thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — Công cụ tuyên truyền

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục "Thảo luận trong tháng". Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
"Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Công cụ tuyên truyền

 

Ý kiến của Lê Anh Hoài

 

Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”. Ở Việt Nam, tư tưởng này được hậu thuẫn bởi “truyền thống” văn dĩ tải đạo vốn đã ăn sâu không những trong quần chúng mà cả trong đa số người viết.

Có thể với những nhà cách mạng tốt, họ sẽ muốn văn học truyền đạt những cái tốt đến với quần chúng. Trường hợp này, vấn đề đạo đức chính trị có thể coi là ổn, nhưng kể cả vậy, văn học — khi đã bị hạ cấp xuống thành công cụ tuyên truyền — vẫn phải chịu số phận của một thứ dị dạng không còn là chính nó.

Trường hợp ngược lại, văn học sẽ là cái loa cho cái ác và cái xấu xí. Lúc này, nó càng có tính phổ cập thì càng tồi tệ.

Ở Việt Nam còn thịnh hành một quan niệm rất ấu trĩ: Lớn = Nhiều Người Biết. Một nhà văn lớn ư? Cả nước biết! Một tác phẩm văn học lớn ư? Trẻ con cũng biết!

Tất nhiên, ngược lại sẽ là những lập luận rất hồn nhiên: Ông (bà) này hả, ai biết đâu nhỉ? Tiểu thuyết (truyện ngắn, bài thơ...) ấy, ai biết đâu nhỉ?

Không (chưa, ít) ai biết, là nhỏ (yếu, kém, tồi)! Kết luận thật mau lẹ. Kỳ lạ nhất là người ta không cần tìm hiểu thêm (đối với tác phẩm văn học đơn giản là đọc. Ngay trong trường hợp nhiều người “biết” về một tác phẩm nào đó, cũng chỉ rất ít người thực sự đọc nó)! Đây là cái tâm lý đám đông (mà các thành viên) luôn muốn giống nhau, của một xã hội chưa thoát hẳn khỏi nguồn gốc của nó: làng xã.

Thế nên, có thể nhận ra cái vòng rất luẩn quẩn: tác phẩm văn học đơn giản => dễ hiểu và cảm nhận => nhiều người biết => lớn = (& =>) đơn giản => dễ hiểu và cảm nhận...

Trong khi đó, văn học — với tư cách một nghệ thuật độc lập — có con đường riêng của nó. Một tác phẩm văn học đích thực có những độc giả đích thực của nó. Một nhà văn chân chính muốn tác phẩm của mình được đến với mọi người, nhưng ông (bà) ta sẽ không chiều lòng tất cả.

 

Đêm 6/8/2007

 

Đã đăng:

05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021