở thành một du khách
tự do lựa chọn, như mọi du khách khác,
những xứ nào hạnh phúc hơn và sáng sủa hơn.
 
 

PHO-MAI!

 
Tôi 37 tuổi và họ muốn tôi viết những bài thơ
không phải bằng từ ngữ mà bằng tiếng hoan hô.
Đôi bàn tay tôi sẽ đau, đầu gối tôi sẽ đau
vì họ muốn tôi quỳ mà hoan hô.
Nói cho cùng, còn lại những từ nào
mà chúng tôi còn được phép sử dụng trong thơ?
Từ 'tự do' bị cấm.
Từ 'áp bức' bị cấm.
Từ 'công bằng' bị cấm.
Từ 'bất công' bị cấm.
Từ 'dân chủ' thời nguy hiểm.
Từ 'độc tài' không hiện hữu.
Từ 'yêu' là vô luân.
Hôm nay là ngày 10 tháng Năm. Một ngày như mọi ngày.
Một ngày tươi đẹp. (Tôi được phép nói thế.)
Tôi muốn viết một bài thơ. Bây giờ là 8g. sáng. Vào giờ này ông Smith
đang lựa chọn giữa món thịt đùi heo muối và hột gà và cà-phê sữa và... Thật khó chọn.
Tôi nhìn vào 'tủ lạnh' và thốt ra từ 'trống rỗng'.
Thế nên tôi không lâm cảnh lưỡng nan.
Vào giờ này ông Pierre, ở Paris, không biết phải lựa
thứ pho-mai nào, trong 37 loại sẵn có.
«Pho-mai. Một từ thật cổ lỗ!» tôi buồn bã nói.
«Thế này là thế nào? Mi không được phép nhớ!» vị thiên thần hộ mệnh cảnh cáo tôi.
«Hãy vui lên. Hãy mỉm cười.»
«Tôi không thể. Xin thương sót tôi, làm ơn để tôi yên!»
«Ta ra lệnh cho mi mỉm cười. Nói PHO-MAI!»
 
 

POLONIUS *

 
Tôi có một mình trong căn buồng này
đối diện với những tờ giấy trắng
như thể đương đầu với một cảnh trí Bắc cực.
Lạnh lẽo, nghi hoặc, bất an.
Thêm nữa có ai đó vô hình
vẫn nghe ngóng, rình mò, ghi chép.
Quanh tôi không một ai. Cửa ra vào đều khóa. Cửa chớp đóng lại.
Chỉ có đằng sau các từ của tôi,
như thể đằng sau một tấm màn rộng lớn
Polonius đang lặng lẽ thi hành phận sự.
 
--------------------------------------------
* viên đại thần (nghe trộm) trong kịch Hamlet của Shakespeare. (người dịch)
 
 

BÀI THƠ TÌNH TRONG CẢNH BỊ GIAM CẦM

 
Họ lắng nghe hết mọi sự.
Họ dò xét hết mọi sự.
Họ biết hết mọi sự.
 
Em sợ đồ đạc trong nhà, tường vách, con mèo gừ gừ
trên lò sưởi lạnh.
Em sợ bạn bè, sợ chính con em.
Em sợ bản thân em.
Trên điện thoại em nói về thời tiết,
về trận túc cầu hôm qua.
Về không gì hết.
Em muốn nói với anh, anh yêu dấu,
rằng em yêu anh.
Nhưng em phải thận trọng
vì ai biết được họ nghĩ em có ý gì khi nói thế?
 
 

BÀI THƠ NGỤY TRANG

 
Tôi đã học biết lịch sự, làm việc có hiệu quả, vâng lời.
Tôi đã học biết chờ đợi. Tôi đã học biết thôi chờ đợi.
Tôi đã học biết coi các từ của tôi như loài kiến, thong dong 
trong phạm vi trang giấy, dựng xây những cấu trúc trừu tượng,
hoàn toàn không để ý gì tới những cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực,
những chuyện xúc động, những ý niệm, và những thứ ma túy thời thượng.
Tôi đã học biết có can đảm.
Đôi khi cái can đảm làm thinh, tôi nghe nói, còn quan trọng hơn
là cái can đảm nói ra. Đôi khi thời không.
Hãy chọn lựa!
Tôi đã học biết chọn lựa. Tôi đã học biết thôi chọn lựa.
Thế nên tôi nuốt trọn nhiều câu, trọn những bài thơ
dũng cảm như, khi còn nhỏ, tôi đã nuốt dầu cá thu.
«Thôi nào, đừng khóc» bà bảo, «thuốc này sẽ làm mày lớn;
nó làm mày muốn buồn nôn trong chốc lát,
nhưng nuốt đi, rồi mày sẽ thấy nó ích lợi cho mày.»
Tôi vẫn muốn tin bà nói đúng. Chẳng mấy chốc
dầu cá thu được thay thế. Chẳng mấy chốc
tôi đã quen thay thế cả các từ –
quen sắp đặt những kiểu nói vòng vo, kiếm ra những chữ đồng nghĩa.
Kề bên những bài thơ khác, những thông báo, quảng cáo,
và bất cứ thứ gì khác có thể gặp vào một lúc nào đó
trên một trang (và đây là cái lúc nào đó)
những bài thơ của tôi khó có thể phân biệt được với những thức kia,
hệt như trong một bức tranh phong cảnh ta khó lòng phân biệt được
bộ quần áo ngụy trang của người đi săn, chiếc xe tải của đoàn săn bắn,
con thằn lằn trên tảng đá, vv. và vv.
Tôi có bổn phận phải vui mừng, phải hài lòng với bản thân tôi;
tôi có bổn phận phải nhớ đến tiếng mẹ tôi – bao che
và đầy âu yếm:
«Nó làm mày muốn buồn nôn trong chốc lát,
đừng khóc, rồi mày sẽ thấy nó ích lợi cho mày.»
 
 

ĐƯỜNG OXFORD

 
Tháng chạp ở một xứ lạ.
Một vài ngày tự do.
Tôi tự hỏi, mình có xứng với những ngày ấy hay chăng?
Có lẽ mấy bài thơ của tôi đáng được thế.
Trong một công viên, một cây thông vĩ đại.
«Quà Giáng sinh hằng năm của nhân dân Na-uy»
người hướng dẫn tôi giải thích, chị là một phụ nữ Anh cao lớn tóc hung: tiêu biểu.
Nhưng ngày nay còn có gì khác tiêu biểu?
Tôi không nên nghĩ tới gì hết. Nhất là,
tôi không nên nghĩ tới quê nhà.
Chúng tôi vào một tiệm nước. Người hướng dẫn tôi gọi cho tôi
món 'Chuối với kem'.
Con gái tôi năm nay lên bảy và chưa từng nếm chuối.
Tôi hổ thẹn với mình, hổ thẹn với những bài thơ của tôi – những bài thơ ướt át,
‘củ mỉ cù mì’, ơ thờ đã đưa tôi tới đây.
Cả Giáng sinh này nữa cũng lại sẽ buồn, cũng lại sẽ lạnh lẽo và nhạt nhẽo,
tôi rùng mình tự nhủ, dưới cơn mưa ánh sáng muôn màu.
Các từ chạy qua máu tôi
như những trái lựu đầy những giọt nước mắt.
«Đường Oxford» người hướng dẫn tôi nói. «Chị có thích không?»
«Thích, thích, làm sao không thích được?» tôi lịch sự lặp lại
nhìn những cảnh tượng sân khấu sáng bóng của một thực tại
không phải là của tôi,
mà là của một thế giới bánh mật thơm và bong bóng màu:
một thế giới vứt bỏ tôi như một vật ngoại nhập, tối tăm và hèn mọn.
Đường Oxford. Và tôi, với những vết thương của tôi, với dòng máu hung bạo của tôi,
với những kinh nghiệm đớn đau và không thể nào phiên dịch,
đang ra sức giúp vui cho cái cảnh thần tiên vĩ đại này.
 
 

MỘT CHUYỆN RIÊNG TƯ

 
Tôi đi đâu được?
Anh bạn Gerhardt có bà con ở Tây Đức
và, nếu Chúa định, anh sẽ thoát đi với họ.
Chị bạn Evà của tôi là người Hung
và, nếu Chúa định, chị sẽ đi với bà con ở Hung-ga-ri
nơi những thanh lồng không hoàn toàn chắc đến thế.
Nhưng còn tôi thì sao? Tôi đi đâu được,
bởi quê hương tôi là tiếng Ru-ma-ni?
Tarkovski và Solzhenitsin đã ra sao nhỉ?
Tây phương thật chóng chán
với những người ly khai chống đối đến từ Thế giới thứ ba.
Chúng ta thật khôi hài, phải không nhỉ? Quả là một cảnh tượng ngoạn mục–
trong một tháng, một năm.
Từ trang nhất các nhật báo tới trang sau,
rồi tới nấm mộ chung của những tin không còn sức sống.
 
Thưa quý bà quý ông!
Những giọt nước mắt này thực sự là nước mắt.
Dòng máu này không phải là sơn đỏ.
Cuộc đời của tôi đây không phải là một thứ tin quan cảm;
không một thứ chỉ tệ nào trên thế giới có thể mua được.
Tôi biết rằng mọi sự đều là thương mại cả:
ái tình, bằng hữu, tự do, nghệ thuật, tin tưởng–
hết thảy đều có thể mua và bán.
Nhưng dẫu vậy tôi vẫn có một lợi điểm vô cùng to lớn:
ở đây, nơi chúng tôi sống, cái chết vẫn còn là một chuyện riêng tư
mà tôi đang tập dượt mỗi ngày.
 
 

KHỞI ĐẦU CỦA CHUNG CUỘC

 
Chúng ta ăn cùng một thứ thức ăn,
chúng ta có cùng những nỗi lo sợ,
chúng ta nghĩ cùng những ý nghĩ.
Thay vì trọn vẹn yêu thương,
điều mà trong hai ngàn năm chúng ta đã không học được,
là trọn vẹn căm hờn:
ấy những gì hợp nhất chúng ta–
mỗi ngày một thảm hại hơn,
mỗi ngày một đói khát hơn,
mỗi ngày một mỏi mệt hơn.
«Thế là tốt đấy» một tiếng nói cho tôi hay–
tôi không biết ấy là tiếng nói của Quỷ ma hay của Thiên sứ–
«thật vậy, đó là điều rất tốt, là vì
điều ấy có thể là
khởi đầu của chung cuộc.»
 
 

THỎA HIỆP VỚI QUỶ

 
Y muôn đời có mặt,
y đang chờ sự thỏa thuận của tôi.
Y không hiến tôi của cải, hay những hoan lạc vô bờ bến,
hay thanh xuân trường cửu.
Y muốn ký tên vào những bài thơ của tôi thỏa thuận làm một ban đồng ca vô danh
tán dương thảm họa.
Y muốn đổi hồn tôi lấy ngày mai.
Ấy tất cả những gì y hiến tôi: ngày mai–
một ngày vô định hình, buồn thảm, xám–
là vì cả tên quỷ này nữa cũng nghèo, cũng bất lực
và thiếu thiên tư;
một thằng quỷ vô danh, tận tâm thi hành phận sự.
Y kiên trì.
Tôi cũng thế.
 
 

NOLI TANGERE CIRCULOS MEOS *

 
Dường như ấy một điều hiển nhiên
là chúng tôi đang ở vào thế kỷ hai mươi. Vào những năm chót.
Cả các người cũng thế, hỡi các công dân yêu quý
của Âu châu tự do!
Nơi đây, dẫu vậy, thời gian và không gian có khác.
Cụ Einstein nói thật đúng!
Chúng tôi là bằng chứng lý thuyết của cụ thật hữu hiệu.
Tôi đọc và viết bên một ngọn nến, như một thế kỷ trước,
trong lạnh lẽo của một hang hầm tiền sử.
Chẳng bao lâu nữa chúng có thể lấy đi của tôi
không nguyên ánh sáng, hơi ấm và thực phẩm.
Đây cũng chỉ là những nỗi kinh hoàng nhỏ nhặt ngoài mặt
mà tôi đã trở thành hầu như miễn nhiễm.
Nhưng rồi đây chúng sẽ lọt vào tận bên trong, chúng sẽ đạp gót giày ống man rợ
qua đầu óc tôi, vào tinh thần tôi, vào cái phần thánh thiêng của tôi.
Chúng sẽ hủy hoại nó như tên lính La-mã nọ
từng hủy hoại những lược đồ của Archimède.
«Đừng động tới những đường vòng của ta!» tôi tuyệt vọng kêu lên.
«Đừng động tới trong đây. ĐỪNG BAO GIỜ!» tôi la thét, tay che lấy đầu
nơi đang chảy xuống như một dòng máu tuyệt vọng
mực của những từ bất lực của tôi.
 
---------------------------------------
* Đừng dộng tới những đường vòng của ta. (người dịch)
 
 

TĨNH VẬT

 
«Hãy chăm chút những đề tài lớn, muôn thủa –
tình yêu, sinh, tử.
Thơ lúc này không có chút cơ may nào hết. Ấy không phải là văn chương.»
Người bạn tôi đã nói thế, vì lo ngại cho tôi, cho
ngày mai.
Sự thật? Sự thật nào?
Ai quan tâm tới sự thật?
Khổ sở, khốn cùng, đớn đau không hay lây
và không phiên dịch được.
Sự thật, có lẽ, là cái buổi chiều tháng Sáu bất chính này,
là đôi bàn tay anh đang vuốt ve em thật buồn bã;
là cái góc bàn này, cái góc bàn trên đó nằm một con dao
và hai lát dồi. Tĩnh vật.
Những món đồ tạp nhạp
được phóng đại một cách quái gở
dưới những ống kính của giọt nước mắt qua đó em nhìn thế giới.
 
 
 
Ngoại tập:
 
 

TẬP DƯỢT

 
Bởi vì tôi đang sống
là người chủ tuyệt đối
của hên xui may rủi
tôi sẽ phải làm quen mỗi lúc
thêm một chút
với sự nghiêm xác gắt gao
của những cuộc tập dượt chuẩn bị
có lẽ tôi sẽ phải tập cho quen với cái đu bay
một chiếc lưới nhện, không hơn
ở bên trên vực thẳm.
Tôi sẽ cần phải học tập
thổ ngữ của bụi
giọng du dương êm ái
của bóng tối liền lạc
sau cùng tôi sẽ phải vứt bỏ các từ
những chiếc nạng lấp lánh của cô quạnh.
 
 

KHÔNG GIAN ÂN HUỆ

 
Tôi ẩn mình trong giấc ngủ
của rừng, trong nhịp thở của rừng
tựa một cuồn ánh mờ.
Giọt nước mắt lạnh giá, không đường viền
kỷ niệm của nơi tôi đã bỏ trốn.
A! không khí lởm chởm bên trên tôi
như lông lá một loài thú
mà tôi là
hồn thiêng
vẫn còn tìm kiếm không gian ân huệ
giữa móng vuốt và đất.
 
-----------
Đã đăng:
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
Đề tựa tập Letters from Darkness [1] của Daniela Crăsnaru, dịch giả Fleur Adcock đã viết về tác giả như sau:
 
Daniela Crăsnaru sinh tại Craiova, Ru-ma-ni, năm 1950. Bà nghiên cứu tiếng Ru-ma-ni và tiếng Anh tại đại học Craiova. Bà đã cho xuất bản mười hai tập thơ. cũng như nhiều cuốn sách dành cho trẻ em, và bà hiện sống tại Bucuresti với chồng và cô con gái. Trước cách mạng bà là một người biên tập tại nhà xuất bản Eminescu, nhưng đã phải rút lui sớm, phần vì sức khỏe yếu kém, phần vì những khó khăn gặp phải với người tổng biên tập của bà. Người này chống đối việc bà một mực không chịu kiểm duyệt những bản thảo được giao cho biên tập. Bà đã bị buộc phải đứng dậy tại những buổi họp ban biên tập và đối phó với những lời tố cáo là đã không làm việc, là vì những bản văn bà đã 'cho đi' trước đó không chằng chịt những vết mực bôi bỏ. Vì những “lỗi” này bà đã bị trừng phạt bằng cách bị cắt giảm lương, và cuối cùng bà đã phải bỏ việc. Tuy nhiên, sau khi Ceausescu sụp đổ, bà đã được bổ nhiệm làm giám đốc Editura Ion Creanga, một nhà xuất bản sách trẻ em. Bà còn làm việc ở đó, nhưng cộng thêm với công việc, lúc này bà là một thành viên của quốc hội: bà được bầu vào tháng Năm 1990, như một người 'độc lập', xuất hiện trên danh sách Mặt trận Cứu quốc nhưng không phải là đảng viên của đảng này.[2]
 
Thơ của bà đã được các nhà phê bình hết sức ca ngợi. Như tất cả các nhà thơ Ru-ma-ni viết dưới chế độ kiểm duyệt, bà đã phải dùng lối che đậy thật kỹ lưỡng bằng những ẩn dụ và hình ảnh, nhưng việc này cũng không giấu giếm được các nhà văn đồng nghiệp và các độc giả tinh tường khác cái văn bản ngấm ngầm chống đối những thể chế nhà nước và những gì khiến người dân phải khổ. Sách của bà vẫn tiếp tục được xuất bản, với những phần cắt bỏ gia tăng, thế nhưng bà đã bị các nhà chức trách nghi ngờ.
 
Trong nửa sau của những năm 1980, cộng thêm với những bài thơ 'công khai', bà đã viết một loạt những bài thơ bí mật cất giấu dưới hầm nhà của một bà dì, trong một chiếc hộp phủ hành củ lên trên, là vì căn nhà của bà có thể bị khám xét. Sau cách mạng bà đã viết cho tôi rằng “Bây giờ tôi có thể tự do gửi cho chị những bài thơ thật của tôi”. (“Thật” trong khung cảnh này có nghĩa là chân thực hoặc ngay thẳng; tác phẩm về trước của bà, với những sự tế nhị thật căng thẳng, tuy nhiên, cũng thực như những thành đạt nghệ thuật).
 
Phần I của tập thơ này gồm những bài thơ đã xuất bản ở Ru-ma-ni trước tháng Chạp 1989; đa số trích từ hai cuốn sách gần nhất của Daniela Crăsnaru: Niagara de Plumb (nxb Eminescu, 1984) Emisferele de Magdeburg (Cartea Românească, 1987). Bài “Pietà” (để tưởng niệm thân phụ bà) xuất hiện trên tờ România Literară vào năm 1988. Phần II gồm một số chọn lọc trong những bài thơ bí mật. Thư từ bóng tối là tựa đề do chính bà đặt cho những bài ấy.
FLEUR ADCOCK,
Luân-đôn, tháng 12. 1990.
 
Tuyển tập thơ Daniela Crăsnaru này gồm trọn vẹn các bài in trong hai phần của cuốn Letters from Darkness nói trên, cộng với hai bài 'ngoại tập' (vì không rõ xuất xứ!) được xếp ở cuối. Bản dịch tiếng Việt dựa theo bản Anh văn của Fleur Adcock và các bản Pháp văn in trong Mitteleuropa, Dissidences 1989-1999, Das Rettende Wort? do bf, Strasbourg, xuất bản, 1999.
 
Người dịch bản tiếng Việt xin được ghi lại ở đây lời cảm tạ giáo sư thi sĩ Nguyễn Đăng Thường ở Luân-đôn đã bỏ nhiều công của tìm kiếm và gửi cho những tư liệu chính yếu; và cảm tạ Ông Armand Peter giám đốc nhà xuất bản bf, Strasbourg, đã cho phép sử dụng các bản Pháp văn in trong Mitteleuropa, Dissidences 1989-1999, Das Rettende Wort?
 
_________________________

[1]Oxford University Press, 1991.

[2]Bà đã trở thành Chủ tịch Đảng Tự do Quốc gia (1992-1998). (người dịch)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021