thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xứ lạ bình yên

 

1.

 

Nơi này đang là mùa mưa. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, anh lặng lẽ ngồi bên cửa sổ, uống trà và ngắm mưa đọng thành giọt trên những quả hồng trong sân vườn nhà bên. Nước chảy rả rích trên mái nhà làm anh nghĩ đến một bài haiku của Buson “gần xa đâu đây, nghe tiếng thác chảy, lá non tràn đầy”. Anh không ngờ nơi xứ lạ này anh lại tìm được sự yên tĩnh trong lòng mình. Những con người và phố phường xa lạ mang lại cho anh một cảm giác yên tâm chưa từng thấy. Không ai biết đến sự hiện diện của anh nên anh chẳng sợ bất cứ ai làm phiền đến mình. Nhưng cuộc sống bình an nơi đất khách làm anh có cảm giác mình là kẻ lang thang không cội rễ, cứ như lục bình trôi trên dòng sông định mệnh, đưa đẩy anh đi đến chốn xa xăm nào. Tha hương cũng là một dấu hiệu của sự thay đổi. Anh biết mình cần thay đổi để thâm nhập sâu hơn vào lớp trầm tích văn hoá phương Đông vĩnh cửu. Và qua đó để nâng cao giá trị của mình lên.

 

2.

 

Con người ai cũng chôn dấu trong giấc mơ sâu kín một tuổi thơ vĩnh cửu. Khi trở về với thế giới đó từng đêm, ta thấy cuộc đời mình sao mà khắc nghiệt. Sự giản phác ngày xưa tuy không bao giờ mất đi vẫn cứ bị mờ nhạt dần trong cảnh đời hiện tại. Nhất là khi, sau bao ước mộng không thành, những năm tháng chưa được sống mà đã qua đi, đêm đêm tìm về tuổi nhỏ, ta lại càng khôn xiết ngậm ngùi. Như thể ta chỉ một là một đứa bé không bao giờ lớn, cứ sống mãi với tuổi thơ. Chốn thiên đường bình yên mà cô độc. Hay chính vì cô độc mà thiên đường ngày đó mới bình yên? Nếu xem sự phát triển của một đất nước như một con người, ta cũng thấy một sự trở về như vậy. Người ta lúc nào cũng than vãn nay không bằng xưa. Từ thời Khổng Tử, ông đã muốn phục hồi phong hoá dân tộc theo đời nhà Chu thuở trước. Rồi đến sau này, những nhà văn như Kawabata, Tanizaki nghiên cứu văn học Tây Phương mãn nhãn rồi cũng quay về với truyện Genji. Một điều kỳ thú là cả hai tác gia này đều bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ. Kawabata trong “Người đẹp say ngủ” còn viết rằng “Có thể xem mẹ là người đàn bà đầu tiên của ta không?” Hình ảnh đó có thể khiến ta khái quát lên rằng người ta tìm về truyền thống như thể đứa con nay đã lớn khôn tìm về bầu sữa mẹ vậy. Nhưng đối với những kẻ thiếu vắng tình thương, thiên đường tuổi nhỏ chỉ là sự cô độc bình yên. Và nỗi khát khao hơi ấm đàn bà có lẽ đã xua ta đi làm thân lữ khách, lang thang tìm kiếm một đời.

 

3.

 

Sáng nay, đi tàu Shinkansen từ Okayama đến Aioi, tình cờ anh nhìn thấy một tấm poster dán trên tàu với dòng chữ “一日で 変わる心 もあれば、千年で変わらない心 もある” (Nếu có tâm hồn thay đổi trong một ngày thì cũng có tâm hồn ngàn đời không thay đổi). Thì ra đây là tờ giới thiệu về “vạn diệp tập” trên trang web www.manyoshu.jp, một thi tập tối cổ của nền văn học Nhật Bản. Linh hồn dân tộc không bao giờ thay đổi. Như câu thơ của Đỗ Phủ “quốc phá sơn hà tại.” Núi sông nghìn đời còn đó. Cái hiện đại chỉ điểm tô thêm non sông gấm vóc mà thôi. Như hôm nay, trở về nhà, anh vào trang web vạn diệp tập, thấy rõ ràng máy móc, con người chỉ là phương tiện để chuyên chở tinh thần ngàn đời của văn hoá Phương Đông.

 

4.

 

Khi ngồi uống trà ngắm mưa rơi, anh chợt nghĩ về toàn cầu hoá. Ấm trà Nghi Hưng tử sa này, bạn anh, Nguyễn Trường Khôi tặng anh hơn một năm trước. Trà Long Tĩnh chính hiệu anh mua tại Ngưu Gia thôn, Hàng Châu tháng vừa rồi. Đối với các cụ ngày xưa, được như vậy đã là tuyệt phẩm. Ông Vũ Thế Ngọc, trong quyển Trà Kinh đã cho biết rằng các cụ ngày xưa phải gửi tiền cho lái thương, chờ khoảng mấy tháng trời, có khi cả năm mới được chiếc ấm Nghi Hưng vừa ý chứ đâu có dễ dàng như bây giờ. Những tên gọi huyền hoặc như ấm Nghi Hưng, chén Cảnh Đức Trấn, rượu Mao Đài, Trúc Diệp Thanh, gái Giang Nam đã trở thành niềm đam mê của các bậc phong lưu tài tử. Cơ duyên đã cho anh đến được Trung Quốc và bây giờ nương náu tại quê hương của Basho. Mưa phùn rơi như những chiếc kim bạc, chén trà ấm nóng ngày tha hương. Cảnh ấy làm anh nhớ đến một lời thơ bất tử của Rimbaud “ra đi là đủ rồi.”

 

5.

 

Một người bạn Nhật, ông Hashimoto, có lần nói khi đưa tôi đến Kobe “Dân tộc Nhật rất trực tính nên phải đi đường thẳng, đào rất nhiều đường hầm xuyên núi. Còn dân Việt Nam thì ôn hoà nên làm những con đường đèo. Tôi không biết bên nào hay hơn?” “Đương nhiên là mỗi bên đều có cái hay riêng chứ”, tôi trả lời. Nhưng về ngẫm lại thì đúng là dân tộc Nhật là dung hoà những điều mâu thuẫn. Vừa kín đáo, lạnh lùng, cao sang, vừa thẳng tính, chân tình. Người Nhật ghét nhất là bị phản bội. Cách thể hiện tình cảm có thể rất mãnh liệt như Izumi:

“Kỷ niệm cuối cùng em hỏi
Khi đi khỏi thế gian này
Mà con tim em khao khát
Hãy đến anh ơi lần nữa
Kẻo rồi em chết ngày mai”

Hay có thể dồn nén trong vô ngôn:

“Ta hướng về người, người im lặng
Nỗi buồn của ta há chẳng phải trong sự im lặng đó sao?”

Vì dung hợp những điều mâu thuẫn nên người Nhật hay đi đến chỗ cực đoan. Akutagawa trong Bức bình phong địa ngục đã miêu tả hoạ sư Yoshihide vì muốn đặc tả cảnh địa ngục nên đòi phải tận mắt nhìn thấy cảnh người sống bị thiêu cháy, dù đó là chính con gái ruột của mình. Dám hy sinh cái Thiện để đạt đến cái Tận Mỹ, nghệ thuật đã bước vào cõi ma đạo. trong Diễn từ Nobel, Kawabata cũng nhắc lại lời của Ikkyu “Phật giới nhập dị, ma giới nhập nan.”[*] Và ông tuyên bố:

Nói cho cùng, đối với những con người của nghệ thuật, những kẻ đi tìm Chân Thiện Mỹ thì bao giờ cũng tồn tại cái khát vọng ẩn giấu trong câu “Vào cõi ma khó”, nó hiện diện như là số phận, dù là trong nỗi sợ hãi, trong lời cầu nguyện, kín đáo hay lộ liễu. Không có “cõi ma” thì cũng không có “cõi Phật”. Vào “cõi ma” khó hơn. Những kẻ yếu đuối tinh thần sẽ không đủ sức làm điều đó.

Câu nói này sao mà nghe cộng hưởng kỳ lạ với câu nói thâm trầm của Gide, như khác giọng mà chung nguồn “Với những tình cảm đẹp đẽ, người ta chỉ tạo được thứ văn chương rẻ tiền”. Lời sấm sét khiến cho những kẻ yếu bóng vía phải giật nảy mình và những kẻ làm nghệ thuật chân chính phải suy ngẫm. Nhà văn Tanizaki, kẻ được gọi là “ác ma” của nền văn học Nhật Bản hiện đại, có thể gọi là đã nhập vào mức độ cao nhất của ma giới trong việc tôn thờ cái đẹp rực rỡ, kiêu sa nhưng đồi phế. Như trong truyện “Bàn chân Fumiko” chẳng hạn. Không ai như Tanizaki lại để cho một nhân vật là ông lão Tsukakoshi lấy một người thiếp yêu là Fumiko vì bàn chân tuyệt đẹp của nàng. Nhân vật này thường xuyên khoá trái cửa, để Fumiko lên chõng rồi ông ta đóng vai trò như một con chó, liếm láp bàn chân của nàng và tìm thấy khoái lạc vô biên trong hành vi đó. Cho đến tận lúc hấp hối, ông vẫn yêu cầu Fumiko đặt chân nàng lên mặt mình để được bình yên khi về nơi chín suối. Kiểu sùng bái đến mức quái đản nhưng đầy nghệ thuật. Còn anh thì sao? Những liên tưởng đưa anh đi xa hơn nữa. Tại sao “phật giới nhập dị, ma giới nhập nan”? Bởi vào cõi ma phải có bản lĩnh hơn người. Nó nằm ở chỗ anh vào được thì anh phải ra được. Đã cầm lên được thì phải buông xuống được. Những kẻ yếu bóng vía khiếp đảm không dám vào, những kẻ thiếu bản lĩnh vào được là không có đường ra. Phải chăng vì thế mà Kawabata mới nhấn mạnh việc vào cõi ma khó đến thế? Dù thế nào đi nữa, anh phải thể nhập vào ma giới, hiên ngang chấp nhận cái giá phải trả. Bên tai anh nghe văng vẳng lời nói của Nam Cao như lời mời gọi “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”... Ngẩng cao đầu, anh bước vào Quỷ Môn Quan.

 

Okayama, ngày 8/7/2009

 

_________________________

[*]Kawabata có hai bức thư pháp của nhà thơ / thiền sư Ikkyu (1394-1481). Một trong hai bức ấy là câu: “Phật giới nhập dị, ma giới nhập nan.”

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021