thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhìn đời đơn giản
Bản dịch của Tôn Thất Huy & Thận Nhiên

 

EDWIDGE DANTICAT

(1969~)

 

Edwidge Danticat ra đời tại thành phố Port-au-Prince, Haiti năm 1969. Đậu Cử nhân Văn Học Pháp tại đại học Barnard College, và Thạc sĩ Nghệ Thuật tại đại học Brown University., cô hiện đang dạy tại Đại Học New York University (NYU). Những truyện ngắn của cô đã xuất hiện trên 25 tạp chí văn chương và góp mặt trong một số tuyển tập. Ngoài một số tác phẩm cô biên tập hoặc viết chung với người khác, cô đã xuất bản một tập truyện ngắn: Krik? Krak! (1995), năm cuốn tiểu thuyết: Breath, Eyes, Memory (1994), The Farming of Bones (1998), Behind the Mountains: First Person Fiction (2002), The Dew Breaker (2004), Anacaona, Golden Flower, Haiti, 1490 (2005), và một bút ký: After the Dance: A Walk Through Carnival in Jacmel, Haiti (2002). Tác phẩm của Danticat đã được dịch sang tiếng Đại Hàn, Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Các giải thưởng chính gồm có: 1994 - Fiction Award: The Caribbean Writer; 1995 - Woman of Achievement Award, Pushcart Short Story Prize, vào chung kết National Book Award cho tập truyện ngắn Krik? Krak!; 1996 - Best Young American Novelists cho tiểu thuyết Breath, Eyes, Memory; 1999 - Tiểu thuyết The Farming of the Bones đoạt các giải: American Book Award, The International Flaiano Prize for Literature, và The Super Flaiano Prize.

 

____________________________

 

NHÌN ĐỜI ĐƠN GIẢN

 

“Dớt nó đi! Giết nó!”

Độ đá gà bắt đầu. Princesse nghe tiếng la ó từ sân trường khi nó bước ra khỏi lớp. Con gà trống nào gáy to nhất thường ăn đòn trước. Nó cũng thường là con bị ngoẻo trước.

Những tiếng hò reo hợp lại thành một tiếng gầm lớn. Khi Princesse băng qua con đường mù bụi nó có thể nghe những tiếng gào của đám đàn ông. “Chém vô đầu nó! Chơi vô cổ nó!”

Vào ban đêm, những lễ lạc thường được diễn ra dưới tàn cây đa mọc ngay giữa một cái chòi trống. Tuy nhiên, vào ban ngày thì dân làng tổ chức những cuộc chọi súc vật ở đó, nhiều khi họ còn tổ chức luôn cả đám cưới và đám ma nữa. Phía ngoài vòng đấu, mấy người đàn bà bán nước giải khát lạnh và vé số của Dominica.

Một ông già đang hút chiếc tẩu gỗ được đẽo vụng trước sân.

“Đi về thôi,” vợ ông nói trong khi bà cố giữ thăng bằng cái rổ nặng đặt trên đầu.

“Để tao yên nào, không tao dũa cho mày câm họng lại bây giờ,” ông hét vào mặt bà.

Ông dúi bàn chân vào đám cỏ nâu phủ bụi rồi lầm bầm rủa tà ma cho bà im đi.

Bà vợ ngửa đầu ra sau hết cỡ như thể nếu bà bị cắt cổ thì cũng chẳng cảm thấy gì. Bà bật cười rú lên như thể đang cười với những đám mây rồi ngoáy mông bỏ đi.

Ông già thổi phù khói thuốc về phía vợ. Ông tiếp tục dúi bàn chân xuống đám cỏ, lầm bầm rủa vợ trong khi bà đã bỏ đi khá xa, cái rổ tròng trành trên đầu.

“Con gái nhà ai mà đẹp quá nè.” Ông già nháy mắt với Princesse khi nó tiến gần ông. Càng đến gần, Princesse càng nhìn rõ mặt ông. Theo lời người làng thì trước đây ông là một giáo viên ở thủ đô, giờ dời về Ville Rose sống để được say xỉn.

Ông già đẹp trai một cách thiệt ngộ, làn tóc bạc rẽ thẳng giữa đầu. Mỗi ngày ông ngồi ngoài trường gà, say sưa lắng nghe như thể nó là một loại âm nhạc nào đó, và xua đuổi bà vợ với những câu thần chú chẳng bao giờ hiệu nghiệm.

Có lời đồn ông là bậc trí giả, đã tốt nghiệp trường Sorbonne ở Paris, xứ Pháp. Còn có lời cho rằng một ông ngon lành như vậy mà chỉ có thể sống với mụ đàn bà đội thúng trên đầu, là chỉ vì ông ta đã hết thời rồi. Có thể ông đang lẩn tránh pháp luật, hoặc đã bị bỏ bùa, điều đó cũng có thể giải thích tại sao mọi câu thần chú bình thường mà ông thường dùng để rủa bà vợ vẫn không hiệu nghiệm.

“Hôm nay cô em khoẻ không?” ông hỏi, với tay bắt lấy tà áo của Princesse. Princesse đã mười sáu tuổi nhưng vì nó nhỏ thó nên rất dễ bị lầm là chỉ mới mười hai. “Cô em có muốn cá độ gà không?” ông cà rỡn hỏi.

“Không, thưa ông,” nó nói, tiếp tục bước đi.

Ông già hớp một ngụm từ cái chai chứa đầy rượu rum và lá cây, rồi khập khiễng đi về phía sân, nơi cuộc chọi gà đang diễn ra.

Những con gà trống đang kêu quang quác vì đau. Cuộc chọi gần kết thúc. Một loạt reo hò khác vang lên, lần này thì dài hơn lần trước. Đó là âm thanh của một cái chết đầy hoan lạc. Một trong những con gà đã thua cuộc.

 

*

 

Princesse đang trên đường đến cuộc hẹn gặp Catherine, người hoạ sĩ đến từ Guadeloupe. Một nhóm người ngoại quốc chiếm một dãy nhà ở Ville Rose. Princesse đã gặp vài người qua sự giới thiệu của những giáo viên ở trường. Nhiều học sinh trong lớp nó được thưởng điểm cao vì được giới thiệu đến những hoạ sĩ và nhà văn nói tiếng Pháp đang sống trong những căn nhà sang trọng trên các ngọn đồi nhìn xuống bãi cát trắng ở Ville Rose.

Catherine đang đọc sách trên bãi biển khi Princesse đứng gọi chị từ trên đồi.

“Madame,” Princess nói, cố nhớ lại những bài học ngữ âm để khỏi giống giọng người bản xứ mà giống giọng Pháp hơn.

Catherine bỏ cuốn sách xuống, khoác chiếc áo choàng dài ngang đầu gối lên bộ đồ tắm khi chị chạy lên nhà. Catherine hôn lên cả hai má của Princesse như thể họ đang gặp nhau ở một bữa tiệc.

Catherine chỉ mới hai mươi bảy tuổi nhưng trông chị già hơn nhiều. Chị tắm nắng không ngừng nhưng da chị vẫn giữ một màu đồng thau, dù da chị ngày càng khô hơn. So với những người da đen mà Princesse biết, Catherine tắm nắng nhiều nhất mà da không bị đổi màu.

Catherine đã để sẵn sơn và vải bố nơi hiên nhà. Chị thích vẽ ngoài trời trong ánh nắng.

“Thư giãn đi, cưng,” chị trấn an Princesse. “Cứ từ từ, khi nào thấy thoải mái thì mình bắt đầu. Trời đất này sẽ còn nguyên xi sau khi mình đã về chầu Chúa. Chẳng phải vội làm gì.”

Princesse chậm rãi cởi chiếc áo sơ mi carô của bộ đồng phục, rồi chiếc áo lót trắng tinh nó bận để giữ chiếc áo sơ mi khỏi bị thấm mồ hôi. Nó có hai bầu vú như những chiếc nấm to chưa bung nở.

Catherine bắt đầu vẽ phác khi Princesse cởi váy. Việc khó nhất luôn luôn là làm sao để Princesse cởi đồ lót, nhưng một khi Catherine quay đi hướng khác hay giả vờ nhắm mắt lại thì mớ đồ lót biến mất nhanh như chớp.

“Mình làm việc nhé,” Catherine nói khi con bé ngả người xuống tấm drap trắng mà Catherine đã trải trên sàn hàng hiên. Princesse thích ngồi dưới lan can hiên nhà, khuất tầm mắt của người qua lại.

Catherine hy vọng một ngày nào đó sẽ thuyết phục được Princesse chạy khoả thân trên bãi cát, và âu yếm làm tình với những ngọn sóng biển, nhưng giờ thì chị chỉ có thể làm cho Princesse cảm thấy thoải mái khi loã thể, an toàn khuất ngoài tầm mắt của những kẻ tò mò.

“Tuyệt lắm,” Catherine nói, phác nhanh những đường bút chì trên tập giấy trên tay để tô đậm đường nét cho bầu ngực trần của Princesse. “Thả lỏng nào. Cứ tưởng tượng là cưng đang nằm một mình trên giường và cảm thấy thật thoải mái.”

Chẳng dễ chút nào để Princesse giả bộ là đang thoải mái khi mặt trời soi vào những nơi kín đáo nhất trên thân thể.

Catherine nói “Hãy nhớ điều chị đã nói. Chị sẽ không bao giờ dùng tên của cưng, và không có một ai sống trong làng này được xem những bức tranh này.”

Princesse cảm thấy yên lòng hơn sau câu hứa.

“Một ngày nào đó cháu chắt của cưng sẽ bước vào những phòng tranh ở Pháp, và ở nơi đó chúng sẽ được chiêm ngưỡng thân thể tuyệt đẹp của cưng.”

Princesse nghĩ thân thể của nó chẳng có gì là đẹp cả. Nó có một thân hình như bao nhiêu người ở đây, chỉ có điều là nó dám khoả thân. Nhưng nó chẳng màng ai sẽ thấy được thân thể này sau khi nó chết và được chôn đi. Tùy vào Catherine và Chúa quyết định điều đó. Miễn sao Catherine đừng bao giờ cho bất cứ ai ở Ville Rose xem những bức chân dung đó thì nó yên tâm rồi.

Catherine chưa bao giờ ngỏ ý là sẽ chia sẻ tác phẩm của chị với Princesse. Khi nào cảm thấy là đã vẽ đủ rồi, Catherine sẽ thu dọn những bức tranh và mang chúng về Paris hay Guadeloupe để cất giữ.

Catherine ngưng vẽ vài giây để đi lấy cho mình ly rum pha đá. Chị đưa ly mời Princesse nhưng Princesse lắc đầu. Chắc cả làng sẽ ngửi thấy mùi rum trong hơi thở của nó khi trở về nhà và họ sẽ đoán được ngay nó đã uống cái thứ quỉ này ở đâu.

“Chị đã từng đứng mẫu trước lớp khi còn ở Pháp.” Catherine dựa người vào lan can của hiên nhà, từ từ nhấm nháp. “Chị làm mẫu cho sinh viên mỹ thuật tại Paris. Chị kiếm sống bằng cách đó trong một thời gian.”

“Như thế nào hả chị?” Princesse hỏi, mắt nhắm nghiền vì ánh mặt trời phản chiếu lại từ ly rượu rum trắng Catherine đang cầm trên tay.

Catherine trả lời, “Khó lắm, như em bây giờ vậy. Không dễ tái tạo được hình thể con người trong sự phức tạp của nó. Khó mà bắt được thần sắc của một con người trừ khi người hoạ sĩ biết con người đó rất rõ. Vì vậy, một khi mà cưng tìm được một ai đó có cái chân dung, có cái thần, mà cưng đã nắm được thấu đáo, thì khó mà để họ vuột mất.”

Catherine lại cầm tập giấy lên. Princesse im lặng nằm ngửa ra. Một con ruồi tha thẩn đậu lên mũi nó. Nó phẩy con ruồi đi. Một lằn dầu dừa tan chảy từ trên tóc của Princesse rồi bệt xuống tấm drap trắng dưới lưng. Chất nhờn bệt in dấu trên tấm chiếu cói như những đốm máu kinh nguyệt thường dính phía sau những chiếc áo đầm nó mặc.

Catherine nói, “Chẳng bao giờ có hai gương mặt giống nhau,” cổ tay chị di chuyển qua lại thật nhanh nhẹn trên tập giấy. Cây bút chì tạo ra những tiếng cọ quẹt như thể nó đang mài xuống bề mặt cứng nhất của mảnh giấy trắng. “Đôi mắt là phần ấn tượng và lạ kỳ nhất của gương mặt.”

“Còn cái miệng thì sao?” Princess hỏi.

“Nó cũng rất đặc biệt, cưng ạ, vì đôi môi quyết định những biểu cảm của gương mặt.”

Princesse bĩu môi.

“Chị thật sự nghĩ như vậy à?” nó hỏi, rồi cười khúc khích.

“Đúng vậy.” Catherine nói.

 

*

 

Catherine đóng trang bìa của tập giấy lại khi xong việc.

“Cưng về được rồi, Princesse,” chị nói.

Princesse nhanh chóng mặc áo quần. Catherine nhét hai đồng gourde vào giữa hai tay, hôn nó hai lần lên má.

Princesse phóng nhanh xuống mấy bậc cấp dẫn ra khỏi căn nhà trên bãi biển. Nó cứ thế đi mãi cho tới khi đến con đường đất về làng.

 

*

 

Trời sụp tối. Trong đám bụi mù mịt, một chiếc xe jeep cũ chạy lóc cóc trên đường.

Có ai đó đang chơi trống trong trường gà. Tiếng hụ của những chiếc tù và bằng vỏ ốc và bằng những sừng bò rỗng đang cố bắt theo nhịp điệu chói tai ấy.

Một gã đang khóc sụt sùi khi chôn con gà trống của mình đã tử trận trong trận đấu hồi chiều. “A-di-đà-Phật,” gã niệm lời khấn với những vì sao khi thả xác con gà xuống cái lỗ gã đào bên vệ đường. Một ngôi sao trên trời trả lời bằng cách rơi vụt xuống phía sau lưng ngọn đồi thành một quả cầu lửa.

“Mày có thể xực con gà đó mà!” ông già xỉn gào về phía gã. “Tối nay tao sẽ đến đào con gà đó lên rồi xực nó với vợ tao vào ngày chủ nhật. Thiệt là phí của!”

“Tui trả nó lại cho ông già tui!” anh chàng kia gào trả. “Ổng cho tui con gà này năm ngoái.”

“Ông già mày chầu trời rồi, thằng khùng!” ông già xỉn hét lên.

“Tui trả lại ổng con gà này.”

Ông già vẫn ngồi cạnh hàng rào, tay ôm khư khư bình rượu rum ngâm đầy lá.

“Thiệt là hên, được ngó cô em hai lần trong ngày,” ông nói với Princesse khi nó đi qua.

Thân thể con người là một hình thể cực kỳ phức tạp. Princesse đã học được như vậy. Một bức tranh hay sẽ không chỉ bắt giữ được những nét đặc trưng của ông già, mà còn cả tâm trạng tính khí của ông nữa. Bức tranh chỉ có thể hoàn tất bằng nhiều nét cọ tài hoa, hoặc chỉ với một đường phác bay bướm, tất cả đều tùy vào tài nghệ của người hoạ sĩ. Mỗi lần nó đến chỗ Catherine, Princesse lại học thêm một điều gì đó khác lạ.

 

*

 

Ngày hôm sau, Catherine cho nó mặc đồ bình thường, ngồi trên một hòn đá nơi bãi biển khi Catherine vẽ nó lên vải bố. Princesse nhìn thấy da mình trở nên đen sậm càng lúc càng rõ hơn khi nó ngồi cạnh mặt biển, những ngọn sóng xô bọt cát trắng xoá vào giữa các ngón chân.

Cây cọ của Catherine quét lên mặt vải bố khi chị nói, nhanh tay đánh đều màu để bắt kịp ánh nắng chiều chói chang. “Khởi thủy, Thượng Đế phán, ‘Hãy có ánh sáng.’ Không có ánh sáng thì không có gì cả. Chúng ta sẽ trở nên mù loà. Chẳng có ánh sáng hay màu sắc.”

Trong khoảnh khắc đó, Catherine đang vẽ hòn đá và cát bên dưới Princesse, chẳng màng gì đến nhân vật chính. Chị đang đợi đúng thời điểm để vẽ thêm Princesse vào bức tranh. Cũng có thể chị sẽ làm điều đó sau này, khi mặt trời đã lặn, khi chị có thể vẽ tùy hứng. Có thể chị vẽ vào ngày mai khi ánh sáng sẽ có chút thay đổi, khi mặt trời cao hơn hoặc thấp hơn chút xíu trên bầu trời, biến biển thành một màu sắc khác.

“Ánh sáng lọc qua làn da của cưng trông thật kỳ diệu,” Catherine trấn an Princesse. “Người ta cho rằng màu đen sẽ hấp thụ tất cả mọi màu sắc. Nó làm mờ nhạt đi và tiêu diệt hết những màu sắc khác. Điều đó không đúng, em không nghĩ vậy chứ?”

“Dĩ nhiên rồi,” Princesse gật đầu. Catherine là chuyên gia mà. Chị luôn nói đúng.

“Màu da đen làm giàu cho vải bố,” Catherine tiếp tục. “Có bao giờ cưng nghĩ về việc chúng ta thay đổi nhiều thứ trên đời, và chúng cũng thay đổi chúng ta như thế nào không?”

“Thay đổi như thế nào vậy?” Princesse đánh liều hỏi.

“Có lẽ những sự vật nhỏ nhoi – như thân phận con người chẳng hạn – cũng có thể thay đổi và tạo ảnh hưởng đến những sự vật lớn lao khác trong vũ trụ.”

 

*

 

Vài ngày sau, Princesse ngồi trong phòng ngủ khi Catherine đang phác hoạ nó trong tư thế ngồi trên một chiếc xích đu, mỗi tay cầm một cây nến đỏ dài. Màn cửa sổ màu đen ngăn không cho nắng chiều rọi vào. Princesse ngồi yên làm mẫu, một mẩu sáp nhỏ xuống đọng lại trên tay.

Catherine nói với Princesse trong bóng tối, “Khi chị bắt đầu vẽ ở Paris, chị sống với một người đàn ông, lúc đó ông ta đã là một hoạ sĩ rồi. Ông bảo chị rằng nếu chị muốn trở thành hoạ sĩ, chị phải mang giầy bốt, đôi giầy to chảng bị thủng lỗ dưới đế của ông. Ông là người thầy giỏi nhất của chị. Ông chết ngày hôm qua.”

“Em xin chia buồn,” Princesse nói, nhìn thấy được trong mắt của Catherine không biểu lộ một chút gì đau buồn.

“Không sao đâu,” Catherine nói. “Ông ấy già lại bị bệnh.”

“Mang đôi giầy đó chị cảm thấy thế nào?” Princesse hỏi.

“Giờ thì chị biết được cưng quan tâm đến điều gì rồi.” Catherine nói.

“Em xin lỗi, em vô ý vô tứ quá.”

Catherine nói, “Mỗi lần ông bảo chị mang đôi giầy bốt đó, chị lại bảo ông xéo đi chỗ khác mà tự bày lấy những trò tục tĩu. Nhưng lúc nào ông có việc phải đi xa, chị lại ép mình mang đôi giầy bốt đó. Chị mang nó mọi ngày, mọi nơi. Chị mang nó ra đường, vào công viên, đến hàng thịt. Chị mang nó khắp nơi, cho đến nỗi có lúc chị đã cảm thấy rằng nó chính là của chị.”

 

*

 

Ngày hôm sau, khi Princesse đến gặp Catherine, chị không vẽ Princesse. Họ ngồi nơi hàng hiên và Catherine uống rượu rum trắng.

Cưng nói cho chị nghe đi,” Catherine nói. “Nói cho chị biết theo em thì bây giờ bầu trời có màu gì?”

Princesse nhìn lên, thấy màu sắc bình thường của bầu trời Haiti.

“Em nghĩ là xanh da trời,” Princesse nói. “Có lẽ là xanh chàm, như màu loại bột giặt mà mình thường dùng.”

“Ở đây mình có nhiều thứ quá,” Catherine nói. “Ngay cả màu xanh chàm của bột giặt cũng có ở trên bầu trời.”

 

*

 

Ngày hôm sau khi Princesse ghé lại thì Catherine không có nhà. Princesse ngồi đợi nơi chân cầu thang bên ngoài cho tới khi gần tối. Cuối cùng Princesse thả bộ xuống bãi biển ngắm những vì sao xếp thành những đội quân ngẫu nhiên trên bầu trời đêm.

Có một chấm nơi chân trời xa, chỗ mà trời với biển gần như quyện vào nhau làm một, trời chạm vào mặt nước như môi của tình nhân âu yếm chạm vào nhau. Đứng nơi đó, Princesse ước gì nó có thể vẽ được cảnh này. Cảnh này và tất cả những bầu trời đêm mà nó đã từng thấy được, mặt trăng tròn và những vì sao ngó trộm xuống, như những thiên thần bé bỏng nghịch ngợm toan nhảy xuống trần gian và đôi khi còn nháy mắt đùa giỡn, trong một cuộc diễn hành vô tận mà chẳng bận tâm gì đến loài người. Princesse nghĩ nó có thể vẽ được điều đó, cho vào ánh sáng và màu sắc, hình thể và kết cấu, tất cả những thứ mà Catherine đã từng nói đến.

 

*

 

Princesse trở lại ngày hôm sau nhưng Catherine vẫn đi vắng. Nó đi quanh căn nhà vắng chủ cả chục lần, đi mãi cho tới khi cổ chân đau mỏi. Một lần nữa, Princesse ở lại cho đến khi màn đêm xuống để ngắm bầu trời đêm trên bãi biển. Trong khi chậm rãi đi bộ, nó nhặt lên một chiếc vỏ ốc xà cừ nhỏ rồi thổi vào đó một khúc nhạc.

Princesse muốn vẽ lại những âm thanh trào ra từ chiếc vỏ ốc, một tiếng hú rền dài như tiếng gọi vọng đến chiếc tàu ngoài xa xa, một lời kêu cứu SOS với giai điệu chỏi. Nó muốn vẽ lại cảm giác của cát dưới ngón chân mình, tiếng vỡ giòn của những chiếc vỏ dã tràng khô khi nó bóp nát chúng trong tay. Nó muốn vẽ lại chính mình, nhưng cao hơn và nhiều đường cong trên thân thể hơn, với mái tóc đen óng mượt của loài tiên cá. Nó muốn khám phá ra nơi trời và biển gặp nhau, như đôi tình nhân muôn trùng cách biệt vừa được hội ngộ.

Princesse thong thả bước, tay cầm chiếc vỏ ốc. Nó ấn mạnh phần đuôi sắc của chiếc vỏ ốc vào ngón trỏ, vài giọt máu ứa ra. Những giọt máu nhỏ xuống phần trước ngực của chiếc áo lót trắng làm thành những đốm nhỏ chìm sâu vào làn vải, để lại đó những vòng tròn không cân đối. Princesse ngồi xuống trên mặt cát đang mát dần, nhìn đăm đăm vào những vết đốm trên chiếc áo lót trắng gần như mới tinh khôi nếu như không có những vết đốm đó, rồi nhận ra trong khoảng không gian hoang trống vô tận có đủ mọi điều khả thể.

 

*

 

Một tuần sau Catherine trở về. Princesse trở lại bãi biển thấy Catherine đang duỗi người trên chiếc ghế bố trong chiếc áo choàng đen, đọc một tờ tạp chí.

“Madame,” Princesse gọi lớn từ ngoài đường, hăm hở chạy ào đến Catherine.

“Chị xin lỗi,” Catherine nói. “Chị phải đi Paris.”

Catherine gấp tờ tạp chí, bước về phía ngôi nhà.

Đúng như Princesse đã đoán, tất cả những bức tranh đã biến mất. Catherine mời nó một ly rum pha đá nơi hiên nhà. Lần này Princesse vui vẻ nhận. Nó sẽ nhai vài lá bạc hà cho bớt mùi rượu trước khi về nhà.

Catherine không chú ý tới những đốm máu ố trên chiếc áo lót mà Princesse đã mặc mỗi ngày từ khi nó vẽ lên đó bằng máu của chính mình. Catherine lật nhanh qua tập tác phẩm mới nhất và kéo ra một bức tranh nhỏ vẽ Princesse đang nằm khoả thân trên tảng đá nơi bãi biển, mỗi tay cầm một ngọn nến.

“Chị có một loạt sáng tác mới khi chị ở Paris,” chị nói. “Đây, cái này là của cưng.”

Princesse nhìn trân trân vào sự tái-sáng tạo này, không nhận ra chính mình ngay lập tức, nhưng sau đó nó nhìn thấy trong gương mặt, trong đôi mắt, đôi bầu vú, một bản sao đích thực của thân thể mình.

Princesse nhìn chằm chằm vào bức tranh một lúc lâu rồi nó cầm lên, ôm ru nhè nhẹ như thể đó là một đứa bé. Đó là lần đầu tiên Catherine cho nó một trong những bức tranh của chính nó. Princesse có cảm giác như nó đã giúp để sinh ra một cái gì đó, mà nếu không có nó thì điều đó sẽ chẳng bao giờ hiện hữu trên cõi đời.

“Bạn chị, người hoạ sĩ mà chị từng mang đôi giầy bốt của ông,” Catherine nói, “chị muốn đi Paris chỉ để nhìn thấy ngôi mộ của ông. Chị không đến kịp để dự đám tang, nhưng chị muốn biết xương da của ông được yên nghỉ nơi nào.”

Catherine cho Princesse hai cái áo thun, một cái mua từ trung tâm Pompidou, một cái từ một bảo tàng viện tại Paris, nơi mà cô hy vọng một ngày nào đó những tác phẩm của mình sẽ được treo ở đó.

Catherine nói, “Ước gì chị đã có thể báo em biết là chị sẽ đi, nhưng ngay chính chị cũng không chắc chắn mãi cho đến khi lên máy bay.”

Princesse ngồi xuống bên Catherine, tay cầm bức tranh nhỏ của mình. Nó quen thuộc dần với những thứ nó nhìn thấy trên đó. Chắc hẳn là chính nó rồi, chính nó được tái tạo lại.

Princesse bàng hoàng nhận ra rằng đây là lý do mà nó đã muốn thực hiện những bức tranh: để có một cái gì đó để lại trong cuộc đời này sau khi mình đã qua đời. Một cái gì đó thể hiện những điều nó đã nhận thức được theo cách riêng của nó, cách mà chẳng có ai trước khi nó ra đời, hay sau khi nó mất đi, có thể có. Bầu trời với tất cả sự huy hoàng của nó đã hiện hữu từ bao giờ, ngay cả trước khi nó có mặt trên thế giới này, sẽ mãi mãi ở lại với những vì sao băng và những tán mây biến thể. Bờ cát và những âu yếm vỗ về của cát, vỏ ốc và giai điệu của vỏ ốc, cũng sẽ ở lại nơi đó, mãi mãi. Những gì thay đổi sẽ là những gương mặt của con người đã nhìn ngó và sờ chạm chúng, những gương mặt như gương mặt của chính nó, gương mặt này cũng đã khác hẳn so với cách đây vài năm trước, sẽ trưởng thành và thay đổi theo năm tháng dần trôi.

 

*

 

Chiều đó, khi Princesse đi lên con đường gần trường gà, tay ôm hình ảnh của mình đã được ghi lại trong một khoảnh khắc chẳng bao giờ tái hiện, thì có một người đàn ông bước ra khỏi sân, trên tay ôm một con gà trống rực đỏ với chiếc vớ đen trùm kín đầu nó. Con gà bất động không sinh khí dưới chiếc vớ đen, dù người đàn ông hớp vài ngụm rượu rum trắng, thổi phù phù thành một đám bụi nước vào cái đầu bị trùm kín. Vài giọt máu rơi xuống thành vòng tròn rồi biến mất vào đất.

Dọc hàng rào, ông già xỉn đang than van một bài hát mà Princesse chưa hề nghe ông hát bao giờ, một điệu buồn chờ mong gợi lại cho nó tiếng rền rĩ thảm thiết của chiếc vỏ ốc.

“Tui là một cha già có phước, một ngày tui được gặp cô em tới hai lần,” ông nói.

“Một ngày hai lần lận ha,” cô đáp.

Ông già dúi gót chân vào bụi đất khi bà vợ đi về phía ông, cố gắng đưa ông về nhà.

Princesse nhìn cặp vợ chồng họ từ một khoảng cách an toàn, tay bồng bức chân dung. Khi nó đã đi đủ xa để khỏi bị ai chú ý, nó ngồi xuống trên vệ cỏ dưới một gốc cây, rồi bắt đầu vẽ hai gương mặt của họ trên đất. Trước tiên nó vẽ dáng của ông già, rồi của vợ ông với cái rổ trên đầu, vắt qua ông như một vũ nữ ba-lê, không màng đến cái gánh nặng của mình.

Khi vẽ xong, Princesse đứng dậy bước đi, bỏ lại các gương mặt trống rỗng trên mặt đất cho những người tò mò đi qua vẽ thêm nét vào.

Trong một cái sân gần đó, một độ gà khác bắt đầu.

“Dớt nó đi, giết nó!” bọn đàn ông reo hò. “Chém đứt đầu nó. Chơi vô nào!”

 

 

------------------
Nguyên tác: "Seeing things simply", trong Edwidge Danticat, Krik? Krak! (New York: Vintage - reprint edition, 1996).

 

Những tác phẩm khác của Edwidge Danticat đã đăng trên Tiền Vệ:

Giữa hồ bơi và bụi dành dành  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi đã nghĩ bé là một món quà Thượng đế ban tặng khi tôi thấy bé nằm trong một chiếc khăn lông nhỏ màu hồng trên vỉa hè bụi bặm, cách không xa một rãnh cống mở hoác như miệng ngáp của đứa trẻ đói... [Bản dịch của Tôn Thất Huy & Thận Nhiên] (...)
Bảy  (truyện / tuỳ bút) 
Một tháng nữa sẽ đúng bảy năm tròn từ ngày anh quen vợ anh. Con số bảy, con số anh vẫn xem thường, bây giờ nghiệm ra, lại mang ý nghĩa sâu đậm. Có bảy ngày ở giữa những phiếu lương. Ngày làm việc của anh dài bảy tiếng, không kể giờ ăn trưa. Ban đêm, anh làm thêm việc khác, bảy tiếng nữa. Với tuổi tác của anh, bảy ở vị trí cuối, ba mươi bảy. Và bây giờ, chỉ còn bảy tiếng đồng hồ, vợ anh sẽ tới... [Bản dịch của Trịnh Thanh Thuỷ] (...)
Đàn bà đêm  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi co mình lại vì hơi nóng của đêm trên mặt. Tôi cảm thấy trần trụi như rách toạc da thịt. Đêm nay tôi già hơn nhiều so với hai mươi lăm năm tôi đã sống. Đêm là thời gian mà tôi kinh hãi nhất trong đời. Tuy nhiên nếu tôi muốn sống, tôi phải tuỳ thuộc vào nó... [Bản dịch của Thận Nhiên] (...)
Viết "Đàn bà đêm"  (tiểu luận / nhận định) 
Tôi đã viết "Đàn bà đêm" vào một đêm mất ngủ. Nằm trên giường, tôi bắt đầu tưởng tượng tôi đang chờ một người nào đó về nhà. Ngay lúc ấy, ý tưởng để viết truyện ngắn này chợt nảy ra trong óc tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021