thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người hang sâu

 

Rút lui ẩn dật trong hang sâu cũng có những điều thú vị. Nhất là khi cần tránh mưa gió bên ngoài hay để phát kiến tâm linh. Nhưng không ai muốn ở trong hang sâu suốt một đời tàn tạ. Trốn tránh chỉ là nhất thời, ra ngoài chan hoà ánh nắng mới là lẽ sống. Bởi vậy thật bi thảm khi đến một ngày ta phát hiện do ở trong hang quá lâu, ta biến thành thực vật, chân mọc rẽ ăn sâu xuống đất, tay biến thành cành nhánh bám vách trần hang và không thể ra ngoài được nữa. Và do mất cơ hội giao tiếp quá lâu, tiếng nói đã tiêu biến như gió thổi qua trần hang. Ta không còn cách gì vùng vẫy hay biện minh cả. Chỉ còn cách im lặng mà thôi. Sự im lặng nhẫn nhục này đến mức cao nhất là ta không còn cảm giác, không còn thiết tha gì nữa. Không biết sống như thế có còn đáng được gọi là một kiếp đời hay không đây? Cố gắng không nguôi ta lắng nghe mọi tiếng động vọng vào hang sâu để đáp lại bằng một tiếng vang trầm thống. Ta hút hết mọi thanh âm như những lối xuống tàu điện ngầm nuốt chửng người ta vào lòng đất. Dần dần ta thấy mình không còn là phận cây cỏ nữa mà đã biến thành chính tiếng vang, im lặng chờ đợi để được đáp trả. Nhưng ngoài tiếng gió mưa muôn đời vọng vào hang sâu thì chẳng còn tiếng gì ta nghe thấy nữa. Người đâu, con người đâu mất cả? Tiếng vang nữa để làm gì? Cố gắng vô vọng nữa mà chi? Ta thể nhập một lần cuối và biến thành chính hang sâu. Trong tối tăm, ta phả ra một sự im lặng và đáp lại sự im lặng đó bằng một sự im lặng khác. Đó là hơi thở, sự sống của ta. Hít vào im lặng, thở là lặng im. Đó cũng chính là đỉnh điểm của tiếng vang và bí ẩn ngàn đời của hang động.

 

Nagoya, ngày 17/7/2010
 

 

---------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021