thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngón tay mất tích của tôi...

 

Tôi 16 tuổi và đang ngồi với bà nội trong phòng khách.

Bà ngồi đan áo len, áo khá dày và nặng. Đang mùa hè, nhìn chiếc áo, tôi đổ mồ hôi. Để tránh oi bức, tôi giả vờ cúi xuống đọc, nhưng thực ra cuốn sách trên tay tôi đang bay, trong đầu tôi lùng bùng mưa bão.

Mưa bão? Tôi luôn nghĩ mình là xác của một chiếc tàu bị bọn cướp biển đâm chìm. Cha lo lắng khi tôi có ý nghĩ như vậy, nên gửi tôi về với bà để tịnh dưỡng. Tôi mang theo bí mật của mình, không nói với bà. Tôi sợ bà sẽ buồn nếu phát hiện ra ý nghĩ tàu chìm mộng mị ma quỷ của tôi.

Trước khi tôi về nhà bà, cha nói với tôi rằng cha đã chết khi lên 15 tuổi. Cha nói: Bà đặt tên cho cha là Nguyễn Văn Huy, cái tên với hy vọng đời cha sẽ huy hoàng. Nhưng bà đã dùng vô ý dùng thuốc cảm cúm khi mang thai, nên bác sĩ đã yêu cầu hủy cái thai đó.

Bà vẫn cố giữ, nhưng cha cứ èo uột mãi, đến khi cha lên 15 tuổi thì bà đành chịu thua.

Khi cha kể với tôi câu chuyện này, tôi rùng mình. Cha dặn tôi đừng bao giờ nhắc tên cha trước mặt bà. Cha nói: “Nó làm cho bà đau đớn và cuồng loạn.” Cha muốn giấu bí mật câu chuyện cha đã chết, cũng như cha từng giấu bao nhiêu thứ trong cuộc đời “hoạt động” của mình. Cha nói: “Ngoài cái tên của bà đặt, cha còn khoảng 42 cái tên. Đời cha toàn man khai lý lịch.”

Nhưng tôi không giấu bà điều đó, tôi muốn đi tìm lại hình bóng lúc 15 tuổi của cha. Cha nói: “Lúc 15 tuổi cha chết vì đi theo một bọn cướp.” Đó là lý do tại sao tôi chịu về thăm bà. Tôi cần nhìn thấy, dù chỉ là hình bóng của cha trên bàn thờ hay đâu đó, bằng chính mắt của mình.

Tôi tìm gặp em của cha, tên chú là Nguyễn Văn Hoàng. Chú tỏ ra ngạc nhiên: “Cháu tìm di ảnh của cha cháu à? Cha cháu không có ảnh.”

“Cháu biết, bây giờ làm gì có môn Lịch Sử,” tôi khóc.

Tôi đã rủ một người bạn cùng với tôi về thăm bà, vì tôi không dám một mình đối mặt với cuộc hành trình này. Tôi biết người ta vẫn thường liên kết với nhau để tạo thành Phong trào Không Liên Kết. Tôi sợ những kiểu nói chữ nghĩa mà vô nghĩa, cuối cùng chỉ bỏ mặc những xác người, chết vô tội. Vì thế tôi sợ tháng 7, không chỉ có mưa Ngâu mà đầy những oan hồn...

Chúng tôi đến nơi chú chỉ, vào giữa một buổi sáng. Tôi bước ra khỏi xe và thở hắt. Phong cảnh rất đẹp, mọi thứ nhìn như một khu vườn trồng toàn hoa và cây xanh. Có rất nhiều tượng đài. Chú nói nơi này ngày xưa toàn những hố bom. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi thấy nơi cha tôi từng sống bây giờ đẹp như thế này.

Chú dẫn chúng tôi đến một mộ nhỏ, sau một vài phút, có người dưới mộ lên mở cửa. Tôi có hoa mắt không? Cửa? Cánh cửa nào? Có phải là cửa phòng của cha mà tôi hay vào làm nũng với cha không?

“Đây là Nguyễn Văn Huy, cha của cháu,” chú nói, chỉ vào người đàn ông ra mở cửa. Ông có khuôn mặt gầy gò, hàm răng hô. Hình như ông không giống tôi, vì tóc và mắt của ông màu đen trong khi tóc tôi vàng và mắt tôi xanh. Nhưng vì chú tôi đã xác nhận, nên tôi tin ngay và bắt đầu nói chuyện với ông. Tôi nói: “Con là con gái của cha. Có lẽ bệnh sởi gây phát ban chảy máu nên con có màu mắt và màu tóc không giống cha. Và con đến để tìm cha.”

Ông không nói nên lời, chỉ thoáng co giật như kiểu người bị ngạt thở. Không lẽ ngày xưa cha bị chôn sống?

Tự dưng tôi bị ràng buộc với người đàn ông tóc đen mắt đen xa lạ này, như bóng ma. Tôi lặng im nghe ông tiếp tục kể về cuộc sống của gia đình chúng tôi ngày xưa, như thể đây đúng là chuyến thăm của đứa con gái xa nhà về với ông bố. Tôi chăm chú nhìn bàn tay của người đàn ông và bàn tay của mình. Tôi nhớ cha đã nói với tôi rằng, khi sinh tôi ra, một ngón tay của tôi bị mất tích, và điều đó làm tôi rất giống cha.

“Đây không phải là cha của cháu,” tôi nói, và quay lại ngượng ngùng nhìn chú.”Cha cháu bị thiếu một ngón tay.”

Chú tôi bị sốc, nhưng sau đó ông bật cười. “Ồ, có lý, cha và con gái phải giống nhau.” Và chú đếm lại các ngón tay của mình, gỡ ra một ngón tay, đặt vào lòng bàn tay của người đàn ông mà chú gọi là cha của tôi. “Em trả lại cho anh một ngón tay. Em không hiểu những gì anh đã kể với con gái của anh, nhưng chúng ta không chém giết nhau, đúng không? Dù sao, cháu cũng biết là anh đã chết. Chúng ta không còn những bí mật nào nữa, ngoài một ngón tay bị mất tích.” Chú cười cười với người đàn ông tóc đen mắt đen đang cầm một ngón tay của chú.

Tôi nhớ ngày tháng tuổi thơ xa lăng lắc, ánh mắt màu xanh và mái tóc màu vàng nhạt của mình. Tôi chưa từng có tóc đen mắt đen. Người đàn ông tóc đen mắt đen này không thể là cha tôi. Có lẽ ông ta đến từ dưới chiếc váy vẫn hay cuộn lên mỗi đêm của mẹ. Gần sáng ông lặng lẽ bỏ đi. Mẹ thì thầm: “Đó là chiến thuật du kích.”

Tôi đã từng thèm khát một mái ấm gia đình, thèm bờ vai của cha, nhưng bây giờ tôi thấy không cần nữa. Tôi ghét sự không chính danh. Điều đó có vẻ hèn nhát. Có tiếng cười khúc khích: “Tôi sẽ giúp bạn có một người cha...” Hóa ra bạn tôi đang nói với tôi, và chúng tôi giả vờ cười, che giấu sự lo lắng về những điều phi lý. Tôi nghĩ chắc là chú đã nói sai. Ông du kích ấy không phải là cha tôi. Tôi hy vọng cánh cửa ngôi nhà, chứ không phải ngôi mộ, sẽ mở ra một lần nữa để cha tôi thật sự xuất hiện. Tôi biết mình sẽ nhận ra cha ngay lập tức. Bằng màu Mắt Xanh Tóc Vàng mà người ta vẫn gọi nhầm là mắt xanh mũi lõ. Bằng chứng là chú cũng là một phiên bản của cha tôi. Màu tóc và màu mắt của chú cũng vàng và xanh chứ không tóc đen mắt đen như người đàn ông kia. Dĩ nhiên chú trẻ hơn cha, và bây giờ cũng thiếu một ngón tay nên bàn tay của chú thành kỳ quái. Tôi nhớ những hình ảnh méo mó trong nhà gương mà tôi vẫn được cha dắt vào chơi trong công viên cổ tích nghìn tay nghìn mắt ngày xưa. Cha nói: “Con thấy không, chúng ta đã nhìn thấy tất cả.” Tôi nói: “Cha ơi, vậy sao cha không thấy ông du kích?” Cha khóc: “Chao ôi máu đỏ da vàng, có ai mà ngờ.”

“Chú ơi, cháu là cháu gái của chú,” tôi nói. Nhưng bây giờ cả chú cũng ngơ ngác, không hề hiểu tôi. Chú không có ngôn ngữ hay chú không dám nói? Mắt màu xanh của chú nhìn tôi nhưng chú không còn thấy bất cứ điều gì. Chú đang cầm bàn tay thiếu một ngón tay, và vẫy nhẹ nhàng chào mọi người. Tôi đưa tay tôi lên, để chú nắm lấy bàn tay tôi trong vũ điệu của những bàn tay có ngón tay bị mất tích.

Chú chải lại mái tóc màu vàng bằng bàn tay thiếu một ngón tay, khẽ ngâm ngợi: “Này anh đồng đội / người bạn pháo binh / anh rót cho khéo nhé / kẻo nhầm vào nhà tôi...” Tôi biết mình cũng giống chú, tôi đang đếm lại những ngón tay, tìm làn da xanh mướt vì sốt rét của cha tôi, nơi cánh cửa của ngôi mộ sắp mở ra lần nữa. Chú nói: “Đó là nơi mà ánh sáng và sự thật không hề biết khoan nhượng.”

Bạn tôi và tôi lái xe về nhà bà.

Đêm đó, tôi ngồi trong phòng khách với bà. Bà vẫn ngồi đan và tôi cũng giả vờ đọc. Sau đó tôi buột miệng nói ra bí mật của mình. Tôi thú nhận rằng tôi đã đến thăm cha tôi, con trai của bà, bị bỏ rơi cách đây đã gần 40 năm, chính xác là 39 năm.

Bà cười buồn: “Bà biết, thậm chí bà còn biết nơi cháu đến sáng nay. Đó là nơi mà Thời Gian và Sự Thật vẫn còn sống và làm việc. Từ thời ông của cháu cho đến thời cha của cháu, chao ôi xa lăng lắc... Đó cũng là nơi làm cho bóng tối phải chịu nhìn vào ánh sáng, không thôi Lịch Sử sẽ bị lãng quên.” Bà nói tiếp: “Cháu có học giỏi môn Sử không? Nếu giỏi môn Sử, cháu sẽ biết có nhiều người bị bắt buộc phải làm ma khi còn rất trẻ. Họ phải đánh nhau cho đến người cuối cùng. Họ chết oan khuất và không bao giờ siêu thoát. “Bắt buộc” và “Tự Nguyện”, chữ nghĩa vẫn thường hay nhảy múa như vậy, cháu có hiểu không? Nên họ không chịu chết, họ vẫn còn ngồi bên chúng ta trong mỗi bữa ăn. Cả đất nước này cùng cúng cơm, không phải chỉ mỗi gia đình chúng ta.” Bà hát khẽ: Huế học hay huyết học, mấy trăm nhà cùng giỗ một ngày, “chiều đi lên Bãi dâu, hát trên những xác người...”

Bà nói: “Cháu không thể tìm được cha. Thất lạc hết. Khi Chúa đang di cư vào Nam thì tự dưng có một ông nhạc sĩ đòi uống nước nguồn miền Bắc, mọi thứ rối tung hết. Xương trắng khắp nơi. Còn cháu thì chỉ nghĩ là một đứa trẻ 15 tuổi bỏ nhà theo bọn cướp và chết vì bệnh sởi.” Tôi khóc, gật đầu.

Tôi nói với bà là tôi đã giơ tay lên và chú tôi, người con trai còn lại của bà, đã nắm bàn tay thiếu một ngón tay của tôi. Chú đã nói với tôi: “Đất nước này ai cũng phải bỏ lại một phần xương thịt. Thiếu một ngón tay vẫn còn hạnh phúc.” Tôi thích câu nói của chú. Chú chỉ có một sai lầm là dắt tôi đến gặp người đàn ông không phải cha tôi. Đôi mắt bà mở to: “Sai lầm quan trọng nữa là lẽ ra chú của cháu phải chết. Vì như vậy bà sẽ là một Bà Mẹ Anh Hùng.”

Bà nói: “Chú của cháu nói đúng, nhưng điều đó là quá vô lý. Tại sao người ta cứ phải thiếu một ngón tay? Người tạo ra câu chuyện buồn và vô lý là ai? Tại sao khi mọi người gọi tên, ông ta không chịu xuất hiện? Không ai có tội, vậy những ngón tay chỉ vào đâu? Chỉ vào mặt bà à? Bà đã mất hết. Chỉ vào mặt cháu à? Cháu có biết gì đâu? Tại sao cứ bắt cháu phải làm một xác tàu chìm? Tại sao cháu cứ mang ám ảnh rằng mình là một cột mốc sống? Người ta đã làm gì để một đứa trẻ như cháu cũng không thể thoát khỏi cuộc chiến sau 39 năm ma ám? Tại sao khi bây giờ sang viếng thăm nhà nhau mà người ta vẫn phải mang cả những hình ảnh tù binh chiến tranh bị đối xử tàn ác một thời? Tặng quà hay tiếp tục bắn máy bay? Không còn dám chỉ vào mặt một ai đó thì ngón tay thừa hay thiếu có nghĩa gì?” Nụ cười biến mất khỏi khuôn mặt mù mờ khói bom của bà.

“Cha cháu cũng không biết bà là ai,” bà nói, “như vậy làm sao cha biết được cháu. Ngay cả bà cũng mới gặp cháu lần đầu tiên. Đất nước này làm gia đình ai cũng mịt mù nước mắt khi tìm lại quá khứ.”

Tôi nhặt cuốn sách của tôi lên, bà cũng nhặt áo len đang đan của bà từ sàn nhà ướt át. “Bẩn thỉu quá,” bà vẫn nhìn sàn nhà và không nói thêm bất cứ điều gì khác. Bà không hỏi làm thế nào tôi tìm được con trai của bà hoặc làm thế nào con trai của bà lại tìm thấy tôi. Bà không hỏi những gì ông đã làm hay gương mặt của ông trông có giống tôi không? Tại sao bàn tay tôi cũng phải thiếu một ngón tay giống ông?

Tại sao bao nhiêu năm qua không ai có thể chạm vào ông? Tại sao ông im lặng ngay cả khi người ta khắc tên ông lên những ngôi mộ không phải của mình?

Tôi nói: “Bà ơi, người ta nói với cháu rằng cháu vẫn có thể gặp lại cha bằng cách hô mưa gọi gió... Bây giờ đầy những nhà ngoại cảm trong các trung tâm Cận Kề Thần Linh. Có rất nhiều các ông thần ấy, vì hình như tuyển đầu vào cũng không cần học hết phổ thông đâu bà ạ.” Bà thốt lên một câu như có vẻ không ăn nhập gì với câu chuyện: “Bọn lừa đảo. Bỏ mắt đen tóc đen chạy theo mắt xanh tóc vàng, rồi lại bỏ tóc vàng mắt xanh chạy theo tóc đen mỏ đỏ. Tóc đen tóc vàng tóc xanh tóc đỏ, cứ có tiền là chúng chạy theo, bất chấp đạo lý và mạng người. Sao chúng lang chạ vậy mà không thấy đứa nào mang bệnh?” Tôi hỏi bà: “Bệnh gì?” Bà nói: “Không phải bệnh hoa liễu đâu, cháu ạ.”

Hình như bạn tôi đang hát: Lớp cha trước lớp con sau, rồi nó nói: “Ôi chao, hết ông chết rồi đến cha chết, mọi người cùng chết hết rồi à?” Tôi nhắc nhở bạn tôi nên im lặng. Tôi biết bà có còn ai nữa đâu mà làm nàng Bân. Cha cũng không cần mặc áo len giữa mùa hè như những trò phi lý đang tồn tại quái dị đến hợp lý ở xã hội thiên đường bây giờ. Tôi khóc: “Bà ơi, bà đan áo len để làm gì?” Bà móm mém: “Đan áo giúp cho bà biết có những thứ trên đời còn nặng hơn nước mắt. À, mà cháu sẽ lấy gì thay ngón tay bị mất tích của cháu khi có người tò mò hỏi về nó?”

Tôi khóc khi chia tay bà, quay về với cha tôi. Tôi biết ông vẫn đang chờ tôi ở nhà, với một ngón tay đang cầm sẵn trong lòng bàn tay, để trả lại cho tôi. Tôi biết cha muốn tôi không phải trả lời câu hỏi cuối cùng đau xót của bà, nhưng tôi biết chắc là không thể...

Bỏ tóc đen chạy theo tóc vàng, bỏ tóc vàng chạy lại tóc đen, bây giờ hai mái tóc đen quay lại nắm đầu nhau, lại chạy đi tìm rước tóc vàng. Ôi chao là bọn tóc nâu tóc hồng tóc đỏ và dẻo mỏ...

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021