thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Fujino Kaori, gương mặt đầy triển vọng của văn học Nhật Bản hiện đại

 

 

Giải thưởng văn học Akutagawa danh giá lần thứ 149 năm nay được trao cho một tác giả nữ còn rất trẻ là Fujino Kaori (藤野可織 Đằng Dã Khả Chức). Cô sinh năm 1980 tại Doshisha, Kyoto, đã có bằng thạc sĩ và mới in được ba tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên “Con chim ti tiện” (いやしい鳥 Iyashii tori) nhận được giải thưởng văn học mới năm 2006, tác phẩm thứ hai “Kẻ hiến tế” (いけにえ Ike nie) lọt vào chung khảo giải Akutagawa năm 2009 và “Mắt và móng tay” (爪と目 Tsume to me) là tên tác phẩm được giải thưởng lần này. Câu chuyện được miêu tả từ góc nhìn của một cô bé 3 tuổi sống cùng với người cha và người mẹ kế có ngoại tình với chủ tiệm sách cũ. Cô bé giờ chắc đã lớn và nhớ lại ký ức ngày xưa nên tình tiết truyện khi tỏ khi mờ khiến người đọc có cảm giác bất xác và bất tín vào các cảm quan, đôi khi có chỗ đáng ngờ. Người mẹ mắt rất kém, mỗi lần tháo kính sát tròng ra là hầu như không nhìn thấy gì. Còn cô bé thì từ sau khi mẹ ruột mất có tật cắn móng tay không ngừng. Cho nên mắt và móng tay là từ khóa của câu chuyện. Nó có nghĩa là “tôi” (cô bé) và “mẹ”. Cũng giống như tầm nhìn của người mẹ khi tháo kính sát tròng ra là không còn nhìn rõ mặt ngay cả người cha nằm cùng giường, các nhân vật xuất hiện trong truyện đều rất mơ hồ. Người mẹ không có ý chí, tình cảm; người cha vật vờ theo dòng đời xô đẩy và nhân vật tôi 3 tuổi sống tự mình thui thủi. Tất cả ba nhân vật đều không nhìn rõ mặt. Chủ tiệm sách cũ mỗi lần nhắn tin cho người mẹ mà không nhận được trả lời đều tìm đến tận nhà và lần cuối cùng còn cố gỡ cặp kính sát tròng khỏi mắt người mẹ kế. Những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm đều không có một suy nghĩ, tính cách rõ ràng, không tốt không xấu, không làm cho ta đồng cảm yêu hay ghét. Đây cũng chính là quan niệm sáng tác tiểu thuyết của Kaori. Trong lời phát biểu khi nhận giải, cô cho rằng “Tôi luôn luôn ý thức tiểu thuyết là thông tin. Thông tin thì có nhiều chủng loại nhưng trước hết từ ‘thông tin’ đối với tôi là coi trọng những ấn tượng mang tính vật chất hơi xa xăm. Và khi viết tiểu thuyết, tôi nghĩ rằng mình tồn tại chỉ để ghi chép thông tin thôi. Công việc của tôi không có đánh giá xấu hay tốt, thích hay ghét về những đối tượng đáng được ghi chép lại. Đó là sự cố gắng hết sức để ký thuật lại một cách chính xác tất cả con người và sự vật, không khẳng định cũng không phủ định. Chỉ có chừng đó thôi”

 

 

Cho rằng tiểu thuyết là thông tin và cố gắng ghi chép lại những đối tượng đáng ghi chép để lưu giữ cũng là một quan niệm khá lạ, có thể xác lập một khái niệm mới là “thông tin dạng tiểu thuyết” chăng? Trong bài phỏng vấn sau khi nhận giải, Kaori đã cho biết mình là một đứa trẻ yếu đuối, bị bắt nạt khi còn nhỏ; thích phim kinh dị và món ăn cơm trứng và gà Oyakodon. Nhưng có lẽ do kinh nghiệm bị bạo hành ức hiếp khi còn nhỏ nên cô cho rằng thế giới này là một nơi đáng sợ và đưa vào trong tác phẩm của nỗi sợ hãi ấy. Ngoài ra cũng như các nhà văn Nhật Bản khác luôn xoay trở với đề tài cô đơn của thân phận con người trong thế giới, trong những thành phố cực lớn và hiện đại, tác phẩm của Fujino “miêu tả con người” trong một cuộc sống không có giao tiếp hay đoạn tuyệt giao tiếp truyền thông, mỗi người sống lầm lũi như một cái bóng, liên hệ gia đình chỉ mang tính hình thức, cá thể rời rạc cô độc trong cái thể chế gia đình. Còn bên ngoài xã hội, cái cuộc sống bình thường thì luôn đáng sợ. Có thể nói đây là một vấn nạn không riêng gì của Nhật Bản hiện đại mà của toàn thế giới trong sự phát triển hiện nay đang bị tha hóa đi về nhân tính, chỉ còn lại một sự tồn tại trống rỗng và vô nghĩa. Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân khiến cho người Nhật tự sát nhiều đến vậy.

Là một tác giả trẻ và hiện đại nhưng quan niệm của cô về cái đẹp hẳn nhiên bắt nguồn sâu xa từ truyền thống văn hóa Nhật Bản. Cô cho rằng ““từ ‘đẹp đẽ’ có một phạm vi lớn hơn các hiểu thông thường của thế gian. Những cái thực sự đẹp đẽ hay những cái dễ thương đều là ‘đẹp’ cả, và ngược lại ngay cả cái xấu và cái đáng sợ cũng đẹp nữa. Tôi nghĩ rằng những thứ gây ấn tượng mạnh mẽ cho con người hay gây một loại kích thích nào đó với cảm xúc con người thì tất cả đều là đẹp đẽ cả”, và tôi (HL) cho rằng đây là từ khóa then chốt để hiểu được văn hóa và văn học Nhật Bản. Đó là cái đẹp được đẩy đến tận cùng bằng hình ảnh, ngôn từ hay một phương tiện nào đó để gây một ấn tượng hay một kích thích mạnh mẽ cho người khác. Như thế, “cái chân” và “cái thiện” đôi khi phải mờ nhạt đi để ưu tiên cho “cái mỹ”. Hay hiểu theo một cách khác tận cùng cái mỹ đã vượt lên những quan niệm về “cái chân”, “cái thiện” bình thường để tựu thành một cái gì siêu đẳng, gần với sức sáng tạo của các thần linh. Có hiểu được điều này thì ta mới không bị choáng váng khi đọc những tác phẩm “Bức bình phong địa ngục” của Akutagawa hay “Xăm mình” của Tanizaki hay xem những bộ phim kinh dị của Nhật Bản. Cái ý thức về mỹ học (mỹ ý thức) của người Nhật Bản luôn thường trực từ trong cả cuộc sống hàng ngày đến tất cả mọi lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Danh thủ cờ shogi nổi tiếng Habu Yoshiharu luôn tâm niệm phải để lại một kỳ phổ đẹp. Hay chưa đủ, còn phải đẹp nữa. Đẹp trên tuyệt đỉnh mong manh, đẹp cao sang quý phái, đẹp lạnh lùng tàn nhẫn, đẹp kinh hoàng đẫm máu. Đẩy đến tận cùng là ý thức mỹ học về cái chết. Chết thế nào để đẹp đẽ, để gây tiếc nuối như hoa anh đào đã đi vào tâm khảm người Nhật để ta có những cái chết đẹp đẽ bi tráng cả trong đời thực lẫn trong văn học. Như cái chết mổ bụng tự sát về lý tưởng của Mishima Yukio, tự sát bằng hơi ga của Kawabata hay như nhân vật bác sĩ trầm mình xuống hồ trong “Đèn không hắt bóng” của Watanabe.

Để giới thiệu một tác giả mới của văn học Nhật nói riêng và những vấn đề của văn hóa Nhật nói chung, chúng tôi trích dịch lời phát biểu khi nhận giải của tác giả Fujino cùng với nguyên văn bài phỏng vấn sau khi nhận giải thưởng Akutagawa danh giá từ nguồn tạp chí “Văn nghệ Xuân thu” (Bungei shunshu) số đặc biệt tháng 9/ 2013 từ trang 408 đến 415.

 

 

FUJINO KAORI

Sinh năm 1980 tại Kyoto, tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học Doshisha, Kyoto. Được giải thưởng “Văn học giới tân nhân thưởng” với tác phẩm “Iyashii tori” (Con chim ti tiện) năm 2006. Tác phẩm “Ike nie” (Kẻ hiến tế, vật hy sinh) được chọn làm ứng viên cho giải thưởng Akutagawa lần thứ 141 năm 2009.

 

Lời phát biểu khi nhận giải Akutagawa

Tôi luôn luôn ý thức tiểu thuyết là thông tin. Thông tin thì có nhiều chủng loại nhưng trước hết từ “thông tin” đối với tôi là coi trọng những ấn tượng mang tính vật chất hơi xa xăm. Và khi viết tiểu thuyết, tôi nghĩ rằng mình tồn tại chỉ để ghi chép thông tin thôi. Công việc của tôi không có đánh giá xấu hay tốt, thích hay ghét về những đối tượng đáng được ghi chép lại. Đó là sự cố gắng hết sức để ký thuật lại một cách chính xác tất cả con người và sự vật, không khẳng định cũng không phủ định. Chỉ có chừng đó thôi.

Dĩ nhiên đây chỉ là nói một cách lý tưởng, còn thực tế tôi hiểu rõ rằng việc tựu thành được điều này là không có khả năng. Điều này là bởi vì “những đối tượng đáng được ghi chép lại” chỉ do tôi tạo ra một cách tùy tiện mà thôi nên đó là những câu chuyện đáng ngờ. Những chuyện đáng ngờ như thế mà được yêu thích như thế thì tôi thật sự cảm tạ các vị trong ban tuyển khảo đã chọn lựa tác phẩm yếu kém của tôi cùng với gia đình và những quý vị biên tập đã luôn chăm lo cho tôi với sự nhẫn nại vô cùng.

 

 

“THẾ GIỚI THÌ ĐÁNG SỢ NHƯNG CŨNG CÓ

NHỮNG ĐIỀU TUYỆT VỜI”

 

PV: Xin chúc mừng chị được nhận giải thưởng Akutagawa. Nghe nói khi biết tin mình đạt giải chị đã gọi điện báo cho cha mẹ ngay.

Fujino: Vâng. Mẹ tôi chẳng hiểu sao tôi có khả năng này nhưng hình như là bà có xem truyền hình trực tiếp cảnh tôi tươi cười ở buổi họp báo. Thành ra khi tôi gọi điện bảo “con đạt giải rồi đấy” thì mẹ bảo “sao, thật không, chưa thấy phát biểu gì cả mà” (cười). Đại khái như vậy đấy.

 

PV: Người đàn ông ở cùng với chị trong ngày tuyển khảo đó là chồng chị à?

Fujino: Vâng. Một năm trước đây tôi đã kết hôn với bạn cùng thời đại học sau mười năm hò hẹn. Anh ấy chỉ là một nhân viên công ty bình thường, không đọc sách gì cả.

 

PV: Trong tác phẩm đạt giải của chị tôi thấy mối quan hệ giữa mẹ kế và người con gái trong căn nhà kín cửa được miêu tả rất tinh tế, làm cho người ta thấy một sự đáng sợ nào đó. Trong cuộc họp báo, chị có nói rằng “cái đáng sợ là cái đẹp đẽ”. Và tôi cho rằng đây là từ chìa khóa của tư chất tác giả Fujino.

Fujino: Đối với tôi, từ “đẹp đẽ” có một phạm vi lớn hơn các hiểu thông thường của thế gian. Những cái thực sự đẹp đẽ hay những cái dễ thương đều là “đẹp” cả, và ngược lại ngay cả cái xấu và cái đáng sợ cũng đẹp nữa. Tôi nghĩ rằng những thứ gây ấn tượng mạnh mẽ cho con người hay gây một loại kích thích nào đó với cảm xúc con người thì tất cả đều là đẹp đẽ cả.

Chẳng hạn như những cảnh đáng sợ trong phim ảnh hay truyện tranh tôi nghĩ đều là sự cấu thành sau những suy nghĩ kỹ càng dựa trên một ý thức mỹ học nào đó. Vì vậy tôi nghĩ chúng là đẹp đẽ.

 

PV: Chị được sinh ra ở Kyoto năm 1980 nhỉ. Hồi nhỏ chị là một cô bé như thế nào?

Fujino: À, hơi yếu đuối. Và có cảm giác là hơi mơ màng hơn bây giờ (cười). Rất dở các môn vận động. Thích đọc các sách tranh ảnh. Từ khi còn nhỏ tôi đã có cảm giác là mình có thể đọc chữ một cách tự nhiên. Khi mẹ đọc truyện tranh cho nghe, thì tôi cứ hỏi “tại sao người này lại mặc bộ quần áo này vậy?”, “tại sao lại mang theo vật này?” cứ mỗi lần lật trang là tôi lại hỏi mẹ liên tục như vậy cho nên nghe nói đọc xong được một cuốn truyện thì mất rất nhiều thời gian.

 

PV: Có quyển truyện tranh nào chị ưa thích đặc biệt không?

Fujino: “Ma nữ và khúc sáo thần” (truyện của Takeda Kazuko). Đó là một quyển truyện có nhiều tranh vẽ rất đẹp. Những người con gái trong thôn làng bị dẫn dụ bởi tiếng sáo của ma nữ và biến mất hết. Trong khi tất cả đang buồn rầu thì chàng thanh niên thổi sáo xuất hiện nhìn thấy người con gái tuyệt đẹp đang thổi sáo trong rừng. Rất nhiều con bướm trắng bay quanh nàng và người thanh niên nhận ra đó là những người con gái. Rồi chàng lén đổi cây sáo của mình với cây sáo của người con gái, vừa thổi vừa chạy thoát khỏi khu rừng. Nhờ vậy mà những người con gái được trở lại thành người, ma nữ chết và trở thành một bông hoa nhưng với phép thuật cuối cùng của ma nữ, chàng thanh niên đã bị biến thành con bướm.

Tôi đọc lại nhiều lần. Những bức tranh đều nổi lên. Tuy nhiên cảnh cuối cùng khi những người con gái đã trở lại thành người vây xung quanh bông hoa mà ma nữ biến thành, kết thành vòng tròn và nhảy múa cười đùa không chút khổ đau thì tôi cảm thấy có chút gì hơi khó hiểu (cười).

 

PV: Dường như tất cả motiv của Fujino đều có trong đó cả nhỉ...

Fujino: Khi nghe nói vậy thì tôi cũng nghĩ ra là có lẽ là như vậy đấy. Sự biến thân này, rồi sự bắt cóc này... (cười)

 

Thời học sinh tiểu học bị bắt nạt

PV: Từ cấp hai cho đến hết thạc sĩ chị đều học ở Doshisha à?

Fujino: Ở trường Doshisha ấy có tập trung nhiều người giàu có ở Kyoto. Trường nữ Doshisha thì có nhiều quý cô giàu có hơn trường cấp hai và cấp ba hỗn hợp[1] Doshisha cho nên cha mẹ tôi lo lắng rằng tôi vốn là thứ dân sẽ không thích hợp nên mới quyết định cho tôi vào trường chung hỗn hợp. Hơn nữa không gian mà chỉ toàn con gái với nhau không thì sẽ hay xảy ra những vụ việc bi thảm như bắt nạt chẳng hạn. Thực ra tôi đã bị bắt nạt từ hồi còn học tiểu học. Vì thế mà cha mẹ tôi cho rằng tôi không thể vào học trường trong khu vực được.

 

PV: Vậy sao?

Fujino: Vào khoảng năm lớp ba tiểu học, tôi gặp phải cảnh như nhân vật bé gái trong truyện “Ohanashishite Kochan” (Hãy nói đi, bé gái) (Tạp chí Quần tượng số tháng 7/2012) vậy. Vì thần kinh vận động kém nên trong trò chơi ném bóng đã trở thành “hội ném bóng vào Fujino”, rồi thì bị giật tóc, bị giằng lấy quyển sách đang đọc rồi ném đi, rồi những vật cần thiết bị biến mất là đương nhiên. Tôi bị tất cả bạn gái cùng lớp khinh thường. Một thời gian dài tôi đã không thể đến trường và đến khoảng từ năm lớp bốn thì tôi mới đi học bình thường trở lại được.

 

PV: Trong khoảng thời gian đó, chị làm gì ở nhà?

Fujino: Thực ra tôi cũng chẳng nhớ nữa. Tuy nhiên, tôi có nhớ là cha tôi có thuê những bộ phim hoạt hình của Miyazaki Hayao và Walt Disney và tôi đã xem chúng suốt ngày. Xem hết những phim như “Người láng giềng Totoro”, “Ngôi thành trên trời” tôi chuyển qua xem đến phim thời sơ kỳ của Miyazaki như “Panda, Go panda” nữa.

 

PV: Chị bắt đầu đọc sách từ khi nào?

Fujino: Trong kho sách của trường tiểu học có một tập truyện ngắn của Edgar Allan Poe. Có lẽ đó là quyển đầu tiên chăng? Sau đó tôi đọc những seri truyện của Edogawa Ranbo như “Đoàn thám tử thiếu niên” rồi “Arsene Lupin”. Tôi cũng đọc say sưa quyển truyện huyễn tưởng cổ đại của Ogihara mà cha mẹ đã mua cho nữa. Từ hồi lên cấp hai thì tôi đọc những quyển của Dazai Osamu, Mishima Yukio hay “Đỉnh gió hú” hay “Cuốn theo chiều gió”, những truyện mà những học sinh cấp hai thường đọc.

 

PV: Nghe nói chị rất thích phòng tiêu bản “Thuần hóa quán” của trường trung học Doshisha?

Fujino: Bình thường phòng khóa kín, chỉ có những dịp lễ của trường mới được mở ra thôi. Tôi rất thích nơi đó, mỗi lần như vậy đều phải vào xem. Nhìn từ bên ngoài thì cho cảm giác giống như bị bỏ hoang phế nhưng bên trong thì khá rộng và u ám. Có rất nhiều mẫu vật quý hiếm toàn quốc như hổ, sư tử, hà mã, ngựa vằn, thú ăn kiến... Cả những mẫu vật nhồi bông lẫn mẫu vật được ngâm trong formalin đều cũ kỹ và hơi đáng sợ nên có ít người muốn xem. Nhưng mình tôi tiến sâu vào mà xem một cách vui thích. Bây giờ thì nghe nói trường đã được xây lại và những mẫu tiêu bản được dời sang một căn nhà khang trang hơn.

Ở trường trung học Doshisha có mẫu tiêu bản con khỉ được ngâm trong Formalin. Nó lớn khoảng chừng bằng đứa trẻ con, tuy khuôn mặt bị chẻ đôi ra nhưng nhãn cầu vẫn còn nguyên vẹn, hình dáng rất ghê gớm. Tôi nghĩ thầm “cái này là gì nhỉ” và cứ ngắm mãi.

 

PV: Chị thích phim kinh dị, và trong ngày chấm chung khảo chị vừa xem vừa đợi kết quả à?

Fujino: Vâng. Ở cuộc họp báo khi được hỏi về tác phẩm yêu thích, tôi đã trả lời ngay là “thầy phù thủy” (exorcist). Tôi cũng rất thích phim “Vật hiến tế của ác ma”.

Vào khoảng những năm tôi mười mấy tuổi có nhiều phim thịnh hành như phim “Long Vacation” có diễn viên Kimura Takuya diễn xuất (năm 1996) nhưng tôi lại chẳng hứng thú một chút nào. Trong khi lại thích xem phim “Hoa thời loạn” (Hana no ran) (năm 1994). Đó là phim xoay quanh nhân vật Hino Tomiko.[2] Tuy nhiên vì nỗi sợ bị bạn bè bắt nạt hồi tiểu học rồi cảm giác nguy cơ khi nói chuyện không hợp với người ta nên tôi cũng chăm chú xem phim “Long Vacation” với cảm giác như khoanh tay mà nhìn vậy. Còn một phim nữa là “Sasho Taeko - Sự kiện cuối cùng” do nữ diễn viên Asano Atsuko đóng (năm 1995). Đây là một bộ phim sát nhân kinh dị, tôi xem rất hào hứng và cảm giác nó giống với phim “Sự im lặng của bầy cừu” phiên bản Nhật vậy.

 

Cuộc sống bình thường cũng đã đáng sợ rồi

PV: Chị có ý định viết văn là từ khi nào vậy?

Fujino: Từ hồi còn học mẫu giáo tôi đã nghĩ “mình sẽ là người viết những câu chuyện gì đó” rồi. Chẳng phải khi đã lớn thì ta đều nghĩ đến chuyện kết hôn, chuyện làm dâu hay sao? Đại khái là cảm giác như vậy đấy.

Cũng như khi kết hôn rồi người ta vẫn tiếp tục làm việc thì cũng có nhiều người dù cho viết văn vẫn muốn làm một công việc đàng hoàng khác. Hồi tiểu học tôi muốn trở thành một nghệ sĩ dương cầm. Vào đại học thì tôi đã từng nghĩ mình sẽ làm nhà nghiên cứu nơi bảo tàng mỹ thuật, một thợ chụp ảnh hay một nhà nghiên cứu nhưng tất cả đều không được. Tôi học xong thạc sĩ vào năm 2004, làm trợ thủ chụp ảnh cho một nhà xuất bản sách. Được nửa năm tôi nghỉ việc và ngay lập tức được thuê làm bán thời gian ở một nhà xuất bản học thuật Kyoto với tên gọi “Nhà xuất bản tư tưởng thế giới” (Thế giới tư tưởng xã). Trong những công việc liên quan đến xuất bản ở Kyoto, hầu như không có làm thêm giờ nên tiền lương cao thì bấy giờ chỉ có duy nhất chỗ đó thôi.

 

PV: Rồi đến năm 2006, chị nhận được giải thưởng văn học mới với tác phẩm “Con chim ti tiện”. Tác phẩm này là câu chuyện nói về anh chàng hàng xóm đã biến thành chim. Đột nhiên thay đổi câu chuyện nhưng hình như chị rất thích món cơm trứng và thịt gà Oyakodon? [3]

Fujino: À... (cười). Đúng vậy. Thích lắm. Gọi là món cơm “mẹ con” không ghê sao? Xét về chủng loại thì là mẹ con, tuy không phải là mẹ con thật nhưng cũng giống như giết thịt cả mẹ và con rồi bày lên vậy. Nếu nhìn từ góc độ con gà thì đáng sợ chứ nhỉ? Tôi nghĩ sức phá hủy của ngôn từ thật là ghê gớm. Và thôi thích món này vì ý nghĩa đó (cười).

 

PV: Từ sau tác phẩm đầu tay, chị đã cho xuất bản tác phẩm độc đáo và chín chắn trộn lẫn giữa hiện thực và siêu thực?

Fujino: Tôi không nghĩ quá khó khăn như vậy đâu. Đối với tôi, tôi chỉ thấy mình viết ra những điều giống như là mình muốn viết về hiện thực. Trong một bức tranh, những điều siêu hiện thực vẫn thường hay xuất hiện nên tôi không cho rằng mình có thay đổi hay đột phá kỳ lạ gì cả. Bây giờ cũng không. Tuy nhiên có một phần bị dẫn dụ lôi cuốn vào cái đẹp và sự dị dạng thị giác.

Gần đây, tốc độ viết của tôi có nhanh hơn trước. Trước đây tôi cứ tìm kiếm những điều vượt quá năng lực của mình nên có nhiều khi không thể tiến lên phía trước được. Nhưng dần dần thì đã trở nên tốt hơn rồi.

Tuy thế trong tác phẩm “Mắt và móng tay” sau khi trình ra bản thảo đầu tiên tôi đã phải để yên trong gần một năm trời. Tôi thay đổi điểm nhìn mỗi chương, thử chuyển đổi nhân vật ngôi thứ hai (anata) thành ngôi thứ nhất, rồi với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tôi thay đổi kiểu cách một chút, thêm ngôi thứ ba, làm các câu văn đẹp đẽ hay trở thành văn nói... Sau nhiều thử nghiệm thì tác phẩm trở thành như bây giờ.

 

PV: Trong tác phẩm của chị, tôi cảm thấy có một biểu hiện nhất quán. Nó giống như là nỗi sợ khi chìm rơi vào cuộc sống thường ngày.

Fujino: Bản thân cái bình thường, thường ngày đã đủ đáng sợ hơn là cái đáng sợ xuất hiện trong cái bình thường. Nếu chị nói là đáng sợ thì tôi nghĩ là đúng vậy.

 

PV: Chị có cảm thấy đáng sợ trong cuộc sống ở Nhật Bản bây giờ không?

Fujino: Ừm. Thế giới này quả thật là đáng sợ. Ví dụ như internet chẳng hạn. Nhờ internet mà mình có thể xem được những tấm ảnh về sự kiện sát nhân mà trước đây không thể nào xem được. Nhưng mặt khác mạng internet có thể ném ra những lời nói xấu bóng gió ra chốn công khai. Điều đó tôi khi chẳng có tốt đẹp gì. Bởi tôi nghĩ lời nói bóng gió là cốt không để cho đối phương nghe thấy được.

Hồi tôi học tiểu học, phương tiện liên lạc chỉ có điện thoại mà thôi. Nhưng giờ muốn chỉ trích phê phán ai đó người ta thể qua mail hay nối mạng. Tôi nghĩ điều đó có chút đáng sợ. Giống như trang twitter, những lời nói nhẹ dạ được lưu giữ lại bằng văn tự và được tích tụ lại như một dạng thông tin. Điều đó cũng thú vị và tôi không nghĩ rằng tất cả đều là xấu.

 

PV: Bây giờ chị Fujino có muốn nói điều gì với những trẻ em đang bị bắt nạt không?

Fujino: À, khi bị bắt nạt, mình nghĩ rằng đó là tất cả. Nhưng theo thời gian trôi qua, có người được đi khắp mọi nơi, có người tự mình tạo ra thế giới mình yêu thích hay có thể sống trong thế giới mà mình muốn nên tôi muốn các em hãy đợi cho đến khi đó. Tất nhiên bây giờ thì có lẽ không thể nào mà tin được. Hơn nữa cũng có nhiều điều tuyệt diệu và thú vị ngoài mối quan hệ giữa con người với con người mà nên tôi muốn các em tin tưởng và nhờ cậy vào những sức mạnh ấy.

Bây giờ dù tôi không xem những bộ phim yêu đương nhưng tôi vẫn vui vẻ trong thế giới không có những lời nói bóng gió (cười).

 

PV: Từ giờ trở đi chị muốn tiến tới phía trước như thế nào với vai trò là một tác gia?

Như tôi đã viết trong “lời phát biểu khi nhận giải” là “một cách chính xác hơn”. Tôi nghĩ sự chính xác là khác biệt với từng tác phẩm nhưng tôi muốn mình phải chú ý để có thể viết ra được nghiêm mật sự chính xác nhất cần phải có đối với từng tác phẩm.

 

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

_________________________

[1]Trường học chung có cả nam lẫn nữ. Hệ thống trường Nhật Bản có trường chỉ dành cho nữ sinh, trường chỉ dành cho nam sinh và trường chung cả nam lẫn nữ.

[2]Hino Tomiko (1440-1496): Phu nhân của tướng quân đời thứ tám Ashikaga Yoshimasa và là mẹ của tướng quân đời thứ 9 Ashikaga Yoshihisa của Mạc Phủ Muromachi.

[3]Oyakodon, dịch ra là món cơm “mẹ con”. Món cơm được chất thịt gà (mẹ) và đập thêm một quả trứng (con) vào bát, món ăn rất phổ thông ở Nhật.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021